MỘT CÁI GƯƠNG SÁNG CHO NGƯỜI LÀM MẸ

 

Bà Vương Thạc Nhân, mẹ ông Cố Viêm Võ

 

Bà Ellen Key, người nước Thụy Điển, là một trong tám nhà đại tư tưởng về sự cải tạo xã hội đời nay, liệt ngang hàng với những ông Karl Marx, Kropotkin, Tolstoi(*) cùng bốn ông nữa mà ở đây không kể hết. Bà đối với sự sinh hoạt của phụ nữ, có một cái lý tưởng khác với sự xu hướng của phụ nữ hiện thời. Bà cho rằng cái thiên chức người đàn bà không có gì lớn hơn là sự làm mẹ. Cái thiên chức ấy kêu là “Mẫu tánh”. Đàn bà sở dĩ làm đàn bà là ở như cái mẫu tánh đó ; nếu làm đàn bà mà không trọn cái thiên chức ấy, thì dầu có làm nên sự nghiệp gì cũng không đủ kể. Những sự vận động về nữ tử tham chánh, nữ tử chức nghiệp đời nay, bà ra ý phản đối riết, nói rằng làm như vậy là xui cho đàn bà giành xé với đàn ông, mà cũng lại bắt chước đàn ông, làm cho mất cái tôn nghiêm của mẫu tánh đi, rút lại đàn bà thành ra một giống dở cái dở đực, thật là sự không tốt vậy.

Theo như cái lý tưởng của bà Ellen Key đó, thì đàn bà phương Đông ta đời xưa thật đã có nhiều người đúng mực, đáng đem ra làm cái gương sáng cho mẫu tánh.

Trong một số P.N.T.V. trước, tôi có bài vận văn ca tụng mẹ ông Nguyễn Cao, đoạn mở có câu rằng :

Con hiền, mẹ thánh sanh ra,

Lại nơi cuối bài có câu :

Này ông con của mẹ ông,

đều là có ý quý trọng về mẫu tánh ; và bà mẹ ông Nguyễn Cao đó, là một cái gương làm mẹ ở nước ta vậy.

Nay nhân đọc truyện ông Cố Viêm Võ người Tàu, trong đó lại được một cái gương nữa.

Cố Viêm Võ(*), tự là Ninh Nhân, cũng kêu là Cố Đình Lâm, sanh ra cuối đời nhà Minh, người có đại chí đại tài, song không có công nghiệp gì hiển hách, chỉ làm một nhà học giả mà bao nhiêu học giả nước Tàu sau đó đều tôn là một bậc đại sư vậy.

Mẹ của ông không phải là mẹ đẻ, mà coi ông tức là con ruột, và ông cũng coi bà tức là mẹ ruột của mình. Trước khi kể chuyện nên để một ít thì giờ mà trầm trồ, lấy làm lạ cho mẹ con nhà nầy, lạ về cái cảnh ngộ của mẹ và con, lại lạ về cái nhân cách của mẹ và con nữa !

Nguyên lúc cuối đời nhà Minh, ở huyện Côn Sơn có người học trò tên là Cố Đồng Cát đi hỏi con gái của ông Vương Thuật, yên rồi mà chưa cưới, thì Cố sanh đau mà chết. Bấy giờ Cố sanh(*) 18 tuổi, còn người con gái bất hạnh ấy 17 tuổi.

Nghe tin Cố sanh chết, Vương thị bỏ ăn mấy ngày, rồi mặc đồ trắng mà thưa cùng cha mẹ rằng : “Con xin tế Cố lang một diên, rồi về, sẽ ăn”. Cha mẹ cũng chìu lòng, bèn sắm lễ vật đưa nàng đi. Đến nơi, nàng lạy linh cữu Cố sanh, tấm tức mà không khóc. Tế rồi vào nhà trong, lạy bà gia là họ Lý, xin ở luôn và trở ra thưa cùng cha mình rằng : “Lạy cha, lại xin gửi lời từ tạ mẹ, con không về nữa !”

Bà Lý thị khóc mà bảo nàng rằng : “Con có phải là gái thánh đi nữa, lẽ nào vì cớ con trai ta mà lụy đến con !”. Cha của Cố sanh cũng vừa khóc vừa nói : “Ta khen con có lòng tốt, nhưng mà chưa cưới, há có bụng dạ nào bắt con làm dâu nhà ta được !” Song nàng nói rằng : “Con có nghe : tin, là cái đức của đàn bà ; đã có lễ thỉnh kỳ rồi, thì thân con là người của họ Cố, nếu không ở nhà nầy thì đi đâu ?” Rồi đó, Vương thị ở luôn bên nhà họ Cố, sớm khuya thờ phượng chồng và hầu hạ gia nương ; vài năm mới về thăm cha mẹ một lần, mà hễ mai đi thì chiều về.

