IV. Ý KIẾN TRUNG LẬP VỀ VẤN ĐỀ RUỘNG ĐẤT(*)

 

Cuộc bút chiến Đuốc nhà Nam – Trung lập từ hôm phát ra tới nay, lời lẽ của hai bên thế nào, tưởng độc giả đều rõ hết. Bên Đuốc nhà Nam, sau khi đã nhận lỗi, trong số ra ngày 27, chỉ rút lại còn có một cột để nói chuyện với chúng tôi, mà nói một cách lơ lơ lửng lửng, nghe buồn quá. Tuy trong ngày ấy ông Long cũng có viết trong Tribune Indochinoise ra giọng khinh Trung lập nữa, nói rằng từ rày bài bút chiến với Trung lập chỉ đăng vào phụ trương Đuốc nhà Nam nhưng coi bộ ông đuối rồi chừng như không muốn đánh nữa, nếu chẳng thế thì sao câu ấy không viết trong báo quốc ngữ mình mà lại viết trong báo chữ Tây ? À ! chúng tôi biết tánh và ý ông rồi, cũng bằng lòng để cho ông đứng xây mặt lại mà thở một lát rồi sẽ hay.

Hôm nay chúng tôi xin đáp câu hỏi của Đuốc nhà Nam ép Trung lập trả lời mấy bữa nay.

Trước khi đáp, xin có mấy lời nhắc lại. Số là hôm trước ông Long hỏi chúng tôi hai câu : một là Trung lập có về phe với cọng sản hay không ? hai là có tán thành hay không tán thành điều yêu cầu của dân biểu tình xin chánh phủ lấy ruộng đất nhà giàu chia cho nhà nghèo ?

Câu hỏi thứ nhứt, chúng tôi đã lấy lời của Đuốc nhà Nam mà chứng minh ra là nó không thành lập được. Vì trong khi báo ấy cáo Trung lập về phe với cọng sản thì cũng cáo luôn Trung lập một tụi với Homberg, thế là nói xuôi cũng được, nói ngược cũng xong, tự mình phản đối lấy mình, còn đem cái câu vô lý ấy mà hỏi ai được ? Huống ở trong còn có cái ý xấu dắt người xuống giếng, bị bạn Công luận vạch ra chi hậu, bên kia hình như cũng hối ngộ, nên trong số mới rồi chỉ để còn có một câu sau mà thôi.

Câu hỏi thứ nhì là do câu thứ nhứt mà ra ; nay câu thứ nhứt đã đổ đi thì câu thứ nhì còn đứng với ai được ? Lẽ thì Bổn báo cũng bỏ luôn đi không đáp, song sẵn dịp [ . . . . . . . . ](*) cũng chẳng mất chi [ . . . . . . . . ](*)  là ích lợi nữa, thì đáp [ . . . . . . . . ](*).

Mấy hôm trước chúng tôi thấy ông Long viết trong Đuốc nhà Nam, kể những lịch sử cọng sản bên Nga về chế độ ruộng đất thế nào, thiệt chúng tôi chẳng buồn đọc đến. Vì chúng tôi tuy văn kiến không rộng bằng ông, chớ cũng đọc được những sách nói về cọng sản bên Nga, vừa chữ Tây vừa chữ Tàu, chừng chỗ năm mười bộ. Đọc thét rồi chúng tôi chẳng biết thế nào mà tin cả, đành phải đánh vài ba cái dấu hỏi rồi để đó.

Huống chi cái sự dân biểu tình xin chia ruộng thiệt là một việc

chẳng thành ra vấn đề. Phải chi cái việc ấy có ai gợi ra giữa Hội đồng quản hạt thì hoặc giả nó thành vấn đề chăng ; chớ cái nầy, thứ họ xin thập ngộ như vậy, có ăn thua vào đâu mà nghiên cứu làm chi cho nhọc trí ? Có ai muốn được bụng những tay điền chủ lớn thì họ nghiên cứu lấy, chớ chúng tôi đây chỉ cho là câu chuyện vu vơ, chẳng đáng nói làm chi.

Chúng ta ở dưới cái chế độ tư sản thì cứ nói chuyện tư sản. Chữ “tư sản” đây chúng tôi dùng để chỉ nghĩa là “của riêng”. Của riêng tức là ai giỏi làm ra của thì cứ việc giữ làm của mình, muốn mua đất bao nhiêu thì mua ; hay là không muốn mua đất mà mua vàng cũng tùy ý. Cái chế độ ấy là cái chế độ hiện thời của ta đây, sao không nói, mà lại đi nói những chuyện đâu đâu ?

