Nhân vấn đề quốc học
kéo qua vấn đề khác

IV. Chúng ta phải có ít nhiều sử học kim thời


Nước ta xưa nay chỉ có sử gia mà không có sử học. Tôi nói vậy, xin chớ ai vội trách. Bởi vì sự nghiên cứu lịch sử không thành ra một cái học ở nước ta, và nhất ban nhân chúng cũng không hề có cái quan niệm về lịch sử. Nhưng sử gia thì vẫn có, là như các ông Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thời Sĩ… đó.
Không có sử học thì sao lại làm sử được mà có sử gia? Đặt câu hỏi ấy ra cho hết lẽ, chứ trả lời cũng không khó. Bởi vì sự làm sử với sử học khác nhau. Có sử học mà làm sử, càng hay; còn như không sử học mà làm sử, cũng được.
Nói vậy, không phải bảo sử gia của ta ngày xưa là không có sử học, nhưng để thêm rõ nước ta là không có sử học. Dầu cho các ông làm sử đó có sử học đi nữa, mà cái học ấy không thành ra một khoa, không có ảnh hưởng đến nhân chúng, thì có bảo rằng nước ta có sử học được đâu?
Bởi nước ta không có sử học cho nên sự tri thức ấy ở nước ta rất lù mù; lù mù cho đến người có học. Hiện thời đây, cõi học trên thế giới lại có thứ sử học đối với ta là mới nữa, nó khác nhau với sử học cũ, nếu mình không nhận rõ, sẽ lầm lẫn cái nọ với cái kia. Mà theo như hiện trạng học giới các nước, thì thứ sử học cũ đã bị đào thải; cho nên tôi nói: chúng ta phải có ít nhiều sử học kim thời, ấy là chỉ vào sử học mới vậy.
Trong bài Luận về quốc học, tôi có một đoạn nói rằng:
Đại để, phàm làm sách, thuật ra một cái hiện trạng gì từ xưa đến nay hoặc về một thời kỳ nào, mà có nói rõ cái hiện trạng ấy thay đổi ra sao, cho đến cái nhân và cái quả của nó ra sao, thì mới gọi là sử được.
Tiếp đó, giải nghĩa chữ văn học sử, tôi nói:
Văn học sử của một nước nào, tức là những sự sáng tạo, biến thiên, ảnh hưởng, tóm lại là sự quan hệ về nhân quả của văn học nước ấy. Bởi vậy, một cuốn văn học sử, đầu đuôi phải tiếp tục nhau mà không được rời rạc ra từng bài; vả lại, văn học sử nước nào thì phải suy tìm đến cái ảnh hưởng về sự sinh hoạt của xã hội nước ấy, hoặc nhiều hoặc ít, chứ không thể bỏ qua.
Những lời trên đó, về sử hoặc về văn học sử, tôi cũng đều cứ theo cái quan niệm của sử học mới mà nói. Cái quan niệm ấy là trọng về nhân quả.
Còn sử học cũ, tôi nói đó, là tôi muốn chỉ về sử học của người Tàu ngày xưa. Cái sử học này vẫn có nhiều thể thức rộn ràng, nhưng có điều sở đoản, là cái quan niệm về lịch sử không được chân xác, lại cái phạm vi của sử cũng hẹp hòi lắm nữa.
Ngày nay mà nói văn học sử, thì phàm ai có tri thức về sử học kim thời đứng đắn, cũng phải hiểu nó như nghĩa tôi đã giải trên kia. Nói văn học sử cũng như nói triết học sử, kinh tế sử, hay là cách mệnh sử; trong mỗi một thứ sử đó phải theo cái tên nó mà giải rõ sự nhân quả. Cái lối sử này, sử học cũ chưa có và cũng chưa đặt ra thể thức gì về nó, thì có lẽ nào nay ta lại lấy thể thức cũ mà ghép vào cho nó được ư?
Cuốn Nữ lưu văn học sử của ông Lê Dư đã đặt tên là văn học sử mà làm không theo khuôn phép tôi nói trên đây, nhân tiện tôi chỉ trích tới nó. Ông Lê lại cãi rằng sử có hai thể, kỷ truyện và biên niên, cái khuôn phép tôi nói về văn học sử đó là theo thể biên niên, còn cuốn Nữ lưu văn học sử của ông là về thể kỷ truyện, cho nên làm như ông là phải, còn tôi chỉ trích là sai.