Vương thị ở với ông gia bà gia cực kỳ là có hiếu, đến nỗi bà Lý thị coi như con đẻ, thường nói với người nhà rằng : “Trước kia ta lo về nỗi con một mà bị trời cướp đi, may lại ban cho ta con dâu nầy, té ra số ta bao giờ cũng chỉ được một con, không được hai !”

Nàng Vương thị đó tức là bà Vương Thạc Nhân, mẹ ông Cố Viêm Võ sau này, mà Thạc Nhân là tên thụy riêng của bà.

Vương thị ở như vậy được 12 năm, Cố Đồng Ứng, anh em chú bác với Đồng Cát, sanh đặng một con trai, bà xin làm con nuôi, lập tự cho vợ chồng mình, con trai ấy, tức là ông Cố Viêm Võ.

Bà nuôi Viêm Võ như là con mình đẻ ra. Hồi Viêm Võ chưa đến tuổi đi nhà trường, chính bà dạy cho đọc sách tiểu học. Trong bài hành trạng của bà, mà ông Viêm Võ làm ra có nói rằng :

“Ban đầu mẹ tôi làm dâu 17 năm, mọi việc trong nhà đều là bà nội tôi coi ngó. Mẹ tôi thì ở trong phòng riêng, ban ngày kéo vải hoặc dệt, ban đêm xem sách đến canh hai mới nghỉ. Sáng sớm dậy, gỡ chải rồi lên hầu viếng ông bà tôi, như vậy không hôm nào sai. Mẹ tôi ưa xem những sách Sử ký, Thông giám, Bổn triều chánh kỷ, nhứt là việc các ông danh thần, như ông Lưu Văn Thành, ông Vu Trung Túc, thì hồi tôi mới mười mấy tuổi, đã đem mà dạy tôi. Khi bà nội tôi mất rồi, mẹ tôi coi lấy việc nhà, việc lớn việc nhỏ đều có phép tắc. Có một người tớ gái họ Tào, cả đời không lấy chồng, ở với mẹ tôi cho đến già. Mẹ tôi có 50 mẫu ruộng, là của hồi môn, mỗi năm thâu nhập huê lợi bao nhiêu đem chia cho họ hàng, không hề chứa làm của riêng”.

Coi một đoạn lược sử đó thì bà Vương thị chẳng qua là một người đàn bà hiền đức mà thôi, chẳng có gì cho lạ ; lạ là khi bà chết.

Năm bà 51 tuổi, ông gia đương còn, Viêm Võ đã lớn, thì được nhà vua sinh biểu cho, trong một nhà, ông cháu mẹ con sum vầy hớn hở, lấy làm vinh hạnh. Chưa được bao lâu, gặp vận nước tan tành mà nghiệp nhà cũng sa sút.

Bấy giờ trong nước Tàu giặc nổi tứ tung, sau đó tám năm thì vua Sùng Trinh băng, lại một năm nữa thì binh Mãn Thanh đã vào tận Nam Kinh rồi. Tháng bảy năm ấy, huyện Côn Sơn thất thủ, bà nghe tin, bỏ ăn mười lăm ngày rồi mất. Vừa liệm xong thì quân giặc đã kéo đến tận làng. Khi hấp hối, bà trối cùng Viêm Võ rằng : “Ta tuy là đàn bà, đã chịu ơn nước thì chết theo với nước, là phải ; còn con, chớ làm tôi nước khác, chớ phụ ơn nước đời đời, chớ quên gia huấn của tổ tiên, được vậy thì ta mới đành nhắm mắt nơi suối vàng”. Bà thọ được 60 tuổi.

Năm bà mất đó, ông Cố Viêm Võ ba mươi tuổi. Từ nhỏ đến lớn, được dạy dỗ đã nhiều, đến khi nước mất nhà tan lại được nghe mấy lời nghiêm huấn của từ mẫu, thì lòng ông cảm động và thiết tha là dường nào. Cho nên cả đời ông nêu ra một cái nhân cách giống hệt như cái nhân cách của mẹ ông vậy.

Ông Cố Viêm Võ hồi nhỏ đã có chí lớn, có tánh cao thượng hơn người, lại tướng mạo cũng lạ nữa, tròng con mắt giữa trắng mà bốn phía đen. Ông chơi thân với một người danh sĩ ở cùng làng, tên là Quy Trang, người này cũng có vẻ lạ như ông, nên bấy giờ có tiếng đồn rằng : “Quy kỳ Cố quái”.

