ĐIỀU ĐÌNH CÁI ÁN QUỐC HỌC

 

BÀI DIỄN THUYẾT

Thưa các ngài,

Hiện nay trong nước ta đang có một cuộc tranh luận về vấn đề quốc học, là cái học riêng của một nước. Nó khác với nghĩa quốc học cũ là cái nhà trường học của cả nước như xưa.

Khởi xướng ra hai chữ quốc học về nghĩa mới ở ta đây là ông Lê Dư; cãi lại rằng nước ta không có cái học đáng gọi là quốc học là ông Phan Khôi. Hai bên tranh luận ở báo Đông tây Hà Nội, thành ra một cái học án cho học giả trong nước đang bàn xét.

Tôi lấy cuộc tranh luận này thực là một cái điềm hay đáng mừng cho cõi học nước nhà. Phàm tranh luận về cá nhân, về tư lợi, đều là những cuộc tranh luận không hay và không nên có; còn những cuộc tranh luận về học vấn nghiên cứu thì càng bàn đi nói lại, chân lý càng hiển hiện ra, học vấn càng tinh tế mà có ảnh hưởng cho tiền đồ cõi học nhiều lắm.

Nhân bàn đến quốc học, luận giả thường nhắc đến học thuyết với học phái mà trách bị các học giả nước ta xưa không có học thuyết học phái. Học thuyết là những hạt giống văn minh, học phái là những kẻ đem gieo những hạt giống văn minh ấy. Nay học giả nước ta nhờ ảnh hưởng của học thuật Thái Tây cùng nước Pháp, đã biết lo đến cái gốc sự học, lo đến hạt giống văn minh, trách bị tiền nhân tức là khát vọng cho ngày nay đó. Cũng giống như ở Nhật Bản hồi cuối đời duy tân mà người ta khát vọng một cái tân tôn giáo đó. Như thế há không phải là một cái điềm hay đáng mừng cho cõi học ta dư?

Các ngài cũng như chúng tôi đây, cũng cùng là quốc dân, cũng cùng mang tiếng được sinh ở một nước cũ kỹ có học vấn, có giáo hóa lâu đời, cũng cùng có đôi chút học hành, dù ngày nay cõi học mở rộng, có người chuyên về Hán học, có người chuyên về Tây học, thế càng rộng càng hay, song đó là về hình thức, về chuyên môn cả, còn cái tri thức phổ thông của thế giới, cái tinh thần duy nhất của bản quốc thì cũng là một cả. Như thế thì gặp cái vấn đề có quan hệ đến nền văn hóa cố hữu, và có ảnh hưởng cho hậu học, đối với cái lâu đài tân học sắp đem xây tiếp vào đây, có lẽ nào mà ta không để ý xem xét đến được.

Đối với cái học án này tôi chỉ xin làm một kẻ cung chứng đem những điều sở thấy cứ thực trình bày để các học giả xét đoán, chứ tôi không thiên về bên nào. Cũng không chực làm một nhà thầy kiện để cố ý biện hộ cho cổ nhân vậy.

Nay xét đến nguyên nhân cuộc tranh luận này, thì chỉ ông Lê Dư sơ ý một chút để nên chuyện mà thôi. Nguyên ông làm trong trường Bác Cổ Hà Nội đã lâu năm, khảo cứu sưu tập được nhiều những tập văn thi nôm của nước ta, nay ông muốn đem in dần ra làm một bộ sách tùng thư thuần về bản quốc. Ông lấy việc làm như thế là nó thuộc vào một phần trong khoa quốc học như của Nhật Bản đó. Ông bèn đặt tên cho bộ sách ấy là "Quốc học tùng san". Cuốn in ra bắt đầu là "Bạch Vân am thi văn tập", trên đầu bìa có bốn chữ tên bộ sách như thế.

Ở nước ta dù đã có nhiều người biết đến cái tên quốc học về nghĩa mới của Nhật Bản này – cả tôi đây cũng vậy, tôi đã dịch đến cái tên quốc học ấy ở tôn giáo sử Nhật Bản đăng tạp chí nhiều lần – đã lâu mặc lòng, song cái công đem mà đề yết và  thực hành cho nó vào cõi học của ta là mới từ ông Lê. Công việc và thể tài để biên tập bộ sách tùng san ấy thế nào là trách nhiệm của ông. Còn cái tên quốc học mà có thể nhận làm cái tên một khoa học mà nước ta có thể có được và có thể đề xướng lên được thì là việc chung của cả cõi học trong nước, ta không thể không xét đến.

Đại phàm mới phát minh ra một danh từ về chủ nghĩa gì hay là mới thâu thái nó ở đâu mà đem đề xướng lên cho xã hội, thì phải giải thích cho rõ cái tính cách của nó ra trước. Bởi vì ngày nay thường một danh từ mà nghĩa mới nghĩa cũ, nghĩa rộng nghĩa hẹp nhiều lắm, thế mà ông Lê không giải thích cho cái tên quốc học mà ông mới dùng ấy một câu nào cả. Lại quyển Bạch Vân am thi văn tập, ông Lê giữ tính cách biên tập và tồn cổ, cho nên ông không có bình luận gì vào đấy một câu nào. Nghĩa là chỉ để cho học giả được đủ nhiều tài liệu để nghiên cứu mà thôi. Nhưng ông cũng không dặn cho người ta biết thế. Ở cái đời khoa học thực nghiệm này, trông ngoài bìa sách thấy hai chữ "quốc học" mới mẻ to tát, mở cuối sách thấy một ít lời sấm, thì ai cũng phải ngờ. Ấy vì thế nghị giả nhận sai nghĩa chữ quốc học đi mà thành lầm.

Nay xét ra nghị giả lầm vì hai cớ này: Một là không biết đến cái nghĩa quốc học đan thuần của Nhật Bản, nhân thấy ở Trung Quốc đâu đầu đời Dân quốc, có một phái nào đó xướng lên lấy sách bách gia chư tử làm quốc học để đối với Tây học đang tràn vào. Quả như lời nghị giả thì nghĩa quốc học ấy là ngoan cố khoa đại đấy, quả thế thì lầm. Hai là nghị giả không đem thời đại học thuật của nước nhà mà so sánh với xa gần, về đồng thời không chịu lượng xét cho học giới ta xưa bị những trở lực gì mà dù có ít nhiều điều biệt kiến cũng phải tiêu trầm, rồi không chịu khó bới móc trong chỗ giấy rách mà nhặt nhạnh lại, nhất diện cứ câu chấp ở đống sách bề bộn của Tàu mà kết án cho cổ nhân mình, kết luận rằng: "Nước ta không có cái học đáng gọi là quốc học". Xét ra thì ý nghị giả muốn nói về cái học chung của thế giới kia, mà gọi lầm làm quốc học đấy, chứ quốc học thì nước nào mà chả có.

Song le dù đối với cái học chung của thế giới đi nữa, như so với cụ Khổng cụ Phật cùng Đông châu chư tử thì cổ nhân ta không những không có mà lại còn là học đồ, nhưng so với bạn học cùng cái thời đại học thuật với nhau, nghĩa là so với các học giả Hán, Tống, Minh, Thanh, mà đời kêu là đại nho thì cổ nhân ta đời nào cũng có như thế đấy, chỉ vì số nhiều không biết trọng mà để trầm mai đi, thì còn lấy đâu mà thành lập lưu hành được. Chứ nếu đều thành lập lưu hành đến nay cả thì đã chả có cái cảnh tượng học thuật khủng hoảng như bây giờ.

Hiểu thấu cái tình tệ ấy của học giới ta và đã từng tỏ lòng ái tích, thật mới có ông Phan Khôi, tôi còn nhớ một số Phụ nữ tân văn năm nọ, ông có than phiền cho một cái học thuyết mới là "Tư sinh dịch hóa"  生 易  của một nhà học giả đã đăng ở Nam phong rồi, ông nói đại ý rằng giá ở nước khác thì thuyết ấy không luận hay dở ra sao, nhưng cũng thành ra một cuộc bàn luận, mà ở ta thì thôi cả. Coi đó thì biết ông thật có tâm đến học giới nước nhà mà cái lầm về nghĩa quốc học này không phải tại ông.

