TRỞ LẠI VẤN ĐỀ LẬP HIẾN

 

 

Chắc có nhiều người đã nghe nói rằng trước đây ông Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam phong, có viết một bài đại luận đăng trong báo France Indochine ở Hà Nội và đầu đề là Vers une Constitution (Thử nghĩ về vấn đề Lập hiến). Sau khi đó tác giả lại có dịch cái bài ấy ra quốc ngữ mà đăng lên tạp chí Nam phong. Rồi đến gần đây, nghe nói Phạm Thượng Chi tiên sanh lại in bài luận ấy ra thành những cuốn sách nhỏ mà phát đi cùng để cho tư tưởng của mình được rộng truyền bá.

Như chúng tôi đã nói, cứ xem cuộc bầu cử nghị trưởng ở viện Dân biểu Bắc Kỳ, thì thấy rằng dư luận ngoài Bắc bây giờ, đại để hình như không ưa cái thuyết lập hiến của ông chủ nhơn Nam phong ; vì vậy nên ông nầy mới đã phải khoanh tay mà nhìn ngó phe ông Nguyễn Văn Vĩnh nhảy thót lên cái ghế nghị trưởng, mà ai nấy vẫn ước ao.

Lại mới rồi bổn báo cũng đã có cho độc giả hay tin rằng ông Huỳnh Thúc Kháng, chủ báo Tiếng dân ở Trung kỳ có gởi ngay cho quan toàn quyền Pasquier một bức thơ để phản đối về cái thuyết lập hiến của ông Phạm Quỳnh.

Cứ xem đó, thì dư luận Trung kỳ đối với vấn đề Lập hiến ra sao, chúng ta lại cũng hơi thấu rõ rồi vậy.

Đối với một vấn đề lớn như vậy, đáng lẽ các nhà ngôn luận phải tham gia vào mà nghiên cứu. Chúng tôi vẫn có cái ý ấy; song tưởng vì nó là vấn đề mà ông Phạm đã vạch ra cái giới hạn riêng về Trung Bắc kỳ mà thôi, nên để trễ lại rồi sẽ bàn cũng được. Quê hương của tờ báo Trung lập nầy là Nam kỳ, vậy thì nhơn cái vấn đề người ta xướng ra ngoài Trung - Bắc đó mà mình bàn về việc quê hương mình trước đi, là nên lắm vậy.

Tiện cho chúng tôi lắm. Đem cái vấn đề lập hiến ở Trung - Bắc kỳ mà so sánh với vấn đề lập hiến ở Nam kỳ là tiện cho chúng tôi quá chừng. Ở Trung - Bắc kỳ anh em còn cao xướng cái vấn đề ấy lên được, huống chi ở xứ thuộc địa của nước Pháp, chịu trực tiếp cai trị hơn bảy chục năm nay ; vả lại trong khoảng mười năm nay đã có một bọn người đả động đến vấn đề quan trọng ấy rồi.

Ở Nam kỳ mà nói chuyện lập hiến lại còn mạnh miệng hơn ở Trung - Bắc kỳ nữa.

Theo như lời ông Phạm Quỳnh, ở Trung - Bắc mà muốn lập hiến thì bước thứ nhứt là phải nhờ chánh phủ bảo hộ nới cái tay cai trị cho lỏng ra, lý hành cái điều ước năm 1884, theo như điều ước ấy, giao quyền nội trị lại cho vua Nam triều. Rồi chánh phủ bảo hộ lại giúp đỡ nhà vua, đứng lập một cái hiến pháp cùng thần dân Trung - Bắc. Trong hiến pháp ấy sẽ chia quyền hạn làm ba mặt : một là quyền của bảo hộ ; hai là quyền của vua ; ba là quyền của dân. Trước đây trên tờ báo nầy, chúng tôi có nói chơi trong mục “Những điều nghe thấy” mà đặt tên cái hiến pháp ấy là “hiến pháp tam giác”, tuy là lời nói chơi, nhưng sự thiệt quả là như vậy.

Coi như vậy thì sự lập hiến ở Trung - Bắc kỳ nếu mà thành ra cũng phải trải qua cái lịch trình nhiều đợt lắm. Trước hết phải có chánh phủ trả lại quyền nội trị cho nhà vua, lý hành theo điều ước năm 1884. Nhưng nếu vậy thì cái hiệp ước ngày 6 Novembre 1925 lại thành ra giấy lộn hay sao ? Nếu nói rằng cái hiệp ước nầy chưa thi hành nên xóa đi, thì cái điều ước năm 1884 cũng lại chưa hề thi hành, sao không xóa đi cho luôn thể ? Còn như nói rằng nước lớn đối với nước nhỏ, không cần theo điều ước, vậy thì cái điều ước đã không vững mà cái hiến pháp do nước lớn ấy lập ra sau nầy lại vững hay sao ?

