TẠP TRỞ: LỊCH SỬ CÂY LÚA

 

 

Đời thượng cổ người ta ăn lông ở lỗ, lấy hang đá làm nơi ẩn núp, lấy sự săn bắn các thú vật làm kế sinh nhai. Thời bấy giờ các thú vật, các loài thảo mộc cung cấp thực dụng cho loài người đều là những thứ tự nhiên sinh sản ra hoặc ở rừng núi hoặc ở đồng bằng cả. Lần lần dân số ngày một đông, sự nhu dụng ngày một nhiều, người ta bắt về nuôi những thú vật, trồng trặc(*) cây cối. Những thú vật trồng trặc nuôi, những cây cối người ta trồng lần lần nó thay hình đổi dạng khác lúc nó còn tự do sinh sản.

Cây lúa khi xưa người ta chưa biết cày cấy nó thường mọc ở những nơi đất bùn có nước,  ở miền nam bên Á Đông và ở những miền nhiệt đới Úc Đại Lị. Lúa mọc như vậy khác lúa ta cấy là những hột thóc chín thì rụng xuống, còn lúa ta cấy thì hột thóc chín không rụng xuống cố ý chờ đợi người vất vả công lao bao lâu đến mà gặt lấy.

Lượm lấy những hột thóc rụng về ăn không đủ, người ta mới nghĩ đến việc trồng trặc.

Khởi thủy sự trồng trặc rất là đơn sơ, chỉ biết lấy một vật dọn(**) chọc lỗ xuống đất, moi lỗ bỏ mấy hột thóc vào, thế là nhờ ở sự tự nhiên của khí tiết mà cây lúa mọc lên.

Sự trồng lúa theo cách nầy hiện thời dân Mán - Mèo cũng còn dùng gọi là cấy nương. Họ tìm một chỗ đất tốt, đốt cỏ ra do, một người cần cái thuôn sắt đi trước chọc xuống đất, một người đi sau bỏ xuống vài hột thóc, không có cày cấy tát nước tát nỏ chỉ cả, rất là giản tiện.

Theo tục truyền, vua Thần Nông dạy dân cấy lúa hơn bốn ngàn năm nay nghĩa là vào khoảng năm 2800 trước Thiên Chúa giáng sinh.

Ở bên Tàu mỗi năm có tục làm lễ lập xuân. Hoàng đế có quần thần đi theo ra làm lễ động thổ một cách long trọng. Hoàng đế xuống cày 4 luống trong một thửa ruộng trong đàn Nam Giao tại Bắc Kinh. Tục nầy mãi đến năm 1911 là năm Dân Quốc thứ nhứt mấy bỏ đi.

Ở xứ ta, theo sử ký thì vào Đô hộ thời đại có quan Thái thú Tích Quang dạy dân ta canh nông. Từ đó ta cũng theo Tàu cũng có lễ lập xuân động thổ. Vài mươi năm về trước ta vẫn còn giữ cổ tục ấy. Nhất đán bỏ tục nầy cũng là một điều đáng tiếc lắm, vì tục nầy có ảnh hưởng sâu xa về việc cổ võ nghề nông.

Ngày nay không những dân Đông phương dùng gạo mà có lẽ khắp hoàn cầu nơi nào cũng dùng hoặc ít hoặc nhiều cả. Sự cấy lúa vì đấy mà lan rộng ra nhiều xứ, những thứ sản xuất nhiều gạo ở thế giới là Đông Dương, Nhựt Bổn, Ấn Độ, Huê Kỳ.

Trên mặt địa cầu tính ra có tới 650 triệu người lấy gạo làm thực dụng cốt yếu. Hai mươi phần trăm mặt địa cầu nghĩa là 700.000 ki-lô-mét vuông là ruộng lúa.

C.D.  (Nông Công Thương)(*)

Trung lập, Sài Gòn, s.6292 (7.11.1930)

 


 

(*) trồng trặc : trồng trọt, trồng tỉa (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.).

(**) dọn : nhọn (phương ngữ Bắc Bộ).

(*) Ghi chú này cho thấy Trung lập đăng lại của báo Nông công thương ở Hà Nội.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2004