Cho được hiểu rõ hai điều lầm của nghị giả trên này, tôi xin bàn giải, so sánh và chứng dẫn luôn làm một bài khảo cứu như sau này, các ngài tự suy xét phán đoán lấy, chứ tôi không muốn theo cách biện luận tỉa tách từng lời, cãi vặt từng câu nữa.

Dưới đây trước tôi phân giải cho hai cái học ở trong học giới các nước ngày nay là quốc học với thế giới công học khác nhau thế nào. Rồi tiến lên xem học thuật Việt Nam đối với hai cái học ấy; về quốc học thì lấy nghĩa của Nhật Bản rồi xem Việt Nam sẽ có những gì; về thế giới công học thì trước xét ở Trung Quốc, ở Nhật Bản về đồng thời xem thế nào, rồi xét đến Việt Nam xem thế nào.

Hai cái học trong học thuật thế giới:

Học thuật các nước thế giới đến ngày nay là hoàn bị và tinh tế, song lấy quốc tính mà phân ra thì có hai loài là quốc học với thế giới công học. Quốc học là cái học riêng chỉ một mình nước ấy có. Thế giới công học là cái học chung của các nước học lẫn của nhau. Xem Á-Tuyền-Thị Trung Quốc đời Quang Tự giải sau này thì đủ hiểu. Họ Á Tuyền có dịch một quyển sách Hóa học của Nhật Bản, rồi tự viết lấy bài tựa, đầu bài tựa nói:  有 一 國 獨 有 之 學. 有 世 界 公 有 之 學. 歷 史, 地 輿, 國 文, 政 治, 法 律 等. 各 國 各 有 其 性 質. 此 一 國 獨 有 之 學 也. 自 然 界 之 學. 原 理 之 學. 世 界 公 有 之 學 也. 然 世 界 公 有 之 學 中, 亦 有 一 國 獨 有 之 學. 如 言 博 物 則 詳 於 本 國 之 所 . 言 理 化 則 詳 於 本 國 之 藝 術 物 品. 以 本國 之 材 料 佐 證 之. 以 本 國 之 文 字 記 載 之. 適 於 其 國 人 之 性 質. 如 是 則 雖 世 界 公 有 之 學. 而 寔 為 一 國 獨 有 之 學. − Nghĩa là: Có cái học độc hữu của một nước, có cái học công hữu của thế giới. Như lịch sử, địa lý, quốc văn, chính trị, pháp luật, v.v.; nước nào có tính chất của nước ấy, ấy là cái học độc hữu của một nước đó. Như học về tự nhiên giới, học về nguyên lý, ấy là cái học công hữu của thế giới đó. Song trong cái học công hữu của thế giới, cũng có cái học độc hữu riêng của một nước. Như về vật lý thì nói tường đến những cái sở sản của bản quốc hơn. Về lý hóa thì nói tường đến những nghệ nghiệp phẩm vật của bản quốc hơn; rồi đem những tài liệu của bản quốc mà chứng tá, lấy tiếng chữ bản quốc mà ghi chép, cho nó thích hợp với tính chất của người nước mình. Ấy như thế thì tuy là cái học công hữu của thế giới mà thực là cái học độc hữu của một nước.

Họ Á Tuyền gọi cái học độc hữu của một nước, tức tôi gọi là quốc học, và gọi cái học công hữu của thế giới, tức tôi gọi là thế giới công học đó. Cứ ý họ Á Tuyền thì không những cái học riêng như lịch sử, văn tự, v.v., là quốc học đã đành, mà đến những cái học chung như về tự nhiên, về nguyên lý, đã gọi là của chung thì dù tự mình sáng ra, dù tự người ta sáng ra cũng là của chung cả. Của chung đấy nhưng hễ đem quốc sản, quốc văn mà biến hóa giải thích cho hợp với tính chất người trong một nước được, như khoa học ta mà phân chất về con rươi, con ruốc, cái lá vối, v.v., thì là của riêng. Tức là quốc học. Song quốc học này là về nghĩa rộng, tôi chỉ bàn quốc học về nghĩa hẹp để đối với thế giới công học là hai mà thôi.

Coi đó thì biết quốc học tức là cái học bất dịch, chỉ một nước ấy có, chỉ người nước ấy cần phải học, hoặc là chỉ người nước ấy mới có thể học thâm thấu được, còn nước khác không có, người nước khác không cần phải học, hoặc là có học cũng không thâm thấu được. Đến như thế giới công học thì là cái học của chung, là cái học biến dịch, nghĩa là tùy thời mà đổi mới, tùy thời mà khứ thủ không nhất định được.

Ví như một người, quốc học là phần bản thể, thế giới công học là phần bồi dưỡng. Bản thể thì cần phải nuôi cho lớn khôn khoẻ đẹp ra mà không bỏ và thay chỗ nào được, nếu bỏ hay là thay chỗ nào thì là bất cụ, quá thì chết. Còn bồi dưỡng thì nếu nhà có thì chớ bằng có mà thiếu, hoặc có mà xấu, hoặc không có đi nữa thì cứ lấy ở ngoài. Song phải tùy theo tuổi tác mà nuôi cho dễ tiêu hóa. Nếu còn bé mà đã cho uống rượu, lớn rồi mà còn mớm cơm, hoặc bo bo chỉ cậy ở những đồ ôi của hủ của nhà, thì lại càng là cái hại cho bản thể.

Xem thế thì về thế giới công học, thiếu đâu cứ cầu ở ngoài, đã hủ rồi thì cứ cải lại, hoặc khử cả đi, hoặc phát kiến thêm ra được để đóng góp với đời càng tốt. Đến như quốc học thì phải có sẵn cả rồi, là cũ kỹ tích lũy chứ không phải là mới. Hoặc có nhãng bỏ thì nay đem ra, có tản mát thì nay thu tập lại, chứ không phải đi chuốc ở đâu đem vào được.

Ấy tính cách, tinh thần đại đồng của hai cái học các nước ngày nay khác nhau là thế. Lấy bản thể với bồi dưỡng mà ví thì hai cái không thể lìa nhau ra được. Bản thể phải cần có bồi dưỡng, mà bồi dưỡng có hợp với tính chất của bản thể mới có công hiệu tốt. Lấy địa vị mà chia thì quốc học là địa vị chủ nhân, là bản thể bất dịch, nhưng phải khiêm cung và thụ giáo; thế giới công học là địa vị thầy bạn, là bồi dưỡng biến dịch, được tôn sùng mà phải tùy chủ. Ấy hai cái học quan hệ với nhau là như thế.

I- Về quốc học

Tuy nhiên, trong học giới người ta cũng mới lược phân ra làm hai cái học là quốc học với thế giới công học như đã nói ở trên, cho học giả biết quy nạp vào chủ nghĩa bản quốc mà thôi. Thực ra thì như các nước Âu Mỹ đối với hai cái học ấy đều hoàn bị tinh vi lắm rồi, mà cũng không có đâu phân hẳn ra làm một chuyên khoa gọi là quốc học; phân hẳn ra như thế chỉ có Nhật Bản đã từ ước hơn trăm năm nay. Nay xét ra cũng là vì quốc học của họ bấy giờ đối với thế giới công học thì còn bị kém hèn ẩn khuất mà mới phải xướng lập lên đó thôi. Thế cho nên tính cách và tinh thần của quốc học Nhật Bản nó lại còn ngộ nghĩnh và hay ho hơn là của Á Tuyền thị đã giải gọi là cái học độc hữu như trên ấy. Nay muốn biết tính cách tinh thần của quốc học nước ấy, phải hỏi đến lịch sử và nguyên nhân phát minh ra nó.

