KHOA HỌC THƯỜNG THỨC :

TRÍ KHÔN CỦA LOÀI SÂU BỌ

 

 

 

Mục nầy bổn báo mở ra từ hồi đầu, do cô Băng Tâm viết được một ít lâu, nhưng sau lại bỏ dở một hồi, là vì tưởng rằng độc giả không mấy lưu ý đến vấn đề khoa học. Song gần đây bổn báo tiếp được nhiều thơ yêu cầu, nên chi bổn báo lại mở mục nầy lại. Mục nầy đăng những bài như bài sau đây để lần lần đưa độc giả đến cái chỗ hứng vị của khoa học, do cạn vào sâu, từ thấp lên cao. Những bài nầy hoặc dịch hoặc viết, cũng đều đã trải qua một lần kiểm điểm bởi sự tri thức tinh mật của người viết hoặc dịch đó, chớ không dám nhè sự mình không biết mà nói liều. Văn thì dùng lối văn rất đơn sơ rõ ràng không cầu cho hay, chỉ cầu cho rành rẽ, đâu ra đó. Mục nầy đặt tên “Khoa học thường thức” ấy chỉ là những cái thường thức trong khoa học đó thôi ; một ngày kia chúng ta đưa nhau đến chỗ tinh vi của khoa học, đó mới là chỗ mục đích của chúng ta mong đạt đến vậy.

P.N.T.V.

Tiếng ta, chữ “sâu bọ”dùng để kêu hết thảy loài trùng hoặc côn trùng, cả thứ có cánh và thứ không cánh. Nhưng chia ra thì thứ không cánh, gọi bằng “sâu” : như những sâu đo, sâu rạm, sâu keo… cho đến con tằm, con cuốn chiếu, con rít (rết) cũng vào thứ đó ; còn thứ có cánh gọi bằng “bọ” : như bọ vừng, bọ hung, bọ chét… và gồm luôn những con như chuồn chuồn, bươm bướm vân vân… Vậy khi nào kêu “sâu bọ” tức là chỉ chung hai thứ có cánh và không cánh, nó là loài động vật mà mình nó có từng lóng từng

đốt, hoặc bay được, hoặc không bay được.

Thế thường hay nói loài động vật trừ người ta ra không có trí khôn. Con chó biết giữ nhà, con gà biết gáy ban mai, chẳng qua là cái bổn năng (instinct) của nó, chớ không kêu là trí khôn được ; trong khi nó cử động đó là theo sự tự nhiên, chớ không do ý thức của chính mình. Huống chi đến loài sâu bọ thì người ta cho là loài rất thấp trong động vật, còn có trí khôn gì đáng nói nữa ?

Tuy nhiên, con mắt người thường thì nói như vậy, còn con mắt nhà khoa học lại khác. Muốn biết loài sâu bọ có trí khôn hay không, và trí khôn của nó thế nào, thì ta nên hỏi các nhà khoa học, họ sẽ lấy cái kết quả của sự nghiên cứu mà trả lời cho ta một cách vừa lòng.

Đây nhẫn xuống muốn giãi cái vấn đề ấy, chúng tôi lấy tài liệu ở một bài khảo cứu trong một tập tạp chí của người Tàu, mà họ đã dịch của Tây ra.

Một nhà tự nhiên học (naturaliste) Ăng Lê, giữa một buổi chiều, đương đứng chờ chuyến xe điện trong thành phố nọ, thình lình có một tấn hý kịch rất ngộ nghĩnh diễn ra ở dưới chân mình. Ấy là một bầy kiến kéo đi một tua dài ngang qua đường sắt, định đến cái gốc cây bên kia đường. Bỗng đâu những thớt xe rùng rùng chạy đến, những bánh nó miết trên đường sắt, bấy giờ những con kiến nào vừa ưa bò qua đó đều bỏ mạng dưới bánh xe. Thấy vậy, những con kiến đồng hành còn sống sót, bỏ chạy tở mở tưng bừng, không còn đi theo đội ngũ như trước. Thế nhưng một lát chúng nó tìm ra được phương pháp để ngăn  ngừa cái tai hoạ thảm độc ấy. Chúng nó xoi một cái lỗ trống xuyên qua dưới mỗi một cái đường rầy, rồi theo con đường mới ấy kéo nhau đi rất bình yên !

