Cái óc khoa học của người mình

 

Nhờ trọng lực làm nên sự kiên cố. Nói về sự cất nhà gạch

 

Người Việt Nam ta từ trước không phải là không có cái óc khoa học. Có điều tại cái óc ấy vừa mống tượng ra rồi vì sao đó mà ngừng lại hẳn, không sinh nở thêm nữa, cho nên không thành ra khoa học đó thôi. Sự đó xem trong nhiều nghề nghiệp và khí dụng của ta thì đủ thấy. Đây tôi xin nói về một sự cất nhà gạch.
Loài người từ khi biết cất nhà lên để ở, không những cốt để che mưa che nắng mà thôi, còn sợ gió bão đổ đi hay nước lụt trôi đi, cho nên ngoài sự giữ cho kín, còn phải giữ cho vững chắc nữa. ấy đó cái mục đích của sự cất nhà có một phần ở sự kiên cố.
Muốn cho kiên cố, phải làm thế nào?
Nói về những nhà lợp tranh lợp lá mà sườn bằng tre ở xứ ta, thì sự kiên cố phải nhờ ở những cột chôn. Những cột chôn ấy hoặc bằng săng, hoặc bằng tre, đều phải chôn xuống dưới mặt đất thật sâu; hễ sâu chừng nào thì vững chừng nấy. Chôn sâu lại còn phải nện chặt, hầu cho nó với đất ôm lấy nhau mà khỏi bị lung lay.
Tóm đại ý lại, thì, cho được kiên cố, người ta lấy sự nhà dính với đất làm nguyên tắc.
Cái nguyên tắc ấy cũng thông dụng trong cách kiến trúc nhà tây ngày nay.
Ngày nay, cất theo kiểu tây thì bất luận nhà trệt nhà lầu gì cũng thế cả. Ăn chịu là nhờ ở cái móng. Hễ nhà có nhiều từng lầu chừng nào, móng phải sâu và rộng chừng nấy, thì cái chân nó mới vững. Bắt từ lớp móng ấy xây vách tường lên, rồi mới gác ngang hoành tử (xà) bằng gỗ hay bằng sắt qua hai vách tường; như vậy hoành tử với vách tường ôm chặt nhau, làm cho cái nhà được vững. Nhưng chớ quên cái nguyên tắc nhà dính với đất. Bởi vì hoành tử ôm chặt với vách tường, vách tường liền với móng, móng ôm chặt với đất, vậy cũng là nhà dính với đất mà mới được kiên cố.
Làm nhà mà muốn cho được kiên cố, trừ theo cái nguyên tắc ấy ra, còn có cách gì nữa chăng? Nghĩa là, có hay không, nếu đừng theo cái nguyên tắc ấy, theo cái nguyên tắc khác, mà cũng được kiên cố.
Tôi không có cái học kiến trúc trong đầu tôi, tôi cũng chẳng làm thầu khoán, chưa từng quen việc thổ mộc, song cứ như những cách người ta làm trước mắt tôi, thì tôi dám nói là không có, thế nào cũng phải theo cái nguyên tắc nhà dính với đất mà thôi.
Vậy mà người Việt Nam ta ngày xưa, khi cất một cái nhà gạch, lại không theo cái nguyên tắc ấy như nhà tranh nhà lá mà dùng nguyên tắc khác. Trong sự đó, ta thấy ông bà ta hồi xưa đã có cái óc khoa học ít nhiều.
Nhờ trọng lực làm nên sự kiên cố, - ấy là cái nguyên tắc thứ hai mà ông bà ta đã dùng để cất nhà gạch theo kiểu An Nam.
Những nhà gạch, - Trung, Nam kỳ kêu bằng nhà ngói, - kiểu xưa ấy, cái giàng trò của nó, ba kỳ tuy có khác nhau một ít, đến như dùng cái nguyên tắc trọng lực thì ở đâu cũng đồng nhau.
Một điều nên nói trước hết, là theo kiểu ấy, nhà không thèm dính với đất mà cũng được kiên cố.
Nhà gạch xứ ta, chia đại để ra làm bốn bộ phận:
1 - nền;