Nhật Bản là một đảo quốc cách biệt với cõi đại lục Á Đông, cổ thời ít tiếp xúc, xung đột với người ngoài, nên dân tộc vẫn giữ được bản tính giống như quốc thể. Tổ truyền có một cái quốc giáo nói: Vua Quốc tổ Thần Vũ thiên hoàng là thiên thần xuống khai thác cõi tam đảo mà lập quốc cho Nhật Bản, cũng giống như thuyết họ Hồng Bàng con tiên cháu rồng nước ta. Thì từ đó về sau chỉ một họ nhà vua Thần Vũ được làm vua và chủ tế thiên thần mà thôi; còn thần dân không ai được ngấp nghé vào đấy. Cổ truyền cũng có thứ chữ hòa văn, nhưng cách viết bất tiện, nên chưa có văn học văn hóa gì, đại khái như chữ của người thổ thượng du ta vậy. Nhưng về đường vũ công thì đã khá. Đến trung cổ, ngang đời Lưỡng Tấn Trung Quốc, Nhật Bản đánh được Triều Tiên mà Nho giáo Phật giáo của Trung Quốc do Triều Tiên truyền vào, nước mới có văn học văn hóa từ đó. Song cũng từ đó các phiên thần tranh nhau tiếm quyền mà vương chính suy đi. Lại đến cận cổ, ước vào giữa đời Lê Trịnh nước ta trở đi, Tướng quân họ Đức Xuyên dẹp các phiên, thu toàn quyền, lập lên Mạc Phủ như vương phủ chúa Trịnh, Thiên hoàng chỉ còn hư vị mà thôi. Tế chủ thì vua Lê, chính quyền thì chúa Trịnh không khác gì.

Họ Đức Xuyên từ Gia Khang đến Khánh Hỉ hơn hai trăm năm thì tiếp sang thời duy tân mới đây đó. Gia Khang dẹp yên các phiên rồi xếp việc vũ, tu việc văn mà văn học mới hưng thịnh hơn trước. Nho với Phật chiếm cứ cả cõi tư tưởng của người trong nước. Song Nho thì ấp tốn chinh tru, thay triều đổi họ, Phật thì xuất thế, đều có bất lợi cho quốc thể của họ, họ lấy làm lo. Bấy giờ có người mới xướng lên đem quốc giáo thần đạo, quốc sử, (mà quốc sử đến bấy giờ cũng mới đủ) hòa văn, cổ điển hợp làm một môn học gọi là quốc học, để đối với Nho học Phật học mà không quên quốc túy vậy. Cho nên sử chép: « Bản Cư Tuyên Tràng xướng ra quốc học   本 居 宣 長 能 言 國 學 ».             Ấy cái danh từ quốc học nghĩa mới mới xuất hiện ra học giới Nhật Bản từ đó. Từ đó về sau mấy món cốt yếu của quốc học, người ta tìm thêm mãi ra. Thần đạo thì mượn nghĩa lý của Nho Phật mà nhuận sắc vào. Cuối đời Đức Xuyên có Bình Điền Đốc Giận  平 田 篤 胤  phát huy cổ nghĩa ra mà nói rằng: "..... Thiên hoàng là hiện thế nhân thần  天 皇  為 現 世 人 神   thì tế với chính phải là một chỗ  則 自 當 祭 政 一 致 . Nay nhà làm tôn giáo sử gọi lối thần đạo này là quốc thể thần đạo có chép rằng:  國 學 者 復 唱  此 國 體 神 道,  以 尊 崇 古 典, 景 仰 建 國   年 之 祭 政 一 致. Bọn quốc học lại xướng ra lối quốc thể thần đạo để tôn sùng cổ điển, nhớ mến phép "tế với chính một chỗ" là cái phép từ thủa mới dựng nước khi xưa. Cũng nhờ đó mà kết quả giúp cho vua Minh Trị được phục chính, thành được nghiệp duy tân. Người Nhật Bản nay thâu thái văn hóa Thái Tây làm nên phú cường mà vẫn giữ được quốc tính quốc hồn cũng lại nhờ có khoa quốc học ấy nó thường thường hoán tỉnh vậy.

Xem thế thì người Nhật bấy giờ họ sở dĩ xướng lập ra khoa quốc học là đem những cái cố hữu tầm thường mà cốt cách của tổ bang từ thiên cổ ra, đánh thức cho bọn quốc dân bập bẹ "Tử viết, Thi vân", "bát-nhã ba-la-mật" kia, đối với cái học chung thế giới ấy mà nhớ có mình, nhớ vì mình mà học. Tức là dựng chủ nhân dậy, đứng hẳn ra ngôi đồng đạo mà tiếp rước lấy hai đại sư Nho Phật vào mà giáo hóa cho con cái, chứ không phải đưa chủ nhân ra để chực đóng cửa cài then không cho sư tân tới nhà, hoặc là chực giở lối chữ nghĩa cùn để đối chọi với thầy, thì lại càng ngăn trở sự thụ giáo cho con cái.

Muốn cho rõ cái ý ấy hơn nữa, tôi xin mượn lời chủ nhân là quốc học, bố đẻ của cậu học trò là quốc dân Nhật Bản bấy giờ, nói với hai ông thầy học của con là Nho với Phật như sau này, cho thêm vui:

"Kính phu tử, bạch thế tôn, vì tôi đây hâm mộ giáo hóa của phu tử cùng thế tôn mà mời hai ngài về đây để dạy bảo cho cháu. Nhưng nhà tôi đây tổ tông truyền dõi giữ chỗ hải đảo tốt đẹp này. Một dòng chất phác, trung hậu mà khí khái, đã thành lề thói, đã có thể thống nhất định. Vậy xin ngỏ cùng phu tử với thế tôn, thế nào là hiếu trung nhân nghĩa, thế nào là trí tuệ từ bi, xin phu tử với thế tôn cứ tự do hết lòng mà đào tạo cho cháu. Nhưng chỉ xin hai ngài ngó tới cái gia truyền của nhà tôi trên kia mà liệu cảm hóa cho cháu. Cháu được thành tài đạt đức, đua ganh với đời mà hằng biết nghĩ đến tôi. Ấy là tôi cám ơn phu tử với thế tôn".

Ấy địa vị, tính cách, tinh thần của quốc học Nhật Bản đại khái có đan thuần như thế thôi.

Cho nên từ xưa đến nay, Nhật Bản không những nhờ văn hóa của ngoài để khai hóa, mà lại nhờ đến cả nho giả, tăng đồ của Tàu cũng nhiều. Thế mà nói đến quốc túy, họ vẫn ra vẻ tự tôn, tự đắc mà mê tín nữa. Tựa hồ như họ cho rằng về phần ấy có như thế mới thú. Đây tôi xin trích một đoạn văn kết luận sách Nhật Bản sử của Cương Bản Giám Phụ đời Minh Trị, cho biết giọng văn quốc sĩ nước ấy. Ông soạn bộ Vạn quốc sử, đặt Nhật Bản sử lên đầu rồi kết luận rằng:  « 若 夫 民 間 孝 子 義 俁 貞 婦 之 類 甚 多. 其 人 莫 非 乘 此 心 而 行 者. 獨 中 古 文 學 之 士, 不 得 其 人, 則 為 可 憾, 然 古人 忠 厚 成 性, 發 於 其 言 者, 斐 然 成 章, 莫 非 至 文, 視 之 後 人. 競 於 辭 藻, 未 可 同 年 而 語 也, 後 人 走 弄 筆 墨, 譬 詣 錦 囊 盛 糞, 何 足 貴 哉. 要 之 我 邦 忠 厚 風, 惊 于 祖 宗, 深 仁 厚 澤, 淪 其骨 髓, 而 學 問 則 其 次 也. 方 今 皇 運 中 興, 克 復 . 興 萬 國 交 通, 取 其 所 長, 文運 大 興, 其 禪 盆 民 生, 有 過 前 古, 苟 不 修 寔 德 而 專 事   , 則 恐 有   感 眾 暴 行 踵 起. 將 至 現 黑 暗 世 界 夜 叉 政 府. 可 不 畏 乎 哉. Còn như những hạng con hiếu, vợ trinh, đầy tớ có nghĩa ở dân gian nhiều lắm, ai là không theo ở cái lòng phú bẩm chung kia mà làm. Duy có đời trung cổ, không được một người nào là hạng văn học thì cũng đáng ân hận. Song cổ nhân tính quen trung hậu, nói ra lời nào là có cái ý hay tự nhiên, đều là những văn chí lý đó. Đem mà so với những thứ văn đời sau họ đua nhau viết cho hoa mỹ, thì còn hơn biết bao nhiêu. Vì rằng người đời sau họ chỉ khua múa bút mực, khác gì túi gấm mà đựng nhơ, còn quý gì. Rút lại là cái phong trung hậu của nước ta từ tổ tông truyền lại, đức sâu ơn nặng thấm vào cốt tỉ nhân dân, mà sự học vấn còn là phần sau vậy. Đương nay Hoàng vận trung hưng, đem lại nếp cũ, nước ta cùng vạn quốc giao thông, học được cái sở tràng của người ta, mà văn vận được nên rất thịnh, giúp ích cho dân sinh, hơn tiền cổ nhiều. Nhưng nếu không tu lấy thực đức mà chỉ chuyên làm hư văn thì e bị lời tà làm mê hoặc lòng người, nết hư nổi lên, sẽ đến hiện ra một thế giới hắc ám, một chính phủ ma quỷ, thì đáng ghê đến đâu.