Nhà tự nhiên học bấy giờ quên lửng chuyến xe mình chờ. Thầy ta vừa sửng sốt, vừa mừng rỡ, bèn dùng những mảnh đá vụn lấp những cái lỗ ấy đi, để coi thử bầy kiến đối phó cách nào. Ngờ đâu bầy kiến chẳng vì cớ đó mà rủn chí, lại rủ nhau đi soi những lỗ khác.

Theo những sự thiệt mà người ta đã xem xét được gần nay, có nhiều điều giống như vậy, tỏ ra rằng loài sâu bọ cũng có đủ sức suy lý (raisonnement), giống với nhơn loại. Còn có một nhà chuyên môn học về sâu bọ nữa cũng có kinh  nghiệm được một việc tương tợ với việc ấy. Ấy là việc đã chép trong sách Cái vấn đề bổn năng và trí khôn (Problèms of Instinct and Intelligence) của ông Hingston, người Ăng Lê.

Có một lần, nhà chuyên môn ấy thấy một bầy kiến thiệt đông bò qua cửa sổ hầu đến trong phòng ăn của mình. Muốn dứt đường chúng bò vào, ông ấy bèn trải một tờ giấy có bôi keo nơi ngạch cửa sổ. Vậy mà bầy kiến cũng chẳng chịu thua. Sau khi một vài con bị dính cẳng trên keo rồi, cả bầy kéo đi hết, một lát lại trở lại, đem tới những là cát, đất bột, mạt cưa đủ thứ. Chúng nó dùng tài liệu ấy đắp một con đường đi băng qua tờ giấy keo, rồi do đó mà bò thẳng tới trong phòng ăn, chỗ để cái vịm đường !

Những sự thiệt giống như vậy đó, chúng ta sẽ lấy gì mà cắt nghĩa nó cho ra ? Cứ như nhà sanh vật học nước Pháp là ông Jean Henri Fabre, thì ông nói quyết rằng mọi sự hành vi động tác của loài sâu bọ đều là bị cái bổn năng xúi giục, nhắm mắt mà làm, chớ không có ý thức gì cả. Nhưng cái thuyết ấy đã bị ông Hingston bác đi rồi. Ông nầy từng lắm phen nghiên cứu về loài sâu bọ ở miệt rừng rậm về dải núi Hymalaya và ở các nơi đồng bằng đất Ấn Độ cùng đất Mésopotamie, kinh nghiệm đã nhiều, nên ông nói có phần chắc chắn tin được.

Nguyên trước đây mấy năm, cũng một nhà sanh vật học Ăng Lê là ông Lord Avebury có lập ra một cái thuyết nói rằng loài sâu bọ là giống động vật có tin tưởng, vả lại trí khôn của loài kiến chỉ kém trí khôn loài người một bậc mà thôi. Cái thuyết ấy đã làm cho các nhà khoa học thời bấy giờ thảy đều kinh dị. Nay ông Hingston tìm tõi được nhiều sự thiệt, tỏ ra rằng loài sâu bọ có đủ lý trí (raison) và ký ức (mémoire), thiệt là đủ mà chứng minh cho cái học thuyết của ông Lord Avebury vậy.

Trong những sự xem xét được của ông Hingston có thú vị nhứt là khi ông ở miền trung Ấn Độ đã tìm ra có một loài kiến có nuôi “bò sữa”. Mà chẳng những chúng nó biết nuôi “bò sữa” thôi đâu, lại khi nhốt, khi thả, cũng đều tinh khôn lanh lảu như kẻ chăn của loài người. Cứ như trước kia đã lâu thì người ta vẫn biết rằng giống kiến ấy thiệt có nuôi “bò sữa”. Đây  nói “bò sữa” nghĩa là sánh với loài người nuôi bò cái để vắt sữa thì giống kiến ấy cũng có nuôi một giống mọt, kêu là Aphids, giống mọt nầy trong mình nó có chảy ra một thứ nước ngọt mà giống kiến nọ thích ăn. Khi kiến ta muốn “vắt sữa bò” thì mổ trên lưng mấy cái, liền có nước ngọt chảy xuống. Nó lại có làm “chuồng bò” cho con bò sữa nó ở. Trước kia người ta chỉ biết như vậy mà thôi, đến ông Hingston mới tìm ra được những sự chẳng ngờ, là sự giống kiến ấy biết chăm chút bò sữa mình cách nào, khi bò sữa sẩy chạy, nó làm cách nào mà tìm lại được.