Nhưng mà đừng kéo dài ra làm chi, cho quách đi rằng chánh phủ Bảo hộ bằng lòng trả quyền nội trị lại cho nhà vua, để nhà vua lập hiến pháp. Song le, không trả quyền lại cho vua mà rằng, chớ một mai trả lại rồi nhà vua cầm lấy quyền ấy trong tay rồi, thì sự lập hiến hay không, lại đương còn là sự ở trong trái ổi. Xin ai nấy đừng tưởng chúng tôi nói vậy là lo xa quá. Chớ lại chẳng thấy mới rồi đây, giữa hội đồng cải cách Trung kỳ, ba ông đại thần Nam triều xin nhà nước trả quyền nội trị lại, theo như điều ước năm 1884, để cho Nam triều đủ quyền mà trừng trị bọn phản đối hay sao ? Coi vậy thì biết chắc rằng sau khi Nam triều được quyền ấy rồi, chỉ dùng mà trị bọn phản đối chớ không dùng mà lập hiến. Đến lúc ấy, chánh phủ bảo hộ có thể nào đặt miệng vào mà trách Nam triều được sao ? Trách làm sao mà đã trả quyền nội trị cho rồi ? Khi ấy Nam triều sẽ nói với bảo hộ rằng việc trong nhà tôi mặc tôi, can gì tới ông mà ông nói ?

Đừng nói chi cho nhiều, nói nội vài chỗ đó đã thấy cái kế hoạch của Phạm Thượng Chi tiên sanh hơi rung rinh rồi. Tiếc thay ! phải chi ông Phạm Quỳnh ở đất Nam kỳ mà đương cơ hội nầy ông xướng cái thuyết lập hiến lên ở Nam kỳ thì hay quá.

Ở đất nầy mà nói lập hiến thì nghe lý sự trôi chảy lắm, chẳng có vấp váp chút nào như ở ngoài Trung - Bắc. Ở đây theo chế độ “trực trị” đã bảy chục năm nay, nhà nước cứ nới quyền cho dân lần lần. Có lẽ đến khi người Pháp ở đây vài ba trăm năm nữa, bấy giờ dân Nam kỳ tuy là khác màu da, khác ngôn ngữ văn tự, song le quyền lợi cũng đồng đẳng như người Pháp, nghĩa là lúc ấy dân Nam kỳ hoặc sẽ chịu trị dưới hiến pháp của nước Pháp như dân bên mẫu quốc. Nhưng hiện ngày nay, chưa đến trình độ ấy, thì lập riêng cho dân Nam kỳ một cái hiến pháp, là sự dễ như chơi.

Trong cái hiến pháp ấy, một bên là chánh phủ Pháp ở đây, một bên là dân Nam kỳ, như hai người ký giao kèo với nhau chẳng có người thứ ba nào xen vào nữa, thì thật là dễ dàng đến đâu.

Nam kỳ lại còn một điều dễ mà tiện nữa, là đã có sẵn một đảng Lập hiến rồi, chớ không như ở Trung - Bắc lôi thôi lắm.

Trong bài của ông Phạm Quỳnh nói về chỗ nầy mờ ớ(*) lắm. Khi thì ông nói để y quan trường hiện thời mà không thay đổi. Khi thì lại ông nói có lẽ nào cả Trung - Bắc kỳ mà kiếm không ra mươi người đủ tài làm Tổng trưởng các bộ hay sao ? – thì lại như tuồng muốn đánh đổ quan trường cũ đi. Cho nên cuộc lập hiến Trung-Bắc mà có thiệt hiện ra nữa là còn cái vấn đề bên tân bên cựu giành nhau cũng là khó xử.

Nam kỳ ta thì chẳng có gì lôi thôi hết. Nếu ngày mai đây các ông trong đảng Lập hiến đề xướng lại câu chuyện bỏ dở mấy lâu nay, ngày mốt chánh phủ Pháp biểu đồng tình, ngày bữa kia tổ chức nội các, là đã đủ người sẵn rồi, há có ai vô lọt ? Song le, phải biết rằng đó là chuyện chúng tôi nói giá tỉ như vậy.

Vậy thì xét cho kỹ ra, về vấn đề Lập hiến, Trung - Bắc kỳ đủ cả mọi thứ khó mà Nam kỳ đủ cả mỗi thứ dễ. Vậy thì sao cái vấn đề lập hiến lại xướng lên ở Trung - Bắc mà không thấy xướng lên ở Nam kỳ dạo nầy ?

Xin đồng bào ai là thức giả hãy trả lời câu hỏi đó. Còn phần chúng tôi đây, chỉ biết làm một sự so sánh cho thấy khó dễ mà thôi.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s.6270 (11.10.1930)

 


 

(*) mờ ớ : ấm ớ, mang máng, không rõ ràng (theo Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.).

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2004