Vai ngự sử trên đàn văn


Bổn báo từ trước đến nay vẫn lấy sự chấn chỉnh chữ Quốc ngữ làm một việc bổn phận của mình. Năm ngoái năm kia, trên tập báo nầy đã có nhiều bài bàn về sự viết mặt chữ cho đúng, dùng danh từ cho đúng. Sự chủ trương ấy đã được nhiều bậc đồng chí cho là chánh đáng và giục giã chúng tôi cho được kế tiếp theo luôn.
Trong những số ra từ hồi "tái sanh" đến nay, chúng tôi chưa tiếp tục làm công việc ấy, là vì hiện cũng như bắt đầu lần nữa, còn mới mẻ quá, sự nầy không nên vội.
Bắt đầu từ đây, bổn báo mở ra mục nầy, một vài số lại có một bài, để củ hạch những chữ bị dùng sai. Nói "củ hạch" là vì chúng tôi xin đem mình đứng nép một bên đàn văn, làm như quan ngự sử.
Những chữ dùng sai ấy, chúng tôi phát kiến ra hoặc trong khi đọc báo, hoặc trong khi đọc sách của các nhà trứ thuật đời nay. Những chữ ấy, không nói rõ là của người nào, của sách nào; nhưng trong khi đính chánh thì nói rõ nó sai vì đâu, và chữa lại thế nào mới đúng.