Cái “chuồng bò” của giống kiến ấy thường là cái buồng hình khuôn thuẫn hoặc hình đường hầm, như đường hầm xe lửa, làm bằng các thứ lá cỏ vụn xen với tơ. Còn cách chúng nó lùa bò sữa đi ăn, coi rất ngộ nghĩnh. Ông Hingston từng coi mấy con kiến lùa một con bò sữa đi, leo lên một nhánh cây mà tới chỗ có bóng mát. Trước hết mấy con kiến dỗ con mọt ấy leo lên, rồi theo sau lấy cặp vòi đẩy tới, giống như người chăn trâu bò cầm roi mà lùa đi vậy. Ví bằng con mọt quay lại, thì chúng nó đẩy cho đi tới ; còn ví bằng nó leo bậy qua một nhánh cây khác, thì trong mấy con kiến, có một con bò quanh theo nhành cây ấy, tới đằng trước mà đón đầu, bắt con mọt đi trở lại, theo đường chúng nó muốn dẫn đi.

Một ngày kia ông Hingston thấy một cái “chuồng bò” trên nhánh cây kia, bị gió làm phủng hết một lỗ, bấy giờ những “bò sữa” sẩy chạy tán loạn. Liền có bốn con kiến chia đường mà đuổi theo, rượt tới đón đầu những bò sữa, chặn đường không cho đi, rồi lấy vòi chích vào chúng nó, nhe hàm cắn chúng nó, rốt cuộc lùa đặng những bò sữa ấy về trong cái chuồng hư hỏng đó. Sau khi lùa vào chuồng rồi, bọn kiến chia công việc cho nhau mà làm : một mớ thì đứng canh nơi cửa chuồng ; một mớ thì lo tu bổ, nội trong ngày đó cái chuồng lành nguyên như trước.

Ngoài ra lại có một giống kiến đủ sức phán đoán đủ sức mưu mẹo, ấy là giống kiến to con, mạnh mẽ, mà ông Hingston đã gặp được và đã xem xét được đồ kiến trúc của chúng nó ở một chỗ cao bốn ngàn thước trên núi Hymalaya.

Lũ kiến nầy xây một cái ổ lớn ở sát bực một cái bờ cao. Chỗ ấy cheo veo và hẳm, từ mé bờ ngó xuống chưn bờ, thật là nguy hiểm cho chúng nó, cũng như ta ở bờ thành cao ngó xuống đất vậy. Bởi vậy khi lũ kiến tha bùn đất lên đến chỗ cheo veo ấy, thường bị hỏng cẳng nhào xuống lăn cù cả thân thể và vật liệu xuống chưn bờ. Vậy mà chúng nó chẳng hề thấy khó mà lui. Sau khi đã bị nhào lăn trong mấy ngày trời như vậy, chúng nó bèn nghĩ ra một cái phương pháp rất hay để mà bổ cứu : chúng nó ra công đắp ở trước ổ một bức tường dài.

Cái phương pháp của chúng nó đắp bức tường ấy, đại khái như vầy : Có mấy con kiến chúa ở dưới chưn bờ tha dồn một mớ sỏi vụn và cát thủng thẳng vận lên trên bờ, đắp một con đường sát lề cái bờ, vòng quanh theo miệng ổ ; rồi lại đắp chồng lên con đường ấy một bức tường cao. Từ đó các con kiến thợ đi qua đi lại để làm việc, thì đi phía trong bức tường ấy, khỏi có sự nguy hiểm như trước nữa, chẳng còn có một con nào nhào lăn như trước nữa, vật liệu đã vận lên đến đó cũng không bị hao hớt nữa.

