NÓI VỀ ĐẢNG LẬP HIẾN Ở NAM KỲ(*)

 

I. CÁI CHỦ NGHĨA CỦA ĐẢNG LẬP HIẾN Ở NAM KỲ

 

Theo như lời Trung lập đã thanh minh trong số vừa rồi, hôm nay chúng tôi lại bắt đầu lấy tình bạn đồng nghiệp nói chuyện với tờ báo Đuốc nhà Nam cho hết câu chuyện.

Xin bạn đồng nghiệp, mà cho đến chư vị độc giả cũng vậy, phải biết cho rằng những lời chúng tôi sẽ nói về sau đây chẳng phải là công kích như trước đâu, song chỉ là lấy lòng thành thật cống hiến một vài chỗ sở kiến của chúng tôi. Chúng tôi nói đây chẳng những nhơn danh một nhà ngôn luận mà cũng nhơn danh cái cơ quan Trung lập nầy là một phần tử quốc dân nữa.

Hiện nay ở Nam kỳ ta có cái phong trào phản đối đảng Lập hiến và Đuốc nhà Nam cùng Tribune Indochinoise, là hai tờ báo cơ quan của đảng ấy. Cái phong trào ấy tuy gây nên trong lúc mới rồi bởi sự trễ nải của các ông trong việc can thiệp vào cuộc biến động, nhưng cái nguồn gốc của nó sâu xa lắm, ấy là bởi cái thái độ của đảng Lập hiến lúc bình nhựt mà ra.

Hôm nay đây chúng tôi phê bình cái chủ nghĩa của đảng ấy ra sao, rồi sau sẽ chỉ rõ cái chứng bịnh từ đâu mà bây giờ trở nên như một người đau liệt. Trong khi nói chuyện đây, chúng tôi không có ý châm chọc bươi móc mà nói một cách đường đường chánh chánh, cái mục đích là mong cho đảng Lập hiến nghe mà sửa mình, hoặc có làm được việc chi có ích cho quốc gia xã hội mà thôi. Mà nếu đảng Lập hiến thiệt biết sửa mình thì cũng chẳng khó chi mà vớt lại cái lòng người đã mất và làm cho dịu bớt cái phong trào phản động đương sôi nổi vậy.

Khi muốn xem đảng Lập hiến, lẽ đáng xét đến cái ngày giáng sanh của nó và cái lịch sử của nó mười năm trời nay đã làm ra được những việc gì. Nhưng thôi, muốn nghiên cứu đến cùng đầu triệt vỉ như vậy thì ít nữa cũng phải nói chạm vài người trong đảng, rồi nó sẽ thành ra cái vấn đề cá nhân, chúng tôi không muốn. Bởi vậy chúng tôi chỉ nói về cái chủ nghĩa của đảng ấy mà thôi.

Hôm trước chúng tôi có nói, nhiều năm về trước ông Albert Sarraut đặt tên cái đảng nói đây là Constitutionnaliste mà dịch ra tiếng ta là “Lập hiến”. Lập hiến, nghĩa là lập cho xứ nầy một cái hiến pháp. Làm sao lại đòi lập hiến pháp ? Lập hiến pháp để làm gì ?

Số là xứ Nam kỳ tuy thuộc dưới quyền nước Pháp là nước “dân chủ lập hiến” hơn 70 năm nay, song sự cai trị trong xứ lại không theo hiến pháp của nước Pháp, mà chỉ theo mạng lịnh của đức Tổng thống, của quan Toàn quyền và của quan Thống đốc Nam kỳ. Như vậy thì nhân dân xứ nầy chỉ có tiếng ở dưới quyền nước dân chủ mà thôi, chớ kỳ thiệt hễ đã tuân mạng lịnh của một vài người thì có khác gì ở dưới quyền dân chủ chuyên chế ? Nước Pháp, cứ như lịch sử, có tiếng là mẹ các nước dân chủ, đẻ ra dân quyền trong thế giới, há nỡ nào để cho dân thuộc dưới quyền mình vẫn còn mê man trong bóng tối sao ? Vì vậy nên mới nghĩ đến sự lập một cái hiến pháp riêng cho xứ nầy.

Hiến pháp ở nước nào cũng vậy, tự nhân dân khi nào biết là cần dùng thì tự lập ra hiến pháp chớ chẳng phải có ai lập thế cho dân. Ở Nam kỳ ta cũng vậy, nếu sau nầy có một cái hiến pháp, cũng sẽ tự quốc dân chúng ta lập lấy cho mình. Đùng có ai tưởng lầm rằng nước Pháp sẽ ban ơn lập hiến pháp cho chúng ta. Vì nếu vậy thì chẳng khác nào theo mạng lịnh một vài người cai trị, cần gì hiến pháp ?

