Sự lập thâncủa thanh niên nam nữ đời nay


Dạo nầy coi bộ thiên hạ đau và chết lung. ở, lại nhè ở vào con đường để đi đến các nghĩa địa, nên hằng ngày nghe thấy tiếng kèn tiếng trống của đám xác. Cùng ở một thành phố với nhau, người ta chết được thì mình cũng có thể chết được chớ, vậy tôi mới chẳng lấy làm bất tường gì hết mà nghĩ đến sự tôi chết một ngày kia.
Một ngày kia tôi chết, linh hồn tôi đi đâu - mà tôi có linh hồn cùng chăng, - cái xác thúi tha của tôi vùi giập vào nơi nào, vợ con là kẻ rất yêu dấu của tôi còn lại trên đời nầy ra làm sao, tôi đều không nghĩ đến; mà tôi chỉ nghĩ đến cái dư luận đối với tôi, là sự quan hệ với tôi từ khi tôi còn sống.
Tôi chẳng biết ở đời như tôi là người thiện hay người ác. Song dầu thiện dầu ác, người ta ở đời cũng phải có kẻ ghét người yêu. Kẻ ghét thì họ thường nói xấu mình; người yêu thì họ nói tốt mình và mình có vấp váp điều gì, họ cũng thường hay rộng rãi mà khoan thứ cho.
Đến cái chết là hết chuyện. Kẻ ghét tôi đến bấy giờ quá lắm chỉ nói một tiếng đáng kiếp là cùng; không chừng, họ lại còn vì cớ tôi không ăn thua gì với họ nữa mà họ không nỡ nói. Còn người yêu tôi, vì còn có lần nầy nữa là hết, họ phải khen lao tưng bốc tôi, tùy sức họ đến đâu thì làm đến đó, hầu tỏ được cái lòng yêu tiếc của họ đối với tôi.
Quả như có những câu đối hay bài thơ bài văn gì phúng điếu tôi thì trong đó họ sẽ nói những gì, bây giờ tôi có thể nói trước ra đây hết.
Khoan kể đến sự tôi có xứng đáng cùng chăng, nhưng cái nghề dua kẻ chết thì họ muốn nói gì ai cấm. Thôi, mặc sức họ khoa trương ra cái tài tôi thế nào, cái học tôi thế nào, tóm lại là họ cho tôi như thiếu một tấc đến trời, chỉ phàn nàn một điều là tôi không có mạng. Họ phô tự cái lịch sử rất tầm thường của tôi - tuy cái lịch sử chẳng ai thèm ngửi, nhưng tự họ cho là quan hệ lắm - nào lúc trẻ trải mùi cay đắng, nào lớn lên lưu lạc giang hồ, nhiều khi đã thành ra như rác rến giữa loài người, cặn bã của thế gian, mà chẳng được một ngày nào đắc ý gọi là có. Rồi họ lấy làm tiếc: phải chi tôi mà ngộ thời đắc dụng, thì cái sự chọc lủng trời, xoay ngược đất, chưa lấy làm chắc; chớ chắc là thế nào cũng đã lập nên công danh sự nghiệp, tượng đồng bia đá để ngàn thu!
Tôi tưởng khi độc giả đọc mấy câu trên nầy, ai cũng phải tức cười phun nước miếng ra thì có, chớ có ai lại chấp trách làm chi. Chấp trách tôi là kẻ họa phù thân đái, thì độc giả đâu có thèm; còn những kẻ kia dùng câu văn mà vẽ mặt vẽ mày cho người chết, thì có đáng gì mà chấp trách.
Nhưng nói thật, tôi yêu mình tôi, tôi còn yêu sự thiệt hơn nữa. Tôi yêu sự thiệt lại còn hơn yêu danh dự của tôi. Tôi nói ngay từ bây giờ, những lời người ta dùng mà khen tặng tôi đó, tôi xin từ chối, tôi một hai không nhận lãnh, vì nó xa với sự thiệt quá.
