Y thoại tùng biên

của ông Vũ Thượng Chi

Ông Vũ Thượng Chi mới ra một tập sách kêu là Y thoại tùng biên, chuyên nói về môn làm thuốc. Tập nầy cũng giống như các tập tùng thơ đã ra ở Sài Gòn mấy độ trước, trong đó chia ra nhiều mục, tợ hồ tạp chí, có điều xuất bản không định kỳ mà thôi. Đây mới là tập thứ nhứt, bán giá 0p.40.
Trong bài kính cáo độc giả, có đoạn nói rằng: Trăm năm về sau, ngàn năm về sau, người tuy khuất mặt mà sách vẫn còn, hay dở can hệ nhiều lắm. Chúng tôi nghĩ đến thế, chợt giựt mình, nên cũng hết sức tra cứu biên tập, chẳng dám cẩu thả, mà để di hại cho hiện tại tương lai…
Đọc một đoạn đó của bộ biên tập Y thoại tùng biên, đủ thấy tác giả lưu tâm trong việc nầy lắm, chớ không phải làm lấy rồi như nhiều vật xuất bản khác.
Chúng tôi thấy cái chỗ tự kỳ của ông Vũ Thượng Chi mà luống những hổ thầm. Ông Vũ còn nghĩ đến tập sách của ông lưu truyền đến trăm ngàn năm, chớ không như đồ của chúng tôi viết ra, sớm mai ấn hành, chiều đã thành ra giấy lộn, hoặc đem dán tường hoặc đem gói đồ, hoặc đem dùng đến việc gì nữa!
Người viết bài nầy nhơn lúc trong làng văn nước ta chưa có nhà phê bình chuyên gia nên mới mạo sung vào chức phê bình. Bấy lâu có phê bình cuốn sách nào, dầu chưa chắc sự nghị luận đã mười phần đúng cả, song dám tự tín một điều, là không nói dua ai và không hề chỉ trích những điều không đáng chỉ trích bao giờ.
Tưởng cũng vì thấy được chỗ đó mà khi tập Y thoại tùng biên ra đời, ông Vũ Thượng Chi liền thân hành đến nhà tôi, cho một tập cho tôi đọc qua và cậy nói ít lời trên báo.
Trong xã hội ta ngày nay tưởng rất cần có tập sách như tập sách nầy, vì nó thuộc về khoa học, nếu làm cho đúng đắn ra thì hẳn là trực tiếp bổ ích cho xã hội chẳng ít. Nhưng tôi đọc cả tập Y thoại tùng biên rồi, thì tôi không dám chắc cho nó sẽ có cái công hiệu như thế.
Có lẽ vì ông Vũ lâu nay ít trau dồi quốc văn chăng, cho nên dầu cái tri thức về y học của ông hoặc giả là cao lắm đi nữa mà những lời của ông thật không đủ đạt ý.
Phàm những sách gì nói về khoa học thì phải cho thật rõ ràng rành mạch lắm mới đặng. Song tôi đọc những bài trong tập nầy có nhiều chỗ không được rõ, thì tôi sợ rằng dầu không đến nỗi di hại cho hiện tại tương lai như lời ông nói, nhưng mà có lẽ không ích lợi gì lắm cho độc giả chăng.
Cái bịnh không rõ là bịnh hệ trọng nhứt trong tập sách nầy, còn ngoài ra đôi điều lặt vặt khác, không kể làm chi thêm rộn.
Đây tôi xin cử ra mấy chỗ:
Về mục Y lý bài Tóm tắt nói về lẽ làm thuốc có đoạn như vầy:
Có người hỏi rằng: Đạo làm thuốc rộng lắm, có thể tóm tắt lại mà nói cho dễ hiểu được không? Đáp: Bịnh không có ở ngoài mình người ta, mà chỉ phát ở trong mình người ta. Nay thử ngồi mà nghĩ lại, từ đầu mặt suy xét qua đằng trước ngực cho đến chưn, từ gót chưn lại suy xét qua đằng sau lưng lên tới đầu, từ ngoài da thịt suy xét cho đến gân cốt, tạng phủ ở trong, thời những mục lục các sách nói, đều ở trong ấy hết thảy. Hễ phàm bịnh phát ra, chẳng qua chỉ tại nơi nội thương ngoại cảm, cùng với không phải nội thương ngoại cảm, ba thứ ấy thôi.
Xin độc giả đọc cả đoạn đó đi rồi coi những lời tôi hỏi vặn lại dưới nầy, sẽ thấy chỗ không rõ trong đoạn ấy.
