THEO THUYẾT CHÁNH DANH ĐÍNH CHÁNH LẠI CÁCH XƯNG TÊN CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

 

 

Độc giả xem mấy bài mà tôi có nói về cái thuyết chánh danh của Khổng Tử, nhứt là bài trong Phụ nữ tân văn số 57 vừa rồi(*), thì thấy ra cái sự chánh danh  nó quan trọng là dường nào.

Theo thuyết ấy mà suy diễn ra, thì bất kỳ một cái tên chung (nom commun) hay là một cái tên riêng (nom propre) nào, trong khi dùng nó cũng phải xem xét suy nghĩ cho kỹ càng, chớ không được cẩu thả chút nào hết ; cẩu thả thì thế nào cũng có hại, hoặc ít hoặc nhiều.

Về sự dùng tên mà kêu sự vật, coi bộ người mình không lấy làm hệ trọng, cũng như viết chữ quốc ngữ, cho rằng viết thế nào cũng được, miễn hiểu thì thôi. Cái đó rất là trái với luận lý học. Người mình nếu muốn theo luận lý học mà lập một nền học thuật riêng bằng tiếng Việt Nam sau nầy, thì từ nay phải chừa cái thói cẩu thả ấy đi mà kêu tên cho trúng mới được.

Luận lý học chia ra hai phần : phần thứ nhứt nói về nguyên lý (principe) ; phần thứ hai nói về phương pháp (méthode). Trong phần nguyên lý có một cái luật kêu bằng luật tự đồng (loi d’identité). Nghĩa là mỗi một sự vật nào, nó cùng chính mình nó phải là đồng nhứt. Nói cho rõ hơn thì nói rằng : Hễ sự vật nào đã là thế ấy thì ắt là thế ấy. Chúng ta cho có là có, cho nên chúng ta kêu bằng có ; chúng ta cho người là người, cho nên chúng ta kêu bằng người. Bất kỳ là ai, trong khi suy xét một sự vật gì mà không tuân cái luật đó thì tự nhiên không suy xét được, chớ đừng nói đến sự phán đoán làm chi.

Cái giấy căn cước của chánh phủ Pháp phát cho chúng ta sao lại kêu bằng “Titre d’identité” ? Ấy cũng là theo luật tự đồng. Chữ “indentité” nghĩa là đồng nhứt. Khuôn mặt ông ra làm sao, có mấy cái nốt ruồi, có vết có thẹo gì không ; trạc người ông cao mấy thước ; tác ông bao nhiêu tuổi : những điều ấy có ghi trong giấy căn cước của ông, nếu đem mà so với cái người thiệt của ông mà đúng y, ấy tức là tự đồng . Tự đồng, là ông (ở trong giấy) đúng với chính mình ông (ở ngoài) vậy.

Ông hoặc tôi, sau khi ở xe lửa Nha Trang vô, xuống ga Sài Gòn, mà rủi cái giấy căn cước của bọn mình không theo luật tự đồng, thì ông tưởng dễ chơi lắm sao ? Chuyện chi rồi sẽ hay, chớ liền tối hôm ấy, là ông hoặc tôi phải nằm bót cái đã.

Nói nội cái luật tự đồng của luận lý học mà thôi, thì ai nấy nghe như cho là nhà triết học khéo bày ra nhiều chuyện, xưa nay người ta chẳng thèm biết đến luật tự đồng thì lại có hại chi. Nhưng mà, sau khi nghe đến cái luật tự đồng của giấy căn cước, chắc ai nấy cũng thấy xương sống mình hơi ghê ghê mà cho là quan hệ lắm.

Thiệt, quan hệ lắm thiệt. Bởi vậy danh học của Trung Quốc hồi xưa cũng chăm về chỗ đó. Bọn học giả đời Chiến Quốc có tranh biện cùng nhau về những cái thuyết “danh thiệt” và “đồng dị”. Để rồi sau tôi sẽ thuật những cái thuyết ấy mà nghe. Đây tôi chỉ nói mau rằng : cái luật tự đồng của luận lý học phương Tây tức là cái thuyết “danh thiệt” của Danh học đời Chiến Quốc. Nói rằng : “mỗi một sự vật nào, nó cũng chính mình nó phải là đồng nhứt”, với nói rằng : “mỗi một sự vật nào, danh nó phải đúng với thiệt nó”, thì hai nếp cũng vô một xôi.