Ấy là lúc đã làm nên được cái sự nghiệp duy tân, thâu thái được cái văn minh mới rực rỡ rồi đó, mà lời nói suy trước nghĩ sau, trong chỗ dở biết hay, trong chỗ hay biết dở, nơm nớp có, ngông nghênh có như thế. Thật đáng đại biểu cho cái tinh thần quốc học của họ.

Ấy quốc học chỉ có thế thôi thì nước nào mà chả có, mà chả nên đề xướng lên. Dẫu đến Ai Lao, Cao Miên cũng vậy, phương chi là Việt Nam ta. Còn như Trung Quốc tuy là nơi tổ tích học vấn cùng văn minh cũ của Á Đông thật, song nay cũ rồi, nếu có phái nào đó mà muốn đề xướng quốc học tưởng cũng chỉ nên nhận những phần độc hữu, phần bản chất, phần chủ nhân bất dịch để làm một chuyên khoa nghiên cứu, thời thường tỉnh thức cho bọn con em tân học mà thôi. Còn như các cụ Đông châu chư tử thì cũng phải mời cả các cụ ra cùng với các cụ Tây phương ngồi ghế sư tân để chủ nhân còn lựa lọc. Chứ mà ôm đồm hàm hỗn cả lại để khoa đại, ra điều ta đã có sẵn đủ cả các cái học hay lắm rồi đây, thì lại càng làm tự tế thông minh cho con cháu.

Nghĩa quốc học Nhật Bản đại yếu là như thế. Các nước khác tuy không biệt quốc học ra làm chuyên khoa, song trong học giới của người ta thì quốc học vẫn hoàn bị phát đạt làm chủ cho thế giới công học rồi, dù chẳng xướng lập ra nữa cũng chẳng hại gì. Duy Việt Nam ta mấy nghìn năm nay, không những quốc âm chưa được làm tiếng phổ thông học vấn, mà đến quốc sử cũng chưa được làm sách phổ thông ở học đường bao giờ. Vậy bây giờ đề xướng và biệt ra làm một khoa để nghiên cứu riêng cũng là cấp vụ vậy. Nếu mà có làm thì công việc tưởng bất ngoại những nguồn như sau này: Quốc sử, quốc văn, quốc thần, địa dư chí, cổ điển, ngạn ngữ, ca dao và văn thi.

Quốc sử. - Phần này là gốc quốc học, nước ta trước đã có những truyện khẩu truyền về đời Hùng, đến đời Trần mới có sách quốc sử thì quốc học phục hưng từ đó. Phần này thì phong phú lắm, các sử ký, liệt truyện, gia phả và bi ký đều là tài liệu. Song lối sử cũ còn khuyết điểm nhiều, nay phải sưu tập mà chép làm lối dân sử đủ những dấu tiến hóa hưng suy của một dân tộc.

Quốc văn tự. - Tức là ngữ ngôn văn tự là cái gốc của cõi học một nước, nhất là về quốc học. Kể ra thì ta thí nghiệm dùng quốc âm làm sách học từ Hồ Quý Ly, trước nước Pháp hơn một thế kỷ mà nay chưa thành lập. Vậy phải làm sao cho chóng có những sách  tự điển có giá trị.

Quốc thần. - Những vị thần từ Hùng triều trở xuống, nào quốc tổ, nào vĩ nhân cùng những vị có công đức bất hủ với dân với nước, tra cứu dấu cũ, ghi chép sự tích, cải lương cách thờ cúng cho quốc dân biết cách sùng bái kỷ niệm mà tín ngưỡng phải đường.

Địa dư chí. - Biên chép đủ các nơi danh thắng, các chỗ bờ cõi thành phủ cùng danh hiệu duyên cách từ xưa đến nay.

Cổ điển. - Chính trị của lịch triều, chế độ của xã hội, phong tục của dân gian, trong chỗ lưu tệ hủ bại cũng còn có nhiều cái hay khác với của Trung Quốc, nên sưu tầm ra.

Ngạn ngữ phong dao. - Phần này vừa là cái kho tự điển văn luật, vừa là một pho kinh điển của cả một dân tộc kinh nghiệm hoặc sở đắc, về luân lý, về phép hành vi, về mỹ cảm, tích lũy lâu đời mà truyền khẩu còn lại. Suốt dân gian trẻ già nam nữ, không ai không nhớ ít nhiều, không ai làm việc gì, nghĩ điều gì, nói câu gì mà không viện lấy làm điển cố khuôn phép. Trừ những câu tả tình tả cảnh thuộc về giọng thơ ra, còn phần nhiều là những câu cách ngôn hay là học thuyết bằng vận ngữ mà rất tinh túy lắm. Tưởng ít nước có được một thứ cách ngôn không sách mà phổ cập đến như thế. Cũng có đủ những câu về cái học riêng và những câu về cái học chung. Những câu về lịch sử, địa dư, phong tục là về cái học riêng một nước. Những câu về luân lý, đạo đức là về cái học chung thế giới. Đan cử như mấy câu sau này, xin đọc để các ngài nghe, để cho câu chuyện về học vấn khỏi nhạt.

1. - Ai lên Phố Cát Đại Đồng,

Hỏi thăm cô tú có chồng hay chưa

Có chồng năm ngoái năm xưa

Năm nay chồng vắng như chưa có chồng.

Phố Cát, Đại Đồng hai nơi ở Tuyên Quang, đời Lê gọi con gái chưa chồng là tú nữ. Đây là bài phong dao tả về ông Vũ Duy Mật giữ Tam Tuyên chống với nhà Mạc mà tìm vua Lê.

2. - Kéo quân qua cửa Hùng quan,

Chim muôn tiếng hát hoa ngàn hương đưa.

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,

Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai.

Hùng Quan là một cửa ải ở Tuyên Quang, đây là ông Vũ Duy Mật kéo quân đi đánh Mạc mà nhớ vua Lê.

3. - Chém cha cái giặc chết hoang,

Làm cho thiếp phải gánh lương cho chồng.

Gánh ra xứ Bắc xứ Đông,

Đã gánh cho chồng lại gánh cho con.

Đây là bài thơ chinh phụ ở về đời Lê Trịnh. Xứ Bắc xứ Đông về Hậu Lê tức bây giờ là tỉnh Bắc Ninh tỉnh Hải Dương. Bấy giờ đời Lê mạt, một vùng Đông Bắc có tướng Tuyển, tướng Hẻo nổi đánh chúa Trịnh, loạn vừa to vừa lâu. Lính Thanh Nghệ là thân binh của chúa Trịnh phải chuyên đi đánh dẹp, gọi là lính đường trong, lương nước không đủ nhà phải cấp thêm. Mụ này trước gánh lương cho chồng sau lại gánh cho con là hai đời kế nhau ra lính. Mụ này từ lúc má hồng cho đến khi đầu bạc, trèo đèo lặn suối, xông pha vào chỗ lửa binh để gánh lương đến cấp thêm cho chồng cho con là hai mối thâm tình đương hy sinh vì việc nước. Tưởng trong đời ít đâu có bài ca chinh phụ đến bi tráng như thế. Thơ tiễn người lính đi trận của Tàu mà đến "  哭 聲 直 上 于 雲 霄     khốc thanh trực thướng vu vân tiêu" = Tiếng khóc van động đến mây xanh". Lại:  生 女 猶 得 嫁比 鄰, 生  男 埋 沒 同 芳草    sinh nữ do đắc giá tị [bỉ] lân, sinh nam mai một đồng phương thảo = Sinh gái gả gần hàng xóm nọ, sinh trai vùi ở nội hoang kia". Thế thì còn có khí phách gì nữa!