I


1 - Trong một bổn tiểu thuyết kia, có một câu làm lời người đàn bà tự than rằng: Thân phận tôi ngày nay khác nào như hoa đào trôi theo giọt nước.
Chữ giọt nước đó dùng sai. Mà chúng tôi thấy sự dùng sai nầy nhiều lần lắm, không phải một lần. Trong một bổn tiểu thuyết danh tiếng kia mà cũng sai như vậy nữa.
Giọt nước là nước mưa trên mái nhà hoặc trên tàu lá nhỏ xuống từng giọt, tức trong tiếng Pháp là gouttes d'eau, thì hoa đào kia trôi theo làm sao được? Sai là vì đó.
Chữ giọt nước đó đổi làm giòng nước mới đúng. Giòng nước nghĩa là nước trong sông hoặc biển chảy theo một giòng, tức trong tiếng Pháp là courant. Đã là giòng nước chảy thì hoa đào mới trôi theo được chớ.
2 - Trong một tờ báo hằng ngày mới đây, thấy có đặt câu như vầy: Hồi dân quốc Y-pha-nho thành lập, người ta cử bà Victoria Kent lên làm Giám ngục đại thần. Rồi ở dưới chữ Giám ngục đại thần đó có chua thêm chữ tây là Directeur Général des prisons.
Chữ Giám ngục đại thần ấy dùng sai. Không sai gì vì chữ giám ngục mà sai vì chữ đại thần. Bởi vì Y-pha-nho đã lập nên dân quốc thì trong nước chỉ có Đại tổng thống (Président de la République) mà không có vua. Nói theo sự thiệt thì An-phông XIII là vua nước ấy cũng đã thất vị mà chạy ra ngoại quốc rồi nữa. Đã không có vua thì các quan chức còn xưng thần với ai? Chữ thần là tôi ấy đã không dùng được trong nước Y-pha-nho nữa rồi, thì còn đâu mà tiểu mà đại?
Huống chi đó chỉ là dịch chữ tây ra, mà trong chữ tây Directeur Général des prisons cũng chẳng có nghĩa gì là đại thần hết.
Chúng tôi tưởng nên nói là tổng giám ngục hay là tổng giám ngục viên mới đúng với sự thiệt và cũng đúng với chữ tây đó nữa. Chữ tổng là để dịch chữ général.
3 - Trong một bài thời sự của báo kia, kỷ thuật một bữa tiệc tiễn hành viên quan nọ, từ nơi nầy đổi đi nơi khác, mà có câu: Các bạn thảy đều bắt tay cầu chúc một lần nữa để tỏ tình luyến ái trong lúc biệt ly.
Chữ luyến ái ấy dùng sai. Theo thói quen trong chữ Hán, luyến ái chỉ để dùng nói về sự trai gái hay vợ chồng yêu nhau mà thôi, chớ không hề đem dùng tràn ra để chỉ sự yêu nhau của đàn ông với đàn ông bao giờ.
Vậy thì trong câu trên đây, chữ luyến ái, nên đổi làm quyến luyến. Tỏ tình quyến luyến trong lúc biệt ly, chỉ nghĩa là trong lúc biệt ly mà bận bịu không nỡ rời nhau vậy.
4 - Trong một bài nói về một vấn đề triết học ở tờ báo kia có câu: Tôi đây học thức hiếm hoi…
Chữ hiếm hoi dùng vào câu đó gần như không có nghĩa.
Hiếm hoi, người ta thường dùng để chỉ về sự ít con hay là khó nuôi con. Người ta có thể nói: Tôi, con cái hiếm hoi; nhưng lại có khi không cần nói như vậy mà chỉ nói tôi hiếm hoi lắm, cũng đủ rõ nghĩa là ít con vậy.
Nhưng chữ hiếm hoi cũng có thể dùng rộng nghĩa ra, không chuyên chỉ về con cái mà thôi, là như nói nhân tài hiếm hoi, nghĩa là nhân tài có ít; hay là nói của hiếm hoi, nghĩa là của ít có.
Theo như trên đây thì hiếm hoi chỉ nghĩa là ít; nhưng ta phải hiểu rằng phàm vật gì có riêng ra từng cá thể của nó, có thể đếm được mà biết ít nhiều, như con cái, nhân tài, thì mới nói hiếm hoi để chỉ sự ít của nó được. Chớ còn như học thức là cái danh từ trừu tượng (nom abstrait) nó không có cá thể, chúng ta không đếm được, cho nên không dùng được chữ hiếm hoi. Nói tôi học thức có ít thì được, nhưng nói tôi học thức hiếm hoi thì không được.
Vậy chữ hiếm hoi đó nên chữa là kém cỏi hay tầm thường thì mới có nghĩa.
5 - Cũng trong bài nói về một vấn đề triết học ấy có câu rằng: Vì những nỗi bất bình mà nhiều kẻ chán đời, muốn bỏ phứt chuyện đời mà đem thân gởi nơi núi danh lam cổ sái.
Trong năm chữ núi danh lam cổ sái ấy thấy ra đến hai sự sai lầm.
Cái danh từ nầy do chữ Hán mà ra,
名藍古剎. Chữ ấy theo tự điển, dùng sai hạt mà thiết âm, thuộc về vận hiệt, vậy phải đọc là sát, chớ không phải sái. ấy là một cái sai lầm.
Lam và sát đều là tiếng Phạn, chỉ nghĩa là cái chùa. Nguyên nó đều là tiếng đôi, già lam
伽藍 và sắt sát 瑟剎, mà người ta nói tắt đi. Danh lam nghĩa là cái chùa có tiếng; cổ sát nghĩa là cái chùa xưa. Đã vậy thì làm sao lại nói "núi danh lam cổ sát" được? Để chữ "núi" lên trên chữ "danh lam cổ sát", làm cho ba cái danh từ (noms) dồn lại một đống, không có thể hiểu là gì được. ấy là hai sự sai lầm.
Vậy trong câu ấy bỏ chữ núi đi thì mới có nghĩa. Đem thân gởi nơi danh lam cổ sát, chỉ nghĩa là đi tu.
6 - Lại cũng ở trong bài ấy, có câu rằng: ở vào cái thời đại nào, hoặc kim hoặc cổ, muốn làm một việc gì cũng phải cho hiệp lý mới đặng.
Trong câu đó, chữ cái ở trên chữ thời đại là dư ra. Bỏ chữ cái đi thì câu mới đúng văn pháp.
Bởi vì theo cách đặt quán từ, khi nào một quán từ đặt trên danh từ mà mình muốn chỉ rõ danh từ ấy ra thì mới để chữ cái. Chữ thời đại trong câu nầy đây đã nói là hoặc kim hoặc cổ, không chỉ hẳn là thời đại nào, thì có cần để chữ cái vào đó làm chi?
Vậy xin độc giả thử bỏ chữ cái trong câu ấy đi, rồi đọc lại mà nghe, có phải là xuôi hơn có chữ cái không? ở vào thời đại nào, hoặc kim hoặc cổ, muốn làm một việc gì cũng phải cho hiệp lý mới đặng. Như vậy thật quả nghe xuôi lắm. Đó là luật tự nhiên của tiếng Việt Nam, chớ không phải chúng tôi bày đặt ra vậy.


