VI. ĐẢNG LẬP HIẾN VỚI THANH NIÊN

Trong đường chánh trị chỉ có lý trí mà thôi, xen cảm tình vào là hư việc

Trong bài vừa rồi, chúng tôi cho câu chuyện đảng Lập hiến với thanh niên là câu chuyện kỳ quái nhứt và lý thú nhứt, quả thiệt như vậy. Nó kỳ quái, là ở tại cái chỗ hai bên không đồng ý kiến với nhau mà lại muốn dính dấp nhau ; nó lý thú, là ở tại cái chỗ sau khi ngã nghiệp rồi, hai bên đều lần lần giang ra xa nhau mà không ai nói được nửa lời, vì bên nào cũng có điều nói ra không tiện.

Cái chuyện trang  nghiêm trên đàn chánh trị mà lại đem thí dụ với cái chuyện trăng gió vật vờ, thì sao cho khỏi có người trách là khiếm nhã ? Chớ thiệt, cái thí dụ nầy hay quá, bỏ đi, tiếc thiếu điều đứt sợi tóc !

Người ta nói rằng cái hồi cụ Sào Nam về, cụ Tây Hồ chết, kế cụ Bùi đi thụng thịnh ở dưới tàu bước lên bến Sài Gòn, cái hồi ấy, ở Nam kỳ nầy, cái cảnh tượng rộn rịp khác nào một rạp hát cải lương ? Trong rạp ấy có một cặp trai gái đương bắt nhơn tình với nhau, ấy là chú Thanh niên với cô lỡ thì Lập hiến.

Chú nầy ngớp ngớp tưởng cô kia má nhăn vú xệ mặc lòng chớ trong tay có những mấy chục ngàn, âu là chi lấy đại. Còn cô kia, ưng thì chẳng ưng là mấy, mà không thì cũng chẳng nói cho dứt khoát rằng không. Hai bên cứ ừ ừ è è với nhau trăng gió vật vờ đâu mấy tháng, đã toan dọn nhà về ở chung, tới một bước nữa đã toan làm hôn thú, mà té ra rồi thành câu chuyện hão. Ấy là vì chú kia thì nóng tánh, mà nặn vọt(*) cho mấy, cô kia cũng chẳng chịu lòi tiền. Rồi đó duyên một ngày một lợt, tình một ngày một phai, tự nhiên đánh chữ làm thinh mà bẻ gãy chữ đồng, ra tuồng hai bên đều mắc mớp(*).

Thật vậy, hồi đó có một bọn thanh niên, chừng như họ mượn tờ Đ.P.T.B. làm cơ quan thì phải, trước khi cụ Bùi về, họ la lối om sòm, biểu đồng bang phải kéo cả tòa ra bến tàu mà rước. Ấy là họ “ve” cụ Bùi chơi đó, chớ có gì đâu ! Họ có lòng sốt sắng thiệt, có tư tưởng cấp khích thiệt, song bọn thơ sanh chỉ có hai bàn tay trắng mà làm gì, thì họ muốn nhờ thế lực cụ Bùi cũng phải. Rồi đó hai bên nói với nhau làm sao chẳng biết, ở ngoài chỉ nghe phong thanh rằng rồi đây đảng Lập hiến sẽ hiệp tác với đảng Thanh niên (bấy giờ có đảng Thanh niên thiệt), nhưng rồi không thành. Trời ôi ! khéo nói ! người ta đã biết thừa đi, hiệp tác làm sao đặng mà mong hiệp tác ?

Nếu muốn nói kỹ thì chỗ này nên nói đến những chuyện ông Nguyễn Phan Long đi Tây Ninh trong ngày làm mê-tin ở Xóm Lách, những chuyện ông Đốc phủ Bảy có ngồi thình thình trong đám mê-tin ấy, những chuyện ông Nguyễn An Ninh vào là .. . . . . .  nhưng mà nhận lớp bớt đi, thứ tuồng dở mà hát dai, có làm chi ?

“Mặt trời đi chung quanh trái đất” mấy vòng chẳng biết, thì có cuốn Gỡ mặt nạ thượng lưu ra đời. Ấy khoan ! Đừng thấy có người nói cuốn sách bé con nầy xuất bản nhờ có kẻ nghịch với đảng Lập hiến cho tiền mà khinh nó. Nó linh thiêng lắm đa, nó có thế lực lắm đa, nó nói có lý lắm đa. Mấy ông Lập hiến xếu mếu đi là cũng vì nó, chẳng phải dỡn, đừng khinh.

Đó là tới cái ngày kết quả của đảng Lập hiến đối với Thanh niên rồi đó. Chỉ nói sơ sơ vậy cũng đủ. Rồi mới cho phép chúng tôi hỏi : cái kết quả dở tuồng như vậy là tại ai ?