Sự kêu tên cho trúng là quan hệ với luận lý học như vậy, mà tôi tưởng luận lý học lại là cần cho người Việt Nam ta lắm, nên tôi cứ phải lặp đi lặp lại mà rằng : Muốn học luận lý học thì trước hết phải theo cái thuyết chánh danh của Khổng Tử, phải kêu cho trúng tên.

Trên kia tôi có nói, về sự kêu tên chung hoặc tên riêng người mình cũng không lấy làm hệ trọng. Vậy đây tôi cử ra những sự xưng tên riêng một cách cẩu thả của người mình, rồi tôi theo cái nghĩa chánh danh mà đính chánh lại như sau.

1) Một người nên chỉ có một tên mà thôi

Một vật mà có hai tên, Đàng Ngoài kêu thạch, Đàng Trong kêu xu-xoa, đã là bất tiện rồi, huống chi là người. Người đời xưa chỉ có một tên. Trong kinh Lễ dạy rằng hễ tên của cha đặt cho mình thì sau không nên đổi. Nhà nho lẽ phải theo lễ, cái nầy, trong nước ta, những người hay đổi tên thứ nhứt, lại là nhà nho !

Tôi không nói hàm hồ, có người đổi tên đến năm bảy lần. Hồi trước còn khoa cử, người nào tự phụ hay chữ mà thi rớt thì đổ tại số mạng, nên đổi tên luôn luôn. Cứ ba năm một khoa mà rớt cái bịch, ấy là đổi tên một lần, tài chi không nhiều tên ? Tôi ghét quá, họ cứ làm bộ, nói mình là môn đồ Khổng Tử, mà chỉ một chút nầy đây cũng tỏ ra là họ trái với Khổng Tử mà theo Lão Tử.

Trong sách Thần tiên truyện của Cát Hồng có nói rằng : “Lão Tử cứ đổi tên hoài hoài, chẳng phải một tên Đam mà thôi. Sở dĩ làm vậy, là tại theo sách nhà Đạo, cái tên của người ta cũng có vận ách, hễ gặp hồi đó mà nếu đổi tên đi để theo sự biến chuyển của nguyên khí, thì có thể thoát khỏi ách và sống lâu”. Nhà nho ta ngày xưa có nhiều người hay đổi tên, ấy là có tiêm nhiễm và mê tín cái thuyết của sách nhà Đạo.

Từ hồi chánh phủ Pháp ở đây bày ra giấy căn cước và nhứt là Nam kỳ lập bộ đời(*) đã lâu, làm cho người mình bỏ được cái thói nhiều tên, tôi nhận cho là sự ích lợi lắm.

Cách đặt tên của người mình nguyên theo Tàu. Đại để những người có học thì ngoài cái tên chính ra, có tự và hiệu. Tự thường đặt bằng hai chữ theo nghĩa của tên ; hiệu thì phần nhiều lấy theo chỗ ở của mình, hoặc núi, hoặc sông, hoặc cái dấu riêng gì khác.

Tự và hiệu dùng để làm gì ? Theo đời xưa, anh em bạn kêu nhau thì kêu bằng tự chớ không kêu bằng tên ; còn công chúng kêu những người có danh vọng trong đời, thì không kêu bằng tên bằng tự mà kêu bằng hiệu ; như bên Tàu, hồi nhà Tống, người ta kêu Châu Đôn Hy bằng Liêm Khê tiên sanh ; và mấy năm gần đây, người mình hay kêu ông Phan Châu Trinh bằng Tây Hồ tiên sanh, phải vậy.

Vì cớ ấy, chính những người có tự có hiệu, phải biết đường mà dùng nó. Trong khi viết thơ cho bạn, thường thường đề cái tên mình rồi còn thêm cái tự nữa. Như vậy để làm gì ? Là để cho người bạn ấy bữa sau biết cái tự của mình mà kêu. Trong khi đề cái tên mình vào câu đối hay bức trướng, là vật treo ra trước mặt mọi người, thì trên cái tên thường để cái hiệu. Như vậy có ý gì ? Là có ý cho công chúng biết cái hiệu mình mà kêu, nếu mình là người có danh vọng mà công chúng không nỡ kêu tên.

