X. NHÀ CHÁNH TRỊ ĐỜI NAY CẦN PHẢI GẦN VỚI DÂN CHÚNG, HIỆP MỘT VỚI DÂN CHÚNG(*)

Đảng Lập hiến không làm như vậy !

Trong mấy bài trước có nhiều chỗ tỏ ra rằng đảng Lập hiến trong khi đi đường chánh trị, không hay đi thẳng theo chủ nghĩa mình ; khi gặp đảng khác không đồng chủ nghĩa với mình lại hình như có ý nhường bước ; sự ấy là không hiệp với cái cách thức chánh đảng đời nay. Vì đó mà trì hồi hưỡn đãi(*) không hành động ra được việc gì, hoặc hành động không minh bạch. Vậy mà ngoài sự ấy ra, lại còn có điều khác nên trách nữa.

Trước kia nhiều lần đã nói, phàm một chánh đảng thì phải lấy quốc dân làm hậu thuẫn. Cho nên ở hồi bình nhựt, đảng phải làm cách nào cho mình gần với dân chúng ; khôn khéo hơn nữa thì làm cách nào cho mình hiệp một với dân chúng. Nếu được vậy, nếu dân chúng đã cùng mình làm một, thì đến khi cần kíp, họ mới chịu đứng lên mà làm hậu thuẫn, cứu viện cho mình.

Nay ta thử xem đảng Lập hiến có làm được như vậy chăng ?

Muốn làm được vậy thì cần nhứt phải có tờ báo tiếng bổn quốc làm cơ quan. Mà nay đảng ấy đã không có cơ quan ấy rồi thì còn trông mong nỗi gì ? Vậy nay chúng tôi không nói về sự ấy nữa mà chỉ xét xem cách cử chỉ của mấy ông đảng viên họ đối với dân ta ra làm sao.

(Kiểm duyệt bỏ một đận)

Đảng Lập hiến có lập ra nhiều nhà khuyến học hội ở các nơi, là cái cơ quan dùng mà diễn thuyết rất tiện lợi, thì lại không mấy khi dùng đến như đã nói mấy lần rồi ở mấy bài trước. Lại còn nghe như điều lệ của khuyến học hội định rằng diễn thuyết phải dùng tiếng Lang Sa, nếu quả vậy lại lạ lùng khó hiểu nữa ; cái cơ quan ấy có dùng cũng chẳng ích lợi chi cho dân chúng An Nam vậy !

Vậy thì các cơ quan chánh thức của đảng Lập hiến chẳng còn mong gì dùng mà tiếp cận với dân chúng được. Bây giờ chỉ còn mong có mấy ông đảng viên có dịp tiện đứng ra trước mặt dân chúng mà thôi.

Cái dịp tiện ấy khó thay ! Dân An Nam ta có mấy khi mà nhóm nhau lại cho được cả trăm cả ngàn người ? Có chăng, chỉ là trong các cuộc biểu tình cách hơn một tháng trước.

Hồi bấy giờ ta mong rằng trong khi có một cuộc biểu tình nhóm lại xong, định kéo nhau đến chỗ mục đích, trong khi ấy mà có một ông đảng viên Lập hiến cho to gan, tới tại chỗ đó đứng trước mặt anh em dân mà diễn thuyết lợi hại, nói điều hơn sự thiệt cho họ nghe, có lẽ họ nghe được mà giải tán ngay lập tức ! Nhưng hết đám nầy tới đám khác, mong hoài mà chẳng thấy mặt ông nào hết, sau người ta biết mong như vậy là vô lý rồi không mong nữa !

Năm khi mười họa mà có gặp được dịp tốt để các ông Lập hiến đứng ra trước mặt hằng ngàn người An Nam, cũng lại vô ích ! Tức như hồi cụ Bùi ở Tây về, sau đám tang cụ Tây Hồ, đồng bào An Nam mở tiệc trà mừng cụ giữa thành phố Sài Gòn, dầu mỗi người mất một vài đồng bạc mới được vô cửa, họ cũng lăn mà vô cho được đến những hai ba ngàn mạng để nghe cụ nói. Nói gì ? Hôm ấy cụ có đọc một bài văn vắn bằng tiếng An Nam, còn cái bài dài bằng đây ra Ô Cấp kia, văn hay như rồng bay phụng múa, lý cứ như chặt sắt đóng đinh, thì lại bằng tiếng Pháp. Ấy là ông Bùi… Còn ông Nguyễn Phan Long thì nói tinh bằng tiếng Pháp như ông Colonel Sée, mà lại nói hay hơn ông Colonel Sée nữa !

