PHỤ LỤC 1

PHẦN TỒN NGHI

NHỚ NGÀY 24-3 TÂY HỒ PHAN CHÂU TRINH(*)

 

Phan Tây Hồ tiên sanh tạ thế tại Sài Gòn ngày 24.3 năm 1926. Đến ngày 24 tháng 3 tới đây, trái đất vần xoay người hiền khuất mặt đã được bốn năm.

Trong đồng bào ta đây nhiều người mộ chí tiết và sự hành vi của tiên sanh, cho nên từ 1926 đến bây giờ, hàng năm đến ngày tiên sanh tạ thế, thì cùng nhau lên thăm mộ ở Tân Sơn Nhất và yết đền thờ ở Đa Kao, để tỏ lòng ghi nhớ cảm phục.

Nhơn dịp này bổn báo muốn lược thuật về thân thế, chí khí và sự nghiệp của tiên sanh ra đây :

 

THÂN THẾ

Phan Tây Hồ sanh ra năm 1872, tại làng Tây Lôc phủ Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam. Phan vốn là con nhà gia thế ; thân phụ là Văn Bình làm quan võ trong đời vua Tự Đức. Sau khi binh nước Pháp hạ kinh thành Huế, thì Văn Bình cùng với ông Nguyễn Duy Hiệu lập nên nghĩa hội ở Quảng Nam, không bao lâu mà bị người trong đảng nghi kỵ giết chết.

Bấy giờ Phan mới có mười sáu tuổi, mồ côi cả cha mẹ, nhờ có anh và chị dâu nuôi cho ăn và đi học. Lúc Phan còn đi học, có tánh làm biếng, không chịu học kinh truyện mà chỉ ham xem tiểu thuyết, lại có bỏ học văn mà theo học võ một hồi, biết được năm ba miếng đủ hộ thân. Mãi đến năm 27 tuổi mới có tiếng là danh sĩ cùng với ông Trần Quý Cáp (bị chém ở KhánhHòa năm 1908), ông Huỳnh Thúc Kháng chủ báo Tiếng dân bây giờ, và ông Nguyễn Đình Hiến, hiện làm tổng đốc Bình Định, hồi đó gọi là “Quảng Nam tứ hùng”. Đến năm 1900 vào đời vua Thành Thái năm thứ 12, Phan được 29 tuổi, mới đậu cử nhơn, qua năm sau đậu luôn phó bảng rồi được bổ làm thừa biện ở bộ Lễ mấy năm.

Trong mấy năm ấy tiếng rằng được làm chức quan nhỏ tại trào, nhưng Phan chỉ nằm co ở nhà chẳng chịu đi làm việc. Tuy vậy cũng nhờ cái thời gian ấy, mà Phan hiểu thấu mọi điều tình tệ của quan dân ta và đại thế thiên hạ. Bấy giờ Phan được đọc những tân thư của Tàu mà nảy ra ý kiến mới. Thứ nhất là phong trào Duy Tân bên Tàu, do bọn thầy trò Khương Hữu Vi và Lương Khải Siêu chủ trương, từ năm 1888 rồi tới năm 1904 có cuộc Nhật-Nga chiến tranh, mà Nhật thắng ; nhơn mấy cái phong trào ở ngoài như thế làm kích động, Phan quyết định ra làm việc quốc gia và vận động chính trị là từ đó.

Năm 1906 Phan xin từ chức thừa biện ở bộ Lễ, nói thác rằng về nhà cày cấy làm ăn, rồi che dù mang gói, đi châu du khắp cả ngoài Bắc trong Nam để kích động nhân tâm về kết giao với những người chí sĩ. Giữa khi ấy là Phan kết thức(*) với ông Phan Bội Châu và ra thăm tình hình ông Hoàng Hoa Thám ở ngoài Bắc. Năm 1906 thì Phan trốn xuống hầm than dưới tầu biển mà sang Tầu sang Nhật để xem xét công việc cải cách, duy tân của hai nước ấy. Thứ nhứt là ở Nhật, Phan xem xét kỹ lưỡng lắm, cũng lấy làm lạ rằng Nhật chỉ cải cách có trong vòng 30 năm mà việc học việc binh, hết thảy mọi việc đều bước vào cõi hoàn toàn như các nước Âu Mỹ đã làm trong bao nhiêu thế kỷ.

Phan xuất dương chỉ có mấy tháng thì trở về. Trong khi Phan đi, chính phủ có giấy mật nã. Đến lúc về Phan đi thẳng vào tòa khâm sứ Huế mà nói thật rằng mình đi Nhựt về đây, có chuyện gì mà Chính phủ mật nã. Chính phủ nói không, rồi cho Phan về nhà ở bình yên, không hỏi gì đến việc xuất dương cả.