Những câu họ dùng mà phê bình tôi đó tóm lại chỉ có một ý, là có tài mà không có mạng, không ngộ thời đắc dụng mà thôi. Cái ý ấy nói vào người ở thời đại nào thì hoặc giả có trúng chăng, chớ đem mà nói vào tôi là người sanh trong thời đại nầy thì thật không trúng chút nào hết. Mà sở dĩ có cái ý ấy là do cái quan niệm của nhà nho ta thuở nay, nhứt là ông Nguyễn Du, đã làm lầm họ vậy.
Ngày xưa ở dưới chế độ quân chủ, cái đường lập thân của người ta rất là hẹp hòi. Trong một nước biết bao nhiêu kẻ có tài, mà duy có kẻ nào được dùng ra thì mới lập nên công nghiệp, còn những kẻ không đắc dụng, đành phải cả đời mục nát với cỏ cây. Tức như đức Khổng Tử mà còn mong có kẻ dùng mình; ngài lại từng than thở với Nhan Uyên là đệ tử mình rằng: Duy có ta cùng ngươi, hễ dùng đó thì làm, bỏ đó thì giấu.
Cũng thì một đám có tài với nhau, mà người đắc dụng thì tưng mình lên mây xanh, người không đắc dụng thì chôn thân nơi mương rãnh, chỗ đó chẳng biết đổ cho ai, người ta bèn đổ cho mạng. Ông Nguyễn Du dựa theo đó mà nói rằng: Chữ tài chữ mạng khéo là ghét nhau.
Cái câu tài mạng ghét nhau ấy chẳng biết có đúng với sự thiệt cùng chăng, duy có điều nó làm cho khoái lòng người ta, nên người ta tin nó lắm. Bởi vì người ta ai nấy đều có lòng tự đại, đều cho mình là có tài, mà lại ai nấy cũng thường hay gặp sự bất như ý trong đời mình, nghe được câu ấy thì khác nào như mình được có người yên ủi, cho nên vội vàng tin ngay, không kịp xét lại hư thiệt thế nào.
Sự tin ấy đã thành ra tâm lý phổ thông của người mình, cho nên tôi liệu trước rằng trong khi tôi chết, sẽ có những người yêu tôi dùng câu ấy mà yên ủi tôi vậy.
Cái tâm lý cũ ấy không hiệp với hoàn cảnh mới nữa. Người Việt Nam sanh trong ngày nay, bất luận đàn ông đàn bà, cách lập thân thế nào đều do nơi mình tự chủ lấy, chớ không quan hệ ở sự đắc dụng hay không đắc dụng. Một người đàn ông thời nay không cần nhờ có nhà nước dùng mới lập nên công nghiệp, cũng như một người đàn bà thời nay không cần phải lấy chồng quan mới có địa vị danh tiếng ở đời.
Đã vậy thì cũng không nên kể mạng nữa. Sự tự lập ở đời nầy cậy ở tài mà thôi: có tài thì làm nên long trời lở đất, không thì vùi giập với cỏ cây, chớ lại có mạng là cái gì?
Nói ví dụ mà nghe, thì sự lập thân đời xưa cũng như đánh các thứ bài, tổ tôm hay là tứ sắc, vẫn có cao thấp, nhưng quan hệ ở đỏ đen; còn sự lập thân đời nay cũng như đánh cờ tướng, hễ cao thì được, thấp thì thua, chớ cờ tướng không ai hề kể đen đỏ bao giờ!
Nói rằng tôi không có công nghiệp ở đời là tại tôi không đắc dụng, nói vậy thì hiện ngày nay những người đắc dụng đó họ lại có công nghiệp hay sao? ấy là một điều làm chứng chắc chắn rằng ngày nay lập được công nghiệp cùng chăng, là không quan hệ ở sự dụng hay không dụng; mà duy quan hệ ở sự có tài cùng không và biết tự lập cùng không mà thôi.
Đã hiểu cái lẽ ấy thì những người yêu tôi kia chớ còn nên lấy lời thất thiệt ấy mà yên ủi tôi làm chi nữa. Tôi không lập được công nghiệp gì là vì tôi không có tài đủ mà lập nên công nghiệp. Tôi đã không có tài, hay là tôi có tài mà không có chí tự lập, thì dẫu tôi có được dùng ra, cũng lại như những người kia vậy thôi, há nên lấy sự lập nên công nghiệp mà mong cho tôi?