Chẳng kể làm chi cho lôi thôi nhiều chuyện, đại để các ông ấy khi nào nói với người An Nam, đông mấy cũng mặc, trong đó có phần nhiều không hiểu tiếng Tây cũng kệ, ổng cứ việc nói tiếng Tây.

Chuyện nghịch quá mà các ổng làm được ! Giả sử anh sớp-phơ của các ổng, trong khi chủ biểu đi Thủ Đức mà ảnh lại vặn tay bánh nhắm hướng Chợ Lớn mà đi chắc bị rầy to bởi các ổng không khéo đòi cúp luôn tiền lương nữa là khác. Vậy mà các ổng, trong khi muốn gần dân chúng An Nam, muốn cùng dân chúng An Nam hiệp một, các ổng nhè nói tiếng Pháp, thì lại không ai rầy ! Có, người ta rầy lắm chớ, có điều các ổng không nghe đó thôi.

Chẳng có gì lạ hết. Các ông đảng viên Lập hiến chỉ có một ý là xem thường xem khinh dân chúng mà thôi. Chắc các ổng nghĩ rằng hạng người An Nam nghèo hèn, nghĩa là hạng không có tư bổn, không có chức phận, thì các ổng không cần. Hạng nầy không nghe được thì kệ họ ; miễn hạng có tư bổn chức phận nghe câu chuyện các ổng được thì thôi ; mà hạng nầy đều là có ăn học, nói tiếng Tây như bắp rang, thì có mắc mớ gì đâu mà các ổng không nói tiếng Tây ?

Đó là cái cớ hệ trọng nhứt làm cho đảng Lập hiến với dân chúng An Nam như mặt trăng với mặt trời. Ông đảng trưởng sắp xuống cho tới các đảng viên, chẳng hiểu tình ý của dân ra sao ; mà anh em dân cũng chẳng hề biết đảng Lập hiến là giống nào, đực hay là cái. Có đời nào nước nào lại có cái chánh đảng kỳ cục như vậy ? Nếu là chánh đảng thật, thì sao lại có được cái hiện tượng kỳ cục như vậy ?

Có lần cụ Bùi đã nói ra trên báo mà rằng mình không có thạo tiếng An Nam. Chỗ nầy, chúng tôi phải tin là cụ nói thật tình. Sự đó chẳng hại chi cho cụ về việc riêng ; song thật là một điều bất lợi cho cụ trong đường chánh trị.

Hiện nay có tiếng đồn rằng cụ Bùi Quang Chiêu toan bề cáo thối(*) mà nhường cái địa vị đảng trưởng đảng Lập hiến lại cho ông Nguyễn Phan Long, ông nầy sẽ ra đảm đương việc đảng chánh thức. Ai, chớ ông Long thì chúng tôi dám chắc là ông sẽ tránh được sự bất lợi của cụ Bùi nếu ông làm đảng trưởng Lập hiến, vì ông thạo nói và viết tiếng An Nam.

“Nói không định đô”, ấy là điều mà người ta không ai ưa. Chánh tôi nói về đảng Lập hiến đến bữa nay chừng cũng đã vỡ ra được nhiều lẽ rồi ; bởi vậy, chúng tôi định thúc lại trong ít bài nữa rồi cũng định đô cho rảnh.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s.6199 (18.7.1930)


 

(*) Việc tác giả và tòa soạn đánh số loạt bài này có lẽ có sơ xuất nên không có kỳ X. Các số báo 6196 (15.7), 6197 (16.7) và 6198 (17.7) không đăng gì thuộc loạt bài này, chỉ đến số 6199 (18.7.1930) mới đăng tiếp kỳ thứ 10, nhưng lại đánh số XI.

(*) trì hồi : dùng dằng không nỡ ra đi (theo Đào Duy Anh, sđd.) ; huỡn đãi (hoặc hoãn đãi) : chậm rãi, thong dong (theo H.T.Paulus Của, sđd.).

(*) cáo thối : như “cáo thoái”.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2004