LUẬT MÂU THUẪN LÀ BẤT BIẾN, NÓ THÍCH HẠP VỚI TƯ TƯỞNG GIỚI ĐỜI ĐỜI

 

 

Phản cái thuyết ông Võ Xuân Lâm

Trong học giới ta lâu nay không ai hề nhìn đến luận lý học. Vì cớ ấy những người nói và viết ra, phần nhiều không hạp lý mà không tự biết ; kẻ nghe và đọc cũng tợ hồ như ở trong đám mây mù, chẳng lấy gì làm chuẩn đích để phân biệt điều phải điều trái. Học giới nước ta không tấn bộ hay là tấn bộ một cách trầm trệ là tại đó.

Cho nên, muốn cho nước ta từ nay về sau có một nền học thuật vững vàng thì thế nào cũng phải lập cái nền ấy lên trên luận lý học. Chính tôi, rồi đây tôi sẽ viết ra sách luận lý học bằng quốc ngữ, hầu để cống hiến cái học ấy cho người trong nước. Song hiện nay tôi liệu chưa làm việc ấy được, nên trong khi viết bài trên báo tôi thường hay đem những vấn đề thuộc về phép luận lý mà giới thiệu cho độc giả, để ai nấy được làm quen với nó dần dần. Như vậy thì sau nầy, khi có một bổn sách luận lý học ra đời, bất kỳ của ai, tự  nó khỏi có vẻ đường đột, mà người ta đối với nó cũng không đến nỗi lãnh đạm. Ấy, cái đường của tôi tính đi, là như vậy.

Trong khi đi đường đó, gặp được một vài bạn đồng chí, tôi rất lấy làm mừng. Ấy là báo Phổ thông ở Hà Nội và báo Tiếng dân ở Huế. Trong tờ báo trên có đăng bản dịch Luận lý học của ông Nguyễn Triệu Luật ; tờ báo dưới thì mới rồi có bài Lập ngôn và tri ngôn, đem cái luật mâu thuẫn mà bác một vài cái ý kiến bất hạp lý kia.

Ở đời chỉ mừng mà thôi không có thú ; phải có gặp sự ngăn trở, thì người ta mới biết lo mà phấn đấu cho việc của mình làm được mau thành công. Cho được ứng nghiệm cái lý thuyết ấy, tôi gặp luôn ông Trần Trọng Kim và ông Võ Xuân Lâm nữa.

Trong bài ông Trần trả lời cho tôi lần thứ hai, về cuộc luận chiến Nho giáo, tỏ ra ý chán nản luận lý học. Không phải ông phản đối hẳn luận lý học, nhưng ông cho là cái học hẹp hòi, không đủ tìm thấy chơn lý. Mấy lời của ông rất là quan hệ, để rồi sau đây tôi sẽ viết ra mà chất chánh lại cùng ông. Còn ông Võ, trong Phụ nữ số 73, ông có bài bác lại bài của báo Tiếng dân nói trên kia mà tuyên ngôn rằng : “Luật mâu thuẫn không thích hạp với tư tưởng giới nữa”, thì thật là một sự lạ, tôi phải viết ra đây mà cùng ông biện luận.

Trước hết tôi phải nói rằng cái bài của ông Võ kể cũng đã rõ ràng dễ hiểu, song lấy nghiêm cách mà luận, thì một bài nói về triết học mà phô diễn như vậy, có hơi lộn xộn một chút, làm cho tôi cứ theo lời ông mà biện luận, thật có nhiều nỗi khó khăn. Tức như ông nói rằng :

“Nguyên xã hội Âu châu từ đầu thế kỷ thứ mười tám trở lên, là một cái xã hội bất di bất dịch, ôm lấy một cái lý hội cố định (conception figée). Xã hội Âu châu hồi đó thật không khác gì xã hội cựu hủ của Á Đông ta về thời đại quân chủ ; không biết đến luật tiến hóa là cái gì ; khối óc không thay đổi ; tư tưởng không phát đạt ; bao giờ cũng khư khư giữ lấy cái hiện tượng trước mắt và tự an sanh hoạt trong chế độ sơ khởi… Vì muốn đặt ra mực thước cho sự phát kiến tư tưởng lúc bấy giờ nên nhà triết học Hy Lạp là Aristote mới phát minh ra phép luận lý (la logique)”.

