Thông Reo trả lời cho Nam Chúc
về vấn đề bớt phụ cấp quan lại

 

Thưa anh Nam Chúc,(*)
Tôi với anh cùng là người giữ một vai tuồng đặc biệt trong mỗi tờ báo. Nghị luận việc nầy việc kia, chỉ ra chỗ lợi hại đắc thất là phần của ai kia, chớ không phải phần chúng ta. Chẳng lành chớ, vừa rồi tôi lấy giọng bỡn cợt mà viết về vấn đề bớt phụ cấp quan lại trong cột báo riêng của tôi(**), làm cho anh phải đứng lên chất vấn. Hôm nay tôi tưởng nếu còn giữ cái thái độ bỡn cợt ấy mà nói chuyện với anh, thì chẳng những vô phép mà cái lẽ phải cũng chẳng nhờ đó bày ra được. Bởi vậy tôi phải viết bài nầy bằng cách nghiêm trang để trả lời cho anh, cũng cho hàng quan lại và cho hết thảy độc giả của hai tờ báo nữa.
Tôi có trách mấy ông hội đồng ta bất lực. Sự trách đó không phải nói dỡn đâu, mà là nói thật đó. Anh Nam Chúc chặn câu ấy lại mà hỏi tôi, nếu như ở vào địa vị mấy ông hội đồng thì làm thế nào cho đắc lực, nghĩa là làm thế nào cho đừng bớt tiền phụ cấp quan lại mà cũng đừng tăng thuế.
Theo phép nghị luận cho đúng thì các lời tôi phê bình mấy ông nghị viện ta đó, anh Nam Chúc phải nhận nó là phải hay là quấy trước đã, rồi hãy hỏi tôi sau. Nay Nam Chúc trốn chỗ ấy đi, không nói tới, mà chỉ nói rằng: Trách người ta bất lực tức là sức mình làm có dư, rồi vịn đó mà hỏi tôi, như vậy, tôi cho là không được chánh đáng lắm, bởi vì các việc chúng ta đương bàn đây là việc mấy ông nghị viên chớ không phải việc Thông Reo vậy.
Nhưng tôi đã biết chê mấy ông ấy thì tôi cũng phải có cái sở kiến của tôi. Vậy thì, anh Nam Chúc, tôi xin giải bày cùng anh ở dưới nầy về chỗ đó.
Tôi vẫn biết quyền hạn của nghị viên ta ở hội đồng quản hạt là thế nào. Tôi vẫn biết quyền hạn quan Thống đốc Nam kỳ là không rộng bằng của quan Toàn quyền Đông Pháp. Tôi vẫn biết nói chuyện chánh trị xứ nầy bao giờ cũng phải ngó lại cái địa vị mình luôn luôn. Cho nên khi tôi trách mấy ông hội đồng ta là đem sự có thể làm được mà trách mấy ông, chớ không dại chi lại buộc cho mấy ông những sự không thể làm được.
Cứ như lời ông Long thì lương bổng của viên chức An Nam chẳng qua là miếng bánh rơi rớt trong bữa tiệc linh đình; nếu vậy, bây giờ nhè phụ cấp của họ mà bớt đi, thì sự thiệt hại cho họ thế nào, ông Long cùng các ông nghị viên khác há lại chẳng biết? Vả lại vấn đề bớt phụ cấp quan lại đem ra giữa nghị viện ngày 1er Octobre, trước cái nghị định quan Toàn quyền 6 ngày; như vậy, việc nầy chưa đến nỗi là việc tuyệt nhiên không có phương thế vãn hồi.
Còn một lẽ nữa, quan Thống đốc Nam kỳ cũng không bằng lòng về sự bớt phụ cấp; cái nghị định ngày 6 Octobre của quan Toàn quyền, như lời anh Nam Chúc nói, thì cực chẳng đã mà ngài phải thi hành. Nếu vậy, càng có đất cho các ông nghị viên vận động để ngăn đón cái nghị định ấy cho khỏi ra nữa vậy.
Các ông bỏ thăm nghịch với sự thỉnh cầu của ông De Lachevrotière, thế là tỏ ra ý các ông muốn bỏ phụ cấp. Sự bỏ thăm nghịch ấy nếu nói rằng không có ảnh hưởng tới cái nghị định ngày 6 Octobre thì ai nghe? Tôi nói vậy, có ý nói rằng sự bỏ thăm của các ông đó làm cho quan Toàn quyền phải tưởng là các ông đồng ý với ngài, bớt phụ cấp quan lại, nên ngài mới vội vàng mà ra nghị định.
Theo tôi, tôi không làm như các ông. Khi chánh phủ đề xuất sự thỉnh cầu của ông De Lachevrotiefre cho nghị viên bỏ thăm thì các ông nên xin triển hưỡn lại mà chớ bỏ thăm vội. Rồi đó các ông thuận theo ý quan Thống đốc mà các ông đã biết, và trình bày ý kiến ra giữa nghị viện trong bữa nhóm sau thì lại chẳng được hay sao?
Tôi cũng chịu như anh Nam Chúc, một là tăng thuế cả đồng dân, một là bớt tiền phụ cấp quan lại, chỉ có hai nước ấy mà thôi, không có nước khác. Dữ kỳ tăng thuế cả đồng dân thì thục nhược bớt phụ cấp quan lại, tôi cũng chịu làm vậy như anh Nam Chúc nữa.
