Nhân vấn đề quốc học
kéo qua vấn đề khác

I. Sự ngay thật của học giả trong khi biện luận


Đáp lại bài Bàn về quốc học của tôi, trong Đông tây từ số 106 đến 108, ông Lê Dư có bài Nước ta có quốc học.
Tôi nói không có quốc học, ông Lê nói có quốc học, ấy là sự tương phản đến cực đoan. Ông Lê nói có, thì phải đem chứng cớ ra. ấy là điều thiết yếu hơn hết mà trong bài trước của tôi, tôi đã nói. Nhưng đọc suốt bài thanh minh ông Lê đăng luôn ba số báo, chưa được thấy cái gì là cái chứng cớ đích xác của ông. Vẫn biết những chứng cớ ấy không có thể tỏ ra bằng những bài trên báo, thế nào cũng phải chờ đợi để thấy nó trong Việt Nam văn học sử cùng những Chu An hay là Nguyễn Bỉnh Khiêm, sách của ông sắp xuất bản. Nhưng nếu có thì tóm tắt nó lại trong năm ba hàng, là những chỗ cốt yếu, để chúng tôi thấy sớm một chút cho khoái thì cũng có thể được chứ. Tiếc ông Lê không chịu làm!
Thế thì về vấn đề quốc học có hay không, là sự biện luận giữa chúng tôi, hiện nay chưa giải quyết được. Mà phải đợi đến ngày những sách của ông Lê xuất bản rồi mới giải quyết.
Lại mới rồi, trong Nam phong số 163, ông Phạm Quỳnh cũng có một bài về vấn đề này. Giá như mượn bài ông Phạm làm viện binh cho tôi thì tốt lắm; nhưng tôi không dám! Vì hôm trước, ông Lê đã cho tôi, trong khi dẫn lời ông Phạm Quỳnh và ông Trịnh Đình Rư, là đem cái đảng nói không của mình ra để chống cự ông. Nhưng, đừng ỷ đông với ông, ông không sợ đâu! Phải! Tôi dẫn lời hai ông ấy là cốt để tỏ ra cái dư luận phân vân, chứ không có ý viện đảng. Tôi biết, ở trong trường chánh trị thấp thỏi mới trọng ý kiến phần đông; chứ trong học giới, trọng lẽ thật, không trọng phần đông, vì lẽ thật lắm khi không ở bên phần đông vậy. Cũng bởi không muốn mắc cái hiềm nghi viện đảng, rày về sau tôi có đi, tôi đi độc một mình.
Tôi có động lòng là vì trong bài ông Phạm dầu cho cuộc biện luận này là có lý thú, nhưng lại nói: quốc học có hay không, là sự rành rành ra đó, chi đến nỗi người nói có, kẻ nói không? Theo lời ông Phạm, cuộc biện luận giữa hai chúng tôi lý thú đâu không thấy, chứ ý chừng là dư sự!
Bởi vậy mà tôi toan dẹp vấn đề này lại, một có ý chờ xem chứng cớ ông Lê sẽ đem ra sau đây. Nhân đó, tôi kéo qua vấn đề khác, lại tưởng là hữu ích.
Việc mới rồi là một cuộc biện luận. Tôi xin nói về sự ngay thật trong khi biện luận. Tôi muốn độc giả đừng coi bài này và những bài tôi sẽ viết theo đây là phản bác lại ông Lê, nhưng chỉ coi là một vài cái ý kiến tôi đem cống hiến cho độc giả.
Phàm biện luận, theo phép, khi nhắc lại những lời của người mà mình biện luận với, thì phải nhắc cho thật đúng, đừng làm sai lạc cái nguyên ý của họ đi. ấy là sự ngay thật mà người biện luận buộc mình phải giữ. Người biện luận nếu là đám học giả với nhau, thì lại càng nên giữ gắt hơn nữa. Bởi vì, sự biện luận giữa bọn chánh khách hoặc ký giả nhà báo, có nhiều khi vì lợi mà vất sự ngay thật đi; đến như bọn học giả, chỉ vì lẽ thật mà biện luận, nếu không giữ cho ngay thật thì ra tuồng như mình vì lợi.
Tôi có khi nào lại ngờ cho ông Lê vì lợi trong cuộc biện luận này. Mà trong này có lợi gì đâu! Thế nhưng rủi cho ông Lê vô ý mà làm mất sự ngay thật của học giả đi. ấy là ông đã nhắc lại những lời của tôi mà phần nhiều sai lạc, làm cho mất cái ý của tôi muốn nói.
Chỗ mở vào bài, ông Lê dẫn lại mấy câu như vầy mà nói của tôi:
Nước ta từ xưa đến nay không có cái gì đáng gọi là cái học nữa: cái học của ta chỉ ở trong phạm vi cái học của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đủ kêu là quốc học; chúng ta phải hô lên cho người ta biết rằng: nước ta không có quốc học.
Tôi phải lấy làm lạ hết sức! Trong bài Luận về quốc học của tôi không có đoạn văn nào y hệt như đoạn ông dẫn đó!