2 - vách tường;
3 - giàng trò;
4 - ngói và vôi dùng mà lợp ở trên.
Cái giàng trò thì mỗi nơi một khác, nhưng có sự đồng nhau là nhiều cột. Những cột ấy một đằng thì dính với kèo, một đằng thì dính với xuyên, trính, hoành tử, chúng nó chằng chịt lẫn nhau, hầu cho cái giành trò khỏi xộc xệch mà được đứng vững.
Những cột ấy đứng trên đá tảng và đá tảng đặt trên nền, cho nên cái nền cũng phải nện móng chặt chẽ từ trước, để cho chịu đựng được cái giàng trò mà khỏi sụn.
Ngói lợp lên trên rui để che lấy giàng trò và trát vôi cho khỏi rã ra. Những ngói và vôi ấy chẳng những để che kín mà cũng nhờ nó nặng để đè giàng trò xuống.
Rồi đến vách tường xây lên bốn phía nhà. Cái công dụng của vách tường nhà ta không đồng với của vách tường nhà tây đâu. Nó chỉ có việc đón gió và làm cho nhà khỏi trống trải, chớ nó không hề dính với giàng trò chỗ nào. Tuy vậy, vách tường cũng phải có móng, nếu không thì vì tường nặng quá mà sụn xuống.
Đó, như bốn bộ phận đã kể ra rồi đó, có bộ phận nào là dính với đất đâu? Chớ tưởng lầm rằng cái vách tường có quan hệ trong sự đó. Vì nó đứng trơ một mình vậy thôi, chớ không ôm chặt lấy cái gì của giàng trò hết. Có khi người ta cho đuôi kèo thấu qua tường, nhưng nó vẫn hở, chớ không ôm nhau. Cũng đừng tưởng rằng nhờ những cột để dính với đất. Vì cột của nhà gạch không chôn bao giờ, nó đều đứng trên đá tảng hết, thì có ăn thua gì với đất?
Không dính với đất thì làm sao cái nhà kiên cố được? ấy là nhờ ở trọng lực (sức nặng).
Cả một cái giàng trò bằng gỗ đó nặng vừa chi, lại thêm ngói và vôi ở trên đè xuống nữa. Đại phàm, hễ vật gì nặng thì khó mà lay chuyển được, khó mà nhúc nhích được, đặt xuống đâu nó đứng yên ở đó, nhờ đó mà cái nhà gạch của ta được kiên cố, cũng như là dùng cái nguyên tắc nhà dính với đất vậy.
Theo cái nguyên tắc trọng lực này thì cái giàng trò không được quá đan giản; vì nếu vậy thì nó sẽ mất cái sức chằng chịt nhau đi, cũng mất sức nặng đi, bởi vậy mà kiểu nhà ta phải dùng nhiều cột. Lại cũng cần cho kín nữa; bởi vậy nhà ta mới ít xoi cửa và cửa sổ, vì sợ rằng trong khi có bão lớn mà đóng hết cửa chẳng kịp, gió sẽ bồng cả cái nhà mà bay lên.
Lập riêng ra một cái nguyên tắc để cất nhà gạch, cái nguyên tắc ấy là nhờ sức nặng làm nên sự kiên cố, trong đó thấy ra cái óc khoa học của ông bà ta ngày xưa.
Một điều đáng tiếc là chỉ biết làm ra có bấy nhiêu đó mà thôi, không cần biết cho tinh tường hơn và đem cái nguyên tắc ấy ứng dụng ra cho rộng. Bởi đó mà nước ta xưa nay không có khoa học.
Phải chi tính trước mà biết được cái nhà mình sắp cất, cả cây gỗ và ngói gạch nặng là bao nhiêu, rồi cho nó đứng lên trên cái nền móng dày bao nhiêu, cho khỏi sự thái quá hay bất cập, cho khỏi có sự tổn hại mà lại được lợi ích, như thế mới là khoa học đó, tiếc người mình chưa làm đến!


Phan Khôi
Đông tây, Hà Nội, s.130 (9.12.1931)


 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2006