Tiểu dẫn

về sưu tập các tác phẩm của Phan Khôi

đăng báo năm 1930

 

Theo kết quả tìm tòi của tôi tính đến lúc viết những dòng này, hoạt động báo chí của ngòi bút Phan Khôi trong năm 1930 gắn với các tờ báo Thần chung, Trung lập, Phụ nữ tân văn ở Sài Gòn, Phổ thông ở Hà Nội.

1) Về nhật báo Thần chung, tôi đã nêu thông tin khái quát ở phần tiểu dẫn trong sưu tập Tác phẩm đăng báo 1929(1) của Phan Khôi.

Trong ba tháng đầu năm 1930 – thời gian tồn tại còn lại của Thần chung, Phan Khôi tuy tham dự cho đến số cuối cùng trước ngày báo bị cấm xuất bản, nhưng hầu như ông chỉ góp bài cho mục Câu chuyện hằng ngày. Đề tài thảo luận về việc dùng chữ quốc ngữ thì Phan Khôi viết đồng thời trên cả hai nhật báo Thần chungTrung lập lẫn trên tuần báo Phụ nữ tân văn.

2) Về tuần báo Phụ nữ tân văn, tôi cũng đã nêu thông tin khái quát ở phần tiểu dẫn trong sưu tập kể trên(1). Trong năm 1930, chính trên tuần báo Phụ nữ tân văn, Phan Khôi đã châm ngòi cho nhiều cuộc thảo luận, tranh luận xung quanh nhiều đề tài như viết chữ quốc ngữ và dùng tiếng Việt thế nào cho đúng, xung quanh việc hiểu và đánh giá Nho giáo, vấn đề về nền học thuật của Việt Nam (“quốc học”) và phương diện học phong của giới nghiên cứu, khảo biện…, thậm chí ông cũng gây tranh luận ngay ở những đề tài tương đối hẹp như đánh giá nhân vật Võ Tắc Thiên của lịch sử Trung Hoa, gốc tích tục nhuộm răng của người Việt, các vấn đề của lôgic học,v.v…

Việc Phan Khôi nêu vấn đề và sau đó thu hút được sự tham gia luận bàn, tranh cãi của các tên tuổi lớn trong dư luận và học thuật đương thời như Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Quỳnh…, - là một thành công lớn về hoạt động báo chí của tờ Phụ nữ tân văn.

Tất nhiên, bên cạnh việc theo đuổi các đề tài “đại luận”, ngòi bút viết báo của Phan Khôi không quên làm việc ngày ngày trên các thể tài “hàng khô” thường nhật của nghề báo mà ví dụ nhỏ nhất là các loại bài chuyện vặt linh tinh trong các tiểu mục “tạp trở”, “dật sự”.

3) Về nhật báo Trung lập và về việc Phan Khôi tham gia viết thường xuyên cho Trung lập từ đầu tháng 5.1930, cần dừng lại để nói kỹ hơn.

Báo Trung lập (trước đó là Trung lập báo) là báo ra hằng ngày, 8 trang khổ lớn (đôi khi còn ra thêm phụ trương cuối tuần gọi là Tiểu Trung lập), số đầu ra ngày 16.1.1924, số cuối cùng, số 7023 ra ngày 30.5.1933. Một vài tài liệu nghiên cứu lịch sử báo chí tuy đã ít nhiều đề cập trường hợp Trung lập báo nhưng thông tin còn khá sơ sài, đôi khi có thể gây lầm lẫn(2).

Trung lập báo ban đầu là ấn bản tiếng Việt của tờ báo tiếng Pháp Impartial ; tờ báo tiếng Pháp này được xuất bản ở Đông Dương từ 1918, tồn tại đến 1945 và còn được tục bản trong năm 1947. Ấn bản tiếng Việt của nó, tờ Trung lập báo, ra mắt từ đầu năm 1924. Nguyên cả 2 tờ này được sáng lập bởi Henri de Lachevrotière, một người Pháp lai, xuất thân cặp rằng coi thợ, sau tiến thân vào chính trường, lên đến chức Chủ tịch Hội đồng quản hạt Nam kỳ. Về sau, khoảng 1925–26, cả Trung lập tiếng Việt lẫn Impartial tiếng Pháp đều được bán đứt với giá 3 triệu francs vào tay nhóm tài phiệt Octave Homberg(1).