Sự khôn ngoan mưu mẹo ấy cũng thấy ra trong sự làm ổ của giống kiến đỏ, là giống kiến ở trên cây mà miền nhiệt đới thường có. Khi chúng nó làm ổ, túm năm ba cái lá cây lại cho liền nhau, rồi lấy một thứ tơ mà xâu lá nầy với lá kia cho dính cứng lại. Chúng nó ở giữa những lá cây, qua lại lăng xăng, khi muốn ở lá nầy qua lá khác thì lấy hàm cắn chặt cái triên lá bên kia và lấy cẳng sau kẹp cứng triên lá bên nầy ; rồi ra sức gò lại một cái, ấy là hai cái cọ sát với nhau mà qua được vậy. Khi nào hai lá cách nhau xa quá, một con kiến không đủ nối liền chỗ hở, thì kiến thợ bu lại với nhau từng cặp từng cặp, làm thế nào kéo hai lá sát lại mới chịu thôi. Khi bu lại với nhau như vậy, con kiến sau níu lấy lưng con kiến trước, như vậy bề dài của một con kiến gần bằng hai con. Nếu còn chưa đủ nối liền chỗ hở, thì chúng nó cứ bu nhau như vậy mãi, đến ba bốn con hoặc sáu bảy con chẳng hạn, dìu nhau như sợi giây chuyền, cho đến khi nào bề dài đủ nối chỗ hở của hai cái lá là được.

Khi kéo sát hai cái lá lại với nhau như vậy, chúng nó làm việc ra dáng rất nhịp nhàng và rất chung rập. Những con kiến ấy đứng thẳng một hàng, bên tả theo bên tả, bên hữu theo bên hữu, in như là một toán lính vậy. Những con đứng đầu lấy hàm ngậm cái triên lá bên kia ; những con sau lại lấy hàm ngậm lấy lưng con trước, còn cẳng sau thì thuận với nhau một phía mà níu lấy cái triên lá bên nầy.

Bấy giờ chúng nó đồng lòng hết sức gò lại một cái, như một bọn thủy thủ rập nhau cuốn lá buồm trên tàu chạy biển, ấy là hai cái cây vốn cách nhau mà thành ra dính sát lại.

Rồi đó lũ kiến khởi công “may lá”. Chính mình lũ kiến lớn không có chế tạo ra tơ được ; song kiến con thì lại hay kéo tơ để dùng vào công việc làm ổ nầy. Trong khi hai cái lá khít nhau rồi, một con kiến chúa bò đến đó, miệng nó ngậm một con kiến con. Nó đỡ con kiến con lên, đi qua lại giữa hai cái lá, và làm cho kiến con chốc chốc cúi đầu cọ trên triên lá bên nầy, rồi cọ trên triên lá bên kia. Mỗi khi con kiến con cúi đầu cọ như vậy, ấy là một sợi tơ dính vào trên lá, nhờ đó mà hai cái lá dính cứng với nhau. Trong đó có một điều rất kỳ diệu, là con kiến chúa với con kiến con biết hiệp tác cùng nhau để đạt đến cái mục đích may lá nầy ! Mỗi khi kiến chùa làm cho kiến con cúi đầu xuống, cọ vào triên lá, thì kiến con đều có nhả ra một sợi to, mười lần như một chục, không lần nào sai. Công trình may lá nầy liên tiếp luôn mấy ngày, khi con kiến con nầy hết tơ rồi thì con kiến chúa lại đem kiến con khác đến. Làm như vậy hoài cho đến khi có vô số tơ nhỏ chằng chịt giữa hai cái lá, chỗ đó hiện ra một đường như váng nhện trắng, ấy là sự may lá đã được hoàn thành.

*

Đến như nói về sự loài kiến chung cùng làm lụng với nhau thì có một điều rất lạ lùng đủ đem so sánh với trí khôn loài người mà không kém : ấy là mấy giống kiến đã biết dùng cái “chế độ luân phiên” trong sự đánh giặc và săn mồi.

Ở Nam Phi châu có một giống kiến săn mồi, thường kéo đi từng đội ngũ rất chỉnh tề vào nhà người ta, bò lên trên rường nhà, bắt những con “sâu đầu” (cockroaches) ở đó. Chúng nó vật những sâu đầu rồi thả rớt xuống đất ; tại đây đã có một đội kiến chuyên việc chuyển vận chực sẵn rồi. Những “phu khiêng” nầy chờ hễ khi bọn “thợ săn” trên rường nhà thả sâu đầu xuống, liền rủ nhau khiêng tuốt về ổ.