Từ xưa đến nay, phàm loài người đã đặt ra điều gì cũng là có nghĩa hết, có lý hết ; trước khi mình làm điều gì phải nghĩ đến cái lý của nó rồi hãy làm. Cái nghĩa cái lý của sự dùng tự và hiệu là như tôi đã nói trên kia. Nếu tôi nói đó là phải, thì tôi chẳng biết ông chủ nhựt trình và người viết báo mà lại chưng cái tự mình trên tờ báo, là có nghĩa lý gì ? Đối với pháp luật, với chánh phủ, chỉ một cái tên là đủ rồi. Nếu thêm một cái tự nữa, là dư. Mà chẳng những dư thôi đâu, lấy nghiêm cách mà nói, thì có thể cho là hai tên vậy. Mà một người hai tên, ấy là sự không dung được trong pháp luật.

2) Tên, phải kêu theo chủ nó

Trong sách chữ Hán mà tôi quên là sách nào, có câu “Danh tùng chủ nhân”, nghĩa là : cái tên, phải theo người chủ có tên. Câu ấy

đã thành ra như một cái luật, mà luật là phải.

Phải, vì cớ gì ? Vì nếu không kêu theo chủ nó mà lại kêu khác đi, thì thành ra một vật có hai tên. Người nầy kêu khác đi được, các người kia cũng viện lấy mà kêu khác đi được, thì chẳng những có hai tên, mà sẽ có đến trăm ngàn tên chẳng hạn. Như vậy rồi cái vật ấy còn ai biết nó là gì nữa ! Cho nên đặt ra luật ấy mà buộc người ta theo, là phải lắm.

Tôi lấy làm lạ sao người Pháp lại trái luật ấy đi. Như kinh đô của Ăng Lê, người Ăng Lê kêu bằng London thì can chi người Pháp lại đổi đi mà kêu là Londres. Mà cũng không phải tại cớ rằng hễ để London thì người Pháp đọc không tiện, vì trong tiếng Pháp nhiều chữ cuối cùng bởi vần don.

Những tên đất trong xứ ta, người Pháp hay viết nhập lại rồi đọc sai đi. Như Ba Ngòi thành ra Bangoi (họ đọc là Ban-goi), Đồng Hới thành ra Đônghoi (họ đọc là Đon-goi) – còn nhiều nữa, không kể hết, - ấy là sự hại cho tiếng Việt Nam chẳng ít.

Song le người Pháp muốn phát âm theo đúng như người mình thì khó cho họ, nên họ nói trại bẹ đi, chẳng trách làm chi ; chớ chính người Việt Nam, mà lại kêu Ba Ngòi thành ra Ban-gôi, Đồng Hới thành ra Đon-gối, Quy Nhơn thành ra Ky-non, Chợ Lớn thành ra So-long, thì thôi, tôi chẳng biết còn dùng được lời gì mà trách họ, nếu mình muốn trách. Gặp khi như vậy, tôi trở lại tiếc chánh phủ ở đây sao đem mà bỏ cái luật đánh đít đi.

Nhơn đây tôi cắt nghĩa luôn điều nầy tiện lắm. Họ không nói trước mặt tôi, chớ nhiều người thấy ông Phạm Quỳnh, ông Trần Trọng Kim kêu vị giáo chủ đạo nho là Khổng Phu tử, mà tôi kêu là Khổng Tử, thì chắc họ nói tôi kêu như vậy đã tỏ ra ý không tôn kính ngài. Tôi nói cho mà biết, ai nghĩ như vậy là lầm. Tôi kêu bằng Khổng Tử, chẳng qua theo cái luật “Danh tùng chủ nhân”, chớ chẳng có ý chi lạ.

Xưa nay có ai tôn kính Khổng Tử cho bằng người Tàu, thế mà họ vẫn kêu Khổng Tử là Khổng Tử. Sanh sự ra kêu Khổng Phu tử, ấy là bắt đầu từ người Tây. Người Tây kêu Khổng Tử bằng Confucius, chữ fu đó, người ta nói là do chữ phu mà ra, nên Tàu và An Nam, có người bắt chước mà kêu Khổng Phu tử như người Tây. Theo cái luật danh tùng chủ nhân, thì tôi tưởng, chủ nhân của cái tên ấy là người Tàu, vậy thì ta nên theo người Tàu kêu Khổng Tử, là phải hơn theo người Tây vậy.