Thế thì, về phần tôi, tôi biết quả thật tôi không có tài hay là tôi không có chí, cho nên tôi không lập được công nghiệp gì để ở đời nầy hết. Sự thành tựu của tôi chỉ đến như ngày tôi chết đây mà thôi, là bởi cái tài cái chí của tôi chỉ vừa tới đó mà thôi. Như vậy thì xin chớ có phàn nàn rằng tôi không đắc dụng, chớ có tiếc rằng tôi hữu tài vô mạng mà oan tôi lắm; cũng oan đến cái mạng kia nữa, vì chưa chắc nó là vật quả có.
Theo như lý tưởng của tôi trên đó, tôi phải lấy sự sanh ra đời nay làm may mắn; tôi phải đổ hết thảy bao nhiêu cái ý lạc quan của tôi vào sự sống ở thời đại nầy. Dẫu tôi bất tài, đã phụ cái đời của tôi; nhưng cái đời của bao nhiêu kẻ khác, tôi thấy nó rất là tự do, rất là cao quý, thì tôi phải đứng ngoài mà trầm trồ ao ước.
Hạnh phước thay là kẻ sanh ra ở đời nầy! Hạnh phước thay là thanh niên nam nữ sanh ra trong nước Việt Nam về thời đại nầy! Cái hạnh phước ở trong sự mình làm chủ lấy mình, mình muốn làm nên người bực nào tùy ý. Cái hạnh phước ở trong sự mình khỏi bị ai dùng hết, nếu muốn thì tự mình cũng có thể lập nên công nghiệp để đời.
Thật vậy, muốn làm nhân nhân chí sĩ ư? Tự mình dùng lấy mình mà làm nhân nhân chí sĩ. Muốn làm hào kiệt anh hùng ư? Tự mình dùng lấy mình mà làm hào kiệt anh hùng. Anh hùng, hào kiệt, nhân nhân, chí sĩ, là những cái nhân cách bậc nhứt trong xã hội, mà tự mình muốn làm còn làm được thay; huống chi là nhà triết học, nhà văn hào, nhà mỹ thuật… muốn chiếm lấy một cái địa vị nào đó tự mình, ai mà cấm đặng?
Đời xưa, có tài mà phải đợi người dùng, ai không được dùng thì ví chẳng khác chết chìm trên cạn, bởi vậy mới có một hạng người kêu là ẩn sĩ. Hạng ẩn sĩ ấy, theo lẽ, đời nay không nên có nữa, vì đã có thể tự mình dùng lấy mình, thì có tài lớn dùng theo lớn, có tài nhỏ dùng theo nhỏ, ai nấy phải chen vai mà gánh vác công việc xã hội, mình ẩn đi thì toan trút gánh cho ai? Cho nên, người ở đời nầy không được lấy sự ở ẩn tự cao, mà phải coi người ở ẩn cũng như người trốn lính, hay quá lắm cũng như người tự sát.
Đời xưa, có tài mà không đắc dụng, thì thường đổ cho mạng, có người vì buồn rầu thân thế mà buông lung tửu sắc, để thỏa cái lòng phẫn uất của mình. Đời nay, ai nấy đã có quyền tự dùng lấy mình, thì trong khi thấy mình không làm nên công nghiệp gì, phải tự xét lại, hoặc là tại mình không tài, hoặc là tại mình không chí, mình chỉ nên hối ngộ mà thôi, chớ không nên có lòng phẫn uất. Cái đường lập thân của người đời nay thật như lời Truyện Kiều đã nói: Thinh thinh đường cái thanh vân hẹp gì!, tại mình không đi cho nên không đến, chớ không phải tại ai đã cấm mình đi.
Rốt lại, cái đời tôi chỉ thành tựu đến thế mà thôi, ấy là điều tôi rất lấy làm hổ thẹn; song tôi cũng không quên chúc phước cho tôi, vì tôi được làm một người tự do độc lập về tư tưởng ở thời đại nầy!

 

Phan Khôi
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.87 (18.6.1931)

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2006