Lời dẫn của người sưu tầm - Báo Trung lập ngày 3.5.1930 ở trang 2 có một khung quảng cáo nhỏ với tiêu đề : Câu chuyện hằng ngày, trong đó cho biết : “Trung lập mới chúng tôi mới cậy được ông tú Chương Dân Phan Khôi viết giùm cho mục “Những điều nghe thấy” ký là Tha Sơn. Ông Phan tức là người viết “Câu chuyện hằng ngày” cho Đông Pháp thời báo khi trước mà ký tên là Tân Việt đó. Vậy chắc rằng mục Những điều nghe thấy của T.L. mới sẽ được hoan nghinh một cách xứng đáng”.

“Những điều nghe thấy”(ngày đầu là “Những điều trông thấy”, từ hôm sau đổi “trông” thành “nghe”  xuất hiện ở Trung lập từ 2.5.1930 và gắn bó với tờ báo cho đến số cuối cùng. Khoảng 10 kỳ đầu tác giả ký là Tha Sơn, sau đó ký là Thông Reo. Vì sao Phan Khôi sớm từ bỏ bút danh Tha Sơn ? Phải chăng vì không muốn bị lẫn với Tha Sơn Thạch, một bút danh của Huỳnh Thúc Kháng ? Cái tên Thông Reo được gợi ý từ đâu ? Phải chăng ít nhiều được gợi ý từ cách thể hiện nhan đề báo Trung lập từ lúc đổi mới, từ ngày 2.5.1930 : chữ Trung lập màu đỏ cách điệu hóa thân và cành lá cây thông , - cách thể hiện mà tòa soạn buộc phải bỏ đi sau ngày 23.7.1930 vì bị một số tờ báo thân chính quyền cho là dấu hiệu “binh cộng sản” của tờ Trung lập mới ?

Với mục “Những điều nghe thấy”, ngòi bút Phan Khôi lại tiếp tục cái vai trò tương tự vai trò Tân Việt trong “Câu chuyện hằng ngày” hai năm trước. Đây là loại mục “hài đàm” ; tuy không phải lúc nào tác giả mục này cũng đùa cợt, chọc ghẹo thiên hạ, nhưng vai của ký giả viết mục này chính là vai đàm tiếu, mai mỉa, trào lộng. Trong số nhiều thể tài báo chí mà Phan Khôi từng viết, có lẽ hài đàm là chỗ thể hiện rõ nhất phương diện sáng tạo văn chương của ông.

L.N.A.