Huống chi chúng ta mà kêu là Khổng Phu tử thì thiệt chẳng có ý nghĩa gì. Nguyên cái tên Khổng Tử là bởi học trò của ngài đối với người khác mà kêu thầy mình ; còn khi họ đối với ngài - tức là thầy họ - thì họ mới kêu là Phu tử. Phu tử tức tiếng ta gọi là thầy. Sự xưng hô ấy có rõ ràng trong một sách Luận ngữ, ai có ý xem xét một chút thì biết. Các nho giáo nối sau đó, từ đời Hán cho đến đời Thanh, ai nấy đều kêu ngài là Khổng Tử ; trừ ra một vài người như Châu, Trình hồi đời Tống và Cố Viêm Võ hồi đời Thanh thì có kêu bằng Phu tử mà thôi. Khi người nào kêu như vậy, là khi trong ý họ tự coi mình cũng như học trò ngài, ở đồng thời và thọ giáo cùng ngài ; nhưng cũng chỉ kêu là Phu tử, chớ chẳng hề kêu là Khổng Phu tử. Nếu trong nước Nam nầy có người nào xứng đáng, tự nhận là môn đệ của Khổng Tử, thì kêu ngài bằng Phu tử đi cũng được ; còn như bắt chước Tây mà kêu Khổng Phu tử thì thật là lố lăng quá, theo tôi, chẳng có ý nghĩa gì hết. Hãy lật sách nho của Tàu từ xưa đến nay, hết pho nọ đến pho kia mà coi, tôi dám đoan, chẳng có một chỗ nào có y ba chữ “Khổng Phu tử”.

Vả lại, ở nước Tàu đời xưa, trong học giới rất là bình đẳng, họ coi ông thánh nào của họ cũng như ông thánh nấy. Chẳng những thánh thôi, hiền cũng vậy, đều xưng là tử hết. Khổng Tử thì cũng như Mặc Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử và mấy chục chư tử khác. Duy đến đời sau bắt đầu tôn một mình Khổng Tử, nên mới có những phong hiệu như là Văn Tuyên Vương hay là tôn xưng như là Chí thánh tiên sư mà thôi ; song thế nào mặc lòng, cái tên Khổng Phu tử, người Tàu chưa hề mở miệng ra mà kêu bao giờ.

Do các lẽ trên đó, tôi kêu bằng Khổng Tử, là theo cái luật danh tùng chủ nhân và cũng theo cái thuyết chánh danh của ngài. Còn chưa kể đến sự kêu như vậy là hiệp với cái óc tôi, bởi vì các ông thánh ông hiền, các ông giáo chủ ở trong óc tôi là bình đẳng.

Chúng ta lại phải biết rằng cái nghĩa chánh danh lại còn mạnh hơn cái luật danh tùng chủ nhân nữa. Có khi vì trái với nghĩa chánh danh mà người ta không kêu một cái tên nào theo chủ nó. Sự ấy do cái lẽ phải chung ở trong lòng mọi người mà ra, chẳng ai biểu ai mà cũng chẳng ai ép ai được.

Ấy tức là sự xưng tên cái nước mà chúng ta sanh trưởng đây. Nguyên hồi vua Gia Long thống nhất Nam Bắc, sai sứ qua Tàu xin đặt tên nước là Nam Việt ; vua Tàu đổi lại là Việt Nam ; rồi từ đó xưng là Việt Nam. Đến đời vua Minh Mạng, ngài chinh phục luôn cả nước Cao Miên, bèn đổi hiệu là Đại Nam. Đó về sau, cho đến ngày nay, nhứt định là Đại Nam, chớ không có thay đổi lần nào nữa hết.