Hồi mười năm về trước mà cho đến bây giờ nữa, trình độ dân Nam kỳ đã đủ mà lập lấy hiến pháp cho mình chưa ? Nước Pháp trả lời rằng chưa. Bởi vậy nước Pháp bấy giờ mới đem cái tương lai của 5 triệu dân An Nam mà phó thác vào tay các ông đảng Lập hiến, kèm thêm mấy lời như vầy : “Các ông khá hiệp những người cùng tin tưởng cùng một chủ nghĩa với nhau lập nên một cái đảng hành động ở dưới quyền của ta (nước Pháp) đây mà dạy dỗ cho dân các ông, ngõ hầu có một ngày họ đủ trình độ lập một cái hiến pháp, như là tờ giao kèo giữa ta với họ”.

Phải, cái chủ nghĩa ban sơ của đảng Lập hiến là vậy đó. Nếu cái chủ nghĩa của họ không phải vậy thì sao đặt tên là Lập hiến ? (Trời ôi ! vậy mà có một vài lần chúng tôi nói chuyện với mấy ông mà người ta kêu là đảng viên Lập hiến, hỏi thử họ cái đảng nghĩa của họ ra sao, thì có người hầu như chẳng biết chi hết, chỉ biết mình là đảng viên Lập hiến, bạn đồng chí với cụ Bùi mà thôi. Chúng tôi nói thêm câu nầy vào đây chẳng phải để cười đảng Lập hiến, nhưng để cho biết nhân tài nước ta còn kém lắm, gọi là hạng người trí thức mà cũng còn như vậy đó, huống lựa là ai !)

Hơn hai mươi năm nay cái ý kiến về chánh trị của người Việt Nam chia ra hai phái, là phái “ỷ Pháp” và phái “bài Pháp”. Hồi đó cụ Tây Hồ làm đại biểu cho phái trước, còn cụ Sào Nam làm đại biểu cho phái sau. Cái phái trước, phái ỷ Pháp, chẳng phải là không chánh đáng. Chúng tôi nếu chẳng biểu đồng tình với phái ấy thì thôi, còn ra mà viết báo quốc ngữ chịu đem cái tư tưởng cái ý kiến mình trải ngang qua toà kiểm duyệt làm chi.

Nhưng ta phải rõ chữ “ỷ Pháp” nghĩa là gì. Ỷ Pháp nghĩa là trước hết phải nhìn nhận cái trị quyền nước Pháp tại đất nầy trong thời kỳ ta ở đây, rồi ta ở dưới quyền ấy mà hành động theo lẽ phải, để dìu dắt đồng bào có ngày lên con đường tự trị và độc lập. Tuy cái chủ nghĩa ấy trái với chủ nghĩa bài Pháp như nước với lửa, song le mỗi bên có một lý do, có một ý kiến, thì bên nào cứ việc đi đường nấy, miễn là có cái mục đích vì đồng bào, vì tổ quốc là nên chớ lại hà tất phải giống nhau làm chi ?

Bất luận đảng Lập hiến ai đẻ ra nó ra, vì cớ gì mà đẻ nó song cứ nội hai chữ “Lập hiến” mà luận thì chủ nghĩa của nó há chẳng phải là chánh đáng sao ? Chẳng phải chúng tôi nói trong nước Nam nầy có một mình cái chủ nghĩa Lập hiến là chánh đáng, song chúng tôi nói rằng nếu có cái chủ nghĩa nào khác là chánh đáng, thì cái chủ nghĩa Lập hiến cũng là chánh đáng như vậy.

Đó, về chủ nghĩa của đảng Lập hiến có ai chê trách chăng thì chúng tôi không biết, cứ như chúng tôi thì vẫn cho là chánh đáng. Vậy mà đảng ấy không mạnh được, bây giờ lại bị người ta công kích nữa thì cái cớ nó ở đâu ?

À, hay là tại không có thế lực chăng ? Bài kế đây sẽ nói về thế lực của đảng ấy.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s.6186 (2.7.1930)


 

(*) Tên chung của loạt bài này, 2 kỳ đầu đều đề là : Lấy tình đồng nghiệp nói chuyện cùng Đuốc Nhà Nam, từ kỳ thứ ba mới lấy đầu đề Nói về đảng Lập hiến ở Nam Kỳ (NST).

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2004