Hồi binh nhà Thanh lấy Giang Nam, ông có nhóm bạn đồng chí dấy nghĩa binh, giữ đất Ngô Giang, nhưng sau rồi bị thất bại. Sau khi mẹ mất, ông bỏ nhà bỏ vợ, bôn tẩu khắp trong nước, nhất là mấy tỉnh Sơn Đông, Trực Lệ, Hà Nam, Sơn Tây. Ở đó ông xem xét hình thế, giao kết với những người hào kiệt, lại lập đồn điền ở mấy nơi hiểm yếu để làm cái cơ sở khôi phục lại nước nhà. Song vì thế lực nhà Thanh mạnh quá, không làm gì nổi. Rút lại ông già yếu rồi chết tại nhà một người bạn ở Sơn Tây, không có con. Kể cái đời ông, nửa đáng khóc mà nửa đáng ca, vì trong cái vẻ cô cao lại có cái chìu thê thảm.

Cái chí phục quốc của ông tuy không thành, song về sự học của ông thì được kết quả tốt lắm. Cả đời lưu ly khốn đốn như vậy mà đã làm ra không biết bao nhiêu là sách.

Trong khi ông đi đường, dùng hai con ngựa thay đổi mà cưỡi, và

hai con lừa chở sách theo. Thường ngồi trên ngựa mà đọc, vào quán nghỉ thì mở ra biên chép.

Ông trứ thuật ra được 38 bộ sách. Bộ Nhựt tri lục 32 cuốn, là sách ông đã dùng cả tinh lực một đời mà làm ra. Lại một bộ Thiên hạ quân quốc lợi binh thơ 120 cuốn, cùng các bộ khác nữa, đều là sách có giá trị cả.

Ông thiệt đã giữ cái tiết tháo mình trong sạch và trọn vẹn y như lời trối của mẹ. Bấy giờ nhà Thanh mở khoa Bác học hồng từ, có nhiều vị đại thần trong triều muốn tiến cử ông, ông đều cự tuyệt, thà chịu chết, không thà chịu ra làm quan với nhà Thanh. Có một lần ông bị người ta vu hãm, hầu phải tử tội. Người bạn của ông bèn vì ông mà cầu cứu với ông Tiền Khiêm Ích. Tiền buộc ông phải xưng là môn hạ mình, mới chịu cứu ; người bạn tính đem việc ấy nói với ông thế nào ông cũng  không nghe, bèn giả làm một cái danh thiếp của ông xưng môn hạ mà đưa cho Tiền. Tiền Khiêm Ích chẳng là cựu thần nhà Minh mà đầu về nhà Thanh, ông vẫn lấy làm khinh bỉ, biết được việc người bạn làm, thì một hai đòi cái danh thiếp lại. Đòi không được, ông bèn dán giấy để bày tỏ chuyện mình, như ta bây giờ đăng báo đính chánh vậy. Kể một vài việc đó, đủ biết cái nhân cách của ông là cao và cũng  là khác thường nữa.

Cái nhân cách ấy nếu có phải là trời phú cho nữa, thì cũng chỉ là một điểm để  làm cái cốt mà thôi, còn sự tập rèn bồi dưỡng cho thành ra một bậc vĩ nhân như vậy, ta phải nhìn nhận là công của người hiền mẫu.

Mẹ ông Cố Viêm Võ chỉ có công nuôi không có công đẻ mà con còn như thế, huống chi là một người mẹ hiền cả đẻ lẫn nuôi. Vậy thì ta trông trong nước có nhân tài mà trông ở cái khí thiêng chung đúc của non sông, thật không bằng trông ở sự giáo hóa của người từ mẫu vậy.


 

PHAN KHÔI

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.19 (5.9.1929)


(*)  Petr Alexandrovich Kroptkin (1842-1921), công tước Nga, nhà cách mạng, lý thuyết gia của chủ nghĩa vô chính phủ (anarchisme), là nhà địa chất từng luận chứng về lớp băng cổ ở Bắc và Trung Âu, là nhà địa lý từng thực hiện một loạt chuyến đi mạo hiểm đến vùng đông Sibir. (*) Tolstoi đây là nói đến Lev Nikolaevich Tolstoi (1828-1910), bá tước Nga, nhà văn.

(*)  Cố Viêm Vũ (1613 – 82), nhà tư tưởng thời cuối Minh đầu Thanh ; tham gia kháng chiến chống nhà Thanh ; thất bại, đổi họ tên là Tưởng Sơn Dụng, sống ẩn dật ở vùng Giang Nam.  (*) Cố sanh (Cố sinh) : chàng Cố.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2006