Vậy, theo lẽ thì ta bây giờ nên xưng nước mình là Đại Nam mới phải. Nhưng sao ta chỉ thấy có một mình triều đình Huế xưng như vậy mà thôi, còn nhơn dân trong nước đều xưng là Việt Nam theo cái tên hồi vua Gia Long ? Điều đó chỉ ra rằng cái nghĩa chánh danh là mạnh hơn cái luật danh tùng chủ nhân vậy. Vì chữ đại nghĩa là lớn, nước Nam bây giờ còn lớn gì ? Còn lớn hơn ai ? Nếu xưng là đại thì hóa ra danh bất chánh. Gặp cái “ca” nào như vậy thì lại phải lấy nghĩa chánh danh làm trọng.

3) Tên xưng trên báo và tạp chí

Sự xưng tên trên báo chỉ có hai cách mà thôi, là xưng tên thiệt của người viết bài cùng là xưng biệt hiệu (hoặc kêu là bút tự) của người ấy.

Khi nào nên xưng tên thiệt ? Là khi người viết đó muốn tuyên bố một cái ý kiến gì của mình mà cần cho kẻ khác biết là của mình và tưởng rằng biết như vậy là có ích, hoặc cho mình, hoặc cho người ta. Thật vậy, trên báo và tạp chí, có khi đồng một bài đó, đồng một ý kiến đó, giá đem ký một cái tên bông lông vào thì người đọc xem khinh xem thường, mà ký một cái tên của người có danh vọng trong xã hội, thiên hạ phục sẵn, thì tự nhiên cái bài thành ra có giá trị. Gặp khi như vậy, các nhà viết báo thường ký tên thiệt của mình. Sự đó cũng chẳng qua lợi dụng cái tâm lý hèn yếu của xã hội mà thôi vậy.

Khi nào nên xưng biệt hiệu ? Biệt hiệu lại còn khác với cái hiệu nói ở khoản thứ nhứt trước kia nữa. Như ông Tùng Thiện Vương, tên là Miên Thẩm, tự là Thận Minh, hiệu là Thương Sơn, biệt hiệu là Bạch Hào Tử. Biệt hiệu tùy ý mình muốn đặt sao thì đặt, không có luật nhứt định. Như ông Thương Sơn, vì trên chang mày ông có mấy cái lông trắng, nên ông tự xưng là Bạch Hào Tử - Bạch Hào Tử nghĩa là người có lông trắng. - Biệt hiệu ở xứ ta và Tàu ngày xưa chỉ các nhà thi sĩ mới có mà thôi ; trong khi làm một bài thơ có ý trào hước hay là xúc phạm sao đó, xưng tên, tự, hiệu thiệt của mình không tiện, thì họ mới dùng biệt hiệu mà xưng trong báo. Cái biệt hiệu đã dùng mà xưng trên báo thì chỉ dùng mà xưng trên báo, không khi nào dùng mà xưng nơi khác ; bởi vậy nên cũng gọi là bút tự, theo tiếng Pháp thì là nom de plume. Đã biết cái nghĩa và cách dùng của biệt hiệu rồi, khắc biết rằng khi dùng nó mà xưng trên báo là có ý thế nào.

Khi nào người viết, viết ra một bài có ý diễu cợt, không đúng đắn, hoặc là châm chọc ai, cùng là những bài văn chơi, không có ý kiến gì, không quan hệ gì với xã hội, ký tên thiệt của mình không tiện, hoặc không cần, thì ký bằng biệt hiệu. Ngoại giả lại còn có khi bài của mình có ý kiến hay, song người của mình là vi tiện, không có địa vị danh dự gì trong xã hội, người ta khinh sẵn rồi, nếu chưng cái tên thiệt của mình ra, sợ người ta lại nhè đó mà khinh luôn cái ý kiến hay của mình chăng, khi ấy xưng biệt hiệu phải hơn. Sự nầy cũng lại chỉ để tránh khỏi cái tâm lý yếu hèn của xã hội mà thôi.

Coi như vậy, thì biết rằng khi nào người viết ký tên thiệt của mình thì đối với độc giả phải chịu trách nhiệm về bài của mình đã viết ; còn khi nào ký biệt hiệu thì người viết khỏi chịu trách nhiệm đối với độc giả. Bởi vì khi nào ký tên thiệt thì cái nhân cách (personnalité) của người viết có ở trong đó ; còn khi ký biệt hiệu thì trong đó không có nhân cách của người viết.