Tòa soạn Trung lập báo trong 10 năm tồn tại đã trải qua khá nhiều chánh chủ bút : Dũ Thúc Lương Khắc Ninh, Mạnh Tự Trương Duy Toản, Nguyễn Phú Khai, và từ cuối 1929 là Tôn Hiền Trần Thiện Quý.

Trung lập được coi là tờ nhật báo lớn nhất ở Sài Gòn, là tờ báo thiên về thông tin thương mại, tức là loại báo “tự nhận mình không làm chính trị, đứng trung lập, có sao nói vậy, không thiên vị dân chúng hoặc chính quyền, có chủ đích rõ rệt là thương mại nhưng ít nhiều vẫn theo khuôn khổ của chính quyền thuộc địa”(2).

Có những thời kỳ, Trung lập báo bị các đồng nghiệp vận động tẩy chay, chẳng hạn, do việc báo này tố giác phong trào cấp tiến, ngăn cản các hoạt động tưởng niệm Phan Châu Trinh, ngăn cản thanh niên Sài Gòn đi đón Bùi Quang Chiêu du học trở về. Nhóm nhà báo cấp tiến không ít lần lên tiếng chỉ trích Trung lập. Chẳng hạn Phiêu Linh Tử (có lẽ là Bùi Thế Mỹ) trong “Câu chuyện hằng ngày” (Đông Pháp thời báo, 21.4.1928) nêu việc ông Nguyễn Phú Khai, chủ nhiệm Trung lập báo, có tờ mật bẩm gửi Toàn quyền Đông Dương tố giác xu hướng cấp tiến trong thanh niên trí thức Sài Gòn, chỉ điểm những “ổ bạo động” ở thành phố này như nhà hội Nam kỳ khuyến học, hội Nông Công Thương tương tế, hội Cựu sinh viên trường bổn quốc, v.v… – nội dung tờ mật bẩm này đã được một số tờ báo tiếng Pháp ở Đông Dương đăng tải. Tân Việt cũng trong “Câu chuyện hằng ngày” trên Đông Pháp thời báoThần chung không ít lần đem Trung lập ra cười cợt.

Vậy thì duyên cớ nào đã khiến những cây bút thiên về xu hướng làm báo đối lập cấp tiến như Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ, lại chuyển sang làm báo với Trung lập ?

Trước hết phải kể đến tai nạn bất ngờ xảy ra với tờ Thần chung. Báo này bị Toàn quyền Đông Dương đóng cửa từ 25.3.1930. Nhóm ký giả gắn với Thần chung đành xé lẻ mỗi người mỗi ngả, dù phần lớn vẫn cầm bút viết báo trên đất Sài Gòn. Quán Chi Đào Trinh Nhất sớm sang làm chủ bút Phụ nữ tân văn rồi làm chủ bút cho nhật báo Đuốc nhà Nam. Hai ông chủ cũ của Thần chung là Diệp Văn Kỳ và Nguyễn Văn Bá thì ban đầu, ông Bá làm chủ bút Công luận báo, ông Kỳ vẫn là chủ nhà in Bảo Tồn, lại hành nghề luật sư; về sau, khoảng 1932, cả hai ông đều gắn với tờ Công luận báo. Ngô Tất Tố trở về Bắc. Hai cây bút xứ Quảng là Phan Khôi và Bùi Thế Mỹ thì đến với Trung lập. Vân Trình từng được biết đến trên mặt báo Thần chung với trường thiên du ký Sài Gòn Thượng Hải Hoành Tân; sau lúc Thần chung bị cấm, có lúc đi làm với Kỳ lân báo, rồi sau cũng đến với Trung lập

Bên cạnh tai nạn của tờ Thần chung, cần thấy một sự kiện khác, hệ trọng hơn, đó là tờ Trung lập mà Bùi Thế Mỹ và Phan Khôi tham gia, tờ Trung lập từ ngày 2.5.1930, là một tờ báo khác so với tờ Trung lập thời gian trước. Đây là một sự kiện mà các công trình nghiên cứu lịch sử báo chí tiếng Việt hầu như chưa nhận biết và ghi nhớ.

Nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Tòng (sđd) khi khảo về quan hệ của các nhóm tài phiệt với báo chí ở Đông Dương thời thuộc Pháp, có nêu ví dụ việc trùm tài phiệt Octave Homberg mua các tờ ImpartialTrung lập rồi về sau bỏ rơi khi nhà tài phiệt này trở về Pháp kinh doanh và bước vào chính trường ; sự “bỏ rơi” này được nhà nghiên cứu xem là nguyên nhân dẫn đến chỗ tờ Trung lập thua lỗ và phải đóng cửa vào năm 1933.

Tuy vậy, vẫn cần lưu ý đến hoạt động của giới quản trị và kinh doanh báo chí người Việt, – chính điều này tạo ra diện mạo cụ thể của tờ báo từ đây trở đi.

Như đã kể trên, từ 13.8.1929, Trung lập có chủ nhân mới là Trần Thiện Quý tự Tôn Hiền. Vai trò của ông này trong tờ báo, sau đó được diễn tả ngay cạnh “tít” tên báo, là “Tổng lý”, có lẽ ý nói ông không chỉ làm Chủ bút (Tổng biên tập) mà còn làm mọi việc thuộc chức trách chủ nhiệm (Giám đốc).

Sự thay đổi diễn ra bên trong cơ quan ngôn luận thường chỉ bộc lộ ra ngoài với một số thông tin hạn chế.

Trung lập ra ngày thứ ba, 22 Avril 1930 : Một tin trong báo giới : CŨ MÀ MỚI, cho biết, ngài Tổng lý Trần Thiện Quý “đã nhận lãnh trọn quyền chủ trương trong báo quán kể từ ngày nay. Nhờ được quyền ông mới quyết định nhứt nhứt sửa sang lại hết thảy, từ bài vở cho đến kiểu mẫu của tờ Trung lập hầu cho vừa lòng chư độc giả”.

Có thể nhận thấy ở đây thông tin về quá trình chuyển giao quyền quản lý tờ báo. Ở đây không thấy rõ sự kiện chủ Tây “bỏ rơi” tờ báo nhưng lại thấy rõ sự kiện giới chủ người Việt tiếp nhận và tổ chức lại cơ quan ngôn luận này.

Liền hai số tiếp theo (23 Avril và 24 Avril 1930), báo đăng lời của chính Tổng lý Trung lập Trần Thiện Quý Kính cáo đồng bang :

“Từ ngày tôi ra nhận lãnh trách nhiệm điều đình cho tờ Trung lập nhẫn nay, được độc giả càng ngày càng đông, bạn đồng chí càng tán dương khích lệ. Cái sự bất mãn của đồng bào ta đối với tờ Trung lập ngày xưa, hình như tiêu tan đâu mất hết [. . . . . .] Muốn đền đáp cái thạnh tình của độc giả và tấc lòng chiếu cố của anh em, lâu nay tôi hằng có ý giao thiệp để nhận lấy trọn quyền chủ trương tờ Trung lập vào tay mình đặng dễ bề giúp ích cho đồng bào ta trong muôn một. May đâu sự vận động ấy đã thành công rồi. Vậy thì từ đây tờ Trung lập cũng chẳng khác nào một tờ báo của người An Nam, khỏi phải chịu quyền ai khiên chế nữa. Tôi quyết định sửa đổi lại hết thảy mọi sự trong nhà báo. Sự sắp đặt nầy ước độ trong nửa tháng là xong. Đầu tháng sau tờ Trung lập mới sẽ nương cái danh hiệu cũ mà ra đời…”

Trung lập ra ngày thứ ba, 29.4.1930 lại “lưu ý đồng bào” về Cuộc đổi mới của nhựt trình Trung lập” : “Hiện nay báo Trung lập còn đang ở trong thời kỳ sắp đặt lại. Ít bữa nữa đây đồng bào ta sẽ thấy rõ một tờ báo cũ mà thành ra mới, chẳng những mới về hình thức mà lại mới cả vừa tinh thần, nhất là về tinh thần, vì từ luận điệu văn chương cho tới quy trình ý hướng nhứt nhứt đều một mực thay cũ đổi mới. Chúng tôi dám đoan thệ với đồng bào rằng : tờ Trung lập mới nầy chẳng còn hơi hám ăn thua gì với Trung lập kiểu trước mảy may nào hết thảy”.