Ba bài trên ấy là về cái học riêng đó; còn cái học chung thì như:

1. Khôn sống mống chết, mạnh được yếu thua.

Ấy là cái nghĩa sinh tồn cạnh tranh, ưu thắng liệt bại về cái học thiên diễn đấy.

2. Ép dầu ép mỡ, ai nỡ ép duyên.

Ấy là cái nghĩa về nam nữ tự do tuyển trạch đấy.

3. Bé chẳng vin, cả gẫy ngành.

Ấy là cái nghĩa gia đình đồng ấu giáo dục đấy.

4. Học cho cách vật trí tri,

Văn chương đạo đức điều gì cũng thông.

Ấy là cái chương trình cầu học ngày xưa, mà đến ngày nay lại càng thích hợp hoàn toàn lắm. Cách vật trí tri là khoa học. Trước phải có cái tri thức về khoa học thì sự suy biết mới có căn cứ, rồi đến văn chương đạo đức điều gì cũng phải thông. Giáo dục mà đến như thế là hoàn bị chứ gì. Thế thì người nào đặt bài này, đem cách trí lên đầu cho chương trình học vấn như thế, không phải là tinh lắm ru? Vậy thì ngày nay các ông đồ tây đồ nho mà công kích khoa học ấy là trái với quốc túy đó.

Trong ngạn ngữ phong dao của ta đại khái như thế nhiều lắm, thật là quý, thật là lạ. Trước không có sách, chỉ truyền khẩu. Nay đã nhiều người biên tập in ra phong phú lắm, thực cũng có công. Song truyền khẩu lâu ngày nên sai xuyển, xâm tạp vào nhiều lắm. Nay cần có một thứ sách chọn lấy tinh túy mà chú giải ra thì mới được.

Văn thi cũ. - Có tiếng nói hay, mới có văn thơ hay, mà văn thơ càng phát đạt thì tiếng nói lại càng thêm tinh túy. Văn thơ nôm cũ của ta kể cũng đã thịnh. Nhất là các thơ ca lại nhiều lối và tràng thiên lại dài hơn của Tàu nhiều. Nay phải sưu tầm ra cho hết, mà biện chính lại cho tinh.

Trước đây mà giàu cái tư tưởng về quốc học thì có Lê Quý Đôn, hiệu Quế Đường. Không những ông làm sử ký, sưu tập văn thơ của tiền nhân ta mà chép ra thành sách riêng. Ông lại còn viết một bộ Kiến văn lục, chép đủ những sự lặt vặt, nào văn hóa chế độ Lý Trần, nào địa dư, thổ sản, thổ hóa, văn thơ, thần t, nhân vật của nước ta, hoặc tìm ở di thư, ở bi ký, hoặc ông tìm ở sách Tàu, có nhiều chỗ người Tàu tán dương nước ta, ông đều lục ra để biểu dương văn hóa nước nhà. Nhất là sách Sứ Giao châu tập của Trần Cương Trung nhà Nguyên sang sứ nhà Trần là lúc nam bắc đã bãi binh rồi, khi về Tàu thì Trần Cương Trung viết thành tập thơ ấy, những chỗ chú thích nói đủ văn hóa chế độ nhà Trần. Trần Cương Trung tưởng lại lúc còn ở An Nam mà hú vía, có một bài thơ đề là Sứ hoàn tức sự                       使 還 即 事 tả về những sự lo sợ. Xin trích hai câu ra đây để làm chứng: "金 戈 影 裏 丹 心 , 銅 鼓 聲 中 白髮 生"                    Nghĩa là thấy bóng giáo vàng bụng khổ thay, nghe tiếng trống đồng đầu bạc hết. Bài thơ đó tuy không phải là tài liệu quốc học ta, nhưng xem đó thì biết những dấu cũ của ta, còn có thể tìm ở sách bên Tàu được nhiều nữa.

Nay muốn biết cái tinh thần của văn hóa chế độ Lý Trần thế nào, nên đọc những lời chỉ dụ của hai vua nhà Trần như sau này.

Đời Minh Tôn hoàng đế, các quan triều là Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh muốn thay đổi chế độ theo Tàu. Ngài nói: "Nam bắc khác nhau, quốc gia ta đã tự có hiến chương riêng rồi,     家 自 有 成 , 北 各 異 ".

Đời Nghệ Tôn hoàng đế ngài thường nói: " 先 朝 立 國,自 有 法 度, 不 遵 宋. 蓋 以 南 北 各 帝 其 國, 不 相 襲 也. 大 治 間 書 生 用 事, 不 達 立 法 微 意, 乃 舉 祖 宗 舊 法 恰 向 北 俗 上 安 排, 若 衣 服 樂 章 之 纇. 不 可 杖 舉. 故 初 政 一 遵 開 泰 例" Nghĩa là tiền triều ta lập quốc đã tự có pháp độ riêng chứ không theo của nhà Tống. Bởi vì nam bắc đều tự chủ lấy nước mình, không nên phóng chép của nhau. Duy từ niên hiệu Đại Trị (đời Dụ Tôn), nhân bọn thư sinh chấp chính, họ không hiểu cái ý sâu lập pháp của tổ tôn, bèn đem cả phép cũ mà đổi dựa theo như tục Tàu, như là những việc về y phục, ca nhạc, còn nhiều việc khác nữa. Vậy từ nay việc chính trị buổi đầu nhất thiết phải tuân theo về điển lệ năm Khai Thái (đời Minh Tôn trước Dụ Tôn).

Coi đó thì biết văn hóa Lý Trần khác với của Tống, mà cái sự nghiệp Lý Trần không phải là ngẫu nhiên đâu.

Tôi lược bàn mấy mục về quốc học như trên, nếu nay muốn mở học viện thì phải ở nhà nước hoặc một đoàn thể lớn. Còn muốn ra báo chí, tùng thư, mở phòng biên tập, khảo cứu, ra sách lẻ thì học hội nhỏ hoặc cá nhân tự làm lấy được. Cách sau này thì gần đây người ta cũng đã nhúc nhắc làm, như những hội những người làm tự điển, làm sử ký, làm địa dư chí, tập phong dao ngạn ngữ, vân vân. Những việc nghiên cứu biên tập ấy không phải là quốc học dư? Những người ấy không phải là Hán học giả, Tây học giả mà kiêm làm quốc học giả đấy dư? Những người biểu chương tinh thần quốc âm, chủ trương giáo dục phổ thông bằng quốc ngữ, há không phải là những người biết chăm đến cái gốc quốc học dư? Chỉ vì chưa biết đề yết hai chữ quốc học lên và việc làm chưa có chương trình thống hệ gì đó thôi.

II - Về thế giới công học

Muốn biết công phu học vấn về thế giới công học của người Việt Nam xưa thế nào, trước phải biết trình độ khai hóa của người Việt Nam trước khi chịu cái học của Trung Quốc thế nào đã.

Phàm một dân tộc mà chịu một cái học mới nào ở ngoài truyền vào thì tự mình phải có một cái trình độ đã khai hóa thì mới chóng nhập diệu được. Nay xét hai việc bang giao của người Việt Nam chép ở sử Trung Quốc về thượng cổ là đời Đường Nghiêu và đời Tây Châu, thật là những cuộc thám hiểm rất mới mẻ mà vẻ vang của ta ở trên lịch sử giao thông Đông Á.

Đây nói về cuộc giao hiếu với Tây Châu. Bấy giờ đường từ ta sang Tàu còn cách nhiều rợ chưa hóa với Tàu, cho nên sứ giả ta phải dịch tiếng đến ba lần. Lại còn nhiều chỗ đất còn bỏ hoang chưa có lối thông cù, cho nên lúc sứ giả ta về phải quên đường, Châu công phải tặng cái địa bàn để làm hướng đạo. Người Tàu lại từ tạ là không biết mình, không muốn nhận lễ, sứ giả ta phải dẫn lời tiên tri trong nước là vì mến thánh nhân mà đến – Bấy giờ nói thánh nhân cũng như bây giờ nói văn minh.  Thế thì việc đi đó có phải là sợ uy mà vào đâu, chính là vì quan sát văn minh mà đến đó chớ. Mà đời Tây Châu của Tàu thì văn minh hoàn bị sớm nhất thế giới thật. Nếu không thì tội vạ gì mà lần mò một cách gian hiểm như thế. Tất là bấy giờ người Việt Nam ta cũng đã có một cái văn hóa riêng mà dân trí khai thông hầu ngang với Tàu rồi. Tức là một đoạn lịch sử Hùng triều đó. Chỉ vì sau này bị đồng hóa với Tàu mà tiêu ma mất hết của mình đi đó thôi.

