XII. Ý KIẾN CHÚNG TÔI VỀ ĐẢNG LẬP HIẾN NAY SẮP SAU

Trước rày chúng tôi chỉ trách thiện đảng Lập hiến hỏi sao không làm thế nầy lại làm thế nọ, hỏi sao không đi con đường chánh trị theo chủ nghĩa mình. Trừ ra những việc riêng của đảng viên mà người ta hay dùng làm cớ để phi nghị, chúng tôi không nói đến, còn những lẽ gì có quan hệ đến quốc gia đồng bào thì chúng tôi nói lược lược cũng đã đủ. Vậy, nếu có người hỏi bây giờ đảng Lập hiến nên làm thế nào thì chúng tôi sẽ trả lời làm sao ?

Phải, chúng tôi đã trách người ta, thì chúng tôi cũng phải tỏ ra cái ý kiến của mình. Hôm nay, bài nầy chính là chúng tôi tỏ ra cái ý kiến ấy. Dầu hay dầu dở, dầu phải dầu chẳng, nó cũng là một cái ý kiến, nên đem mà phát biểu.

(Kiểm duyệt bỏ một đoạn)

Chúng tôi tưởng thứ dân quê mùa dốt nát, chỉ biết cấy lúa và nấu cơm mà thôi, thì có đem ra mà làm việc gì đi nữa cũng hư. Thứ dân ấy mà biểu nói chuyện tự trị độc lập làm sao cho đặng ? Vậy bây giờ sự cần nhứt ở nước ta mà là sự người mình có thể làm được, thì chẳng có chi hơn là giúp chánh phủ sửa sang việc nội trị, nghĩa là dạy dân cho khôn và làm cho dân bớt khổ đi.

Những việc ấy, nếu do ý kiến của cá nhân hay là ý kiến của một hội đồng nào cũng không có thế lực mạnh mà thiệt hành ra được cho bằng của một đảng.

Còn như nói rằng những việc quan hệ về nội trị ấy thì chánh phủ đã làm rồi và còn cứ làm nữa, hà tất phải đảng nào làm chi ? Nếu nói vậy thì bên nước Pháp lại có đảng làm chi ? Sao nước Pháp không để một mình chánh phủ cai trị ?

Ở đây lại có một lẽ cần phải có chánh đảng hơn bên Pháp nữa. Chánh phủ ở đây là người Pháp, dân là dân An Nam, chánh phủ dầu thông thuộc mấy đi nữa, làm thế nào hiểu hết sự lợi bịnh trong dân đặng ? Được nhiều càng hay, không thì ít nữa cũng phải có một đảng để bổ trợ điều thiết sót của chánh phủ trong việc hành chánh. Vậy sau cơn biến động nầy, đảng Lập hiến nếu có thiệt bụng làm chánh trị, lo việc dân việc nước, thì nên tổ chức lại theo như chương trình cũ, - vì từ hồi đó đến giờ chưa tổ chức đúng như chương trình hay là châm chước sửa đổi chương trình ấy mà bắt đầu lập đi. Nguyên năm xưa, giấy má chương trình chi nghe đã đưa lên trình chánh phủ rồi ; bây giờ chỉ cần chánh phủ trả lời cho là được. Người ta chỉ sợ có một nỗi là chánh phủ lại không cho, . . . . . . . . . . . . .(*)  Chúng tôi tưởng, hồi nầy đây, có ở đâu chánh phủ lại thờ ơ như vậy được ? Những việc biến động mới yên rồi đó chẳng đã tỏ ra cho các quan thấy rằng cuộc cai trị xứ nầy cần phải sửa đổi hay sao  ? Những việc biến động đó, vẫn biết rằng không làm chi nhúc nhích chánh phủ nổi, song há lại không nhọc lòng đối phó, và cũng có lẽ nhơn đó mà giảm bớt lòng tín nhiệm của dân đi hay sao ? Chúng ta phải hết lòng tin rằng dạo nầy tuy chánh phủ đương lo sửa sang việc nội trị xứ nầy cho hiệp với tình thế hiện thời, chớ không thể làm lơ bỏ lún như mấy năm trên được. Mà nếu vậy thì tưởng chánh phủ cũng cần cho có một hạng người  An Nam đủ tài đủ trí để giúp sức cùng mình.