II
 

6(*) - Trong tờ báo kia, nơi bài nói về thể thao nước Pháp, có dùng chữ Viện Hàn lâm Thể dục. Theo nghiêm cách mà nói, chữ Hàn lâm nầy dùng sai. Muốn biết tại sao mà sai, phải cắt nghĩa hơi dài một chút. Nhưng tưởng biết việc gì cho đến nguồn đến gốc, ấy chẳng phải là điều vô ích; nên dầu có dài một chút, chúng tôi cũng chịu khó cắt nghĩa ra đây:
Nguyên chữ Hàn lâm - chữ hàn ấy, đọc là hãn mới đúng -là chữ sẵn trong Hán văn. Nó vốn là tên một cái quan thự. Đời xưa, bên Tàu, hồi nhà Đường, bắt đầu đặt ra Hàn lâm viện, các quan trong viện ấy kêu là Học sĩ, chuyên giữ việc làm lời chế cáo cho nhà vua; sau lại còn kiêm những việc trứ thuật khác nữa.
Theo quan chế triều Nguyễn ta, cũng có bắt chước Tàu mà đặt ra Hàn lâm viện. Hồi đầu chắc cũng có một cái viện riêng, theo như kiểu bên Tàu; song sau lại, đã bỏ cái viện ấy đi hồi nào không biết, từ triều Thành Thái đến nay, Hàn lâm viện chỉ là cái tên trống mà thôi.
Về triều Tự Đức sắp trước, các quan ở Hàn lâm viện hay sung vào các chức nơi Nội các(1); họ ở đó, chuyên giúp vua coi những tấu sớ của các quan trong triều ngoài quận dâng lên, và có khi ứng chế mà hoạ thơ hoặc duyệt thơ của vua, lại có khi vâng mạng vua mà đặt tuồng hát cùng làm các công việc khác về văn tự. Bởi vậy, thuở ấy các quan Hàn lâm tinh là những tay học giỏi và có văn tài. Bấy giờ còn có Tập hiền viện nữa, chức vụ các quan của viện nầy cũng giống với viện Hàn lâm.
Từ ngày Hàn lâm đã bị phế cái quan thự đi, cái chức vụ của nó cũng không còn nữa, rồi nó chỉ còn cái tên trống, trong quan trường quen gọi là hư hàm(2). Từ đó hai chữ Hàn lâm càng ngày càng rẻ giá, người nào có phẩm hàm chút đỉnh cũng được đeo hai chữ ấy, đến nỗi như các quan Hàn ở Bắc kỳ, có kẻ không biết chữ nhứt là một viết mấy ngang!
Đó, phải biết cái tánh chất của Hàn lâm viện ở xứ ta trước sau thay đổi là như vậy đó, rồi hãy nói đến chuyện dùng chữ ấy. Nhưng lại còn phải biết thêm một điều nữa: Hàn lâm, nghĩa đen của nó là rừng lông. Lông, tức là chỉ vào cây bút lông. Thế thì ta có thể cấp cho nó một cái định nghĩa (définition) như vầy: Hàn lâm là chỗ những người văn học tụ hội lại.
Từ khi có chữ Académie Franỗaise truyền sang, ta không biết dùng tiếng gì của ta mà dịch nó, nhơn thấy chữ Hàn lâm viện có tánh chất hơi giống với nó, bèn đem chữ Hàn lâm viện nước Pháp mà dịch chữ Académie Franỗaise.
Theo tự điển Pháp thì Académie Franỗaise hồi đầu chỉ là cái hội của các nhà văn học (D'abord simple réunion de lettrés), sánh với Hàn lâm viện của ta là chỗ những người văn học tụ hội lại, hai bên đều có một cái khái quan như nhau, vậy thì dùng chữ Hàn lâm viện nước Pháp mà dịch chữ Académie Franỗaise cũng cho được đi.