Cũng vì nhờ có một dân tộc đã sớm khai thông như thế, cho nên kế sau hồi đó, Triệu Vũ đế mới nhờ mà nhất đán lập ngay lên một đế quốc; Trưng N vương mới nhờ mà thu phục lại được một vương quốc. Hán học giả thì bọn Lý Cầm đời Bắc thuộc sức học đã ngang với người Tàu, nên mới viện lệ mà được bổ làm quan triều quan quận ở trung châu Tàu. Coi đó thì đủ biết, nếu người mình trước kia mà còn dã man vị hóa như sử Tàu nói về đời Tích Quang, họ phải dạy cho mới biết cày cấy, mới biết cưới vợ lấy chồng, thì làm thế nào mà có được những cái hiệu quả tiến hóa chóng như trên kia được.

Bây giờ nói đến cái kết quả về Hán học trong thời đại hơn hai nghìn năm nay. Muốn biết cái bằng tốt nghiệp về Hán học của cậu học sinh Việt Nam xưa thế nào, trước phải biết cái thời đại học vấn ấy của cả thế giới bấy giờ thế nào đã. Việt Nam ta thâu thái học thuật cùng văn hóa của Trung Quốc từ bắt đầu đời trung cổ cho đến gần đây, hơn hai nghìn năm chính là cái thời đại học thuật đình trệ của cả toàn thế giới.

Văn minh thế giới còn truyền và thịnh đến nay có văn minh Á Đông, văn minh Ấn Độ và văn minh Âu châu. Xét đến uyên nguyên học thuật thì mới có bốn xứ là đất phát sinh, tức là Trung Quốc, Ấn Độ, Hy Lạp ngày xưa và Anh, Pháp ngày nay. Sự tiến hóa thì có ba thời đại gián đoạn nhau là thời đại phát đoan, thời đại đình trệ và thời đại phục hưng hay là tân sáng.

Thời đại phát đoan về thượng cổ: Trung Quốc có Đông Châu chư tử, vừa đạo học vừa khoa học mà chú trọng về đạo học. Ấn Độ có Bà La Môn với Phật thuần về đạo học. Hy Lạp có Chư hiền đạo học với khoa học riêng nhau.

Thời đại đình trệ về trung cổ. Các cái cổ học mới phát đoan của đời thượng cổ khắp thế giới đều bị đình trệ cả, sẽ nói tường ở dưới này.

Thời đại phục hưng nối lại cái mối thừa của cổ học  Hy Lạp, tức là phái tồn nghi (hoặc nghi) của Descartes nước Pháp và phái thực nghiệm của Bacon nước Anh. Rồi từ đó các nước Âu Tây, Mỹ Bắc mới đua nhau tìm kiếm mãi ra cho đến nay, đã mỹ bị nhiều lắm. Tuy nói là phục hưng mà thực hầu hết là tân sáng. Cho nên cũng gọi là thời đại tân sáng. Nay thì có cái thế làm hướng đạo sư để phục hưng và tân sáng cho cả các học thuật các nước trong thế giới.

Nay đã biết thời đại học thuật của Việt Nam ta xưa chính là lúc học thuật đình trệ của thế giới, vậy có so sánh gì về bấy giờ không nên lầm sang thời đại khác.

Sở dĩ một thời đại ấy mà cả học thuật thế giới bị đình trệ như thế là vì Âu châu thì bị tôn giáo làm mờ ám mất cái cổ học của Hy Lạp đi, nên sử đã gọi là thời đại hắc ám. Ấn Độ thì Phật giáo đã di cư sang Á Đông. Á Đông thì nào là đế chính thống nhất, phá liệt quốc làm quận huyện từ đời nhà Tần mà không còn cái thế đua tranh nhau về tài trí nữa. Nào là Nho học được độc tôn bãi bỏ bách gia đi từ đời Hán Vũ đế, mà không còn cái phong trào đua tranh nhau về học phái nghiên cứu nghĩa lý nữa. Lại nào là cái học khoa cử từ đời Hán xuống đời sau càng ngày càng thịnh về hư văn; học chế thống nhất, văn thể thống nhất, nó làm thúc phọc cả học vấn tư tưởng mà khiến phải cùn cặn đi. Ấy là những cớ làm trở lực cho sự tiến bộ của học thuật Á Đông đời ấy đó. Vì thế mà học thuật đời ấy không những không vượt hơn được người trước, mà lại không phát minh hết được những cái hay của người trước ra. Cuộc đời không tiến tất phải thoái, cho nên cũng lại vì thế mà những cái ngụy học tà thuật nó thừa cơ đua nhau thịnh lên từ đời Hán mà làm mê hoặc cho đời, che ngăn chân lý, đến nay chưa hết hại. Như Nho thì bói toán, vận số, Lão thì thần tiên, đồng bóng, chiêm nghiệm, bùa cúng, đều vin vào cái thuyết "âm dương, ngũ hành" mà bịa tạc mãi ra. Phật thì có phép thần thông từ Ấn Độ đem lại. Những kẻ ngu mê không kể, đến như Chu Hy đời Tống thường nói cách trí mà bàn hình thể châu Ký là chốn cổ đô còn tin phong thủy mà nói tay long tay hổ, thì ai mà không. Cho mới biết cũng là một cái lầm chung của cả một thời đại vậy.

Tuy nhiên đem cổ học Á Đông mà so với cái tân học mỹ bị ngày nay thì còn khuyết điểm nhiều, song cái gốc của nó là Nho với Phật thì vốn cao minh mà thực tế, cho nên dù thời đại đó, nó có bị trở lực gì thì cũng chỉ là không tiến hóa lên được mà thôi, chứ những cái tinh thần đã thực hành ra cho nhân quần xã hội lúc đó cũng còn được nhiều cái hay lắm. Nói thực tình thì chính nhờ nó đã gây cho xã hội Đông phương được một cái nền móng vững vàng rồi, nay chỉ có việc trừ bỏ cỏ gai mà xây cao cái lâu đài tân học lên thôi.

Ấy cái thời đại học thuật của thế giới về trung cổ là như thế, của Á Đông lúc ấy là như thế. Bây giờ thì bạn đồng học với ta ở trường Đông phương học đã đều tốt nghiệp cả rồi, cái trình độ ra trường Tây phương học là do ở công phu học cũ. Vậy nay muốn định cho biết cái bằng tốt nghiệp của cậu học sinh Việt Nam ở trường Đông phương bấy giờ cao thấp thế nào, trước phải xem xét hai cái bằng tốt nghiệp của bạn đồng môn bấy giờ là cậu học sinh Trung Quốc với cậu học sinh Nhật Bản thế nào, thì mới có mực thước mà định được. Nghĩa là phải xem bạn đồng học với ta họ đã dụng công về đường học vấn đối với trong các bản phái bấy giờ được những gì.

1. Về Trung Quốc. - Các đấng tiên triết lập nên các học phái Á Đông thượng cổ thì là thầy, còn người Trung Quốc, người Cao Ly, người Nhật Bản và người Việt Nam về trung cổ là bạn đồng môn cả. Duy người Trung Quốc thì là con thầy, con thầy thì được cái tiện lợi hơn là cùng một tiếng nói với thầy và có cái gì thì được biết trước. Kể trong thế gian cũng vạn ông con thầy thất học mà học trò lại giỏi, song ông thế huynh Tàu này thì cứng, cái hay cái dở bao giờ cũng đi trước cho môn sinh.