Trung lập ra ngày 30.4.1930 tiếp tục thông báo Một cuộc canh tân : “Ngày 2 Mai đây, Trung lập sẽ đổi mới : Tòa soạn mới. Bài vở mới. Cách in mới. Cách sắp đặt mới. Mới cả hình thức và tinh thần. Ai chưa xem xem rồi mới thấy”. Tòa soạn cũng thông báo nghỉ một kỳ (ngày 1.5) để hôm sau sẽ ra Trung lập mới.

Trung lập mới không ghi chú “bộ mới” hay “tục bản”, không đánh số lại từ đầu. Về hình thức, cái đập thẳng vào mắt là tên đề (manchette) kiểu mới : chữ “trung lập” in màu đỏ với các nét chữ cách điệu hình thân và cành lá thông. Về nội dung, “Trung lập đồng nhân” (tập thể bộ biên tập) có lời Kính cáo độc giả về cuộc đổi mới của báo Trung lập, thừa nhận tờ báo này trước đây chưa xứng đáng với danh hiệu “trung lập là đứng chính giữa, chẳng nương đầu này, không dựa đầu kia” và nêu tôn chỉ mà từ nay báo theo đuổi (về chính trị : ôn hòa, tôn trọng kiểm duyệt…, về văn hóa : tiếp thu văn hóa Âu châu, quý trọng văn hóa Việt, chú trọng tham gia xây dựng tiếng Việt và chữ quốc ngữ…). Một điểm nhấn khác là bài của Bùi Thế Mỹ : Tại làm sao mà tôi viết báo “Trung lập”. Người mà từ thời điểm này lĩnh trách nhiệm chủ trì việc biên tập tờ báo, ghi nhận rằng “cách nay chưa lâu mấy, báo Trung lập đã vì bao nhiêu cái bước sai đường của những kẻ chịu sào đứng mũi mà đến phải một độ… mang tiếng với đời”. Tuy vậy, “gá ngãi với tờ báo Trung lậpmột người con gái đã từng có mang tiếng với đời mà tôi không sợ ô danh là vì tôi tin rằng Trung lập là một người con gái còn có thể cảm hóa được”. Vả lại, theo Bùi Thế Mỹ, trong thời buổi chưa có tự do ngôn luận như lúc ấy, việc xin phép ra một tờ báo mới khó hơn là việc chấn chỉnh, “điểm tô” mấy tờ báo cũ. Trung lập trước kia tuy là báo quốc ngữ nhưng lại dưới quyền chủ trương của một ông chủ Lang Sa (ý nói Lachevrotière hoặc Homberg) nên sự nghị luận khó thích hợp với “quyền lợi An Nam ta”. Nhưng từ đây về sau thì “Trung lập mang một cái tinh thần hoàn toàn độc lập mà chen vai thích cánh với các bạn đồng nghiệp ở trên chốn diễn đàn, ngoài chúng tôi là những người trong tòa soạn Trung lập mới này không còn ai được xen vào mà sử linh hoặc khiên chế điều gì làm cho có thể quan ngại đến cái quyền lợi mà chúng tôi quyết lòng xin binh vực”.

Như vậy, sự cải tổ bên trong toà soạn Trung lập diễn ra theo hướng độc lập, tách hẳn khỏi sự chi phối của chủ nhân người Pháp. Cố nhiên trong nhân sự bộ biên tập cũng đã có những thay đổi nào đó, tuy từ phía ngoài người ta chỉ biết được rất ít thông tin, ví dụ việc Bùi Thế Mỹ được giao chức Chủ bút, hoặc việc báo vắn tắt loan tin các ký giả Mạnh Tự (Trương Duy Toản), Thiệu Võ (Võ Khắc Thiệu) chấm dứt vai trò trợ bút, rời Trung lập đi nơi khác.

