Cảm tưởng trong khi trải qua
mấy thành phố cũ


 

Dân tộc Việt Nam ta từ xưa là dân tộc sinh trưởng phát đạt trong nhà quê, chứ không như mấy dân tộc bên Tây phần nhiều sinh trưởng phát đạt trong các thành phố. Điều đó tưởng cũng vì cái hoàn cảnh của sự sinh hoạt mà ra: Họ sinh hoạt về nghề công thương thì ở thành phố tiện hơn; còn ta chuyên sinh hoạt về nghề nông thì ở nhà quê tiện hơn.
Bởi ta sinh trưởng phát đạt trong nhà quê, cho nên cách tổ chức làng tổng của ta rất khéo; nhưng ta không chú trọng về thành phố mấy, cho nên cách thiết lập thành phố của ta rất vụng.
Cái khái niệm vừa nói trên đó là nhân mới rồi tôi đi từ Quy Nhơn vào Nha Trang, trải qua mấy cái thành phố nhỏ như Tuy Hòa và Ninh Hòa mà tôi nghĩ ra. Cũng một lúc ấy, trong óc tôi sôi lên ít nhiều cái cảm tưởng nữa.
Ai chỉ ở Sài Gòn, Đà Lạt, Tourane, Hải Phòng, cùng mấy nơi giống như vậy, thì thật không nhìn biết được cái kiểu thành phố của người mình hồi xưa thế nào, bởi vì những thành phố ấy là của người Pháp mới sáng tạo ra hết; nhưng dầu cho ở Hà Nội, Nam Định, Hội An… là những nơi thành phố cũ của ta cũng không thấy rõ rõ được cái chân diện mục của thành phố kiểu An Nam ra sao, bởi vì ở các nơi ấy, người Pháp cũng đã sửa sang lại nhiều lắm rồi. Cho nên, ai muốn đi khảo sát để cho biết cái tài kinh hoạch bố trí thành phố của đời ông đời bà chúng ta hồi trước ra sao, thì duy có tìm tới những nơi còn nguyên tích chưa sửa đổi ấy là như vạn Tam Kỳ ở Quảng Nam, vạn Thu Xà ở Quảng Nghĩa, phố Tuy Hòa ở Phú Yên, phố Ninh Hòa ở Khánh Hòa, hay là những nơi nào giống như vậy.
Lấy con mắt chúng ta ngày nay mà xem những sự kiến trúc như thế, phải lấy làm quái lạ xiết bao! Ai nhìn những đồ kiến trúc ấy mà dám nhận rằng kẻ kiến trúc ra nó là một dân tộc văn minh, là một dân tộc có trình độ văn hóa cao lắm, thì người ấy cũng đáng cho là cả gan lắm vậy!
Xem qua những thành phố đó, cái nào đại để cũng như cái nấy, có thể quy nạp lại trong một câu phán đoán rằng: Người kiến thiết ra nó không có kế hoanh (projet)(*) không có kiểu mẫu chi hết. Như vậy thì làm sao mà bảo được rằng một dân có học, một dân có văn hóa cao?
Ta xem qua cả một bận thì tưởng thấy lúc bấy giờ sự nhóm thành đô hội đó là sự tình cờ, như là không do ý chí và sự dự định của cư dân trong cái đô hội ấy. Coi những nhà cửa phố xá họ cất thì biết. Coi thử những đường xá ở đó, thì cái vết của sự tình cờ lại càng rõ rệt ra lắm.
Nhà cửa phố xá, cái thì lồi ra, cái thì lõm vào, chủ nó mỗi người cất theo ý riêng mình, không buộc phải đúng quy củ nào hết. Còn đường xá, bỏ sự chật hẹp dơ bẩn không nói, chỉ nói cái đường nào cũng cong co quanh quẹo đã làm cho chướng mắt những người có đôi chút quan niệm về mỹ thuật rồi. Quả nhiên là bởi sự tụ hội ngẫu nhiên, không có dự định trước, không có sắp đặt trước, đầu ít người, sau đông người mà ai theo ý nấy, rồi phó mặc cái kết quả ra thế nào đó thì ra!
Cho đến nơi đế đô ngàn năm nay là Hà Nội đó, mà di tích bây giờ còn lại, như Hàng Đào, Hàng Ngang đường sá phố xá bị chữa nhiều lần rồi cũng còn chưa hết vẻ ủm thủm. Lại như ở Hội An, dãy phố phía Bờ Sông quanh quẹo chật hẹp quá, đẽo gọt mấy lần rồi mà cũng không có thể làm cho rộng và ngay.