Tôi nói cũng cho được đi, tỏ ra trong cái được ấy vẫn còn có hơi ép. Bởi vì, theo lịch sử, Académie Franỗaise được thành lập vĩnh viễn từ năm 1635; Richelieu, tể tướng của Louis XIII, là người bảo hộ cho hội ấy, đã lập ra điều lệ cho hội. Hội gồm có 40 hội viên; mỗi khi khuyết một hội viên thì dùng phép tuyển cử mà kén vào. Cái chức vụ của hội, đầu hết là để chỉnh đốn văn tự nước Pháp; cách dùng cho đến cách viết chữ Pháp, phải do hội thẩm định rồi người trong nước tuân theo. Hội đã phát hành một bộ tự điển, in lần thứ nhứt năm 1694, in lần thứ bảy năm 1878, người ta coi như là luật của tiếng Pháp. Hội lại có phát những phần thưởng văn học và đức hạnh trong mỗi năm. Coi như cái chức vụ của Académie Franỗaise mới vừa nói đây thì chẳng có một chút gì giống với Hàn lâm viện của ta cả.
Đừng nói thứ đồ Hàn lâm viện của ta ngày nay không có giá trị chi hết, không đủ đem mà so sánh với ai; cho đến Hàn lâm viện của ta ngày xưa, tiếng là chỗ những người văn học tụ hội lại, nhưng kỳ thiệt chỉ là một phòng thơ ký của nhà vua, nếu nói bằng tiếng Pháp, chỉ gọi được là Secrétariat royal mà thôi, chớ lấy hơi ông chi mà địch thể với Académie của người ta được?
Chữ Académie Franỗaise, ta đã trót theo thói quen mấy chục năm nay mà kêu bằng Hàn lâm viện nước Pháphay là Pháp quốc Hàn lâm viện rồi trong óc mọi người cũng đều công nhận nhầu nó đi; chớ nếu nói cho rành mạch như tôi trên đây, thì cái tên ấy thật không xứng đáng chút nào hết, thật là danh bất chánh.
Nói đến nội một chữ Académie - không có chữ franỗaise tiếp theo - thì nghĩa nó lại khác, nghĩa nó rộng hơn. Nó là danh từ chung, chớ không như Académie franỗaise là danh từ riêng. Theo tự điển thì Académie là cái hội của những nhà văn học, những nhà bác học hay là những nhà nghệ thuật (Société de gens de lettres, de savants ou d'artistes). Vậy thì chữ Académie nầy quyết không có thể nào dịch nó ra là Hàn lâm viện được, bởi vì như trên đã nói, chữ Hàn chỉ nghĩa cây bút, mà bọn bác học đây không chuyên trọng cây bút mấy chút, còn đến bọn nghệ thuật thì lại không cần có cây bút nữa.
Trong nước Pháp có đến 17 cái Académie khác thứ nhau, như Académie des beaux-arts, Académie de médecine, Académie d' Agriculture… thử kể ra ba cái ấy, chẳng cái nào có tánh chất văn học hết, vậy thì có thể nào dịch những chữ Académie ấy ra Hàn lâm viện?
Tôi nói thế, là bởi tôi đề chừng rằng chữ Viện Hàn lâm Thể dục đó, có lẽ người viết nó đã do chữ Académie de Culture physique của Pháp mà dịch ra. Dịch như vậy là sai. Tại sao mà sai, coi sự lý giãi bày trên nầy thì đã rõ.
Tôi tưởng bất kỳ chữ Académie nào cũng nên dịch là Học hội hết, là đúng hơn. Cho đến chữ Académie franỗais cũng dịch ra Pháp quốc Học hội mà đừng nói là Hàn lâm viện nước Pháp nữa mới phải.
Học hội nghĩa là cái hội nhóm nhau lại để mà học. Bất kỳ cái Académie nào của nước Pháp cũng có cái tánh chất học cả, cũng có cái tánh chất nghiên cứu (étudier) cả, thì nói là Học hội hoặc chưa bao hàm được những cái tánh chất khác, song cũng còn hơn bất kỳ cái hội nào của họ; mình cũng cứ nhắm mắt đem cây bút lông của mình mà bắt họ phải cầm.
Theo như lời tôi thì thuận tiện lắm: Académie des beaux-arts là Mỹ thuật Học hội; Académie de Médecine là Y học hội; Académie d' Agriculture là Nông học hội, cứ thế mà nói tới đâu cũng trôi, khỏi có sự ngang ngạnh gì cả.
Đã vậy thì Académie de Culture phisique không nên nói là Viện Hàn lâm Thể dục mà nói là Thể dục Học hội.