Tuy vậy, cái biệt hiệu dùng lâu rồi, người ta biết nhiều rồi, thì cái hiệu lực của nó chẳng kém gì tên thiệt. Như ta thấy ký Thượng Chi và ký Phạm Quỳnh thì ta sẽ coi như một. Vì cớ ấy những nhà viết báo thường đổi biệt hiệu luôn.

Từ nãy đến giờ tôi cắt nghĩa ra làm chi mà nhiều chuyện như thế ? Tóm lại, chỉ để cho biết rằng sự ứng dụng của cái tên và cái biệt hiệu trên báo chí là khác nhau, không thể nhận làm một được ; cho nên hễ ký tên thì đừng ký biệt hiệu, còn đã ký biệt hiệu thì đừng ký tên. Nếu có ai ký vừa tên vừa biệt hiệu vô một lần, thì tôi cho người ấy đã làm một sự vô ý thức, vô nghĩa lý.

Ví dụ : Tên tôi là Phan Khôi, biệt hiệu tôi là Chương Dân, khi nào tôi ký bằng cái nầy thì tôi phải bỏ cái kia. Có một lần, tại Hà Nội, tôi cũng ở ngoài viết bài cho nhà báo kia, sau khi báo ra, tôi thấy người ta thiện tiện ký cả tên tôi và biệt hiệu, thì tôi liền phải viết thơ mà trách ông chủ nhiệm báo ấy, vì tôi tưởng cho sự họ làm đó là có ý làm tôi ra trò cười (Car je crois qu’en ce faisant, on a l’intention de me tourner en ridicule).(1)

Vậy mà tôi thấy nhan nhản ngày nay trên các tờ báo trên các tập tạp chí quốc ngữ, người ta cứ ký cái biệt hiệu trước rồi cái tên sau, thì tôi chẳng biết họ làm như vậy là lấy cái nghĩa gì. Sao người ta không chịu coi trong báo Tây báo Tàu đã có ai ký tên cách vô ý thức như vậy không ? Mà cho đến các nhà viết báo thiện nghệ và kỳ cựu ở xứ ta như ông Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh cũng chẳng hề có ai làm như vậy, sao người ta không để mắt coi mà cứ lằm lằm lùi lụi làm ra những điều vô ý thức, vô nghĩa lý ?

Bởi có sự vô ý thức, vô nghĩa lý đó, trong báo Trung Bắc tân văn, nơi mục hài đàm, mới thường có cái tên ký là “Hi đình, Nguyễn Văn Tôi”. Đó là ông Nguyễn Văn Vĩnh muốn chế nhạo những người quê mùa, không biết cách ký tên trên mặt báo, đã ký biệt hiệu còn ký tên, nên ông làm ra như vậy đó, tội nghiệp, có ai biết cho chăng ?

4) Tên kêu giữa xã hội và trên lịch sử

Tên kêu giữa xã hội và tên kêu trên lịch sử khác nhau. Giữa xã hội, là những người ở đồng thời với nhau, theo phép lịch sự, khi kêu tên một người nào, phải để chữ ông hay là chữ tiên sanh lên trước cái tên. Song, trên lịch sử thì trái lại, chỉ kêu một cái tên trổng mà thôi, không có ông hay tiên sanh nữa, nếu nhà làm sử nào mà không tuân cái luật ấy, thì lại thành ra tay sử gia nhà quê vậy.