Có lẽ sự tách ra, độc lập hẳn với giới chủ người Pháp và với tờ báo tiếng Pháp Impartial có thể coi là được hoàn tất sau ngày 7.7.1930, khi Tòa soạn Trung lập dọn đi khỏi cơ sở ở góc đường Catinat và d’Ormay, tức là rời khỏi báo quán của tờ Impartial, đến trụ sở mới ở số 45 đường Roland Garros, gần nhà riêng Tổng lý Trần Thiện Quý. “Trung lập dọn đi là vì Trung lập không còn mảy may quan hệ gì với bạn đồng nghiệp của nó là Impartial nữa” (Xin độc giả lưu ý : “Trung lập” sẽ… độc lập // T.L, 7.7.1930).

Ngay trong tháng đầu sau khi cải tổ, Trung lập đã đứng ra chủ trì việc quyên góp cứu tế nạn đói ngoài Bắc. Sang tháng 6.1930, Trung lập mở cuộc bút chiến với Đuốc nhà Nam của đảng Lập hiến Nam Kỳ, do thái độ khác nhau đối với các cuộc biểu tình đòi ruộng đất của nông dân Lục tỉnh. Thời gian này có lúc Trung lập bị các đối thủ cạnh tranh buộc cho cái tiếng “binh cọng sản” đến nỗi từ 24.7.1930 phải thay manchette (bỏ chữ “trung lập” kết bằng thân cành lá thông, vốn được dùng từ 2.5.1930). Tháng 8.1930, toàn soạn Trung lập không dấu được tự hào bởi tự mình, với tư cách một tờ báo của người An Nam, đã có thể cử phái viên (Vân Trình) đi Tinh Châu (Singapore) thực hiện các bài tường thuật một giải quần vợt trong khu vực có sự tham gia của các đấu thủ Việt Nam như Chim, Giao…

Tính ra, Trung lập mới, từ sau cải tổ 2.5.1930, chỉ tồn tại thêm được 4 năm nữa. Việc tờ báo bị đóng cửa không phải do thua lỗ (như Huỳnh Văn Tòng mô tả) mà là do bị Thống đốc Nam kỳ Eutrope ra lệnh cấm, sau thời gian những cây bút phái tả như Nguyễn An Ninh, Nguyễn Văn Tạo tham gia biên tập và quản trị tờ báo này, dùng nó làm cơ quan vận động cho “phái lao động” trong cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt đầu năm 1933.

Trước tháng 5.1930, nếu Phan Khôi có bài nào đăng trên Trung lập thì đều là do báo này đăng lại của các báo khác. Với tờ Trung lập  đổi mới từ 2.5.1930, sự tham gia của Phan Khôi trở nên trực tiếp và thường xuyên. Tuy vậy sự tham gia của ông luôn phù hợp với vai trò “viết giúp” (như chữ dùng của báo giới đương thời), tức là cộng tác viết bài, hưởng nhuận bút từ bài được đăng tải, chứ không làm việc trong Tòa soạn (ông cũng từng giữ quan hệ như vậy với các tờ Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phụ nữ tân văn). Lượng bài vở Phan Khôi viết và in trên tờ Trung lập này khá lớn và đa dạng. Ban đầu, ông viết thường xuyên cho hai mục : ở mục Ý kiến Trung lập ông ký Phan Khôi, và ở mục Những điều nghe thấy có tính cách hài đàm, ông ký Tha Sơn(5) trong mươi kỳ đầu, sau đó ký Thông Reo(6) và duy trì bút danh này đến nhiều năm sau.

Có những trường hợp Phan Khôi ký tên báo (Trung lập), rõ nhất là khi ông mở rộng mục “Ý kiến Trung lập” thành diễn đàn bút chiến với báo Đuốc nhà Nam.

Phan Khôi còn tham gia nhiều  mục khác của Trung lập như “Thức đêm xem báo”, “Này kia, kia nọ”,v.v…

3) Về báo Phổ thông và các bài báo Phan Khôi đăng ở tờ báo này. Phổ thông là báo hàng ngày, xuất bản ở Hà Nội, số đầu ra ngày 1.7.1930 ; số cuối cùng, số 182 ra ngày 8 và 9.2.1932. Chủ nhiệm báo là Đặng Nguyên Quang, Tòa soạn và trị sự đóng tại số 1A đường Henri d’Orléand, Hà Nội.(7)