Ở Trung Quốc mà học thuật còn truyền và thịnh đến trung cổ thì có Nho, Lão hoặc gọi là Đạo. Cùng với Phật hoặc gọi là Thích ở Ấn Độ truyền vào, là ba phái vừa là học vấn vừa là tôn giáo, thường gọi là ba đạo hay là ba đạo học. Dưới nữa thì có hai cái nghệ học lớn là binh học của Tôn Ngô, y học của sách Tố vấn, Nội kinh, đều từ đời Chiến Quốc truyền lại. Mấy cái học ấy rồi truyền khắp ra cho cả cõi Á Đông, ấy văn minh học thuật Trung là đó. Song tựu trung duy có đạo Nho là một cái học hiện thế, căn bản của xã hội Trung Quốc do từ thái cổ trở xuống đến Khổng Tử tích lũy mãi mà gây nên, nên được chiếm cả các địa vị quyền yếu về chính thức xưa nay là tôn giáo, chính trị, luân lý và xã hội. Vậy đây tôi xét tường về đạo Nho trước đã.

Nay muốn biết trong Nho phái Trung Quốc về đời đình trệ có thể phân ra làm mấy chi phái, thì phải xem vào hai công việc là giải kinh chú giải nghĩa kinh với luận đạo diễn luận nghĩa đạo, ấy tinh thần và tính cách khác nhau ở chỗ đó. Vậy chia ra làm bốn chi phái là: Hán nho học phái, Biệt Khổng Nho học phái, Tống nho học phái Vương Dương Minh học phái.

a) Hán nho học phái. - Phái này thuộc về những nho giả ở đời nhà Hán. Có một Đổng Trọng Thư  董 仲 舒 làm sách Xuân thu phồn lộ, vừa giải kinh vừa luận đạo mà nói thiên về nghĩa tai dị. Còn thì bọn Phục Kiền  服 虔 , Hà Hưu  何 休 , Trịnh Khang Thành 鄭 康 成 , Khổng An Quốc  孔 安 國 , v.v., đều làm việc giải kinh, mỗi người chú giải vài kinh góp lại mà chỉ chú giải giản ước mà thôi.

Kinh truyện đạo Nho là sách từ thái cổ hợp lại nên nhiều nghĩa khó. Lại bị nhà Tần cấm và đốt, đến Hán tìm ra còn khiếm khuyết sai xuyển nhiều lắm. Nếu không có chú giải thì kẻ sơ học không học được, song vì thế mà lại là cái mối để làm cho sai nghĩa kinh đi và không ai chịu ai ở chỗ đó, mà phân chi biệt phái với nhau cũng ở chỗ đó. Phái này thịnh hành đến đời Tống.

b) Biệt Khổng Nho học phái. - Phái này là tôi mới chia ra. Phái này họ muốn biệt với Khổng Tử mà lập riêng ra một môn hộ. Đời Hán có Dương Hùng làm sách Pháp ngôn  法 言 so với sách Luận ngữ, làm sách Thái huyền sánh với kinh Dịch. Đời Tùy có Vương Thông có sách di thư gọi là kinh Trung thuyết , tự so với kinh của Khổng Tử. Đời Tống có Vương An Thạch nói: "Tai dị không quan hệ gì với nhân sự", cho kinh Xuân thu là những lời nhật báo vụn vặt của triều đình, nên nghị phế kinh Xuân thu đi không cho học trò học. Lại làm sách Tân kinh thuyết  , nói về chính sách phú quốc. Nay không luận ba nhà này lập thuyết hay dở ra sao, song Nho học Trung Quốc suốt đời trung cổ đến nay chỉ có ba nhà ấy là dám muốn ra ngoài khuyên sáo, mà đều bị đời cho là tội với thánh mà đánh đổ cả. Trừ sách Thái huyền về lý số của họ Dương được bọn mê tín theo, còn các sách kia không ai hỏi đến nữa.

c) Tống nho học phái. - Phái này thuộc về bốn nhà nho giả là Châu tử  周 子, Trình tử  程 子, Trương tử  và Chu tử 朱 子     ở đời Tống cùng truyền thụ cho nhau. Phái này làm nhiều sách có giải kinh có luận đạo. Về giải kinh thì cho các chú giải ước giản của Hán nho là cái học huấn hỗ, chỉ giảng nghĩa đen không phát minh được gì, bèn chú giải lại. Trình Di có sách Dịch truyện  易 傳 , Xuân thu truyện 春 秋 傳 . Chu tử có sách Dịch bản nghĩa  易 本 義 , Thi tập truyện  詩 集 傳 , Tứ thư tập chú 四 書 集 註 tập đại thành cả ba nhà trên. Về luận đạo thì Châu tử có sách Thông thư      nói về khí Thái cực; Trình Hiệu thì có sách Định tính 定 性  nói thêm về thuyết Thái cực; Trương tử có sách Tây minh 西 銘 và sách Chính mông 正 蒙 , Chu tử có sách  Cận tư lục  近 思 綠   và các sách tập chú trên kia.

Cứ bình tình mà xét thì cái học của Trình tử, Chu tử cũng có điều khả thủ, là hai nhà đều biết chú trọng đến cái vấn đề cách trí, song mới đề xướng ra được ý kiến mà chưa có phương pháp. Còn ra thì cả bốn nhà Châu, Trình, Trương, Chu giải luận thực là phiền phức, thành hẳn ra một khoa triết học mới, nhưng đều là những lời nói suông, những nghĩa ức đoán về "lý với khí, tâm với tính" cả mà thôi.

Các ông lại chủ trương chủ nghĩa đốc tín quá cho đến thành ra mê tín, cố chấp. Nhưng các ông sở dĩ vẫn tự phụ là kế tục được đạo Nho đã đứt hơn nghìn năm cũng là ở những chỗ đó. Ấy cái triết học sai lầm của Tống nho là thế, nhưng vì nó cũng rườm rà mới mẻ, có thống hệ mà kiêm bị hẳn hoi, nên đời dễ lầm. Học giả đời Minh là Tiết Huyên 薛 暄 với Sái Thanh 蔡 清  đều nhận sách của Châu Trình Trương Chu là "chính mạch". Lại nhờ được lối khoa cử lấy bài kinh nghĩa (hoặc gọi là bát cổ - tám vế) đặt ra từ đời Tống để giải nghĩa kinh truyện, nhà Minh bèn định học chế và văn thể bài kinh nghĩa phải theo nghĩa giải luận của Châu Trình Trương Chu làm chính thống. Vì thế mà học phái Tống nho thống nhất ở Trung Quốc và tràng viễn mãi đến nay. Hợp lối triết học của Tống Nho với chế độ nhà Minh, đời gọi là Tống Minh văn minh, Nhật Bản cũng thâu thái mà ta cũng thâu thái, thì bấy giờ đã biết đâu là lầm.

d) Vương Dương Minh học phái. - Phái này chủ về thực hành, không giải kinh mà lập luận cũng ít, chỉ cốt quy định lấy cái chủ nghĩa lớn để làm mục đích cho sự học sự hành mà thôi. Phát nguyên từ Lục Tượng Sơn đời Tống. Lục chuyên hướng vào lương tâm, nói rằng: " 此 心 之 良, 天 之 所 興, 我 信能 及 此, 則 宇 宙 無 非 至 理. − Lương tâm này là của trời cho, nếu ta thực giữ được nó thì trong vũ trụ cái gì mà không là chí lý". Họ Lục nhân cùng Chu tử giảng học, Lục cho Chu là chi li, Chu cho Lục là thái giản. Từ đó chia làm hai đảng cãi vã nhau mãi, đến đời Minh người ta gọi là cuộc "Chu Lục dị đồng". Vương Dương Minh đời Minh nổi lên mới thực chủ trương về nghĩa thực hành, ông nói: " 影 綁 尚 疑 朱 仲 晦, 支 離 休 作 鄭 康 成 . − Bắt bóng lạ gì ông Trọng Hối (Chu tử), chi ly ngán nỗi ông Khang Thành". Bèn lấy "chí lương tri  致 良 知" làm tinh thần, lấy một câu rất giản ước là "tri hành hợp nhất" làm mục đích cho sự học, mà cái lịch sử vĩ nhân kiên nhẫn cương nghị của ông tức là sách chú thích về học thuyết "tri hành hợp nhất" của ông đó. Học trò của ông là Từ Ái nói: "Cái học của ông là đích truyền của họ Khổng". Đích truyền chỉ có thế mà thôi. Cho nên ông cũng tự phụ rằng: " 可 憐 學 經 千 戴, 負 男 兒 過 一 生 . − Đạo học hầu tuyệt đã lâu đời, có lẽ tài trai chịu thế thôi".