III
 

7 - Trong bài diễn văn của ông kia đọc tại một bữa tiệc tiễn hành, có dùng chữ dĩ hà nhứt thể. Chữ dĩ ấy dùng sai.
Dĩ hà nhứt thể đã thành như một cái thành ngữ (expression) trong tiếng ta, đâu đâu cũng thấy người ta dùng đến, cho tới những đàn bà nơi thôn quê cũng nói đến luôn. Trong khi họ dùng cái thành ngữ ấy, thường thường họ hiểu nghĩa là: Gặp một việc gì mà mình đối phó ai nấy một cách ngang nhau, không phân biệt gì hết.
Hiểu nghĩa như vậy thì cũng được, nhưng nói ra tiếng thì sai. Nguyên cái thành ngữ nầy là do ở chữ Hán mà ra, viết là
邇遐一體 phải đọc là nhĩ hà nhứt thể. Nhĩ nghĩa là gần; hà nghĩa là xa. Xa gần chi cũng một thể cả: Chữ thể ấy là thân thể, là tư thể, tức hai tay hai chưn của người ta. Xa gần chi cũng một thể, vốn chỉ nghĩa ông vua đời xưa coi dân chúng kẻ xa người gần đều như cái tay cái chưn trong một thân thể, cũng có ý như nói: Nhứt thị đồng nhân ( 一視同仁) vậy. Nhưng lần lần dùng rộng nghĩa ra, cho là xa gần in nhau không phân biệt cũng thông.
Song chữ dĩ mà người ta thường nói sai đó, từ nay nên sửa lại là nhĩ để cho đúng với câu chữ Hán, hễ ai biết chữ Hán thì nghe hiểu liền.
8 - Thấy ông chủ nhiệm P. N. T. V. nói thường ngày tiếp được những bức thơ của độc giả gởi đến, hoặc mua báo, hoặc nói chuyện gì, khi nói đến Phụ nữ tân văn, có nhiều bức xưng là bổn báo. Sự xưng hô ấy thật là sai lầm quá; sai là vì chữ bổn (bổn,
,, ngoài Bắc đọc là bản).
Chữ bổn, khi nào nói về mình, hoặc cái gì thuộc về mình mới dùng được. Như ông quan xưng mình là bổn chức; người trong hội nào xưng cái hội của họ là bổn hội v.v… Mà khi xưng như vậy đều là đối với người ngoài.
Vậy, bổn quán hay bổn báo đều là tiếng của người trong một nhà báo nào đối với người ngoài mà xưng cái báo của mình.
Cũng có khi đối với người nào hoặc đoàn thể nào, hay là đối với cái gì thuộc về đoàn thể nào mà cũng dùng chữ bổn được. Nhưng khi ấy thì chữ bổn lại thành ra nghĩa khác.
Vậy như nói: bổn thân ông chủ nhiệm P.N.T.V. phải làm lấy công việc quản lý; hay là nói: đồ người Nhựt Bổn ăn dùng hằng ngày phần nhiều là do người bổn xứ chế tạo ra. Hai chữ bổn đó tuy không nói về mình hoặc cái gì thuộc về mình, nhưng dùng như vậy không sai, là vì nó có nghĩa khác với chữ bổn nói trên kia.
Đem so với tiếng Pháp thì chữ bổn trên như là tiếng adjectifs possessifs: mon, ma, notre, nos; còn chữ bổn về nghĩa dưới thì tùy có chữ gì theo sau nó mà khác: chữ bổn thân đó giống như chữ lui-même; chữ bổn xứ đó giống như chữ indigène hay autochthone.
Vậy người ngoài gởi thơ đến một nhà báo hay một hiệu buôn nào thì phải xưng nhà báo hay là hiệu buôn ấy bằng chữ gì? Xin trả lời rằng: Cứ theo như thói thường, người ta xưng bằng quý báo hoặc quý quán cùng quý hiệu. Chữ quý dùng để xưng cái gì của người khác trong khi mình đối với người ấy mà nói, hàm có ý tôn trọng vậy.