Theo phép viết, dẫn lời người khác vào bài mình có hai cách. Một là dẫn y: lời họ thế nào, mình lắp lại như thế, đến một cái chấm, cái phết cũng không bỏ; khi như vậy thì có dùng dấu ngoặc ….., tỏ ra rằng bao nhiêu lời trong dấu ngoặc ấy là lời của người mình dẫn. Hai là dẫn lược: mình tóm đại ý của người mình muốn dẫn mà đặt thành câu của mình; như vậy thì không dùng dấu ngoặc, vì lời của họ không ở trong đó. Lại cũng theo phép viết nữa, khi dẫn lời ai mà mình lược bớt đi thì phải dùng dấu chấm giây (…) để thay vào chỗ lược bớt ấy.
Trái với phép viết trên đây, ông Lê có dùng dấu ngoặc mà lại không dẫn y lời, lược bớt lời của tôi mà lại không dùng dấu chấm giây.
Độc giả có kẻ phì! Không phì thì xuỵt! … Chi thứ cái đó, có quan hệ với đại thể của vấn đề này đâu mà nói cho thêm rộn? Thế kêu bằng khắc vặt!
ấy không quan hệ lắm chứ! Dẫn mà như ông Lê thì làm cho ý của tôi ra thế khác, cái thế khác ấy ông Lê có thể bẻ bác được. Nếu lời của tôi thật như ông dẫn đó thì ông Lê bẻ bác chẳng là phải đi còn chi!
Nguyên văn của tôi như vầy: Đừng nói cái học của ta chỉ ở trong phạm vi cái học của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đủ gọi là quốc học. Cho đến chịu giống với Tàu đi, là ở nước ta cũng không có một cái học phái nào thành lập hẳn: vậy thì chữ học đã chẳng có, chữ quốc còn nương dựa vào đâu?
Trong đoạn đó, tôi trọng tại chữ đừng nói và chữ chịu giống. Lập ra hai ý, tôi đã bỏ hẳn ý trên mà lấy ý dưới. Vậy mà ông Lê sửa nguyên văn của tôi đi, rồi nhận cho tôi nói như vầy: Cái học của ta chỉ ở trong phạm vi cái học của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đủ kêu là quốc học. Như vậy té ra cái ý mà tôi đã bỏ, ông trở lấy và cho là của tôi. Như vậy té ra cái mà tôi phủ định, ông lại nhè cho là tôi khẳng định. Thật của tôi trắng mà ông làm ra đen, của tôi cái mà ông làm ra đực!
Ông đã xoay cái ý của tôi ra thế khác rồi lập lên làm luận điểm thì tài chi ông chẳng biện bác được nhiều? Nhiều mà vô vị! Những câu đâm lại tôi: Phục chế của ta chỉ ở trong phạm vi phục chế của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đủ gọi là quốc phục thật là đâm trật đi đâu hết! Bởi vì cái đó tôi đã bảo rằng đừng nói rồi, tôi đã bỏ rồi, tôi đã phủ nhận rồi, như tôi đã lánh đi không ở chỗ đó rồi mà ông còn nhè đó mà bắn, thì có phải là phí đạn không?
Lại một đoạn ông Lê nói: Ông Phan Khôi nói cái học của ta chỉ ở trong phạm vi cái học của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đáng gọi là quốc học, theo như ý ông thì ông phải làm người Tàu, người Hy Lạp, người La Mã, ông mới dám tự nhận là có quốc học. Một đoạn đó, ông Lê võ đoán đến cái ý của tôi mà không trúng chút nào hết, là bởi cái câu của tôi mà ông đem lập làm luận điểm trên đó đã sai rồi. Lỗi là tại ông đã đào sâu chôn chặt những chữ đừng nói, chịu giống của tôi đi mà không dẫn tới!
Tôi soát lại cả bài của ông Lê, những chỗ dẫn lời tôi đều không y nguyên văn mà lại đều dùng dấu ngoặc. Sự ông làm đó trái với phép viết, cũng trái với phép biện luận nữa. Duy những chỗ khác dầu không y mà chẳng đến nỗi làm ra khác ý như chỗ tôi chỉ trích ra trên đây. Chỗ chỉ trích trên đây theo phép biện luận, quả là sự không ngay thật, sự mà nhà học giả coi là điều cấm kỵ.
Ai không ngay thật trong khi biện luận, dẫn lời bên đối phương mà làm sai ý đi, là chỉ để cho mình có chỗ chặn mà nói cho thẳng. Nhưng, về ông Lê, tôi không khi nào ngờ ông có ý ấy. Tôi tin ông vì cực chẳng đã, muốn tỏ sáng lẽ thật, mới viết mà biện luận cùng tôi, chứ ông há lại tranh thắng phụ với tôi làm chi? ấy là điều, tôi tưởng vì ông vô ý.
Nhưng, ở đây chúng tôi đương bàn về sự học. Vậy thì gặp việc gì có quan hệ với sự học nhiều ít, ta nên bắt lấy mà nói kẻo bỏ uổng. Vì nghĩ vậy, tôi còn nhân đó mà kéo luôn qua mấy vấn đề khác nữa.


Phan Khôi
Đông tây, Hà Nội, s.117 (24.10.1931)

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2006