Đó, một đoạn đó thật là hàm hỗn. Nói xã hội Âu châu từ thế kỷ XVIII về trước hủ bại là như vậy, nên nhà triết học Hy Lạp mới phát minh phép luận lý học để đặt ra mực thước cho sự phát kiến tư tưởng lúc bấy giờ ; nói thế, là nghĩa làm sao ?

“Từ thế thế kỷ XVIII trở lên” là một thời đại bao la có hằng mấy ngàn năm ; mà Aristote sanh năm 384, mất năm 322 trước Giáng sanh, cách hơn hai ngàn năm rồi mới đến thế kỷ XVIII ; vậy thì sao lại nói rằng “vì muốn đặt ra mực thước cho sự phát kiến tư tưởng lúc bấy giờ” được? Chữ “lúc bấy giờ” đó, nói gọn mà nghe, cho là chỉ về đầu thế kỷ XVIII trở lên tới thế kỷ thứ nhứt đi. Nếu vậy thời trong khoảng thời gian ấy, Aristote đã chết lâu rồi, có quan hệ gì đâu mà nói ? Hay là ý ông Võ Xuân Lâm định nói rằng tại Aristote đặt ra luật mâu thuẫn nên mới nhốt tư tưởng Âu châu vào trong cái vòng “lý hội cố định” ấy chăng ? Nếu ý ông như thế mà ông lại đặt văn như thế, thì làm thế nào cho người ta hiểu được ? Còn chưa nói tới cái ý ấy là trúng hay trật nữa.

Huống chi nói rằng từ đầu thế kỷ XVIII về trước, tư tưởng Âu châu vẫn ở trong vòng thủ cựu, không biết tiến hóa là cái gì, thì cũng lại không đúng nữa. Cái thời đại “Tái sanh” (Renaissance) bắt đầu từ giữa thế kỷ XV kéo dài ra đến cả thế kỷ XVI, ban đầu phát sanh từ Ý Đại Lợi rồi tràn khắp cả các nước Âu châu ; nội trong thời kỳ 150 năm đó, tư tưởng Âu châu đã được giải phóng rồi, có đâu đợi tới thế kỷ XVIII ?

Rồi đó ông lại nói đến luận lý học của Aristote. Ông nói rằng “phép luận lý đó gồm có ba luật như sau nầy”, ông bèn kể ra là luật chứng nhận, luật mâu thuẫn và luật tam cá trục xuất, v.v.

Theo lời ông Võ đó thì như là luận lý học của Aristote chỉ gồm trong ba luật đó mà thôi. Không phải. Aristote có soạn một bộ sách gồm có năm thiên, kêu là sách “Organon” (nghĩa là Cơ quan), chuyên giảng về luận lý học. Tuy cái học nầy ở Âu châu từ hồi “Tái sanh” đến giờ cứ có người phát huy quảng đại mãi, chớ không giữ nguyên như của Aristote, nhưng phần nhiều những luật của Aristote phát minh ra, thì học giả đều phải công nhận là luật bất biến, tuân thủ cho tới ngày nay. Tức như ba luật nói trên đó và sáu luật thuộc về tam đoạn luận.

Nói đến Hegel. Ông Hegel người nước Đức, ở về cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Cái luận lý học của ông nầy đành khác hẳn với luận lý học của học giả Âu châu từ Aristote trở xuống ; ông tự thành ra cái thuyết một nhà. Song nếu nói các luật về luận lý học của Aristote, của nền học thuật Âu châu xưa nay, vì ông ấy mà bị xóa bỏ hết, như lời ông Võ Xuân Lâm đó, thì thật tôi chưa từng biết đến.

Về phép biện luận (dialectique)(*) của Hegel, sau đây sẽ nói thêm ; đây nên nói vào đề : cái luật mâu thuẫn của Aristote tại sao mà kêu là luật bất biến ?