IV


9 - Người ta hay lạm dụng chữ yêu cầu. Sự lạm dụng ấy có hại lắm. Bởi vì làm cho độc giả nào hiểu chữ yêu cầu đúng nghĩa, thì tưởng cho cái việc nói đó thành ra việc dữ việc lớn.
Như mới rồi một tờ báo nói mấy ông hội đồng đến yêu cầu quan Thống đốc Nam kỳ việc nọ việc kia. Nói như vậy làm cho có người tưởng các Nghị viên quản hạt xứ nầy đã có thế lực mạnh lắm. Nhưng kỳ thiệt đâu có phải! Kỳ thiệt chỉ là thỉnh cầu.
Yêu cầu
(要求), nghĩa là xin việc gì mà có bắt buộc bằng cái điều kiện gì đó; cái ý bắt buộc ấy thấy trong chữ yêu (). Ví dụ như chú đầu bếp của ông xin ông thêm lương, nói nếu ông không thêm thì chú không làm việc cho ông nữa. Từ chữ nếu sắp xuống tức là cái điều kiện của chú bếp.
Còn thỉnh cầu (
請求), chỉ là xin việc gì, có tử tế thì cho, không tử tế thì không cho, mà không cho cũng thôi, chớ không ngăm đe gì.
Yêu cầu là việc của kẻ mạnh làm, khác với thỉnh cầu là việc của kẻ yếu làm. Khi đáng nói thỉnh cầu mà nói yêu cầu, ấy là lạm dụng.
Thường thường mấy ông hội đồng ta xin gì cùng quan Thống đốc cũng chỉ xin trơn mà thôi, không có cái điều kiện gì đi theo hết; thế thì phải nói thỉnh cầu, không được nói yêu cầu.
10 - Chữ mấy có ba nghĩa mà thôi. Một là dùng để chỉ một phần của số nhiều, như chữ des trong tiếng Pháp; hai là dùng để chỉ cái số ít của vạn vật gì mà không nhứt định, như chữ quelques; ba là dùng để hỏi về số hoặc lượng, như chữ combien. Thế mà nay người ta dùng nó thành ra thêm một nghĩa thứ tư, là như chữ avec. ấy là dùng lầm. Mà duy có một ít người Bắc kỳ mới có cái lầm ấy.
Nguyên vì họ nói tiếng với lần với tiếng mấy. Như nói: tôi đi với anh, thì họ nói thành ra: tôi đi mấy anh. Sự lẫn lộn ấy trong khi nói, không đến nỗi hại chi, vì kẻ nghe cũng hiểu được; song viết ra mà cũng lẫn lộn như vậy thì hại lắm, vì một chữ ba nghĩa đã nhiều quá rồi, còn thêm một nghĩa nữa thì càng rộn hơn.
Vậy mà hiện nay xem các báo ngoài Bắc thỉnh thoảng cũng còn thấy dùng chữ mấy cách đó. Rất đỗi đến nhà ngâm vịnh mà cũng còn dùng thì thật là bướng quá! Mới rồi tôi có thấy một câu thơ trên tờ báo kia rằng:
Hỡi bạn văn chương mau tỉnh dậy,
Lo toan đối phó mấy phong trào.
Khi tôi ở Hà Nội, thường thấy có người nghe trẻ con hoặc đứa ở trong nhà nói lộn tiếng mấy với tiếng với thì quở mắng bắt sửa lại. Không ngờ đến ngày nay lại có nhà thi sĩ cũng không phân biệt hai chữ ấy nữa kia! Vậy xin sửa lại câu thơ trên đó như vầy cho có nghĩa:
Lo toan đối phó với phong trào.
11 - Thấy tờ báo kia hay dùng chữ sâu nhái tiếng, mà dùng đi dùng lại nhiều lần lắm. Đôi khi có chua dưới ba chữ ấy, nói rằng bởi chữ
應聲蟲 (ứng thanh trùng) của Hán văn mà ra.
Sâu nhái tiếng, cứ theo văn nghĩa cả câu trong khi họ dùng thì có ý ví với sự nói theo, sự nói phụ họa với kẻ khác, cũng như con sâu nầy nghe con sâu kia kêu mà kêu theo. Nghĩa như vậy thì đúng, không có sai lầm chi hết.
Nhưng chúng tôi nói đây là nói về cách đặt chữ. Theo lẽ thì cách đặt chữ như vậy không trôi; ba chữ sâu nhái tiếng không thành lập được là một danh từ (terme).
Chữ
蟲 (trùng) trong Hán văn, theo tiếng Việt Nam thì chia làm hai: sâu và bọ. Sâu không cánh mà bọ có cánh. Vậy như sâu róm, sâu đo, sâu keo, sâu xanh… phàm kêu là sâu thì đều không cánh cả; còn bọ hung, bọ chét, bọ vừng, bọ hong… phàm kêu là bọ thì đều là có cánh cả.
Mà bất kỳ con trùng nào, nó kêu (kỳ thiệt không phải kêu) là nhờ ở cánh; như con dế, con ve ve v.v…, tuy ta không kêu nó là bọ, nhưng phải sắp nó về giống bọ, vì nó có cánh. Còn giống sâu, không có cánh, thì không kêu; không kêu thì có tiếng ở đâu? Thật vậy, có ai hề nghe con sâu róm, con sâu đo, nó lên tiếng bao giờ!
Vậy chữ 蟲
(trùng) trong cái danh từ 應聲蟲 ứng thanh trùng ấy, muốn nói ra tiếng ta thì phải nói là bọ, chớ không được nói là sâu, vì sâu không có tiếng. ấy là một chỗ không trôi.
Lại còn chữ nhái cũng không hạp lý nữa. Vì, con nầy kêu rồi con kia kêu theo, trong Hán văn gọi là ứng
 , chữ ứng ấy nghĩa là trả lời (répondre). Còn chữ nhái, nghĩa là bắt chước theo và lặp lại giọng nói của người miền khác, - hoặc không phải miền khác mà giọng khác; trong khi nhái tiếng thường có ý chọc ghẹo chế nhạo người ta, thì sao lại dùng mà dịch chữ ứng ấy được ư?
Chúng tôi biết dịch như vậy là sai, nhưng muốn sửa lại thì không sửa được. Thôi, ta bỏ ba chữ sâu nhái tiếng đi mà đừng dùng nữa là hơn.
Vả, sự dịch thành ngữ tục ngữ ngoại quốc cho nhập tịch tiếng ta là sự ích lợi nên làm. Có điều phải dịch cho hay mà đừng làm hại tiếng ta mới được. Chúng tôi muốn bỏ ba chữ ấy vì sợ dùng nó lâu thành quen, rồi nó sẽ phá cái luật chia loài trùng ra sâu và bọ trong tiếng ta, ấy là điều có hại đó vậy.