Nhưng trong sự bớt phụ cấp (hay là bớt lương cũng được) tôi muốn bớt theo hạng chớ không bớt tràn lan như cái nghị định ngày 6 Octobre. Chỗ đó chính là chỗ quan Thống đốc muốn mà ông Long đã nói rằng ông biết chắc như vậy. Tôi muốn các ông nghị viên đừng bỏ thăm nghịch ông De Lachevrotière vội mà tỏ riêng cái ý kiến của mình, tức là cái ý kiến ấy.
Nếu các ông xin giữa nghị viện rằng định tách bạch ra từ ngạch lương bao nhiêu trở lên thì bớt bao nhiêu bất luận viên chức Tây Nam chi cũng nhứt luật cả; còn ngạch lương từ bao nhiêu đó trở xuống thì khỏi bớt, để cho những viên chức ít lương khỏi bị thiệt hại mà khốn đốn, thì há chẳng được sao? Cũng thì bớt phụ cấp mà bớt như vậy có dễ chịu hơn. Chớ còn như hiện nay thì những người ăn lương bờ sáu, bảy chục đồng cũng bị bớt, thế là ngặt họ lắm.
Xin như vậy mà chánh phủ không nghe thì thế nào? Trước kia tôi đã nói bao giờ cũng phải ngó lại cái địa vị của mình, vậy thì không nghe thì thôi chớ biết làm sao?
Theo như lời tôi đó thì cũng chẳng đáng kêu là đắc lực nhưng quả đã trốn được cái tiếng chê bất lực. Vì tôi đã có nói vầy nói khác mà Chánh phủ không nghe, chớ tôi không có một mực chiều theo Chánh phủ.
Nếu các ông hội đồng đã làm như vậy và nhứt là đừng có bỏ thăm nghịch sự thỉnh cầu của ông De Lachevrotière vội, thì thôi, đối với viên chức ta, khỏi có sanh ra sự ác cảm như ngày nay đó. Các ông đã có kháng nghị mà chánh phủ không nghe thì thôi, không ai lấy đó mà chê trách các ông được hết.
Đã làm như các ông, đã bỏ thăm phản đối ông De Lachevrotière, rồi đến chừng viên chức ó lên trách móc, ông Long lại nói cái giọng như tuồng dạy người ta, cho nên trong đám quan lại có nhiều người tức.
Họ phàn nàn là phàn nàn sự họ bị thiệt hại, chớ đâu có phải hễ phàn nàn như thế tức là không có lòng thương đồng bào bị khốn cực đâu, mà ông Long lại đi nói mát họ lắm lời. Ông bảo viên chức phải tưởng đến người thất nghiệp, phải đoái đến kẻ tan nhà nát cửa, ông lại còn khoe rằng ông đã hy sanh quyền lợi của ông mười năm nay, như vậy thành ra có một mình ông Long là biết điều mà thôi, còn quan lại là đất cục hết! Ai lại chẳng có lòng tự trọng, mà bảo họ chịu cái giọng làm thầy người ta như vậy được hay sao?
Cái giọng ấy của ông Long năm nay cũng giống hệt như cái giọng của ông năm ngoái, là lúc sau mấy cuộc biểu tình, có nhiều kẻ bị chết, mà ông viết bài chưởi những kẻ ngồi mà cười, những chí sĩ nằm nhà, những anh hùng xó bếp chi chi đó; như vậy để tỏ ra thiên hạ đều chết hết lương tâm, chỉ mình ông biết có nước có dân.
Mà kỳ thật có phải vậy đâu! Trong việc nầy, viên chức có kêu rêu là vì sự thiệt thòi của mình nặng quá, há có phải muốn rằng tổn nhân mà ích kỷ?
ở một cái địa vị chung nầy, ai cũng như ai, có khi chính tôi, nếu có ra làm như ông Long rồi tôi cũng bất lực thể ấy. Duy có điều sau khi mình đã làm bất lực rồi, chớ nên văn quá sức phi mà mắng lại người ta. Chính ông Long hay phạm cái lỗi đó. Nói thật với anh Nam Chúc, sở dĩ tôi viết bài bỡn cợt là để cười thầm cái thái độ ấy của ông Long đó, chớ Thông Reo có ăn thua gì trong vấn đề nầy.

 

Thông Reo
Trung lập, Sài Gòn, s.6576 (27.10.1931)

(*) Nam Chúc là bút danh của Đào Trinh Nhất khi viết bài hài đàm trên tờ Đuốc nhà Nam tương tự bút danh Thông Reo của Phan Khôi dùng để ký ở mục hài đàm "Những điều nghe thấy" trên Trung lập.
(**) Đây là nói bài hài đàm Ai có tài phỉnh con nít thì cũng có tài ru em trong mục Những điều nghe thấy, báo Trung lập 22/10/1931.

 

© Copyright Lại Nguyên Ân 2006