Cái địa vị khôi hài trên đàn văn học

 

 

Nước ta xưa nay trong làng văn học có một điều hà khắc quá, ấy là sự đối đãi cùng những người có tài khôi hài và những văn bằng thể khôi hài. Tức như ông Cống Quỳnh, tuy là có tiếng khen để lại đời nay, người đời vẫn lấy làm thích, nhưng thích là thích một cách khác, ai có khen ông cũng khen một cách khác. Người nước ta khen ông Cống Quỳnh cũng như khen một vai hề hay trong rạp hát, khen ông là khen cái tài mồm mép mà thôi, chớ trong lòng vẫn khinh, khinh cũng như khinh mấy chú hề trong một gánh hát tuồng.
Người mình chưa nghĩ đến cái hay của sự khôi hài là dường nào; cũng chưa hiểu đến cái ích lợi của văn khôi hài và người có tài khôi hài ra sao. Vì vậy cho nên ít ai biểu đồng tình cùng họ, không để họ vào trong con mắt, cũng loại hết cả hài văn ra ngoài nền văn học, là phải lắm, không trách đặng.
Nhưng phải biết rằng ai có tài thông minh tuyệt thế thì mới nói được chuyện diễu có duyên hay là làm được bài văn bông lơn có duyên, chớ không phải dễ dầu gì đâu mà hòng khinh thị. Làm một bài văn trang hoàng điển nhã, trong mười tay văn học tay nào cũng làm được hết; chớ làm một bài văn khôi hài cho hay, đọc lên cho ai cũng mở miệng cười và lấy làm thích ý, thì trong mười tay ấy chưa chắc đã có một tay làm được đâu.
Văn khôi hài nó thường làm cho cảm động người ta một cách rất mạnh mà người ta không tự biết. Giả như tôi có một cái tật xấu gì, có kẻ làm bài hài văn để ám chỉ vào cái tật xấu ấy của tôi; trong khi tôi đọc đến, tôi phải tức cười nôn ruột mà tôi không giận được; rồi dần dần tự nhiên tôi bỏ cái tật xấu ấy đi bao giờ mà chính tôi cũng không hay. Đó mới thật là một bài hài văn hay đó; và cái công dụng của nó là như thế.
Sở dĩ ông Molière nổi danh trên văn đàn nước Pháp và cũng nổi danh cả trên văn đàn thế giới nữa, là chỉ nhờ có cái tài hay khôi hài ấy mà thôi. Coi đó thì biết trong làng văn bên Âu châu, người ta biết trọng đãi kẻ hay khôi hài lắm, chớ không như bên mình.
Chúng ta phải phục ông Tư Mã Thiên là ông thánh sư về sử học và văn học. Trước hơn hai ngàn năm nay mà ông đã nhận rõ sự khôi hài là có quan hệ với thế đạo nhân tâm, văn khôi hài là một thứ văn có diệu dụng(*) phi thường, và nhân vật khôi hài cũng là hạng nhân vật siêu quần xuất chúng, cho nên trong Sử ký của ông, ông đã lập riêng ra một thiên Liệt truyện kêu bằng Hoạt kê - hoạt kê cũng tức là khôi hài, - trong đó ông kể ra nhiều người có tài hoặc khéo nói, hoặc hay văn như Đông Phương Sóc, Thuần Vu Khôn đều là người thiên hạ xem thường mà ông đem lưu danh vào thanh sử vậy.
Kể ra bọn hoạt kê, tức là người hay khôi hài, lại còn cái đặc tánh nầy đáng quý lắm nữa. Là trong đám họ, người nào cũng có cái vẻ tự cao và khinh đời, có người trong con mắt họ chẳng coi quyền thế ra chi, chẳng coi công danh phú quý ra chi, mà cả đời chỉ có nói bông nói đùa cốt để nhẻ đời hay răn đời, chớ không thèm cầu gì hết thảy. Cái tư tưởng tự do ấy, cái khí phách độc lập ấy, hỏi trong đám đọc sách muôn pho, làm sách ra đầy tủ, đã mấy người có được ư?
Theo như những dật sự của ông Cống Quỳnh mà tương truyền lâu nay thì thấy ông ấy trong nghề khôi hài, chẳng lấy gì làm lỗi lạc lắm. So với bọn Đông Phương Sóc, Thuần Vu Khôn đời xưa bên Tàu thì có chỗ kém nhiều. Nhưng điều đó ta có nên đem mà trách ông Cống Quỳnh đâu. Một xã hội đã không biết thưởng thức cái thú khôi hài, không trọng hài văn, đối với những người hay khôi hài chỉ coi như thằng hề hát bội, thì bảo ông Cống Quỳnh lỗi lạc sao cho đặng chớ?
Trong nghề khôi hài, kỵ thứ nhứt là sự quá thô tục. Những tay hoạt kê giỏi đời xưa, không khi nào văng câu tục tĩu từ mồm mình ra bao giờ. Ông Cống Quỳnh ta thì có hơi tục một chút, hoặc giả vì đó mà ông không được liệt vào hạng khôi hài xuất sắc.
ở nước ta xưa nay, những tay khôi hài có phải một mình ông Cống Quỳnh mà thôi đâu. Người ta còn có kể ra như ông Tú Xuất ở Nghệ An, ông Ba Giai ở Hà Nội; lại trong Nam kỳ cũng có một vài người đương sống nữa, không muốn nói tên ra đây làm chi. Nhưng tiếc thay, đời đã không mấy người biết trọng, thành ra hạng nhân tài ấy cũng đành đem tên họ chôn trước khi mình qua đời, rồi dần dần cùng rụi với cỏ cây mà chớ!
Tôi lại từng đọc sách, thấy người ta nói dân tộc nào phổ thông có tánh hay khôi hài, ấy là biểu lộ ra dân tộc ấy có tư chất thông minh. Mà giọng khôi hài càng sâu sắc chừng nào thì lại càng tỏ ra cái trình độ thông minh cao chừng nấy.
Phải lắm! có thông minh mới nói ra câu bông lơn có thú vị mà cũng duy thông minh lắm mới biết ngửi thấy cái thú vị của câu bông lơn hay. Chớ còn nói chơi không biết, nói thiệt không hay, thì duy có ngu đần mới như vậy, dân ấy là dân bỏ xó! Bởi vậy, bên ấn Độ có một ông bác sĩ xuất bản một cuốn sách toàn là chuyện khôi hài của nước mình, mà đề tên sách là Thông minh tài trí của người ấn Độ, thế cũng đủ nhận thấy cái giá trị của sự khôi hài là dường nào.
Theo tư trào văn học của thế giới ngày nay, tôi muốn nhắc cái địa vị khôi hài lên cao một chút trên văn đàn nước ta. Từ nay ta hãy coi trọng nhân tài khôi hài và hài văn, rồi thì nhân tài và văn ấy mới sản sanh ra được.
Lập nghiêm, ai dám lại gần? Người ta đã vậy mà văn cũng vậy. Cứ giữ mực khăn đen áo rộng quá thì nhiều khi làm cho kẻ đọc mình phải chán. Trong nhiều bài văn của tôi có giọng pha trò là vì tôi nghĩ như thế, chớ không phải tôi làm ra khinh bạc đâu. Ai khăn đen áo rộng được thì tôi há lại không khăn đen áo rộng được như ai?


Phan Khôi
Trung lập, Sài Gòn, s.6481
(Phụ trương văn chương số 10, thứ bảy 4.7.1931


(*) diệu dụng: chỗ dùng rất hay, rất mầu (H.T.Paulus Của, sđd.)

© Copyright Lại Nguyên Ân 2006