Muốn biết rõ luật mâu thuẫn thì tốt hơn là cắt nghĩa luôn với hai luật kia. Trong bài ông Võ Xuân Lâm, ông đã cắt nghĩa rồi, song không đúng cho lắm. Phàm một cái luật gì đã được đặt ra, là cốt ở chỗ dùng của nó, cái nầy, ông không xét đến chỗ ấy, nên nó mới thành ra “vô nghĩa”.

Ba luật ấy và chỗ dùng của nó là như vầy :

1. Luật tự đồng (loi d’identité). – Phàm sự vật nào cũng có cái thuộc tánh của nó. Cái thuộc tánh nó với chính mình sự vật ấy phải là đồng nhau. Như người ta, là một danh từ, cũng cho là một sự vật, thì cái thuộc tánh của nó là : có cử động, có sống chết, nhứt là có lý tánh. Sự có cử động có sống chết đó, người ta cũng giống như các động vật khác, chỉ khác là tại có lý tánh. Vậy thì nên nói gọn cái thuộc tánh của người ta là : giống động vật có lý tánh. Như vậy, nói người ta, với nói giống động vật có lý tánh, hai cái cũng đồng với nhau.

Lấy một cái thí dụ nữa. Như nói Sài Gòn, là một sự vật ; cái thuộc tánh của nó là : làm kinh đô của xứ Nam kỳ. Như vậy, nói Sài Gòn, với nói kinh đô của xứ Nam kỳ, hai cái cũng đồng với nhau.

Ấy đó, khi nào mình nhận ra một sự vật với cái thuộc tánh của nó đồng nhau, rồi mình hạ lời khẳng định, là phải theo luật tự đồng. Tự đồng nghĩa là chính mình sự vật ấy đồng với cái thuộc tánh của nó. Ông Võ kêu bằng luật chứng nhận, và lấy trái đất làm thí dụ, chưa được hết nghĩa.

Vậy cái chỗ dùng của luật tự đồng ở đâu ? Nó không dùng vào việc suy lý, nhưng chỉ dùng vào việc nhận biết. Nó làm nền cho hết thảy mạng đề khẳng định (propositions affirmatives) ; bao nhiêu mạng đề khẳng định đều lập lên trên nó. Như nói : người ta là giống động vật có lý tánh ; Sài Gòn là kinh đô xứ Nam kỳ ; ấy là theo luật tự đồng.

2. Luật mâu thuẫn (loi de contradiction). - Luật mâu thuẫn không cần phải cắt nghĩa nhiều nữa, nó chỉ là mặt tiêu cực của luật tự đồng. Phàm một sự vật với một cái thuộc tánh không đồng nhau (ấy là mâu thuẫn), thì không được đem mà cho là đồng nhau. Vả lại, khi đồng thời đồng địa thì một sự vật không được có hai thuộc tánh tương phản. Như một tờ giấy, có thể trước trắng sau đen (dị thời), và cũng có thể chỗ trắng chỗ đen (dị địa). Nhưng nếu nói rằng tờ giấy kia cùng một lúc, cùng một chỗ (đồng thời, đồng địa) mà vừa trắng vừa đen, thì là sự không thể có được.

Ấy đó, khi nào mình nhận ra một sự vật với một cái thuộc tánh không quan hệ với nhau, không đồng nhau, rồi mình hạ lời phủ định, là phải theo luật mâu thuẫn. Nó làm nền cho hết thảy mạng đề phủ định (propositions négatives), ấy là chỗ dùng của nó. Hết thảy mạng đề phủ định đều phải lập lên trên luật mâu thuẫn. Như nói : Người ta không phải là cầm thú (trừ ra khi nào hay chỗ nào mà người ta đã mất lý tánh đi) ; và nói : Sài Gòn không phải là kinh đô của cả nước Việt Nam (trừ ra khi nào cả nước Việt Nam lấy Sài Gòn làm kinh đô).

3. Luật cự tam (loi de tiers exclu). – Do hai luật trên mà sanh ra luật thứ ba nầy. Có một sự vật gì ở trước mặt ta, ta nhận biết nó, một là theo cách khẳng định, hai là theo cách phủ định, chớ không thể nào có cách thứ ba nữa. Chữ cự tam nghĩa là cự đệ tam giã. Hoặc kêu bằng luật cự trung (loi de milieu exclu), cũng được ; nghĩa là mặt nào cũng phải ngả về một mặt, không được đứng cửa giữa. Ông Võ kêu bằng luật tam cá trục xuất thì gần như không nghĩa.