Cái gì chứ đến những con đường mà không biết vạch cho ngay thẳng, thì không còn giấu chỗ bất học đi đâu được! Trong các sách nho, sách nào chả dạy cho người ta lấy điều chính trực. Nếu trong óc đã tiêm nhiễm sâu cái đức chính trực đó, thì có thể nào để mà chịu được những con đường hàng phố cong queo trước mắt mình?
Tôi nói như thế, hẳn lại có người cho tôi là bội bạc tiền nhân, làm con cháu trở đi chê ông cha là bất học. Ai trách thế thì tôi xin chịu. Nhưng bản ý tôi trong khi khảo sát đây, trọng về khách quan, trọng về sự thực, mắt thấy thế nào, miệng phải nói ra thế ấy, cốt muốn nhân một chút này để nhìn rõ cái trình độ văn hóa của ta ngày trước, cho nên nói thẳng mà không dám nể mích lòng.
Cái học hay là cái văn hóa, nó vốn vô hình, người ta nhìn thấy nó được, là nhờ ở những sự hữu hình bởi nó mà ra. Những sự hữu hình ấy tức là như chánh trị, phong tục, mỹ thuật… của dân tộc. Đừng nói tôi, có một người ngoại quốc nào đến xem những nơi thành phố cũ của ta như Tam Kỳ, Thu Xà, Tuy Hòa, Ninh Hòa đó, thấy cái hiện tượng của sự kinh hoạch vô ý thức như vậy, mà bảo họ phải ca tụng cái văn minh của tổ tiên ta hồi trước, thì chi cho khỏi họ lắc đầu?
Có một cái thông tệ của các nơi đô hội ta hồi trước, ấy là sự ô uế. Càng những nơi đô hội lớn chừng nào, thì lại càng ô uế chừng nấy. ở Huế, vào thuở Tự Đức, đã có câu thơ Kinh thành phong vị ruồi và cứt cũng đủ là một cái chứng cớ hiển nhiên rồi. Còn ở Hà Nội, cách 5-6 chục năm trước, ban đêm người ta ra phóng uế đầy đường, đến sáng nhờ có bọn đi gánh phân mới dọn sạch được hết. Những cái hiện trạng ấy cũng tỏ ra cái óc đời bấy giờ là đơn giản quá, sự lo nghĩ của họ không tới nơi.
Một nơi đô hội tụ lại hằng vạn con người ta, mà tuyệt nhiên không nghĩ đến sự tiêu hóa những cơm và thịt trong hằng vạn cái bụng ấy nó sẽ xổ ra chỗ nào, thì thật chúng ta phải chịu rằng sự sinh hoạt đời bấy giờ là quá ư cẩu thả, sự mưu cầu lợi ích cho xã hội đời bấy giờ là quá ư sơ lược.
Có lẽ người thuở ấy cho là việc ô uế, không thèm đặt miệng tới, cũng không thèm xử trí nữa, tha hồ cho nó ra sao đó nó ra. Nhưng than ôi! để cho đồ thối tha dơ bẩn nó ngổn ngang đầy đường thì còn chi là ngàn năm văn vật!
Đành rằng dân tộc ta là dân tộc quen ở nhà quê cho nên vụng cách sắp đặt nơi thành phố. Nhưng vụng gì thì vụng, chứ đường sá cong queo, đồ uế vật đầy rẫy thì sự đó phải đổ tội cho cái đức còn kém, cái học còn kém, trình độ văn hóa còn thấp, nào có phải vụng mà thôi đâu?
Người ta quý hồ phải biết mình cho rõ. Một dân tộc cũng vậy, ta phải biết trình độ của ta còn kém cỏi là thế, phải gắng sức mà tiến lên từ rày về sau. ấy là cái hy vọng đi sau cái cảm tưởng của tôi.


Phan Khôi
Đông tây, Hà Nội, s.114 (14.10.1931)

 (*) Tác giả chú chữ Pháp projet nhưng lại dùng từ kế hoanh; phải chăng bản gốc có lỗi in ? có thể tác giả dùng từ kế hoạch hoặc kinh hoạch như ở đoạn sau ? (từ projet ngày nay được dịch là : dự kiến, dự án, đồ án, dự phóng, v.v.)

© Copyright Lại Nguyên Ân 2006