V


12 - Phát khởi, phát minh, phát kiến(*)
Ba chữ nầy, nghĩa nó phân biệt lắm, vậy mà có nhiều người đặt lầm chữ nầy sang chữ kia, nhứt là hai chữ sau phát minh với phát kiến, ít người biết phân biệt.
Muốn phân biệt cho khỏi lầm dễ lắm. Ai đã biết chữ Pháp rồi, hãy lấy mỗi một chữ đó dịch sang một chữ Pháp có nghĩa tương đương, rồi ghi nhớ lấy, lúc nào dùng ra, cứ nhắm theo nghĩa chữ Pháp mà dùng thì khỏi trật. ấy là một phương pháp tắt.
Phát khởi là một việc gì thuở nay chưa có ai làm mà mình bắt đầu xướng ra làm, tức như chữ Pháp là initiative hay là prendre l'initiative.
Phát kiến là cái gì thuở nay chưa ai tìm thấy mà mình mới tìm thấy, tức như chữ Pháp là découverte hay découvrir.
Phát minh là một cái lẽ gì, một cái máy móc gì xưa nay chưa ai hề bày ra mà mình mới bày ra, tức như chữ Pháp là invention hay inventer.
Nếu có sợ phát minh với phát kiến lộn nhau thì cứ nắm chỗ nầy mà phân biệt: Cái gì từ xưa đến nay vẫn còn có đó, duy chưa hề có ai biết mà chỉ ra hết, mà mình biết và chỉ ra, như thế gọi là phát kiến; còn cái gì từ xưa đến nay vốn chưa còn có, từ mình bày ra rồi nó mới còn có, như thế gọi là phát minh.
Nói ông Colombo phát kiến châu Mỹ chớ không được nói phát minh, là vì châu Mỹ vẫn còn có từ xưa rồi. Nói ông Watt phát minh ra máy hơi nước chớ không được nói phát kiến, là vì trước ông Watt, máy hơi nước chưa còn có.
13 - Phiền phức và cảm phiền
Trong một bổn tiểu thuyết đăng ở báo hằng ngày kia, có một câu như vầy: Xin cô nương chớ phiền phức tôi làm chi. Nói vậy thật là vô nghĩa mà bất thông. ấy là chỉ trích ra một câu đó mà thôi, chớ ngày nay thiên hạ còn lầm chữ phiền phức nầy nhiều lắm.
Phải phân biệt phiền với phiền phức.
Phiền phức là một trạng từ kép (adjectif composé), nghĩa nó là rộn ràng, chồng lặp, chỉ sự vật gì nhiều ngách nhiều từng, khó biết cho hết được. Tách ra từng chữ thì phiền nghĩa là rộn, phức nghĩa là lặp, nhưng khi dùng thì phải dùng kép, không được tách ra. Phiền phức tức là compliqué trong tiếng Pháp, chớ không gì lạ.
Thế thì nói Xin cô nương chớ phiền phức tôi, là nghĩa làm sao? Vậy trong câu nầy nên bỏ chữ phức đi, nói Xin cô nương chớ phiền tôi thì mới có nghĩa; nghĩa là Xin cô nương chớ vì tôi mà phiền lòng. Chữ phiền đó nghĩa nó cũng là rộn.
Vậy mà lại có kẻ hay nói Xin cảm phiền mà chỉ nghĩa rằng xin chớ lấy làm phiền mới kỳ cho chớ!
Chữ cảm phiền đó không có nghĩa chi hết. Nếu có muốn tỏ ý đó thì phải nói: Xin chớ lấy làm phiền mà không nên nói cảm phiền; bởi vì "cảm phiền", người ta thường dùng trong khi viết bằng chữ nho mà lại có ý trái ngược đi, ý là tôi dám phiền ông. Như vậy mà nói xin cảm phiền, chỉ nghĩa xin chớ lấy làm phiền, sao được? Ta hãy bỏ chữ cảm phiền đi, đừng dùng nữa là phải.
14 - Kinh thương với đầu cơ
Trong một cái tạp chí kia có để riêng một nơi giải những chữ Hán đã dùng vào tiếng ta, kêu là tiểu tự vị; giải nhiều chữ trúng mà cũng có lắm chữ trật; những chữ nào trật, chúng tôi xin đính chánh lại ở đây.
Chữ kinh thương, giải làm hai nghĩa mà cũng đều sai hết.
Nghĩa thứ nhứt: Thương lượng, bàn tính. Rồi chua thêm chữ Pháp là: S'entendre avec quelqu'un.