Nói rằng bịnh không có ở ngoài mình người ta mà chỉ phát ở trong mình người ta: chữ ở ngoài mình và chữ ở trong mình đó là có nghĩa thế nào? ở trong mình tức là trong phủ tạng gân cốt chăng? ở ngoài mình là ở ngoài da thịt chăng? Nếu vậy thì sao ở dưới lại nói như là bịnh phát ra ở hết thảy chỗ đó? Còn như ở trong mình là gồm cả da thịt và gân cốt phủ tạng, ở ngoài mình là chỉ cái khoảng không bên ngoài hình thể con người ta, thì cái câu Bịnh không có ở ngoài mình người ta, chẳng là thừa ra sao? Sự đau ốm ở nơi người ta, chớ không khi nào ở giữa khoảng không, lẽ ấy còn ai chẳng biết mà phải nói!
Sáu chữ những mục lục các sách nói thình lình đem đặt vào đó, đố ai hiểu là gì! Những mục lục gì? Mà các sách nào? Lại hai chữ trong ấy cũng chẳng biết chỉ vào đâu? Nói đều ở trong ấy hết thảy câu ấy nó thừa lên nội bốn chữ gân cốt phủ tạng mà thôi, hay là thừa lên hết thảy những đầu mặt tay chưn đó? Lẽ thì thừa lên hết thảy mới phải, song nếu vậy thì sao lại dùng chữ trong ấy kề với chữ "tạng phủ ở trong" làm cho người ta có thể tưởng là ở trong phủ tạng ấy?
Rồi ở dưới đó lại nói phàm bịnh phát ra chỉ do nội thương ngoại cảm. Ngoại cảm tức là như phong hàn, thử, thấp; mà phong hàn thử thấp là cái ở ngoài mình người ta. Vậy thì sao trên kia lại nói bịnh không có ở ngoài mình người ta, mà chỉ phát ra ở trong mình người ta?
Đại để cái chỗ không rõ của tập Y thoại tùng biên như vậy đó, mà có nhiều chỗ, nên tôi không kể ra đây hết được.
Cho đến chỗ mục tự vị, - sao ông lại bắt chước ông Phạm Quỳnh mà nói sai là tự vựng? - mà cũng giải không rõ nữa. Như chữ Bệnh mà giải là: Tiếng nói chung cả không có phân biệt, thế thì còn giải ra làm gì? ý ông muốn nó đối với chữ chứng ở dưới (chữ chứng ở dưới, ông có giải là tiếng nói riêng), nhưng phép giải tự vị chữ nào phải độc lập chữ nấy, không thể như vậy được.
Cho đến trong mục Thuốc Nam có một phương chữa đi đại tiện không được lành, thì nghe ra mồ hồ quá, chẳng biết nó là chứng bịnh gì hết. Không rõ là tại ba chữ không được lành. Vả đi đại tiện bón, hay hoạt, hay tả trường, hay ra máu… đều có thể gọi là không được lành cả. Vậy thì nói như vậy, người ta biết hiểu là nói gì?
Trên đó là những chỗ tôi cho là quan hệ lắm, bởi vì nó lù mù quá, trái với cái đường đi nước bước của khoa học. Mà sở dĩ nói không được rõ như vậy, tôi không dám bảo là tại khoa y học của ông Vũ không thấu đáo tới nơi, nhưng tôi tin quyết rằng lời nói của ông hơi như khó khăn cho ông một chút, không đủ mà đạt hết ý tứ.
Lại, theo như ý tôi thì một tập sách như vầy nên chuyên về cái tánh chất học vấn, chớ không nên có một chút xíu cái ý quảng cáo ở trong. Vậy mà trong tập nầy hình như không khỏi có ý quảng cáo, ở cuối trương 24 và đầu trương 43 đó, ai đọc thì khắc thấy. Hễ là sách thì phải tránh cho xa cái tánh chất quảng cáo đi, bằng không thì mất giá trị của sách vậy.
Cũng phải nói sơ qua cách viết Quốc ngữ trong sách nầy. Tôi thấy phần nhiều thì đúng lắm, mà sao lại có những tiếng rất thông thường mà viết sai đi, hình như tác giả muốn lập dị. ấy là chữ sẻ thì viết ra xẻ, chữ nuốt thì viết ra nhuốt; điều đó rất làm hại cho cuộc chấn chỉnh chữ Quốc ngữ ngày nay.
Thôi, vài lời nói sơ qua, xin ông Vũ khi ra tập thứ hai hãy làm cẩn thận hơn chút nữa thì mới là có ích.


Phan Khôi
Trung lập, Sài Gòn, s.6452
(Phụ trương văn chương số 5, thứ bảy 30.5.1931)

© Copyright Lại Nguyên Ân 2006