NGƯỜI PHÁP NÓI TIÊN TRI VỀ THỜI CUỘC XỨ TA

 

 

Rằng yên mà còn chưa yên ; 

 tuy còn chưa yên mà rồi cũng yên

Bắt đầu từ tháng Février năm nay, xứ ta có sự biến động luôn luôn. Trừ Trung kỳ trừ ra chỉ một vài tỉnh có xảy ra việc nầy việc khác, còn Bắc kỳ và Nam kỳ thì sự biến động hầu muốn lan khắp cả một địa phương. Bởi vậy chẳng những chánh phủ Pháp ở đây lo hết sức đề phòng, mà chánh phủ Pháp bên kia cho đến quốc dân Pháp nữa cũng đều lấy làm chú ý.

Hạ nghị viện mấy tháng nay bàn về vấn đề Đông Pháp gần suốt cả kỳ hội nghị. Các tờ báo lớn tờ nào cũng có nghị luận về việc dấy loạn ở Yên Bái cùng việc biểu tình ở Nam kỳ. Từ xưa đến nay thật chưa có dịp nào mà người Pháp lấy cái vấn đề xứ ta làm quan hệ đến như thế.

Có lẽ đồng bào ta phần nhiều không rõ, chớ năm sáu tháng nay trong nước ta thường thường có dấu chưn của người Pháp ở bên chánh quốc qua đây xem xét tình hình, bọn nầy về rồi lại sang bọn khác. Trong đó hoặc có người của các nhà báo phái qua, hoặc có người của chánh phủ.

Rút lại, người Pháp sở dĩ chú ý đến xứ ta như thế là cốt chỉ sợ sự sanh loạn mà thôi, cốt chỉ muốn cho yên mà thôi.

Ở dưới cái tình thế nầy, câu hỏi “có yên được chăng ? bao giờ yên ?” là câu hỏi cốt yếu hơn hết.

Mới rồi có một vài người Pháp trả lời câu hỏi ấy một cách quả quyết mà không quả quyết, không quả quyết mà quả quyết. Bổn phận chúng tôi là phải thuật lại cho đồng bào ta rõ.

Tin Marseille 17 Aout : khi chiếc tàu Chenonceau về tới bến, có hai ông Pagès và Joisson là Thanh tra thuộc địa đi qua thanh tra bên xứ Đông Pháp nầy, nhứt là Bắc kỳ, cùng về một lần. Hai ông đều tuyên bố cho nhân dân bên Pháp biết rằng thời cuộc bên nầy đã yên rồi.

Cái tin đó không được rõ mấy chưa đáng chú ý cho bằng cái tin dưới nầy.

Ông quan tư Vanlande, mới đây đi điều tra về cái nạn cọng sản bên Đông Pháp ngồi chiếc tàu Compiègne trở về nước, có viết trong báo La Liberté mà nói rằng chính ông đã mục kích các cuộc biến động ở trong đất Việt Nam. Cái nạn ấy rồi sẽ có (…)(*) sự biến động (…)(*) tránh được. Song le có thể đề phòng trước hầu cho khỏi bởi nó mà sanh ra điều chi tai hại.

Ông Vanlande nói thêm rằng sự hành động của Moscou trong xứ nầy ghê gớm lắm, có điều ta mong ở quan toàn quyền Pasquier thấy rõ. Có lẽ ngài lo mà dự phòng sẽ không đến lỗi lầm. Chắc đây rồi còn có những cuộc phiến động nữa ; nhưng vì nhờ có mọi cách đối phó sẵn sàng, khi ấy cái ngòi phiến động sẽ giụt tắt đi, không đến nỗi đổ máu.

Thấy những lời ông Vanlande nói đó, nên chúng tôi để cái đầu đề trên kia “rằng yên mà còn chưa yên ; tuy còn chưa yên mà rồi cũng yên”.

Dân mà đã đến lúc họ nhao nhao nổi lên, ở đâu cũng vậy, thì khó trông cho yên liền được. Chẳng ai có cái tài hay cái quyền làm cho yên được hết. Duy chánh phủ thì mới có cái quyền ấy. Còn cái tài thì dầu chánh phủ cũng khó tự bảo mình rằng có.

Nhưng hễ muốn là được. Muốn yên thì yên. Cái tài ấy ở trong cái muốn mà ra.

Ở bên bộ Thuộc địa đã tư qua bên nầy biểu phải cải cách cho dân bổn xứ. Chính ở bên nầy chánh phủ cũng mới lập hội đồng cải cách. Song le, dân họ còn đương ngỏng cổ mà coi (…)(*)

Làm cho bằng lòng dân An Nam thì dầu có mấy trăm cái cánh tay của Moscou cũng chẳng làm chi nổi. Quan tư Vanlande đừng sợ.

Chúng tôi muốn cho mau yên lắm. Chúng tôi muốn mau yên hơn người Pháp muốn nữa. Vì muốn mà không có quyền làm nên chúng tôi có biết điều chi, xin đem nói cho chánh phủ rõ.

(Bị kiểm duyệt bỏ)

PHAN KHÔI

Trung lập, Sài Gòn, s.6226 (21.8.1930)


 

(*) Các chỗ này báo bỏ trống, chứng tỏ có một vài từ, một vài dòng bị đục bỏ trước khi báo in.

(*)  chỗ này bản gốc để trắng 1 dòng, có thể là chừng 5-6 từ bị đục bỏ.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2004