Việc Phan Khôi khi ấy sống ở Sài Gòn, lại có bài vở đăng ở một tờ nhật báo ở Hà Nội, trong điều kiện giao thông còn khá cách trở đương thời, là việc ít nhiều đặc biệt. Điều này sở dĩ có được, có lẽ do có vài trò của Ngô Tất Tố. Chưa thật biết rõ là Ngô Tất Tố trở ra Bắc trước hay sau khi báo Thần chung bị cấm. Chỉ biết từ tháng 9.1930, ông đã góp mặt với báo chí Hà Nội, cụ thể là dưới bút danh Thiết Khẩu Nhi trong mục hài đàm Gặp đâu nói đấy của báo Phổ thông. Cũng thời gian này trên báo Phổ thông xuất hiện một trang được gọi là “Phần tòa soạn ở Nam Kỳ”, trong đó mục “Học nghệ” hoàn toàn dành cho “Độc thư tùy bút” của Phan Khôi. Có thể dự đoán rằng đồng nghiệp Ngô Tất Tố vừa từ Nam ra Bắc chính là dây nối cây bút Phan Khôi đang nổi bật trong báo chí Sài Gòn với một tờ báo ở Hà Nội. “Độc thư tùy bút” của Phan Khôi chỉ kéo dài hơn một tháng trên Phổ thông. Có thể sự cách trở về phương tiện giao dịch, sự bận rộn của ngòi bút Phan Khôi với báo chí Sài Gòn là những lý do làm gián đoạn sự tham gia của ông vào báo chí Hà Nội, cụ thể là tờ Phổ thông trong năm 1930 này.

*

     *

Các sưu tập báo chí tôi đã dùng để khai thác tư liệu dùng cho sách này là :

- sưu tập báo Thần chung ở Thư viện quốc gia Việt Nam (Hà Nội) và bản vi phim (microfilm)Thần chung ở Thư viện quốc gia Pháp do ARCPP (Association pour la conservation et la reproduction photographique de la presse, - Hiệp hội bảo quản và tái chế ảnh báo chí) ở số 4, rue de Louvoir, Paris (Pháp) chụp in và phát hành ;

- sưu tập Trung lập báo  ở Thư viện quốc gia Việt Nam (Hà Nội) ;

- bản vi phim báo Phổ thông do ACRPP phát hành.

Về việc biên tập, chú giải văn bản sưu tầm, tập này cũng thực hiện tương tự các tập trước. Chỉ có một điểm hơi khác : tôi tách đưa vào Phụ lục 1 các bài ở dạng tồn nghi (người sưu tầm ngờ là của tác gia Phan Khôi nhưng chưa đủ căn cứ chắc chắn) và đưa vào Phụ lục 2 các bài vở của tác giả khác nói về Phan Khôi hoặc về những điều liên quan đến Phan Khôi và hoạt động báo chí của ông trong thời gian năm 1930 này.

                                                                       L.N.A.

 


 

(1) Xem : Phan Khôi : Tác phẩm đăng báo 1929 // Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn // Nxb. Đà Nẵng, 2005.

(2) Sách Thư tịch báo chí Việt Nam (Hà Nội, 1998) ghi đúng ngày xuất bản số đầu nhưng ghi sai tháng xuất bản số cuối ; sách này chỉ ghi được tên người chủ nhiệm cuối cùng của báo. Sách của Huỳnh Văn Tòng : Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 (Tp.HCM., 2000) có nhắc đến Trung lập nhiều hơn (tr.208, 398 – 402, 409 – 413), nhất là các dữ kiện về giới chủ tư bản đối với việc sở hữu tờ báo này. Tuy vậy tác giả dường như chưa nhận thấy giai đoạn báo này độc lập, tách khỏi tờ Impartial và tài phiệt Homberg. Việc tác giả sách này xem Trung lập như điển hình cho loại báo thiên về thương mại (tr.398-402) với dẫn chứng 2 kỳ Trung lập về tỉ lệ diện tích trang giành cho các loại nội dung đăng tải (sách trên, tr.400 – 402) trên thực tế cũng vẫn đúng cho các tờ Đông Pháp thời báo, Thần chung mà tác giả xem là mang nội dung của loại báo đối lập với nhà nước thực dân, bởi vì hầu hết các nhật báo đương thời ở Sài Gòn chỉ giành 2 trang (đầu và cuối) đăng tải nội dung thời sự chính trị xã hội trong ngoài nước, còn lại các trang ruột (2 hoặc 4 trang) đều giành đăng quảng cáo và truyện nhiều kỳ.