Có kẻ bẻ rằng : Phàm vật, hoặc cứng, hoặc mềm, hoặc ngay, hoặc cong, đã đành đi rồi. Song cũng có vật không cứng không mềm, không ngay không cong, mà ở vào cửa giữa. Vậy thì luật cự tam sao cho thành lập được ?

Đáp rằng : Theo luật cự tam, thì không nói cứng đối với mềm, ngay đối với cong ; nhưng nói cứng đối với không cứng, ngay đối với không ngay. Vậy thì dầu có vật không cứng không mềm, không ngay không cong ấy, mà nó đã không cứng không ngay thì cũng không thoát ra ngoài luật được ; cho nên luật ấy vẫn thành lập.

Luật cự tam dùng làm nền cho hết thảy mạng đề tuyển ngôn (propositions disjonctives). Bao nhiêu mạng đề tuyển ngôn đều lập lên trên nó. Như nói :Thanh sắt nầy là cứng hay không cứng ư ? Người nầy có tánh ngay thẳng hay không ngay thẳng ư ? Như vậy là theo luật cự tam ; bởi vì cứng hay không cứng, ngay thẳng hay không ngay thẳng mà thôi, chớ không còn có cái thứ ba nữa.

Nhẫn lên cắt nghĩa ba luật ấy rồi, xin nói tóm lại rằng : Ba luật ấy, theo luận lý học, kêu là cái nguyên tắc về sự đồng dị (principes d’identité et de différence). Nó chỉ là cái nguyên tắc của sự nhận biết (principe de la connaissance), chớ không phải nguyên tắc của sự suy lý (raisonnement).

Nay nói riêng về luật mâu thuẫn, thì nó cũng chỉ là cái nguyên tắc để nhận biết mà thôi, nhận biết sự tương phản của sự vật mà thôi, chớ có phải cái nguyên tắc dùng để suy lý đâu mà hòng nói rằng luật ấy là “trái với lý luận” ? Huống chi luật mâu thuẫn chính để nhận thấy cái chỗ tương phản của sự vật, thế thì nó có phải là “đống kiết bất di” đâu ? Nó có hề vì cuộc biến thiên của tư tưởng Âu châu mà “hóa ra vô nghĩa” bao giờ ?

Ông Võ Xuân Lâm lấy phép biện luận (dialectique) của Hegel mà bẻ ba luật của Aristote, là không được. Vì hai đàng khác nhau : của Hegel là thuộc về sự suy lý, còn của bên nầy thuộc về sự nhận biết. Hegel muốn dùng cách gì mà suy lý mặc kệ ; chớ ông ta còn có sự nhận biết thì ông ta còn phải theo luật của Aristote.

Ông Hegel cũng vậy, hay là ông Võ Xuân Lâm cũng vậy, nếu trừ diệt sự nhận biết đi thì thôi, bằng còn có sự nhận biết, các ổng còn có khi nghĩ và nói rằng : Khổng Tử là thánh nhân ; Phan Khôi không phải là kẻ cướp ; con sấu là loài cá hay không phải loài cá ư ? – thì khi ấy các ổng còn phải theo luật tự đồng, luật mâu thuẫn, luật cự tam, theo một cách tự nhiên, dầu các ổng không muốn theo cũng không được !

Vậy thì khi còn có loài người, loài người còn có sự nhận biết ở trong phạm vi tư tưởng mình, còn có sự cần dùng về khẳng định, phủ định và tuyển ngôn trong khi nghĩ và nói, thì tất nhiên không bỏ được ba luật của Aristote. Cho nên tôi nói rằng luật mâu thuẫn là luật bất biến, nó thích hạp với tư tưởng giới đời đời.