Như thế là ông đem thể thức của sử học cũ gắn vào sử học mới, thật chẳng ăn thua gì hết.
Quả có hai thể sử kỷ truyện và biên niên thật, song những thể thức đó không thể đem mà nói vào lối sử ngày nay. Bởi vì cái thể thức ấy cũ quá, không hợp với sử học đời này, trong sử học giới hiện thời không còn dùng đến nó nữa.
Hai cái thể ông nói đó chỉ riêng về cách chép sử của người Tàu mà có từ hơn hai ngàn năm trước. Như sách Xuân thu của Khổng Tử, mỗi năm có xảy ra việc gì thì biên, ấy là biên niên. Còn như sách Sử ký của Tư Mã Thiên, riêng từng việc từng người mà lập ra một kỷ hoặc một truyện, ấy là kỷ truyện. Theo các nhà sử học Trung Hoa công nhận thì thể biên niên, vì theo từng năm mà việc không xâu suốt được, vì nhiều khi chỉ có một việc mà phải rời rạc thấy ra trong nhiều năm, thật là xa với cái nguyên tắc cầu nhân quả; nhưng thể kỷ truyện, thu mỗi việc lại trong một kỷ một truyện riêng, thì gần với cái nguyên tắc ấy hơn. Vậy mà ông Lê lại cho cái kiểu văn học sử như tôi nói đó là vào cái phạm vi thể sử biên niên, thật là sai đến ngàn dặm!
Kỳ thực thì kiểu văn học sử tôi nói đó không theo thể biên niên và cũng không theo thể kỷ truyện. Mà không những văn học sử mới như thế, dầu đến sử gì, hai thể ấy cũng không còn dùng được trong ngày nay. Sử ngày nay, bất kỳ là sử gì, đại khái đều dùng thể chia thời đại. Bởi vì chia ra từng thời đại thì tiện cho sự cầu nhân quả.
Còn về cuốn Nữ lưu văn học sử của ông, ông cho là thuộc về thể sử kỷ truyện; ông lại nói theo tiếng ta mà kêu là sử văn học của bọn nữ lưu. Nói như ông, ngang quá! Lấy lẽ gì mà cấm người ta kêu nó là sử văn học của bọn nữ lưu và bắt kêu là sử nữ lưu văn hóa?
Không, hễ là văn học sử thì phải kể nó là một danh từ. Bất luận ở trên nó có để những chữ gì, nó phải liền một ý nghĩa. Nữ lưu văn học sử, phải cắt nghĩa là sử văn học của bọn nữ lưu, cũng như Pháp quốc văn học sử là sử văn học nước Pháp.
Chữ sử ? của Tàu có nghĩa là truyện ?, là cố sự ??, cũng như chữ Histoire của Pháp vẫn có nghĩa ấy. Cuốn Nhật Bản duy tân khẳng khái sử là lấy nghĩa chữ sử này. Nữ lưu văn học sử của ông, ông muốn viện theo nghĩa ấy, nhưng không được, là bởi ông có ba chữ văn học sử là một danh từ, theo sử học đời nay, nó phải có thể thức của nó, nó không cho ông làm như truyện hay là cố sự đâu.
Ông Lê lại nói phàm làm một cuốn sách mà chia ra từng thời kỳ kể rõ nhân và quả thì phải dùng thể biên niên. Mấy lời đó tôi rất lấy làm quái lạ? Bất kỳ thứ sử gì, đời nay họ cũng làm như lời ông nói đó hết, mà có hề dùng thể biên niên bao giờ? Thật thế, đời nay không hề có ai dùng thể biên niên mà chép sử nữa, không còn có thứ sử nào như sách Xuân thu nữa, vì nó, theo con mắt nhà sử học ngày nay, chỉ là thể nhật ký, chứ không phải sử.
Vì vấn đề quốc học mà tôi viết bốn bài này, không cốt để cãi cho hơn ông Lê, song để giãi bày một vài điều cho độc giả Đông tây, là những điều mà tôi tưởng cho ông Lê đã có thể làm lầm độc giả.


Phan Khôi
Đông tây, Hà Nội, s.123 (14.11.1931)

© Copyright Lại Nguyên Ân 2006