ẢNH HƯỞNG NGHỊCH

Ở đời có việc xác định mà cũng có việc bất ngờ, song lệ thường những việc bất ngờ lại nhiều hơn những việc xác định vạn, thiên, bá bội. Bởi vậy những con người thành thật, biết cuộc đời là đổi thay tráo trở, biết trường đời là xao xuyến, chuyển dời, tỉ như nước giữa giòng lắm lúc bị gió dồi sóng dập, biết vậy người thành thật, chỉ lấy một cái nguyên tắc làm tiêu chuẩn: "Cứ phải mà làm, rồi nó ra sao đó nó ra" (Fais ce que dois, advienne que pourra).

Nhưng lại có một hạng người ranh con cáp-xảo (opportuniste) (*) họ hay tùy cơ ứng biến lợi dụng đủ vành. Họ chẳng khác nào như cá sanh lội nước chè hai; biết chỗ sâu mà không thể xuống sâu, rõ nơi cạn mà chẳng ưa lên cạn. Họ cứ ở nửa lừng để kiếm ăn cho dễ vậy thôi. Cái hạng người nầy, quốc dân ta mới đặt cho họ một cái huy hiệu rất thích hạp là huy hiệu "Con buôn".

Thời đây, cô bác anh chị thử đọc cái giọng văn của họ coi. "Hội chợ Phụ nữ kết quả rất tốt, thâu được đến hơn bảy ngàn đồng bạc, thế mà ba tờ báo Trung lập, Công luận, Sài thành nổi lên công kích. Họ công kích dây dưa cho đến non ba tháng mà cũng còn chưa chịu ngớt, toan vận động lập cuộc nầy cuộc khác, dầu không thành họ cũng vẫn không thối chí (sic).

Chẳng ngờ cái ảnh hưởng của cuộc công kích nầy nó lại quật lộn lại nơi người đứng ra công kích. Như cuộc ba nhà báo họ cầy cục mở ra một "Ngày thể thao", để lấy tiền giúp nạn dân miền nam Trung kỳ. Họ thận trọng tính từ con toán mà lời chỉ được có bảy cắc năm xu thôi. Hỏi tại làm sao mà lời ít như vậy? Người ta nói tại ông Trần Thiện Quý sợ bị các báo khác lại công kích mình như mình đã công kích Hội chợ Phụ nữ, nên không dám cổ động đông người đi coi cho lấy tiền được nhiều hơn. Ổng nghĩ rằng Hội chợ Phụ nữ vì thâu vô hơn bảy ngàn, nên mới bị công kích, thì bây giờ thôi, ổng thâu vô lấy bảc cắc rưỡi cho khỏi bị!"

Bạn đồng nghiệp Phụ nữ tân văn nói đúng: chúng tôi cũng biết có ảnh hưởng như ai vậy. Các báo nhờm gớm cuộc gian tham trong Hội chợ Phụ nữ mà nổi lên bài xích (bài xích là nói thanh, cũng như tiếng tục ta gọi "nhổ lông đít, phóng sanh" vậy). Trong các bạn gớm nhờm nầy có cả quý đồng nghiệp Lục tỉnh tân văn Đồng Nai nữa.

Thông Reo tôi xin hỏi lóm bạn Docteur Nguyễn Văn Nhã bên Đồng Nai: Mỗi khi ông thấy một người bịnh của ông bị phát nhiệt bởi tích đàm, ông vẫn biết cho họ xổ thế nào họ cũng phải mệt lứ lừ, mà ông có đang tay cho xổ hay không? Có lẽ ông sẽ trả lời: "Phải cho xổ cho hết đồ dơ đồ độc ở trong bụng chớ".

Chúng ta làm một cuộc "tẩy uế xã hội" dai dẳng công phạt như thế nầy, thì kẻ chịu ảnh hưởng của nó không bải hoải bần thần làm sao được. Nhưng độ nầy bịnh nhơn đã tỉnh lại. Họ biết sự làm nghĩa, cũng như sự vận động, là cần cho sự sống, nên họ cứ đua nhau làm nghĩa lại như thường. Duy nhớ được một điều nầy, là đừng để cho tích nhiệt sanh đàm, vì nguy hiểm.

Ảnh hưởng nghịch cũng có nghĩa là: Có nhiều cơ thất bại tại tiền mà là mẹ cuộc thành công sẽ đến. Có nhiều cuộc đắc thắng trước mặt mà ngấm ngầm cơ bại hoại ở sau lưng. Song đối với cái hạng "con buôn" quen thói tính phân bạc đồng tiền, thì đem cái câu "Có nhiều cơ thất bại là vinh diu trong ngần, cũng như có nhiều cuộc khải hoàn là quả nhiên tai họa" (Il y a des défaites qui sont des gloires pures, comme il y a des victoires qui sont de véritables désastres), mà nói với họ chi cho uổng tiếng, vì ở dưới biển có nhiêu chỗ vực sâu hang thẳm mà loại cá lội nước chè hai có đến đặng bao giờ.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6823 (6. 9. 1932)


 

(*) oportuniste (chữ Pháp): ngày nay thường được dịch là "những kẻ cơ hội chủ nghĩa".

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân