Phụ lục
Thơ ngỏ cùng ông Nguyễn Trác
Nghị trưởng mới Viện Dân biểu Trung Kỳ


Kính ông,
Chúng tôi là một bọn người Trung Kỳ vào làm ăn trong Nam, mà phần nhiều là người hàng xứ có quen biết ông nhiều ít, nghe ông mới được bầu làm Nghị trưởng Viện Dân biểu thay cho ông Huỳnh Thúc Kháng, thì ai nấy đều ôm một cái cảm tưởng giống nhau và muốn phô bày cùng ông, nên mới có bức thơ ngỏ nầy.
Chúng tôi định mừng ông chăng? Theo thường tình thì từ cái ghế nghị viên mà được nhảy lên ghế nghị trưởng, có thế lực hơn, có danh giá hơn, cũng đáng mừng cho ông đó chút. Nhưng mà không, chúng tôi có phải là trẻ con đâu và có dám coi ông như trẻ con đâu mà hòng vì ông đốt pháo vỗ tay trong khi cái danh vọng xằng nó tìm ông mà đến?
Chúng tôi định trông mong ở ông chăng? Có lẽ, bất luận người nào lên làm nghị trưởng nơi nghị viện của chúng tôi thì chúng tôi đều có ý trông mong cho người ấy cả, huống gì là ông. Nhưng mà không, khi nào kia, chớ sau khi một ông nghị trưởng đã vì quá trung thành với quốc dân nên từ chức, mà lại có anh chàng kia lăn vào, thì chúng tôi có dại gì mà trông mong vào anh ấy làm chi? Rủi thay anh chàng ấy lại chính là ông!
ở nghị viện các nước thật có dân quyền, khi gặp cái "ca" như vậy, thì cái người nhảy ra thế chân nghị trưởng đó tất phải phát biểu ra một cái chánh kiến của mình, mà tha hồ cho chánh kiến ấy trái hẳn với của ông nghị trưởng mới từ chức. Vì có làm vậy thì mới đủ lý do cho mình nhảy lên ghế nghị trưởng, và tỏ ra cái sở dĩ ta không từ chức theo ông kia là do ở cái chánh kiến của ta, chớ không phải bởi lòng ham danh cầu lợi. Song le, ông Nghị trưởng mới ơi, ông nào có được thế đâu.
Chúng tôi chỉ đọc mấy lời trong bài diễn văn bế mạc của ông thì đủ thấy ông chẳng có một chút chánh kiến gì hết. Đoạn rất quan trọng trong bài của ông tức là đoạn nầy:


"Chính khi tôi nhận lấy cái gánh nặng ấy, thì trong viện kẻ về người ở, tình cảnh khó khăn, trên chánh phủ nghi có đảng nầy phái nọ, dưới nhân dân thì trách điều nọ tiếng kia, nhưng tôi sở dĩ cứ bạo gan mà đương lấy cái gánh nặng nầy, vì tôi đã xét rõ cái hiện tình hoàn cảnh bây giờ, nước Pháp với nước Nam rất có quan hệ với nhau, chánh phủ với nhân dân rất có quan hệ với nhau, đã xét thấy con đường đi như thế thì lẽ nào tôi lại từ chối mà lùi chân được?"


Rõ thật ông nói vu vơ quá đi, ông Nghị trưởng mới! Nước Pháp với nước Nam quan hệ nhau từ năm bảy mươi năm nay, còn chánh phủ với nhân dân thì dầu cho ở nước nào thời nào cũng quan hệ với nhau cả, cứ chi một hiện tình hoàn cảnh nước ta? Sự ấy một người dân thường cũng có thể hiểu được, lọ là học thức như ông mới xét rõ? Vì xét rõ cái hiện tình hoàn cảnh ấy nên ông mới bạo gan mà đương lấy gánh nặng, ông nói vậy thật chẳng có nghĩa gì, chẳng thà ông cứ làm thinh nhảy phóc lên ghế nghị trưởng còn hơn. Thế mà ông lại còn nói không thật tình với chúng tôi, vì cứ như tình hình nghị viện chúng ta mới rồi và theo cái thái độ của ông, thì cứ nằm sấp mà bò lên ghế nghị trưởng dễ như chơi chớ không cần phải "bạo gan" chút nào hết.
Sau đó ông lại có mấy lời nói riêng với quan Khâm sứ rằng:


"Kỳ khai hội mới đây, ông nghị trưởng Huỳnh Thúc Kháng thay mặt đồng viện đọc bài diễn văn, quan lớn thay mặt cho chánh phủ đọc bài phúc đáp, hai bài ấy xem có ý xung đột nhau, nay tôi xin phép quan lớn cho tôi đứng vào địa vị thứ ba tìm cách dung hòa..."


Ông phản phúc lắm, ông Nghị trưởng mới ơi, ông nói câu nầy chính là ông thú nhận cái tội phản phúc của mình. Ông đã nói ông Huỳnh Thúc Kháng thay mặt cho đồng viện đọc bài diễn văn, thế thì cái ý kiến của bài diễn văn đó tức là ý kiến của đồng viện, mà đã gọi là đồng viện thì tức là có ông ở trong. Bài diễn văn ấy đọc ra mà chánh phủ nghe theo, thì cái danh dự ấy ông cũng được một phần; đọc ra mà chánh phủ bác đi thì cái trách nhiệm ấy ông cũng chịu một phần mới phải. Nay ông đã đổ trách nhiệm vào lưng kẻ khác mà không từ chức theo người, thì đã quá rồi, lại còn vỗ bụng ra làm nghị trưởng, ngước mặt lên đòi đứng vào địa vị thứ ba mà dung hòa, là dung hòa nỗi chi?
Một ông Nghị trưởng như ông, là kẻ chúng tôi đã vẽ rõ ra cái thái độ và cái tâm thuật như trên đây, mà bảo dân chúng tôi còn đem lòng trông mong, như thế họa có dân chúng tôi là dại lắm!
ồ hay! đã không mừng cho ông, lại không trông mong ở ông, thì chúng tôi viết bức thơ ngỏ nầy cho ông làm gì?
Bỏ hết, chúng tôi bỏ cả nước cả dân cả sáu triệu đồng bào cho nó đi theo với những cái "ủy" cái "gật", chỉ lấy tình quen biết cùng ông mà bàn sự lợi hại riêng phần ông trong cơn ra làm nghị trưởng nầy.
Ông chắc cũng còn nhớ ông nguyên làm tri huyện Thanh Chương. Đương làm tri huyện, bỏ đi ra làm nghị viên, ai thấy vậy mà chẳng khâm phục cái chí khí của ông? Song, ai kia, chớ chúng tôi biết ông rõ lắm, chúng tôi biết rằng theo ông thì làm nghị viên có lẽ mau phất lên hơn là làm tri huyện.
Từ năm 1926, sau khi đắc cử nghị viên, ông đã đi khắp các tỉnh Trung Kỳ, từ nam chí bắc, và vận động cho được làm nghị trưởng. Một điều đó đủ làm cho chúng tôi thấy rõ cái bổn tâm bỏ ấn tri huyện của ông.
Gần nay ông lại cùng ông nghị viên tên là Trần Bá Vinh kêu hùn làm một cái công ty buôn gạo tại Thanh Hóa, tư bổn(*) nghe chừng đến hàng mấy mươi vạn. Chắc ông cũng nghĩ rằng giá choán được cái ngôi nghị trưởng ở nghị viện Trung Kỳ thì có lẽ phần hùn dễ kêu và công ty mau thành lập mà khỏi phụ cái lòng khẳng khái từ quan của ông vậy.
Song ông vụng quá, ông tính sai bét hết. Ông toan đi đường lợi mà sỉa(**) vào đường hại không hay.
Ông theo làm chi cái ông Trần Bá Vinh? Ông theo làm chi cái kế hoạch của ông Trần Bá Vinh?
Cái ghế nghị trưởng ở nghị viện Trung Kỳ, hết ông Huỳnh Thúc Kháng rồi thì đến ông, chớ có ai vô lọt, mà ông lại chẳng chịu nán đợi ít lâu, đành phạm muôn vàn mũi tên dư luận, vớt gương dưới đất, bẻ hoa cuối mùa!
Giá ông biết tính, thì ông nên tỏ ra cái thái độ điềm thối(***) trong lúc nầy, rồi khóa sau ông sẽ ra ứng cử lại. Bấy giờ chẳng những ông đắc cử, mà lá cờ nghị trưởng chẳng về tay ông phất thì ai? Bấy giờ khoan nói đến sự công ích của sáu triệu đồng bào, chỉ nói riêng về cái công ty của ông, thì muốn vững chãi đến đâu mà chả được? Song khốn thay, con mắt của ông chỉ vừa thấy đến lỗ mũi!
Ông choán làm chi cái ghế nghị trưởng chỉ trong mười ngày? Lợi cho ông là bao, mà cái hại cho ông về sau nầy không xiết kể!
Một điều mà chúng tôi có thể tiên tri được cách quả quyết là đối với nhân dân, ông đã mất lòng tín nhiệm rồi, ông còn mong chi cái chân nghị viên khóa sau, huống nữa là nghị trưởng? Mà sự thất bại ấy rồi sẽ có ảnh hưởng đến cái công ty của ông chẳng vừa.
ấy đó là chỗ ông thất sách mà chúng tôi muốn lấy tình quen biết phân trần cùng ông đó. Ông chớ phải ai đâu mà chúng tôi hòng đem đại nghĩa trách nhau.
Lo chi, có thất bại nữa rồi ông sẽ lộn ra làm tri huyện lại đó mà. Nếu vậy thì xin ông cũng hãy nhớ lời chúng tôi: Cái điều phản phúc, ở trong dân đảng đã bất dung rồi, mà ở trong quan trường lại càng nguy hiểm lắm.
Đây đã đến chỗ kết bức thơ nầy, chúng tôi xin dặn với ông một câu: nếu ông có tưởng tình chúng tôi thì khóa sau xin ông đừng ra ứng cử làm chi cho mệt.
Nước mây ngàn dặm, vàng đá một lời!


Một bọn người Trung ở Nam(*)
Đông Pháp thời báo,
Sài Gòn, s.789 (6.11.1928)

(*) tư bổn: vốn.
(**) sỉa: trượt (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ. Sđd.)
(***) điềm thối: chưa thật rõ nghĩa; điềm có thể hàm nghĩa điềm tĩnh; thối (thoái) có thể hàm nghĩa lui lại; nhưng không thấy dạng điềm thối trong các từ điển tiếng Việt xưa nhất hiện có.
(*) Trong số các đồng tác giả của bức thư ngỏ này hẳn có những người miền Trung, người Quảng Nam làm việc ở Đông Pháp thời báo như Bùi Thế Mỹ, Phan Khôi, v.v... Văn phong, cách lập luận ở bức thư ngỏ này khiến ta nghĩ rằng nó do Phan Khôi chấp bút. Xin lưu ý rằng Đông Pháp thời báo đã đăng toàn văn đơn từ chức Viện trưởng Viện dân biểu Trung Kỳ của Huỳnh Thúc Kháng và nhiều bài tường thuật, bình luận xung quanh sự kiện này với thái độ ủng hộ hành động của Huỳnh Thúc Kháng rất rõ rệt (NST).

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2006