Liền hồi đó Phan viết một bức thơ thật dài gửi lên chính phủ, tức là Phan Châu Trinh đầu Pháp chánh phủ thơ có nhiều tờ báo Tây đã dịch đăng và đã có ảnh hưởng tới nghị viện Pháp. Trong bức thơ ấy Phan đinh ninh xin chính phủ đem thành tâm mà mở mang việc học và cải cách chính trị cho dân Việt Nam. Một bức thơ ấy làm cho Phan lừng lẫy danh hiệu phong trào chính trị, và dân phong sĩ khí thức tỉnh được nhiều.

Từ ấy trở đi Phan lại đi khắp mọi nơi, khi thì vào Nam khi thì ra Bắc, đi đến đâu cũng khuyến khích cho mọi người chăm lo học hành, mở mang buôn bán, sửa đổi hủ tục. Cho đến năm 1908 xứ Trung kỳ có việc xin giảm thuế, làm náo động cả nên chính phủ cho là tự những người chí sĩ như Phan xúi giục. Khi ấy Phan đang ở Hà Nội bị bắt giải về Huế, đến trước hội đồng có mấy quan đại thần tra hỏi rồi kết án chém. Nhưng chính phủ giảm xuống tội lưu đày Phan ra Côn Lôn.

Phan ở Côn Lôn ba năm thì Hội nhân quyền ở bên Pháp hết sức can thiệp vận động, nên chính phủ thả Phan về mà cho ở tỉnh Mỹ Tho. Tuy là được tha ở đây nhưng không khác gì giam lỏng vì nhất cử nhất động không được tự do và có mật thám theo sau lưng luôn luôn, Phan tức mình bèn gửi thơ cho toàn quyền đương thời lúc bấy giờ là ông Klobukowski mà xin chính phủ trả về Côn Lôn, nếu không thì chính phủ cho Phan sang Pháp. Chính phủ cho Phan sang Pháp.

Vậy là năm 1911 Phan cùng con trai là Phan Châu Dật xuống tàu sang Pháp.

Phan sang Pháp ở ngay giữa kinh thành Balê (Paris). Hồi đầu những yếu nhơn Pháp về thuộc địa trọng đãi Phan lắm, trong trí họ mong rằng Phan hối quá tự tân(*) đừng hô hào vận động chi nữa. . . .  . . . . . . . . .. . . . . . . . .. . . . . . . . .. . . . . . . . .. . . . . . . . .. . . . . . . . .. .

Phan vận động Hội nhơn quyền can thiệp vào nhiều việc hình án ở bên này, và kết giao với những danh khách có tiếng ở Balê như đại tá Jules Roux và nghị viên Mariuss Moutet. Hai người này trọng nhơn cách và chí khí của Phan lắm, cho nên mỗi khi gặp việc gì là đều bênh vực Phan, hoặc ở trong viện nghị trường hoặc ở trước dư luận.

Năm 1914 sau khi Pháp sanh ra cuộc Âu chiến được mấy tháng thì Phan bị giam vào ngục Santé ở Paris, vì bị tình nghi là có tư thông với Đức. Sau nhờ có Moutet biện bạch cho, nên Phan bị giam 11 tháng rồi được thả ra.

Trước kia Bộ thuộc địa vẫn cấp cho Phan mỗi tháng là 450 quan tiền lương, nhưng sau khi Phan bị giam được thả ra, thì Bộ thuộc địa bãi khóa lương ấy đi. Bộ thuộc địa thấy Phan già yếu lại không biết chữ Tây, cho nên cốt làm cho tuyệt lương để phải về nước ; sợ để bên ấy mãi Phan hay thúc giục Hội nhơn quyền, gây ra nhiều cuộc chánh biện ở nghị viện, lôi thôi lắm. Phan biết mưu ấy càng không chịu về mà phải đi học nghề sửa hình, kiếm tiền độ nhựt. Từ đó đến năm 1925 là năm Phan về nước, cả thảy mười năm trời Phan sống nhờ mười đầu ngón tay của mình, chớ không hệ lụy ai hết ; trong khi rảnh rang vẫn kết giao với các chính khách, vẫn tùng đàm về chính trị. Thường thường hay nhóm học sanh ta ở Paris mà khuyên răn dạy bảo. Anh em học sanh hồi đó và cả anh em lao động nữa đều kính mộ Phan lắm.

Năm 1922 có cuộc đấu xảo thuộc địa ở Marseille, Khải Định hoàng đế qua Tây, Phan nhơn dịp ấy có gởi một bức thư thông đàm về thời cuộc.