Miền trung Ấn Độ có một giống kiến, kêu là lobopelta, khi chúng nó đánh trận với giống kiến trắng, cũng dùng đồng một phương pháp ấy. Khi chúng nó vây đánh ổ kiến trắng, trước hết chia binh làm hai tua. Một tua cứ việc ra trận, giết kiến trắng cho chết ; còn một tua cứ việc chực khiêng những kiến trắng bị giết tại trận đó về ổ mình.

Có một giống sâu bọ, trí khôn của nó so với giống kiến hơi kém một chút, ấy là giống ong vàng ưa bắt mồi. Giống nầy, khi nó bắt mồi, tỏ ra cái sức thông minh của nó lạ lùng quá, làm cho người ta cũng phải kính phục. Giống ong vàng nầy kêu là Ammophila urnaria, nó ưa dấu những con sâu con trong ổ nó, rồi dùng hòn đá nhỏ làm như cái bay của người thợ nề. Hai nhà chuyên môn học về sâu bọ ở nước Mỹ, từng xem xét được cái phương pháp mà thứ ong vàng ấy dùng để lấp cửa ổ nó. Nó sau khi giấu sâu con vào rồi thì lấy đồ nhém miệng ổ lại, và lấy bùn đất trét lên. Đây đã đến lúc tỏ cái thông minh lạ lùng của nó ra rồi đây ! Con ong vàng ấy liền bay đi, đem về một hòn đá nhỏ, ngậm nơi hàm nó, làm như cái bay, thúy qua thúy lại trên miệng ổ, cho cái vết bùn đất mới vừa trét đó liền mý với mặt đất bốn phía ở ngoài.

Chẳng những ong vàng còn nhiều giống sâu nhỏ cũng có trí khôn như vậy. Thường thường thứ sâu hay ăn cải, bất kỳ ở trên vật thể nào cứng mấy đi nữa, nó cũng bò đi như không. Vậy mà khi bắt nó bỏ trên một vật gì trơn và sáng – như miếng kiếng – thì nó liền nhả từ trong miệng nó ra một thứ tơ, làm ra như một sợi thang giây bằng tơ để nó đi ở trên.

Mạt lắm là giống sâu đầu (?), mà cũng chẳng phải không có chút lý trí nào cả đâu. Theo nhiều cách thí nghiệm, biết chúng nó cũng có ít nhiều tia sáng của lý trí. Mới rồi một nhà sanh vật học Ăng Lê, chế ra một cái hộp, chia làm hai ngăn, một ngăn tối, một ngăn sáng. Bên ngăn sáng, thầy ta bỏ vào mấy con sâu đầu ; nhưng vốn tánh chúng nó thuở nay ưa tối, cho nên tức thì bò qua ngăn bên kia mà ở. Song le, trong ngăn tối đó, nhà sanh vật học lại cho một ít luồng điện chạy vào, làm rúng động hơi hơi. Thét rồi những sâu đầu ấy không chịu nổi sự rúng động của điện, về sau chúng nó trở qua bên ngăn sáng mà ở, không hề chui vào ngăn tối nữa. Lại có một nhà tự nhiên học nước Nga, khéo đến nỗi luyện tập được một con sâu đầu có thể bò qua trên cái cây nhỏ bằng chưn nhang bắc ngang trên chậu nước.

Lại nói đến sự tri thức toàn do bổn năng của loài sâu bọ, thì cái điều kỳ diệu hơn hết, chẳng có gì hơn sự con nhện dùng phương pháp để tránh khỏi sự tử vong tại trong cái lưới của mình. Nó giăng lưới ra để bắt mấy giống sâu bọ khác, còn chính nó ở trong lưới ấy mà lại khỏi hề chi ! Ấy là nhờ nó có phương pháp nầy : từ trong những cái hạch nước miếng (glandes salivaires) của nó, nó ép ra một thứ nước dẻo, nó bôi thứ nước dẻo ấy trên cẳng nó, trên miệng nó, trên bụng và cuống đuôi nó, là những chỗ hay va chạm đến tơ của lưới nó, rồi tự nhiên nó khỏi bị vướng bởi tơ.