Nếu sự chúng tôi đoán đó mà trúng thì đảng Lập hiến có khó gì mà chẳng chánh thức thành lập ngay từ đây.

Ở xứ Nam kỳ ngày nay cần có một cái đảng chánh trị thật. Nếu cần như vậy mà phải lập ra một cái mới thì chánh phủ có lẽ sẽ bảo là khó. Chớ cái nầy sẵn có một cái đảng cũ có tên có tuổi rồi bây giờ chỉ có việc tổ chức lại và thủng thẳng thiệt hành các chánh kiến ra mà thôi, có hại gì mà lại chẳng cho ?

Chúng tôi tưởng nếu chánh phủ có ngại sao đó, đảng Lập hiến sẽ nài xin được một cái quyền gì cho rộng bề thi thố rồi đứng mà nhận lấy trách nhiệm trị an trong xứ nầy thì chánh phủ còn nghi gì nữa.

Chúng tôi nói “quyền” đó nghĩa là cái quyền gì hoặc như là quyền ngôn luận vậy ; có cái quyền ấy thì mới có thể cổ động cho phần đông theo một chủ nghĩa, đi một đường chánh trị theo với đảng được.

Mà chánh phủ há lại không nghĩ tới cái hiện tình trong cả nước nầy sao ? Bất kỳ dân nào trên trái đất nầy cũng có cái óc về chánh trị hết, hễ không làm thế nầy thì làm thế khác, bề nào họ cũng có một phần đổ về chánh trị mới nghe. Làm sao mà trong ba kỳ, chỗ nào cũng có những hội kín hết là vì đâu ? Chúng tôi nói, sự đó dầu có nhiều cớ chăng nữa, không có một cái chánh đảng minh bạch cũng là một cớ.

Đừng nói ở đâu, nói Nam kỳ đây nếu đảng Lập hiến lâu nay mà thành lập một cách cho hẳn hòi, hành động việc nầy việc khác cho có hiệu quả, nhân dân thảy đều biết tiếng, thì họ đổ nhau về một đàng với đảng, nương cậy chánh phủ để noi lên đường tấn hóa, chớ ai lại lập hội kín nầy hội kín nọ ra làm chi ?

(bị kiểm duyệt bỏ)

Chúng tôi dám chắc rằng nếu chánh phủ để cho Nam kỳ nầy có một cái chánh đảng, - Lập hiến hay đảng nào cũng được, - đứng trong vòng pháp luật, giúp chánh phủ về mặt nội trị, thì trong xứ sẽ yên lặng, không có hội kín nào khuấy rối cho mệt chánh phủ hết, vì họ đã thỏa cái “lòng dục chánh trị” của họ rồi.

Bên đảng Lập hiến cũng vậy mà bên chánh phủ cũng vậy, nếu có làm cho ra bề  ra thế ít nữa cũng như chúng tôi nói trên đây thì hãy nên để còn cái tên Lập hiến. Bằng không làm như vậy được thì chúng tôi tưởng các ngài cũng nên kiếm cách mà giải tán đi, thủ tiêu cái tên đảng đi. Chớ còn để nửa sống nửa chết, dật dờ dật dưởng, hữu danh vô thiệt như vậy thì chẳng ích chi cho dân cho nước, mà hễ có việc chi, ấy là các ngài mang tiếng, thiệt vô ích quá.

Vậy là dứt câu chuyện đảng Lập hiến.(*)

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s.6205 (25.7.1930)


 

(*) chỗ này bản gốc chấm lửng (….) một dòng, có thể tòa soạn bỏ một đoạn ngắn.

(*)  Về đề tài này, có thể xem thêm bài : Số phận của Bùi Quang Chiêu và phe thỏa hiệp : http:// www.bbc.co.uk/vietnam ese/story/2005/08/05.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2004