III. TẠI SAO LUÔN TRONG MẤY SỐ TRUNG LẬP CƯỜI ĐUỐC NHÀ NAM

 

“Khi đáng cười thì cười, người ta chẳng nhàm sự cười của nó.”

(Luận ngữ)

 

Những luận điểm chúng tôi lập ra lần đầu có ba điều của Đuốc nhà Nam trách Trung lập, mà hai điều trên thì chúng tôi cắt nghĩa rồi trong số ra ngày 23 Juin ; còn một điều chót, xin giải minh ra hôm nay.

Điều ấy như vầy : Đuốc nhà Nam trách Trung lập sao có xỏ xiên châm chọc mình, và reo cười giễu cợt trong khi nhà nước có việc.

Đó, xin độc giả ghi lấy điều Đuốc nhà Nam trách chúng tôi như vậy đó, rồi xem xuống dưới nầy là những lời tự biện hộ lấy của chúng tôi.

Có thiệt. Sự chúng tôi châm chọc Đuốc nhà Nam thì có thiệt, nhưng nói rằng xỏ xiên thì khí quá. Lại giễu cợt và mỉm cười thì có, chớ có đâu đến nỗi cười reo ? Mỉm cười và cười reo, một đàng là do sự nói ra không tiện, một đàng là do sự quá vui, khác nhau xa lắm. Chúng tôi há phải là kẻ mất lương tâm đâu mà lại lấy làm quá vui trong dạo nầy ?

Trong Trung lập có mục “Những điều nghe thấy”, ấy là chúng tôi đổi đi một chữ của cụ Nguyễn Du để giãi tỏ một vài chỗ “đau đớn lòng” của chúng tôi. Trong mục đó, tác giả thường dùng lối văn giả ngộ, pha trò, để phẩm bình mọi sự chạm đến tai mắt mình, mà ở trong có ngậm một cái ý chua cay tha thiết. Chẳng dám chắc rằng sự phẩm bình trong mục ấy là có ích gì cho xã hội, song dám chắc rằng bất kỳ ai, đã đọc mục ấy, cũng phải chứng nhận cái “cười ra nước mắt” của kẻ thương đời.

Trong Kinh Thi, là sách mà ông cha ta đã đọc mấy mươi đời nay có phần Quốc Phong và Tiểu Nhã, tại đó luôn luôn có những bài thơ phúng thứ. Phúng thứ nghĩa là chế nhạo châm chọc. Các nhà giải kinh có nói về chỗ đó rằng : Cái lối thơ phúng thứ ấy hay lắm, kẻ nói ra không phải tội, mà kẻ nghe đủ để răn mình. Gặp khi nào hay là việc gì mà không có thể nói thẳng ra được, thì dùng lối văn đó thiệt có phần đắc lực lắm. “Những điều nghe thấy” của tờ báo nầy là tổ thuật cái ý sâu của Phong, Nhã đó.

Trung lập từ ngày 2 Mai trở đi mỗi số đều có bài trong mục ấy luôn luôn. Duy từ hạ tuần tháng Mai bước qua cho đến nửa tháng Juin, thì bữa có bữa không, có khi tiệt hẳn luôn cả tuần lễ chẳng có bài nào hết ; cho đến “Ý kiến Trung Lập” cũng vậy. Sự đó chẳng phải chúng tôi dám xao lãng sự điều độ trong nghề nghiệp mình đâu ; nhưng cái cớ nó, là tại… độc giả mạnh ai nấy hiểu(*).

Giá mà đừng có chuyện chi hết thì chúng tôi há chẳng muốn ngồi tề tĩnh cho khoẻ hay sao, lại cười làm chi cho đau ruột ? Song le, cuộc thế cớ trêu, việc người lắm nỗi, bỏ thì thương, vương thì nặng, nặng thì vương.