Cái triết học của Hegel đại khái chủ trương rằng mọi sự vật ở thế gian nhờ có mâu thuẫn xung đột với nhau luôn luôn rồi mới có tấn hóa. Ông ấy cho rằng bất kỳ quan sát về vật lý, về nhân sự, hay là về tư tưởng học thuật, cũng đều thấy rằng hễ có một việc xảy ra đầu tiên, thì kế đó phải có việc khác xảy ra mà tương phản lại ; rồi do đó lại xảy ra việc thứ ba nữa : cứ như vậy nối luôn không dứt, mà thành ra cuộc tấn hóa. Bởi cái nguyên tắc ấy Hegel mới lập ra phép biện luận (dialectique) gồm có ba đoạn. Theo tôi thấy thì các danh từ của ba đoạn ấy khác với ông Võ Xuân Lâm đã nói. Đoạn thứ nhất là chánh (thèse) ; đoạn thứ nhì là phản (antithèse) ; đoạn thứ ba là hiệp (synthèse). Rồi ông dùng phép biện luận ba đoạn tức là chánh, phản, hiệp ấy mà cắt nghĩa hết thảy mọi sự biến hóa trong võ trụ.

Coi đó thì phép biện luận ba đoạn là một phương pháp riêng, dùng về sự suy luận (raisonnement) của Hegel, không động chạm gì đến ba luật của Aristote là nguyên tắc dùng về sự nhận biết (connaissance).

Huống chi cái lẽ mâu thuẫn của Hegel, như trên kia đã nói, một việc xảy ra đầu tiên, kế đó phải có việc khác xảy ra mà tương phản lại, thì phân minh là dị thời dị địa, chớ không phạm vào cái điều kiện đồng thời đồng địa của luật mâu thuẫn. Một sự vật mà đồng thời đồng địa, sự quan hệ đồng nhau (sous même rapport), thì không đời thuở nào có mâu thuẫn được. Nếu vậy mà cho là có mâu thuẫn, thì phải thành ra ngụy biện (sophisme).

Ông Võ Xuân Lâm có lấy thí dụ về cái trứng, mà ông không chú ý đến thời gian. Ông nói rằng : “Khi nó còn là cái trứng, nó đã sẵn có mầm mâu thuẫn ở trong rồi, là cái nguyên tử (germe)”. Viện cái lẽ ấy, ông cho “một vật có thể là vật nầy vật khác, một điều có thể là điều nầy điều khác”. Song ông quên rằng khi nào một vật mà khác như vậy được, ắt là cái địa điểm hoặc cái thời gian của nó cũng khác. Trong khi cái trứng mới lọt ra, thì cái trứng là cái trứng ; nó hẳn có ngày nở ra chim con, nhưng cái ngày ấy không phải là ngày nó mới lọt ra. Chính ông Võ cũng nói rằng “Cái trứng được hoàn thiện thì thế nào ngày kia nó cũng phải biến hóa ra con chim con”. Bởi chữ ngày kia đó, đủ thấy sự mâu thuẫn ấy ở ngoài luật mâu thuẫn.

Nếu lời thí dụ của ông Võ về cái trứng đó mà không lấy thời gian làm điều kiện, thì không khác gì một câu của mấy nhà ngụy biện hồi đời Chiến Quốc. Ấy là câu “Noãn hữu mao” (nghĩa là “trứng có lông”). Họ cũng cắt nghĩa tựa như ông Võ, nói rằng cái trứng về sau thế nào cũng nở ra chim con ; mà chim con thì có lông ; thế thì kêu ngay cái trứng có lông đi cũng được. Ấy là họ chỉ cứ theo hư lý mà không kể thực sự, tức là họ không kể sự quan hệ của thời gian vậy.

Tóm lại, luật mâu thuẫn chỉ là nguyên tắc của sự nhận biết, chớ không phải nguyên tắc của sự suy luận ; và lại phải là đồng địa đồng thời thì cái luật ấy mới có hiệu lực (effet) ; cho nên nó không trở ngại gì đến sự tấn hóa của tư tưởng, mà nó là luật bất biến, thích hạp với tư tưởng giới đời đời.

PHAN KHÔI

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.75 (23.10.1930)


 

(*) dialectique : sau này thường được dịch là “phép biện chứng”, “biện chứng”…

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2004