Khỏi ai trả lời hết, để chúng tôi trả lời luôn thể : Tại mấy ông Lập hiến, chớ tại ai ? Tại mấy ông dầu không phải Lập hiến mà cũng như Lập hiến, chớ tại ai ?

Theo cái mực thẳng băng trên con đường chánh trị, việc gì cũng phải cứ lấy lý trí (raison) mà phán xét, chớ nhứt định không được xen vào một mảy cảm tình (sentiment). Nên thuận chánh phủ hay là nên nghịch chánh phủ, nên ôn hòa hay là nên kịch liệt, mình đã quyết đi đường nào rồi, thì cứ đi một đường ấy, chớ không có thể bước cẳng hàng hai. Nếu người nầy nói thế nầy, mình cũng ừ một cái, người kia nói thế kia mình cũng ừ một cái, ừ chẳng có mục đích chi cả, ừ kẻo mích lòng, ấy là xen cảm tình vào rồi, hư việc là ở đó.

Giá hồi cụ Bùi ở Tây về chi hậu, cho ngay tờ Đuốc nhà Nam ra đi, hai tay bợ cái chủ nghĩa Lập hiến giơ lên cao cho thiên hạ thấy, rồi nói hẳn với mấy ông thanh niên rằng chúng tôi làm như vầy đây, các ông có bằng lòng đi một đường với chúng tôi thì đi, không thì đi đường khác. Như vậy, cứ trắng ra trắng, đen ra đen, ai nấy cho biết mà tự xử, có phải khỏi làm khó cho người mà cũng dễ cho mình nữa không ? Cái nầy, chừng như ấp úng với nhau sao đó, cho nên mới có câu chuyện bất bình trong cuốn Gỡ mặt nạ.

Kỳ quái quá ! như chuyện lập mê-tin ở Xóm Lách, có phải là chuyện êm thấm dịu ngọt như chuyện diễn thuyết trong các nhà hội khuyến học đâu mà mấy ông Lập hiến lại dự vào ? Hễ đã dự vào thì phải thủy chung kỳ sự, chớ có ai cho phép rút dù sau khi thất bánh và bể luôn cả dĩa ? Vậy mà bữa đó, ông Lê Quang Liêm tức Bảy ngồi chủ toạ, rồi đến khi ông Ninh bị bắt, ông Bảy chẳng hề được một tiếng chi. Chỗ nầy cũng nên trách tới ông Long nữa, mà trách ông là trách ông, chớ không nói ông là đảng viên Lập hiến : Ông đi Tây Ninh thì cứ việc đi, hà tất phải để thơ lại biểu đồng tình với cuộc mê-tin ấy ? (Còn sự ông đi Tây Ninh thì quả thiệt, vì chúng tôi có nhận được bút tích ông đề nơi hòn đá sau bếp ông Nhứt Thiện, đúng ngày có hội mê-tin).

Tóm lại mà nói, như lời chúng tôi trong bài trước, thiệt các ông không có đủ tài, không có đủ can đảm để chống lại với cái tư tưởng bọn thanh niên. Hồi kỳ thủy các ông cũng chè chè, cũng mầy mà cho qua việc, không ngờ đến sau đổ bể việc nầy việc khác, làm cho các ông mang tiếng ; mangtiếng thì sự đã đành !

Hoặc giả có người sẽ lấy lẽ nầy để binh vực mình, nói rằng trong đồng bang nên hiệp lại cho mạnh chớ không nên chia ra. Xin chớ có ai nói câu ấy ra mà nghe nó vô lý quá. Vô lý là vì : nếu như vậy thì thôi còn lập đảng ra làm chi ? Lập đảng là có ý chia rồi. Mà chia là phải. Trong đường chánh trị có nhiều ý kiến không đồng nhau, duy có những người đồng nhau mới nhập làm một đảng. Bởi vậy ở các nước, mỗi một nước có đến mấy cái chánh đảng.

Xin độc giả coi cho kỹ, trong bài nầy chúng tôi không có ý phê bình đảng Lập hiến là phải hay Thanh niên là phải. Chúng tôi chỉ nói bên nào có cái chánh kiến bên ấy thì cứ việc mình mà làm, đừng có ghét gẫm với nhau. Nhứt là bên Lập hiến, đã không cản ngự được cái phong trào thanh niên thì thôi, nên xa họ ra, đừng có léo(*) tới mà mang tiếng.

Muốn cho rõ nghĩa trên nầy, số tới sẽ nói về sự hiệp quần và phân đảng.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s.6192 (9.7.1930)


 

(*) nặn vọt : nài xin hết cách ; mắc mớp : bị lừa gạt (theo H.T.Paulus Của, sđd.)

(*) léo : tới gần, lại gần (theo H.T. Paulus Của, sđd.).

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2004