Đến năm 1925 cũng nhờ ông nghị Moutet vận động cho ông Phan được nhập quốc tịch Pháp, rồi cùng ông Nguyễn An Ninh về nước.

Về tới đây Phan ở luôn tại Sài Gòn nhưng tiếc thay ông mới diễn thuyết được có hai lần… thì đã mắc bệnh riết cho tới năm sau là ngày 24-3 năm 1926 thì mất.

 

 

TƯ TƯỞNG VÀ CHÍ KHÍ CỦA TIÊN SANH

Nhơn cách, học vấn, khí khái và tư tưởng của Phan thật có nhiều chỗ khác người . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  . . . . . . . .

Trước hết ta nên nhận Phan là người có tánh độc lập tự tôn lắm. Suốt đời Phan có nhiều cơ hội làm được phú quý mà Phan không thèm ; đến như việc nước ý kiến mình thế nào nói ngay ra như thế chớ không chịu thoái nhược một việc gì, hay là nhún mình một chút nào. Phan thường hay nói rằng : “Ai nói mình yêu nước mà chẳng yêu mình thì chẳng có lòng yêu nước thật. Vì mình là một phần tử của nước mình, không trọng lấy mình thì tức là làm nhục cho nước thì còn gọi được là yêu nước sao ?”. Vì có cái nhơn cách cao thượng ấy, cho nên chẳng luận trong khi tự do, hay là những lúc ngồi tù Phan không để cho ai lấy thế lực hay oai võ mà đè nén nạt nộ được mình. Cái tánh ấy chẳng những ở việc lớn mà thôi, ngay ở việc nhỏ cũng vậy, gặp chuyện gì bất như ý thì Phan chống cự liền chớ không chịu nín. Phan cho rằng nếu cả quốc dân mỗi người gặp chuyện chẳng vừa ý mà nín đi cho rồi chuyện thì tự nhiên là cả dân tộc mất tánh tự tôn đi, còn làm nên việc gì được nữa.

Phan lại là người có nghị lực lớn, suốt đời từ khi bắt tay vào công việc vận động chính trị, cho đến lúc chung cuộc ở Sài Gòn trong khoảng mấy chục năm trời, gặp không biết bao nhiêu là nỗi đắng cay, bao nhiêu phen khổ sở mà tấm thân đã hứa cho quốc gia rồi, thì không sờn lòng, không lùi bước. Đến đỗi cho gia đình là vô vật, khi qua Nhựt . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .  . . . . .

Phan xé tan ra mà nói đã đem thân làm việc nước mà còn nghĩ tới nhà thì còn làm trò gì được. Lại một lần khác giữa hồi Phan ở Paris có người đem chuyện nhà cửa nói với Phan, Phan gắt : “Ta chẳng biết nhà cửa là gì cả, đừng nói thêm rác tai ta !”

Đối với thời cuộc mình Phan không hề tỏ ra tí bi quan nào mà than trời trách đất, chưởi vận mắng thời như những kẻ khác, Phan chỉ tự vấn lấy mình : “Ồ, thời cuộc như vậy mà tự mình, mình phải làm thế nào chớ”. Coi vậy đủ thấy Phan là người có nghị lực mạnh bạo cang cường lắm.

Thủy chung đời Phan, đối với việc chánh trị, có cái xác kiến không hề đổi dời, là tin cậy vào cả dân tộc Pháp khai hóa cho ta, mà phải khai hóa bằng thành tâm, bằng tinh nhân loại kia.

Phan không chủ trương về việc bạo động một chút nào, vì Phan biết rằng làm cách ấy không xong việc. Ngay khi mới bước chân qua Nhật, thấy suốt địa thế thiên hạ rồi, trong lúc từ biệt ông Sào Nam ở nước Tàu để về nước, thì Phan nói rằng : “Từ khi tôi ra ngoại quốc, lại càng thấy rõ thiên địa thế là thế nào ; tôi tưởng nước mình chẳng có thể dùng võ lực mà bạo động được, vì dân còn kém quá, bạo động thì chết”. Bởi có cái xác kiến ấy, cho nên suốt đời Phan nói : “Học để tự cường”, còn đối chính phủ thuộc địa thì nói : “lấy thành tâm mà khai hóa dân chúng tôi”, chỉ có vậy thôi chứ không hề bao giờ Phan khuyên người ta phản đối nước Pháp.