Tôi nói là “luật” đó, cái luật ấy, ai đặt ra ? Ấy là luật tự nhiên, chẳng ai đặt ra được hết. Thử giở hết thảy sử Tàu sử Tây cho đến sử ta nữa, nếu là một bộ sử chánh đáng có giá trị, thì không hề có ai dùng cái đại danh từ gì mà để trước hay là sau cái tên của người đời xưa bao giờ. Thử xem bộ Đại Nam liệt truyện, cả vừa Tiền biên, Chánh biên, mà các quan ở sử quán làm ra hồi trào Tự Đức, trong đó bất kỳ tên người nào, đều kêu trổng mà thôi, cho đến các bậc tá mạng nguyên huân đời vua Gia Long cũng vậy : Nguyễn Văn Thành thì cứ kêu Nguyễn Văn Thành, khi muốn lặp lại thì kêu độc một chữ Thành ; Lê Văn Duyệt thì cứ kêu Lê Văn Duyệt, khi muốn lặp lại thì kêu độc một chữ Duyệt. Lặp lại đến mấy chục lần cũng vậy, không có dùng chữ “công” hay là chữ nào khác hết. Thế mà đến bộ Liệt truyện của cụ Cao Xuân Dục(1) soạn tiếp theo, thì kêu ông Nguyễn Thân là “công” ; lại có chỗ kêu hiệu mà không kêu tên, như kêu Hà Đình mà không kêu Nguyễn Thuật ; kể ra cho hết còn nhiều lắm. Tôi cho cách xưng hô như vậy là trái với phép làm sử. Bộ Liệt truyện đó là của triều đình nhà Nguyễn, cũng là của chung một dân tộc Việt Nam, chớ phải của riêng cụ Cao Xuân Dục đâu mà nói kêu như vậy để tỏ ra cái lòng vị nể của mình ? Cái nầy là nói chơi mà nghe : giá mà tôi có quyền tổng tài ở sử quán, trong khi ấy lại có chánh phủ Bảo hộ cấp cho một số tiền to, nói thiệt, bao nhiêu sách vở làm ra sau trào Tự Đức, tôi sẽ bỏ đi mà dọn lại hết.

(Chỗ nầy tôi phải khai rõ ra, không thì có kẻ sẽ trách tôi. Cụ Cao Xuân Dục đối với tôi có cái ơn tri kỷ ; hồi tôi hai mươi tuổi, đi thi tại Huế, bấy giờ cụ là bậc đại thần tuổi tác, vậy mà cụ nghe tiếng tôi, cho người gọi tôi đến hầu chuyện. Vả lại con cụ là quan thượng, Cao Xuân Tiếu, bạn đồng niên với cha tôi ; nhơn đó tôi kính trọng cụ nhiều bề. Song tôi chỉ trích đây là chỉ trích bộ sách của cụ làm không đúng phép, cả đến bộ sử Toát yếu của cụ nữa cũng vậy. Cái tình riêng thì để ra một bên ; còn cái nghĩa công, tôi thấy trái thì tôi nói, mà trong sự tôi nói đây, tôi tin rằng tôi nói nhằm vào có ích.)

Nội các bộ sử Việt làm bằng quốc ngữ, tôi nhận cho bộ Việt Nam sử lược của ông Trần Trọng Kim là có giá trị hơn hết. Vậy mà về sự xưng hô ông cũng không theo đúng luật. Về các tên người, ông hay để chữ “ông” ra trước luôn luôn. Bộ sách ấy in lần thứ hai, tự xưng là sửa lại cẩn thận, thì thấy bỏ những chữ “ông” ấy hầu hết, đó cũng là một cái dấu tỏ ra là cẩn thận. Song về phần Cận kim thời đại trong sách ấy, những tên như Lê Trực, Phan Đình Phùng v.v. . . cũng còn vẫn để chữ “ông” lên trên một đôi lần. Tôi tưởng ông Trần Trọng Kim cũng phải nghĩ như tôi, cho sự xưng hô như vậy là không đúng phép làm sử, song le cái cánh tay của ông không có đủ sự mạnh dạn mà bỏ những chữ “ông” ấy đi cho hết. Một điều đó đủ thấy rằng những nhà nho như ông Trần, bất kỳ trong sự gì cũng trọng tình cảm hơn lý trí luôn luôn.

Cái sự để chữ “ông” lên trên tên người trong lịch sử là sự trái với phép làm sử từ xưa đến nay, từ Đông đến Tây đã đành. Mà theo lối sử học đời nay, nếu cứ dùng cái kiểu An Nam đó thì lại có hại lắm nữa. Hại là hại cho cái óc người đọc sử cứ phải làm đầy tớ cho cái chủ quan của tác giả.

