Cái thủ đoạn ngang tàng của Mussolini


Sự quyết nghị giữa chánh phủ nước ý với đức Giáo hoàng


Xưa nay những người đứng lên cầm quyền một nước, hoặc làm vua, hoặc làm tướng, dầu có chuyên hoạnh mấy đi nữa cũng có chừng có đỗi, không ai dám ỷ cơ mưu quyền lực của mình mà làm ngang quá bao giờ; có chăng thì hồi trước ông Napoléon nước Pháp và ngày nay ông Mussolini nước ý mà thôi.
Như mới rồi đây, việc chánh phủ ý xử với Giáo hội Thiên Chúa thế nào, thật đáng thuật ra đây để mỗi người nghe một chút cho biết cái thủ đoạn của ông Mussolini là ngang không chừng đỗi.
Từ ngày 30 tháng Mai, nghĩa là mới hơn một tháng nay, chánh phủ Y-ta-ly thình lình đem lính tới đóng cửa mấy nhà báo của Giáo đồ hội Thiên Chúa lập ra, lục soát trong các nhà chung, bắt bớ kẻ có đạo và cấm ngăn các cuộc thanh niên vận động của họ nữa. Sự ngang ngược ấy làm cho giáo đồ Thiên Chúa ở khắp thế giới tức giận và nổi lên kháng nghị, đâu đó như sôi.
Hỏi tại cớ gì? Bên chánh phủ Phát-xít (đảng Phát-xít cầm quyền nước Y-ta-ly hiện nay cũng như Quốc dân đảng bên Tàu) thì đổ cho giáo đồ Thiên Chúa ở tại Rô-ma có cuộc âm mưu phản đối cái chánh thể của họ, tức là cái chánh thể do một đảng cầm quyền thống trị, cũng như cái chánh thể của Quốc dân đảng hiện thời ở Trung Huê.
Nói vậy thì có chứng cớ gì không? ấy, cái ngang là ở đó. Không thấy nói có chứng cớ gì hết. Mà lấy lẽ ra, nước Y-ta-ly là nước chung của người Y-ta-ly, giáo đồ Thiên Chúa cũng là người Y-ta-ly, họ không bằng lòng cái chánh thể một đảng chuyên quyền thì họ phản đối, dầu có chứng cờ đành rành đi nữa, thì lại làm gì được họ? ừ, cũng cho ỷ thế làm ngang đi, thì cũng chỉ phải ai tai nấy là cùng, chớ sao lại nhè các cơ quan của Giáo hội mà cấm ngăn lục soát, lại bắt bớ lung tung ra, là nghĩa làm sao?
Huống chi chánh phủ Y-ta-ly với đức Giáo hoàng Rô-ma có ký với nhau một cái điều ước ở ngày 21 tháng Février năm 1929 mới đây, tỏ dấu hai bên hòa hảo với nhau, mà bây giờ làm như vậy, mới thật là ngang nữa! Bên đức Giáo hoàng và cả Giáo hội Rô-ma càng lấy làm bất bình về chỗ đó.
Nhơn chuyện nầy ta nên lược kể lại đầu đuôi sự quan hệ của hai bên mà nghe. Khi nghe rõ rồi, càng tỏ biết cái lòng gian hiểm, cái tay độc ác của ông Mussolini là không vừa.
Cái điều ước vừa nói trên đó kêu bằng Thái hòa điều ước. Khi ký cái điều ước ấy, cả báo giới Âu châu xưng tụng ông Mussolini là dường nào, là ông giải quyết được cái vấn đề để đù đưa mấy chục năm nay chưa giải quyết. Nhưng có ai ngờ đâu cái lòng nham hiểm của ông ấy chính ở trong sự ký điều ước đó, bây giờ người ta mới thấy ra.