Phan tuy là người trong cửa Khổng Mạnh mà ra song Phan hiểu biết Khổng Mạnh một cách xa chớ không hiểu như người thường, Phan cho rằng học thuyết của Khổng Tử chỉ tóm có chữ “Nhơn”, nhơn là yêu người, yêu người thì phải cứu người. Học thuyết của Mạnh Tử chỉ tóm lại trong hai chữ “Dưỡng khí” dầu là một người hay là một dân tộc có nuôi cái khí phách của mình cho mạnh mẽ thì mới gánh vác được việc đời và tranh cạnh với người ta được. Phan đem Nho học của Khổng Mạnh ra suy diễn và đối chiếu với Tây học mà nói rằng Nho học nói trị quốc, tức là quốc gia chủ nghĩa, bây giờ nói là bình thiên hạ tức là xã hội chủ nghĩa ngày nay vậy.

Còn về Tây học thì Phan không có mấy tuy là ở Pháp mười bốn năm mà cũng không hề học chữ Pháp. Song Phan có đọc những sách của Montesquieu, Voltaire, Rousseau v.v… do người Tàu dịch ra và nhờ mười mấy năm lưu lạc ở Pháp có giao tiếp với nhiều người cùng là tai nghe mắt thấy nhiều thành ra Phan cũng lãnh hội được cái đại cương của Tây học và xem xét đến nơi về những tư tưởng cùng tình trạng của người Âu châu như thế nào. Nói tóm lại về Tây học hay Nho học cũng vậy, Phan không có học nhiều mà có thức rộng. Phàm người cần phải có học nhưng học lại cần phải có thức, nếu học mà không có thức thì cũng như không học. Sự học của  Phan mà hơn người là không tại nhiều về đàng học mà tại nhiều về đàng thức. Mỗi lời nói mỗi việc làm trong đời Phan đều chứng tỏ ra sự đó.

 

VĂN CHƯƠNG VÀ DẬT SỰ CỦA TIÊN SANH

Từ nhỏ Phan đi học, hình như không lưu tâm giới ý gì về sự khảo cứu từ chương. Rồi từ năm ngoài ba mươi tuổi trở đi đem thân hứa cho nước nhà tới già tới chết thì Phan chỉ là một nhà hoạt động mà thôi chứ không phải là một nhà văn học. Xem thi phú khi còn đi học và những thơ từ gửi cho chính phủ, cho vua Khải Định hay là lúc có ngẫu hứng mà ngâm vịnh gì thì biết Phan chỉ cầu lấy lời để đạt ý thôi chứ không cần đẽo gọt lời văn, khoe mình là tài bộ gì hết. Đó là cái tánh tự nhiên của Phan, nói ra tựa hồ như dễ mà thật người đời khó mà bắt chước được.

Xem những bài thi sau này thì biết.

Lúc đày ra Côn Đảo Phan bị cắt làm việc đập đá rải đường nên có làm bài thi Đập đá:

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn

Lừng lẫy làm cho lở núi non.

Xách búa đánh tan năm bảy đống ;

Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,

Mưa nắng chi sờn dạ sắt son.

Những kẻ vá trời khi lỡ bước,

Gian nan nào xá sự con con !

Và bài Côn Lôn tức cảnh:

Biển dâu dời đổi mấy thu đông,

Cụm núi Côn Lôn đứng vững trồng

Bốn mặt giày vò oai sóng gió

Một mình che chở nỗi non sông

Cỏ hoa đất nảy cày trăm thước,

Rồng cá trời riêng biển một vùng

Nước biếc non xanh thiêng chăng nhẻ,

Gian nan xin hỏi khách anh hùng.

 

Trong năm 1915 Phan bị giam trong ngục Santé ở Paris cũng có hai bài cảm tác :

                    I

Ba năm trải khắp đất Pha-ri,

Lao ngục chưa hề biết tí ti.

Sự thiếu xui nên bay buộc tới ;

Sống thừa còn có oán hờn chi ?

Mỗi ngày đúng bữa ba lần súp,

Hai đứa chia nhau một bánh mì.

Tám kiếp trâu già chi sợ ách,

Ngồi buồn bắt vế cứ ngâm thi.

                      II

Từ ấy gian luôn mấy tháng tròn,

Nhờ trời ngủ kỹ, lại ăn ngon

Ngày ba lần xực coi còn đói,

Đêm chín  giờ ngơi ngáy vẫn giòn,

Một bữa nửa giờ ra hóng mát,

Một tuần hai bận xuống thăm con,

Vui buồn mình biết lòng mình vậy

Miễn trả cho rồi nợ nước non.

 

Có lẽ gọi là thi văn của Phan, suốt đời chỉ có mấy bài này là xuất sắc mà trong mấy bài ấy ta đọc thì đủ biết Phan đem tâm sự, tư tưởng hay là cảnh ngộ mà nói ngay ra, chớ không có giọng gì là thở than khóc lóc như cái lối văn than ôi và văn “vỏ tươi ruột héo” như người đời. Văn sao thì người vậy, đời của Phan làm việc chính trị, cũng thẳng băng như mũi tên không giấu giếm chi cả.

