I. CÁI THÁI ĐỘ HẪNG HỜ VÀ KIÊU CĂNG CỦA ÔNG NGUYỄN PHAN LONG, CÁC ÔNG HỘI ĐỒNG QUẢN HẠT, ĐẢNG LẬP HIẾN VÀ ĐUỐC NHÀ NAM

 

Đuốc nhà Nam ra ngày 23-24/6, ông Nguyễn Phan Long cả gan vu cáo cho Trung lập chúng tôi là binh vực đảng cọng sản, phản đối với phần đông quốc dân, mà lý do của ông không sung túc. Trong số Trung lập trước, chúng tôi đã phân cớ sự ấy cùng trên là chánh phủ, dưới là quốc dân rồi. Nếu sau nầy “ra trước mặt pháp luật” mà ông Long không đủ lẽ để binh vực cho lời nói khống tố của ông thì cái tội vu cáo, ông sẽ không chạy đi đâu cho thoát. Bởi vậy, về sự đó, chúng tôi không vội chi nói đến ; hôm nay chúng tôi xin nối lời trong Trung lập ngày 21 Juin mà công kích cái thái độ ông Nguyễn Phan Long, của các ông Hội đồng quản hạt, của đảng Lập hiến, của Đuốc nhà Nam đối với các cuộc biểu tình ở Nam kỳ vừa rồi.

Điều thứ nhứt, chúng tôi công kích ông Nguyễn Phan Long, các ông hội đồng quản hạt, đảng Lập hiến không chăm chỉ về việc phận sự mình, ra dáng hẫng hờ, nhút nhát, gặp khi trong xứ có việc rối ren, trên chánh phủ nhọc lòng dưới nhơn dân bị hại mà nỡ ngồi yên, không đứng ra mà can thiệp.

Thật vậy, trong khoảng từ ngày 1er Mai đến ngày 4 Juin, có cả thảy gần đến mươi cuộc biểu tình, chính là lúc chánh phủ cần giữ cuộc trị an, sao không thấy các ổng đến quan Thống đốc mà phân trần lẽ gì, hay là đăng lên báo, lấy danh nghĩa đảng Lập hiến hay là danh nghĩa Hội đồng quản hạt mà chánh thức tuyên bố cho nhân dân về sự lợi hại làm sao ? Đợi cho đến ngày 6 Juin, mọi nơi đã yên rồi, quan Thống đốc gõ điện thoại mời ông Long, ông ấy bèn cùng đồng liêu mình lên hầu chuyện quan Thống đốc ; sau đó mới chịu đăng báo mà nói nầy nói kia thì đã trễ quá rồi.

Đuốc nhà Nam ngày 23 Juin, ông Long có binh vực cho mình rằng vì các cuộc biểu tình hồi đầu không có ý cọng sản, đến sau thấy có ý cọng sản, nên các ổng mới can thiệp vào, như vậy thì sự can thiệp của các ổng không phải là muộn. Song chúng tôi phải lấy sự thực làm chứng, để tỏ ra rằng lời đó là lời nói quanh.

(Kiểm duyệt bỏ)

Ông lại hỏi chúng tôi làm sao biết ngày 4 Juin thì mọi việc biến động đã yên. – Sao lại không biết ? Hễ thấy không có biểu tình ở đâu nữa hết thì biết là yên chớ sao ? Mà không yên sao đặng ? Có người nào là người liều mạng mãi được sao mà không yên ?

Mà đừng nói dài lời làm chi ! Cái bổn phận các ông làm Hội đồng quản hạt là phải can  thiệp ngay vào việc nầy từ hồi đầu. Cái mục đích can thiệp để làm gì ? Là trước cho chánh phủ vững nền trị an, sau cho anh em dân nghèo khỏi bị thiệt mạng.

Đáng lẽ các ông phải can thiệp mà xin chánh phủ đổi cách đối phó rồi, hà tất đợi đến một  tháng trời làm chi ?

(Kiểm duyệt bỏ)

nếu các ông quả có lòng yêu nước thương dân thì cái lòng ấy há để các ông ngồi yên mà ngó hay sao ?

Theo các lẽ trên đó thì trong cuộc biến động mới rồi đây, hết thảy các ông là người có phận sự đều tỏ ra cái thái độ hẫng hờ, thờ ơ, nhút nhát, chẳng được việc gì cho chánh phủ và quốc dân hết.

Chúng tôi nói các ông nhút nhát, là vì thấy cái thái độ hẫng hờ thờ ơ ấy mà biết rằng hồi đầu các ông sợ đủ ba bên bốn bề, sợ chánh phủ, sợ quốc dân, sợ cọng sản, mà không dám can thiệp. Sau có ông De Lachevrotière tố cáo các ông trong báo La Dépêche, các ông mới sởn tóc gáy lên ; kế đến quan Thống đốc mời, rồi các ông mới thậm thà thậm thụt mà đến hầu chuyện ngài. Nhút nhát như vậy mà lại còn nói cầu cao nữa. Đuốc nhà Nam nói rằng có quan Thống đốc mời mới đến ; nếu không thì các ông có đến làm chi ? có can thiệp làm chi ?

Bây giờ chúng tôi hỏi thiệt các ông. Các ông có dám nhận rằng nhờ các ông can thiệp từ ngày 6 Juin mà cuộc biến động mới yên không ? Nếu các ông không nhận thì sự can thiệp của các ông ra vô ích. Bằng các ông nhận thì, quả thiệt các ông dám xóa bỏ hết những công cán của quan Toàn quyền, quan Thống đốc và của các quan võ, của các toà cảnh sát, của cả đội pháo binh. Lý sự sờ sờ ra như vậy, chúng tôi đố các ông chạy đường nào cho khỏi mang tiếng hẫng hờ, thờ ơ, nhút nhát ?

Lại còn nếu các ông nhận sự yên ổn nầy là nhờ công can thiệp của các ông thì người ta lại có thể chỉ ngay vào mình các ông mà nói rằng chính các ông là cọng sản. Cái chứng cớ rành rành ra đây nầy : Sao chánh phủ dẹp cả tháng không yên mà các ông chỉ ra nói mấy tiếng thì yên liền ? Như vậy, duy có chính các ông là cọng sản hiệu lịnh tự các ông cho nên mới buông ra và thâu vào dễ dàng như vậy.

Nhưng cái đó là nói mà nghe, chớ Trung lập có phải tiểu nhân như ai đâu mà hòng vu cáo cho người ta. Tuy vậy, biết đâu được ? Nếu chính mình các ông là cọng sản thì ai biết được ?

Bài tiếp đây sẽ nói về điều thứ hai.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s.6181 (26.6.1930)

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2004