Như vậy là thiếu nghĩa rồi: Phải biết đến gốc của chữ kinh thương thì giải mới trúng được chớ.
Kinh là trải qua, là đã có… rồi, cũng như kinh lịch vậy. Còn thương là thươnglượng bàn tính thì phải.
Như vậy, chữ kinh thương, phải giải là đã trải qua sự thương lượng bàn tính hay là đã có thương lượng bàn tính với ai rồi, thì mới đủ nghĩa. Chớ giải như trên kia, thì mất ý chữ kinh đi còn chi?
Vả lại, chữ kinh thương ấy, chỉ dùng trong giấy mực việc quan bằng chữ Hán mà thôi, như họ thường nói kinh thương quý tòa ý hiệp, nghĩa là đã có thương nghị với quan công sứ rồi, mà ý ngài cùng hiệp; chớ ít ai dùng trong quốc ngữ. Mà tưởng cũng chẳng nên dùng vào quốc ngữ làm chi, vì không cần, khi muốn nói như vậy, thì nói tiếng ta rõ hơn.
Nghĩa thứ nhì: So hơn tính thiệt để mưu lợi. Rồi chua chữ Pháp là Spéculer.
Nghĩa nầy thì trật hết cả. Chúng tôi xin giải lại.
Kinh thương là tay buôn bán, từng trải. Thương là buôn bán, kinh là đã trải qua, từng trải, cũng như đã giải trên kia.
Trong chữ kinh thương chẳng có ý gì là so hơn tính thiệt để mưu lợi hết, cho nên nó cũng không phải là Spéculer.
Spéculer, muốn dịch ra thì dịch là đầu cơ. Cơ là cơ hội, đầu cơ nghĩa là gieo cho trúng vào cơ hội. Tức như năm trước, khi cuộc Âu chiến phát ra, có người liệu rằng thứ phẩm tím bán chạy lắm, nó xuất sản ở nước Đức, mà dạo nầy Đức bị tuyệt giao trong đường kinh tế, chắc không còn đem phẩm tím bán cho ta nữa đâu. Rồi họ đổ tiền ra mua sỉ hết cả phẩm tím ở các hãng và trữ lại để bán, sau quả nhiên họ được lợi không biết mấy. Lại như trong khi giá bạc đồng của ta và giá franc của Pháp trồi sụt không thường, thì cũng có người liệu trước được sự trồi sụt ấy mà đem tiền gởi nhà băng, khi gởi vào bằng tiền nầy, khi lấy ra bằng tiền kia, cũng có bội lợi như vậy. Những sự như vậy, trong tiếng Pháp kêu là spéculer thì ta kêu bằng đầu cơ, chớ nói kinh thương sao đặng?
15 - Yêu cầu không cần làm dữ
Hai chữ yêu cầu và thỉnh cầu đã có giải trong một số trước, cũng ở mục Vai ngự sử trên đàn văn. Vậy mà hôm nay thấy trong tạp chí kia nói cũng sai nữa.
Họ giải chỉ một chữ yêu cầu mà giải là xin mà ra điều làm dữ. Như vậy cũng cho trúng, nhưng còn chưa trúng cả.
Theo chúng tôi thì yêu cầu chỉ là đòi cho được điều gì mà có lấy điều kiện (condition) để ép kẻ mình đòi mà thôi, chớ không phải là làm dữ cả đâu.
(Bị bỏ một đoạn)
Vậy chúng tôi xin giải lại theo như chúng tôi đã giải trước: yêu cầu là đòi cho được điều gì mà có đem điều kiện ra để bắt buộc người mình đòi.


C. D.
Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.89 (2.7.1931);
s.91 (16.7.1931); s.96 (20.8.1931);
s.99 (10.9.1931); s.124 (24.3.1932)

(*) ở kỳ thứ hai Vai ngự sử trên đàn văn, tác giả đánh số tiếp từ mục số 6, quên rằng kỳ trước cũng đã chấm dứt ở mục số 6 (NST).
(1) Nội các ta hồi xưa - bây giờ ở Huế vẫn còn - là như cái phòng giấy riêng (secrétariat particulier) của vua, chớ không như nội các của các nước lập hiến ngày nay, là gồm cả các quan tổng trưởng các bộ (nguyên chú của PK).
(2) Hư hàm
虛銜 là hàm trống, cũng như titre honoraire.

(*) kỳ thứ năm Vai ngự sử trên đàn văn tác giả không đánh số mục; ở đây sưu tập đánh số tiếp.

© Copyright Lại Nguyên Ân 2006