Những di văn dật sự về đời của Phan, nhiều lắm không nói hết được, song đại khái cái tính cách của Phan từ nhỏ tới già, mỗi việc gì cũng bày tỏ ra cang cường háo thắng lắm. Chính là nhờ có tánh cách ấy, mà trong đời Phan làm chính trị, là việc khó nhọc mà Phan vẫn độc lập tự tôn.

Thật Phan có tánh háo thắng, ngay những lời nói việc làm nho nhỏ, nhất thiết là mình muốn hơn người ta, chứ không chịu lui chịu kém. Cho tới cờ bạc là chuyện con con nếu Phan đánh thua ít nhiều là Phan thức sáng đêm hay là ngày khác cũng đành, để gỡ lại cho kỳ được mới chịu. Đã có cái tánh ấy trong lúc bình thường cho nên khi ra làm việc nước cũng hăng hái say mê chẳng hề ngã lòng thối chí.

Người ta thuật chuyện : hồi ông Vương Duy Trinh làm tổng đốc Quảng Nam thì ông đã từ chức quan thừa biện rồi ; ngày nọ Phan đến yết kiến Vương. Vương nói ông đã cáo quan về rồi, sao không yên phận làm ăn mà cứ đến tỉnh đến phủ làm gì vậy ? Phan đáp rằng : “Làm ăn hay không làm ăn thì tôi no hay đói, song quan lớn tưởng tỉnh này là của quan lớn hay sao ? Tỉnh Quảng Nam là tỉnh của dân Quảng Nam, vậy tôi cũng là người chủ tỉnh này vậy, tôi muốn đến lúc nào thì đến. Đến để làm gì ? Đến để xem xét công việc của các quan làm : các quan làm phải thì thôi còn như các quan làm bậy thì dân chúng tôi can thiệp vào”.

Cái tư tưởng dân quyền của Phan đã phát sinh ra từ đó, rồi ôm mãi, vận động mãi cho tới già tới chết.

Đó, thân thế, sự nghiệp của Phan tiên sinh tóm tắt lại là thế.

Phải tóm tắt lại mà thôi chứ sự nghiệp cả một đời tiên sinh còn có nhiều việc đáng kể, nhiều đức làm gương nữa kia, nhưng tiếc thay cái giới hạn của tập báo quốc văn không cho phép chúng tôi phô bày ra hết được. Ông Phan Khôi đã từng viết một cuốn sách nói về tiên sanh rất hay rất kỹ, nhưng cũng chủ để truyền lại cho hậu thế mà xem thôi.

Tuy vậy cứ những điều đại cương thuật trong bài này cũng đủ tỏ ra Phan tiên sanh là người thế nào, có ảnh hưởng cho quốc gia xã hội thế nào, đáng làm gương cho bạn hậu thế thế nào. Vậy mong hàng năm cứ đến ngày 24-3 này, nhớ bậc tiên sanh lo việc nòi giống đến bạc đầu mỏi gánh non sông rồi nhắm mắt, thì ta nên ghi sự nghiệp của tiên sanh mà đừng quên, noi gương sáng của tiên sanh mà tự miễn(*).

P.N.T.V.

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.44 (20.3.1930)

 


 

(*) Trong các tài liệu về Phan Châu Trinh (do bà Lê Thị Kinh phát hiện gần đây), bản mật báo số 239 US, ngày 1.6.1926 của Sở mật thám Nam Kỳ gởi Thống đốc Nam Kỳ (xem Phan Thị Mỹ Khanh Nhớ cha tôi Phan Khôi, Đà Nẵng, 2001, tr.279 – 281) thì Phan Khôi có viết một tác phẩm nhan đề Phan Châu Trinh. Có lẽ chính bài báo này là lược trích từ cuốn sách đó và chỉ ký tên tòa soạn PNTV. Người sưu tầm cho rằng đây là bài do Phan Khôi viết.

(*) kết thức : kết giao với nhau (Đào Duy Anh, sđd.).

(*) “hối quá tự tân” hoặc “cải quá tự tân” : chừa bỏ điều lỗi, sửa lại mình (H.T.Paulus Của, sđd.).

(*) Văn bản bài này rút từ sưu tập 13 năm tranh luận văn học (1932-1945) Thanh Lãng sưu tầm (Nxb. Văn học và Hội NCGDVH. TP. HCM, tập 2, 1995, tr. 30-41);

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2004