Bắt đầu từ ngày 16 Juin, Trung lập nơi mục “Những điều nghe thấy” mới lại có bài “Người đàn bà giỏi thiệt” ; kế ngày 17 có bài “Mất quyền làm thinh”; ngày 19 có bài “Dân ngu” ; cho đến ngày 21 là khi Trung lập đã có sự lôi thôi, nói qua nói lại với Đuốc nhà Nam rồi, chúng tôi tính cười một bữa cho hả hơi, bèn có bài “Kêu hùn lập hội”. Bây giờ đây, trước mặt Đuốc nhà Nam và trước mặt độc giả, mà chúng tôi lại đi chối ngược chối xuôi hay sao ? Nếu vậy chẳng là chúng tôi hèn lắm đi giờ ? Chúng tôi phải rón rén mà khai thiệt ra rằng trong mấy bữa đó chúng tôi cười là là cười Đuốc nhà Nam vậy, Đuốc nhà Nam làm lơ mà đi đi thì thôi, còn Đuốc nhà Nam xây quoái lại(*), hỏi cười ai, thì Trung lập phải thú thiệt với người bạn mới vừa “xẻ chiếu”, của mình rằng : Tôi cười anh !

- Làm sao chú lại được cười tôi ?

Nếu Đuốc nhà Nam hỏi câu ấy thì Trung lập khỏi phải trả lời, chỉ xin Đuốc nhà Nam giở mấy số Trung lập ngày 21, 26, 27 Juin ra mà coi ; và về phần độc giả, chúng tôi cũng chỉ xin như vậy. Ba bài trường thiên trong ba ngày ấy của Trung lập sẽ trả lời thế cho chúng tôi tại làm sao dám cười Đuốc nhà Nam, cười đảng Lập hiến, cười các ông Hội đồng quản hạt, cười ông Nguyễn Phan Long.

Coi cho kỹ ba bài đó thì thấy ra các ông hết thảy đều có cái thái độ hẫng hờ nhút nhát đối với thời cuộc mới rồi. Các ông đợi cho sự biến động đã yên rồi mới đăng đàn diễn thuyết, thì khác nào trong một lớp tuồng kia, hai ông tướng đánh trận nhau đã chán, trên sân khấu vắng tanh, rồi có năm bảy chàng kia đội mão quạ vác cờ ra huội huội ! Nếu các ông coi hát gặp lớp tuồng ấy mà nín cười được, thì các ông mới mạnh miệng mà cấm chúng tôi cười cái lớp tuồng của các ông.

Huống chi thứ chất hơi kêu bằng gaz lacrymogène(**) kia mà quả là thứ đáng dùng để thay cho súng, thì làm sao hơn một tháng trời chẳng đem ra mà hiến kế cho quan trên ? giá nhà hóa học Nguyễn tiên sanh hiến cái kế ấy ở ngày 1er Mai, thì nhà nước đánh ngay giây thép về Tây mua đem qua, cũng còn kịp dùng trong những cuộc biểu tình tối hậu ở Hóc Môn, Đức Hòa là hai nơi mà tình hình nghiêm trọng hơn hết. Hỡi gaz lacrymogène ơi ! nhà ngươi làm hề trước mặt chúng ta, biểu chúng ta sao đặng mà chẳng cười ?

Cái cười nầy không phải là cười dại đâu. Cười cho thiên hạ biết cái lòng yêu nước thương dân là vậy đó ! Cười cho thiên hạ biết cái phận sự dân biểu và đảng viên Lập hiến là vậy đó ! Cái cười dẫu có ngàn vàng chưa dễ mua ấy mà bị trách ư?

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s.6183 (28.6.1930)


 

(*) Có thể tác giả muốn nói đến hoạt động của sở kiểm duyệt.

(*) xây quoái lại (chữ “quoái” viết không đúng) có lẽ như “xoay ngoái lại”.

(**) gaz lacrymogène : hơi cay ; khí làm chảy nước mắt.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2004