(1) Tư liệu của Henry Lamagout ; theo Huỳnh Văn Tòng, sđd, tr.411.

(2) Huỳnh Văn Tòng, Sđd., tr.398.

(5) Trung lập ngày 3.5.1930 đăng tin : “Trung lập chúng tôi mới cậy được ông Tú Chương Dân Phan Khôi viết giùm cho mục “Những điều nghe thấy” ký là Tha Sơn”, và cho biết thêm : “Ông Phan tức là người viết “Câu chuyện hằng ngày” cho Đông Pháp thời báo khi trước và ký tên là Tân Việt đó”.

Trên Trung lập ngày 9.5.1930 Phan Khôi cải chính : “Tân Việt không phải tên tôi” nhưng thừa nhận ông từng viết “Câu chuyện hằng ngày”.

Sang năm 1931, việc Phan Khôi viết hộ Diệp Văn Kỳ bài diễn thuyết “Nước non nhà” (sau đăng báo ký tên Diệp Văn Kỳ) bị Đào Trinh Nhất đưa lên mặt báo gây nên một vụ bê bối nhỏ, Bùi Thế Mỹ, Hoàng Tích Chu phải can thiệp. Sau đó Phan Khôi dưới bút danh Thông Reo mới khéo léo lộ ra rằng Tân Việt là bút danh mà hai ông Kỳ - Khôi dùng chung cho “Câu chuyện hằng ngày” thời Đông Pháp thời báoThần chung (1928 – 1930).

(6) Một số tư liệu do Judith Henchy (Thư viện Đại học Tổng hợp bang Washington, Hoa Kỳ) và Cao Đắc Điểm (người sưu tầm di sản báo chí của Ngô Tất Tố) cung cấp cho tôi đã thêm căn cứ để khẳng định bút danh Thông Reo là của Phan Khôi. Nhân đây xin bày tỏ lời cảm ơn hai đồng nghiệp nêu trên (L.N.A.).

(7) Dẫn theoThư tịch báo chí Việt Nam. Hà Nội, 1998, tr.347.

 

*

 

Một số sách tra cứu để chú thích từ ngữ trong các văn bản sưu tầm

* Alexandre de Rhodes : Từ điển An Nam – Lusitan – Latinh (thường gọi Từ điển Việt - Bồ - La). Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính phiên dịch. Tp.HCM. : Nxb. KHXH, 1991.

* Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc Bỉ Nhu) : Tự vị Anam – Latinh (Dictionarium AnamiticoLatinum, 1772-1773). Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên dịch và giới thiệu. Tp. HCM. : Nxb. Trẻ, 1999.

* Huình Tịnh Paulus Của : Đại Nam quốc âm tự vị. Tham dụng chữ nho có giải nghĩa, có dẫn chứng, mượn 24 chữ cái phương Tây làm chữ bộ. Sài Gòn : Impr. Rey, Curiol et Cie ; 4, rue d’Adran, tome I : A-L, 1895; tom II : M-X, 1896. Bản in chụp, Tp. HCM : Nxb. Trẻ, 1998.

* Đào Duy Anh : Hán Việt từ điển (giản yếu) ; bản tái bản. Hà Nội : Nxb. Khoa học xã hội, 1992.

* Thiều Chửu : Hán Việt từ điển; bản tái bản. Hà Nội : Nxb. Văn hóa thông tin, 1999.

* Từ điển phương ngữ Nam Bộ. Nguyễn Văn Ái (chủ biên), Lê Văn Đức, Nguyễn Công Khai biên soạn. Tp. HCM : Nxb. Tp.HCM, 1994.

* Vương Hồng Sển  : Tự vị tiếng nói miền Nam ; bản tái bản. Tp. HCM : Nxb. Trẻ, 1999.

* Vương Lộc. : Từ điển từ cổ. Hà Nội - Đà Nẵng : 2001.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2001