Thiệt vậy, câu chuyện tư sản đây mà nói còn chưa xong, huống chi là câu chuyện cọng sản ! Đất ruộng của dân nghèo đem mồ hôi nước mắt khai khẩn ra mà còn chưa giữ được huống chi là nói đến chuyện lấy đất ruộng nhà giàu mà chia cho nhà nghèo. Thôi, nên dẹp những chuyện vông vông vẩn vẩn không đâu vào đâu ấy lại một bên, mà nói chuyện thiết thiệt giữa xã hội nầy là hơn.

Về miệt đông nam xứ Nam kỳ như mấy hạt Sóc Trăng, Cà Mau, Rạch Giá, thường xảy ra những vụ kiện ruộng đất luôn luôn. Tức như vụ đồng Nọc Nạn mới cách vài ba năm trước đây là một. Vụ nầy lại còn ghê gớm đến nỗi đổ máu nữa, hẳn ai cũng còn nhớ chết hết một người Pháp với năm người An Nam. Có người nói rằng cái túi bạc của chú Bang nọ giao cấu với lòng căm tức của một gia đình ông Hương chủ Luông, rồi đẻ ra thằng con, đặt tên là thằng cọng sản.

Rồi đây chúng tôi có dịp sẽ đem tang chứng ra. Đây chỉ nói sơ vài câu đại khái. Ở những miền nhiều đất hoang ấy, có những kẻ đến đó thí công khai phá trải năm mười năm, lập gia cư ở tại chỗ, hằng năm gieo trồng và thâu huê lợi. Vậy mà thình lình có những tay nhiều tiền lại có thế lực, tự nhiên sai đầy tớ vác cày xuống đất họ mà cày ! Hỏi thì té ra mấy ông nầy có làm đơn trưng thuế rồi, ruộng thì là của người kia nai lưng kịch ra khai phá trong bao nhiêu năm song cái quyền sở hữu thì lại khi không mà thuộc về cái anh to tiền lớn thế nọ.

Vậy rồi làm sao ? Có làm sao đâu ? Cứ hễ có giấy mực ở quan là được ruộng ; còn người kia tuy có công lao thiệt, có nhà cửa ở đó thiệt, song le dốt nát không có đơn trưng khẩn, không có lập bô, không có đóng thuế điền thì là thua. Biết vậy rồi thì cái người bị cướp đó ngậm hờn nuốt giận mà chịu phép cả đời làm tá điền ; còn ông giàu kia, xưa là kẻ cướp nay là chủ nhà, vênh mặt lên làm ông điền chủ mà càng ngày càng thêm giàu vậy. Trong đám bị cướp đó phần nhiều nín thinh mà chịu ; còn những người tức quá không nín được thì âu chi là liều chết theo với cái mồ hôi nước mắt của mình, tức như bà con ông Hương chủ Luông.

Đó là cái vấn đề ruộng đất ở Nam kỳ ngày nay có một chỗ trọng yếu nhứt là chỗ đó. Ai muốn nghiên cứu và giải quyết vấn đề ruộng đất thì nên chăm chỉ vào chỗ nầy. Chớ còn sự lấy ruộng nhà giàu chia cho nhà nghèo, có lẽ là sự người ta nói giỡn, cũng như nói “gỡ cái mặt trăng xuống cho em chơi” là nói láp dáp mà nghe kẻo buồn. “Tán thành hay không tán thành ?” - Chúng tôi thấy trong câu hỏi ấy có cái khí vị trẻ con lắm, không chịu được !

Rất đỗi ruộng của nhà nghèo cháy da phỏng trán khai khẩn ra mà nhà giàu đoạt lấy, đòi lại còn không đặng thay ; vậy mà biểu lấy ruộng của nhà giàu chia cho nhà nghèo, thiệt là chuyện mèo đẻ ra trứng ! “Tán thành hay không tán thành ?” – câu ấy mà lại đem hỏi chúng tôi sao ? Thiệt chẳng thà chưởi chúng tôi, chúng tôi còn không giận !…

Các ông trong đảng Lập hiến, các ông Hội đồng quản hạt quả có ý làm tiêu cái họa cọng sản thì nên chịu khó điều tra cái vấn đề nói trên đó, xét của người nào thì xin chánh phủ lấy mà trả cho người ấy, đặng cho dân chúng ở yên dưới cái chế độ tư sản mà làm ăn, khỏi bị cướp bóc là hơn, chớ xin đừng hỏi chúng tôi tán thành hay không tán thành cái điều yêu cầu kia làm chi.

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s.6184 (30.6.1930)


 

(*) bản gốc bị rách, đề mục chỉ còn mấy từ “Ý kiến trung (…) ruộng (….)” ; người sưu tầm tạm đoán tên mục như trên.

(*) các chỗ này báo gốc bị rách, mỗi chỗ mất từ 1 đến 4 từ.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2004