Nguyên giáo đình Roma với chánh phủ Y-ta-ly chia rẽ ra đã lâu rồi. Chánh phủ ý muốn thoát khỏi xiềng xích của Giáo hoàng, nên trong năm 1870 đã tuyên bố rằng hai bên thoát ly quan hệ. Từ đó giáo đình Rô-ma riêng ra như một nước, nhưng quyền lợi của đức Giáo hoàng không ra khỏi đền Vatican. Ai có phần nấy, không can cập gì nhau; song ở gần nhau như thế, tài chi cho khỏi có sự vì lợi hại mà xung đột? Bởi vậy, 60 năm nay, hai bên nhiều lần thương lượng cùng nhau để ngăn ngừa sự xung đột ấy, mà vì có nhiều sự ngăn trở nên không có kết quả gì hết.
Vậy mà khi đảng Phát-xít lên cầm quyền, đảng ấy vốn nổi tiếng là phản đối với Giáo hội, sao lại giải quyết được vấn đề nầy ư? Sao lại làm cho bên Chánh phủ ý với bên Giáo đình hòa hảo được ư? Hèn chi lúc bấy giờ có một tờ báo nói rằng nhờ oai linh của Đức chúa Trời mới kết được bổn điều ước nầy thì phải!
Nay mới rõ ra đó là cái cánh tay ngoại giao của Mussolini, cái tim đen lợi dụng của đảng Phát-xít. Khi chưa được việc thì vồn vã nỉ non, nói với nhau thiếu điều sớt nhà sớt cửa; khi được việc rồi thì đá đít, ấy là thường!
Từ cuối thế kỷ trước đến nay, vì khoa học thạnh hành, nền tôn giáo có hơi lung lay chút đỉnh. Dầu vậy Thiên Chúa giáo ở Âu châu đã từng có cái lịch sử rất dài, có cái lý tưởng đạo đức thấm khắp trong lòng ai nấy, giáo đồ của hội Thiên Chúa lại ở đầy thế giới, thế lực của họ chẳng phải vừa, quyền thế của đức Giáo hoàng tuy không mạnh bằng xưa chớ cũng còn chi phối được một phần khá đông trên mặt đất.
Đảng Phát-xít hồi mới lên cầm quyền chánh, chưa phục lòng dân mà lại nhè gây thù chác oán giáo hội, bỏ các thế lực ấy cho hoài của mà không lợi dụng, nói vậy họ chẳng là dại lắm hay sao? Nhứt là cái tay tinh quái quỷ quyệt như Mussolini có khi nào lại hớ cơ như vậy?
Phải, cái thế lực của giáo hội Thiên Chúa lợi dụng được thì cứ việc mà lợi dụng đi, khi nào mình được việc rồi, trở trái làm mặt dễ như chơi, có can chi mà ngại? Cái chánh sách của chánh phủ Phát-xít là như thế, cái ngón gian hùng của Mussolini là như thế, điều ước Thái hòa dầu có bắt ký cả hai tay cũng ký kia mà.
Nhưng Mussolini là người tôn cái chủ nghĩa vô thần, từng viết sách ra mà phản đối tôn giáo, không nhìn nhận có Đức Chúa Trời, thì có phải là kẻ nắm tay đức Giáo hoàng được lâu đâu. Ngày nay ông ta đã vững chân rồi, chánh phủ phát xít yên như bàn thạch rồi, ông còn lăm le chinh phục cả thế giới kia, cần chi thứ giáo hội mà không đá hất?
Sau khi Mussolini vừa lên làm tướng, từng nhiều lần nói giữa công chúng, khoe giáo đình Rô-ma là chỗ nguồn của Thiên Chúa giáo ở thế gian, làm quang vinh cho nước ý-đại-lợi, rồi bây giờ đang tay làm những việc như vậy đó, ai nấy nghĩ mà coi, mấy tay chánh trị đại gia đời nay, có đáng trù ẻo rủa sả họ không?
- Satan! Ngươi hãy lui ra đằng sau ta!


P. K.
Trung lập, Sài Gòn, s.6484 (8.7.1931)

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2006