Sử học đời nay chuyên chuộng cái lối khách quan. Việc đời trước đã xảy ra thế nào, thì nhà làm sử cứ lần lượt mà chép ra như thế, rồi nhơn đó tìm ra cho thấy cái gì là nhân cái gì là quả mà thôi. Chớ còn ai là vua, ai là giặc, thì thây kệ họ ; nhà làm sử cốt nhận thấy sự tấn hóa của một nước, của một dân tộc, không rồi đâu quản đến sự tây riêng nhỏ mọn ấy. Vậy nếu cứ theo cái kiểu An Nam kêu “ông” thì trong đó đã có cái chủ quan rồi ; người nào có ít nhiều tri thức về sử học đời nay, mà lại dám cho cái chủ quan ấy là vô hại hay sao ?

Phải chi bất kỳ người nào trong lịch sử, sử gia – thôi, nói ông Trần Trọng Kim đi – ông Trần cũng cứ kêu “ông”, hết, thì chẳng nói làm chi. Cái nầy như Hồ Quý Ly, trong bản sử lược in lần thứ nhất, cũng không kêu bằng “ông”. Đó là có ý để biếm Hồ Quý Ly về cái tội thoán đoạt ; – lại còn vẽ chuyện ra, theo cái bút pháp Xuân Thu nữa ! Cái lối như vậy, toàn là dùng chủ quan đó. Mà hễ dùng chủ quan thì thế nào cũng không khỏi sai lầm.

Trong bổn sử lược của ông Trần,có một cái trác kiến(*) thứ nhứt, là ông không cho Nguyễn Huệ là ngụy. Nhưng sách đó ông xuất bản hơn mười năm nay ; giá xuất bản hồi Tự Đức dĩ tiền, mà cũng theo cái lối chủ quan ông dùng đó, thì thế nào ông cũng phải kể Nguyễn Huệ vào hàng tiếm thiết như Hồ Quý Ly, rồi bỏ chữ “ông” đi hay là gia cho một chữ “thằng”. Như vậy, rồi bây giờ đây, theo cái trác kiến của ổng, ông phải bỏ chữ “thằng” đi, hay là thêm chữ “ông” vào, há chẳng phải là sai lầm sao ? há chẳng phải là đa sự sao ? Tôi nói đó, cái ý chỉ rút lại trong một chút nầy : trên lịch sử mà kêu tên trổng hết thảy, bất kỳ người nào, là một sự lợi cho lối sử học đời nay, lấy khách quan làm chuẩn đích.

Nếu Trần tiên sanh có đọc đến bài nầy của tôi, xin chớ nghĩ rằng tôi ăn quen mà phê bình cuốn Việt Nam sử lược của tiên sanh. Đây tôi chỉ cử ra làm một cái sự lệ cho độc giả dễ nhận thấy.

Ngoài bốn điều xưng tên trong bài nầy, cũng còn một vài điều nên nói nữa. Song bài đã dài rồi, xin để dành dịp khác

PHAN KHÔI

Phụ nữ tân văn, Sài gòn, s.58 (26.6.1930) ; s.59 (3.7.1930)

 


 

(*) Tức là bài Khổng Tử và cái thuyết chánh danh của ngài.

(*) bộ đời : bộ : bộ sách ; bộ đời : sổ sách kê biên việc sinh tử, hôn thú (theo H.T.Paulus Của, sđd.)

(1) Xin độc giả chớ tưởng rằng tôi chua chữ Pháp chỗ nầy để tỏ ra rằng tôi cũng có biết năm ba tiếng Pháp. Song tôi nghĩ cái giọng nói nầy nguyên ta không có, ta lấy giọng Pháp vào thì phải chua một vài lần cho kẻ đọc quen đi. Trong sách Nho giáo của ông Trần Trọng Kim có chỗ ông dùng chữ, tôi nhớ như là “một dịp rúng đồng cùng nhau” thì phải. Tôi biết đó là ông nát nghĩa chữ “vibration synchronique” trong tiếng Pháp mà đặt ra. Chữ ấy lại là một cái luật về vật lý học, có lẽ người thường ít biết đến, tôi tiếc ông không có chua tiếng Pháp vào (nguyên chú của PK).

(1) Xin độc giả chớ nghĩ rằng tôi tự trái luật của tôi mà kêu bằng cụ ở đây, vì bài nầy của tôi không có cái tánh chất lịch sử chút nào (nguyên chú của PK.).

(*) trác kiến, cũng như trác thức : kiến thức cao tột mực (theo Đào Duy Anh, sđd.).

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2004