Ngoại giả như con ong vàng, khi nó giết chết con mồi của nó, tỏ ra nó có cái tri thức về giải phẫu học (anatomie) mà nhà giải phẫu học của loài người thấy nó mà cũng phải sanh lòng cảm phục. Trước hết nó chích một mũi vào chỗ đốt thần kinh (ganglion) của con mồi nó bắt được, kế đó nó tra một thứ nước của nó vào, thứ nước ấy cũng như thứ thuốc mê mà thầy thuốc ta thường dùng, làm cho cái giây thần kinh của con mồi ấy tê điếng đi, rồi trở nên lừ đừ luôn mà không đến nỗi chết hẳn. Nhờ vậy đó mà nó để dành được lâu những mồi ấy cho ong con nó ăn.

Thứ ong vàng mới vừa nói đây, trong sách Tàu kêu bằng quả lỏa ; còn con mồi của nó bắt đó, kêu bằng minh linh. Sách Tàu có câu “Minh linh chi tử, quả lỏa chi phụ”, nghĩa là “con của minh linh mà quả lỏa cõng đem về”. Nhà chú thích giải rằng : “Minh linh là một giống sâu, quả lỏa là một giống bọ, hai giống khác nhau. Song sau khi quả lỏa cõng con minh linh về, giấu trong ổ nó, đọc câu chúc rằng : “Loại ngã ! loại ngã !” nghĩa là “hãy giống ta ! hãy giống ta!” Rồi con minh linh trở nên hình dạng như con quả lỏa, có cánh và bay đi” (!) Tục Việt Nam ta cũng có câu hát : “Tò vò mà nuôi con nhện, ngày sau nó lớn nó quến(*) nhau đi ; Tò vò ngồi khóc tỷ ty : Nhện ơi là nhện ! mầy đi đường nào !” Coi đó thì người Nam ta kêu con ong vàng đó là con tò vò, và con mồi nó bắt được đó là con nhện. Song le, cả hai cái cựu thuyết của Tàu và ta đó đều là tầm bậy cả. Bây giờ có nhiều nhà khoa học đã lấy nhiều sự thiệt nghiệm mà chứng minh ra, thì là con quả lỏa hay con tò vò, nó bắt con minh linh hay con nhện, để dành làm đồ ăn nuôi con nó, chớ không phải bắt về làm con nuôi đâu.

Vậy thì loài sâu bọ quả thiệt có trí khôn chăng ? Ông Hingston kết luận rằng : Cái gân óc của loài sâu bọ với của loài người có cái trình tự hoạt động rất giống nhau. Cái điều cốt yếu khác nhau chẳng qua ở chỗ nầy : Số là động vật – gồm cả loài người – có hai thứ hoạt động của cái sức óc : một thứ là thuộc về bổn năng, tự động (1) tiên thiên(2) ; còn một thứ là thuộc về lý trí, có thể buông ra thâu vào được, có thể học tập mà được. Cái thứ thuộc về bổn năng đó chiếm cứ trong gân óc loài sâu bọ ; còn thứ thuộc về lý trí đó chiếm cứ trong gân óc loài người. Lại nói cho rõ hơn nữa : trí khôn của loài bọ là thuộc về bổn năng ; còn của loài người là thuộc về lý trí, hai bên khác nhau, đại khái ở tại chỗ đó.

C.D.

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.62 (27.7.1930); s.66 (21.8.1930)

 


 

(*) quến : nghĩa như quện, quyện hoặc quyến (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.).

(1) Chữ tự động nầy nghĩa là tự nhiên mà động, chỉ về cái sức óc ấy nó tự động, chớ không phải cái loài vật có sức óc ấy tự động đâu. Theo tiếng Pháp, chữ tự động nầy là spontané. Như nói : Les mouvements du coeur sont spontanes, nghĩa là : sự động của trái tim là tự nhiên (nguyên chú của PK.).

(2) Phàm cái gì của người hay của vật, khi sanh ra mà đã có sẵn rồi thì cái ấy kêu bằng tiên thiên ; đối với hậu nhiên, là cái sau khi sanh ra mới có. Nói thiển cận cho dễ hiểu thì như cái tóc của người ta là vật tiên thiên ; còn cái râu là vật hậu thiên (nguyên chú của PK.).

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2004