Chỉ vì ông luận nghĩa "cách vật trí tri" thì thiên về giản dị quá, nên phái Tống nho Trung Quốc công kích (xem sách Đại học) mà học thuyết của ông không có ảnh hưởng gì cho nước tổ. Sau truyền sang Nhật Bản thì cực thịnh, bấy giờ người Trung Quốc mới biết tới.

Đời Nguyên có Kim Lý Tường cũng có chú thích lại kinh truyện, nhưng không được đời công nhận. Sau đến đời Thanh cũng có phái "bài Tống nho", song cũng không ăn thua gì với cái học khoa cử. Cho nên Lương Khải Siêu tổng luận cả học thuật đời Thanh nói rằng: " 不 復 知 學, 其 黠 者 以 腐 敗 矯偽 之 朱 學, 文 其 奸. − Không còn biết học là cái gì. Kẻ giảo hiệt thì lấy cái học hủ bại kiểu ngụy của Chu tử để che cái gian của mình".

Tóm xem hai việc giải kinh luận đạo trên ấy, thì biết càng giản ước lại càng phát xuất được tinh hoa, mà càng phiền vu lại chỉ càng lần mò về chi diệp. Câu ấy đã thành lời công nhận trong Nho học thời trung cổ vậy. Ấy thế mà cái học Biệt Khổng, hoặc không đủ tư cách mà bị đổ không kể; còn cái học Hán nho giản ước thì bỏ đã lâu, cái học Vương thị thực hành thì không đắc dụng, mà đắc dụng và thống nhất thì lại là cái học phiền vu kiểu ngụy của Tống nho, cho mãi đến ngày tiếp xúc tân học, phế khoa cử thì mới suy.

Xét ra cũng vì cái học Tống nho là chủ nghĩa đốc tín bảo thủ, nên trên được các triều tín nhiệm; cái phép khoa cử là con đường tắt xuất thân, nên dưới được dân gian ham chuộng. Hai cái ấy nó hòa hợp lại thì thành một vị thuốc mà nhà y học ngày nay gọi là hưng phát tễ, tức như thuốc phiện vậy. Vì thuốc phiện mới hút vào thì nó cũng ngon và lành, làm phấn phát tinh thần được một lúc. Nhưng cái độc của nó ngấm ngầm, thành nghiện lõ, bại liệt rồi mới biết thì không làm gì được nữa. Chính thuốc phiện thật cũng xuất hiện từ đời ấy. Nay nói khôi hài về cái văn minh Tống Minh của Trung Quốc, Việt Nam đời gần đây, có lẽ cũng phải kể đến cả thuốc phiện nữa.

Nhưng mà cái học Tống Minh khoa cử thì người ta nghiện thật. Chả thế mà đời Quang Tự là lúc Âu-Á đã thông đồng, Nhật Bản theo Tây học, dùng cơ khí đã thành công, thế mà Trung Quốc thì ngoại giao thất bại nhiều mà cứ giữ cái học khoa cử; bọn hàng sách lại dùng lối in thạch bản của Thái Tây để in rút nhỏ những sách thể chú bán cho học trò đưa trộm vào trường thi. Các thầy khóa Việt Nam ta cũng được thừa huệ thứ sách thạch bản thể chú ấy để đem vào trường hồi ấy.

2. Về Nhật Bản. - Nhật Bản chịu văn minh Trung Quốc từ đời Đông Tấn mà đến mãi đời Đức Xuyên ngang đời Lê Trịnh ta mới toàn thịnh. Song về Phật học thì Lương Khải Siêu đã nói rằng không dịch được bộ kinh nào, không làm được bộ luận nào. Còn Nho học thì tôi xem cũng không phát minh được cái gì mới mẻ. Duy không theo lối khoa cử và dân có giai cấp thế tập rất nghiêm, không có cái thể dân chủ như ở ta, thằng cu con bố đốp mà mai ông Trạng ngày kia ông lớn được. Vì thế ai muốn học gì thì học, theo phái nào thì theo mà gây thành được cái học vị kỷ. Cho mới biết thời thế tạo anh hùng là thế. Nay xem tôn giáo sử chép: "Từ đời Túc Lỵ giao hiếu với nhà Minh, thâu nhập văn minh của Tống Minh, nhân thế sách Chu tử thể chú cũng đem vào từ đó. Vì sách ấy mà thành cái trương bản cho Tân nho giáo phục hưng sau này". Tức là chỉ về Nho giáo ở đời Đức Xuyên vậy.

Thế mà nay xem mấy Nho phái kế nhau nổi danh ở đời Đức Xuyên thì đều là phái đã lập sẵn của Trung Quốc cả.

Hồi đầu Mạc phủ định học chế lấy Tống nho làm "Nho học chính thống", thì lúc ấy Tống nho học phái thịnh hành là cố nhiên rồi. Kế đó có Vật Mậu Khanh chuyên học kinh sử Tàu, làm văn theo Tàu, song ông bài xích nghĩa của Tống nho mà theo chú sớ của Hán nho, gọi là cổ học phái tức là Hán nho học phái đó. Ông lại suy luận mà ngờ cả Khổng Tử nữa, nhưng ông sùng bái người Tàu quá, cái gì của Tàu cũng là hay. Thậm chí ông tự xưng là " 東 夷 之 物 茂 卿. −  Tôi là Vật Mậu Khanh ở rợ Đông Di". Đến nay người Nhật còn chê ông câu ấy và gọi là cái học "sùng bái Chi-na".

Bấy giờ lại có một phái chỉ học nghĩa đen từng câu và làm văn theo khuôn mẫu nhất định, nay người Nhật gọi là cái học chết.

Sau nữa có Trung Giang Đằng Thụ tiếp được cái học của Vương Dương Minh ở Trung Quốc đưa sang thì khỏi xướng  ngay lên. Cái học chủ thực hành này thích hợp với đức tính  người Nhật, nên họ sùng chuộng lắm, cảm hóa được một vùng, người ta gọi họ Trung Giang là "Cận giang thánh nhân", ấy là Vương học phái.

Phái này với phái quốc học mới nổi lên cùng nhau đang thịnh thì gặp tân học Thái Tây đưa lại, sẵn có nhân tài ra thừa đương mà giúp nên nghiệp duy tân. Không khác gì người vừa cường tráng thì gặp hội ganh đua, mà Trung Quốc với Việt Nam thì như người đã già lại nghiện nặng hom hem vậy.

Ấy ngày nay nói đến văn học đời Đức Xuyên mà rằng: " 學 派 迭 演.− Học phái thay nhau nổi lên", là theo những học phái của Tàu cả, chứ có cái chủ nghĩa nào đáng đặt tên mới đâu. Còn về thời ấy tôi cũng chưa thấy nói có ai dịch sách Nho ra Hòa văn hay là chú giải lại kinh truyện nào cả.

Đến như luận đạo thì sử nói Vật Mậu Khanh làm sách lập thuyết riêng một nhà, sử có chép hai đoạn danh ngôn, đây tôi xin lục một đoạn để các ngài so với những lời luận đạo của các tiên nho ta xem thế nào. Vật Mậu Khanh nói: " 孔 子 之 道, 即 先 王 之 道, 先 王 為 安 民 立 之 制 度 云 為, 統 會 於 安 民, 是孔 子 所 以 蕢 於 仁, 仁 安 民 之 德 也.− Đạo của Khổng Tử tức là đạo của tiên vương. Tiên vương vì an dân mà lập ra chế độ nọ kia, là thống hội về an dân cả. Thế cho nên Khổng Tử sở dĩ quý về điều nhân, điều nhân là cái đức an dân đó". Ngoài ra cũng có mê tín, cũng đồng bóng phù chú chẳng kém gì ta mà mãi đến nay chưa hết. Lại cũng lầm, cũng ghét Gia giáo(*), cũng cấm giao thông với người ngoài. Nhờ có nước Mỹ đến bách mới ký thông thương. Duy có một điều người ta hơn mình là nhờ được sĩ phu trong nước chóng tỉnh thức mà biết phục theo lẽ phải. Như trước hâm mộ văn minh Tống Minh, có người cảnh cáo cho là lầm thì bỏ ngay mà theo Vật Mậu Khanh về cổ học, theo Trung Giang về Vương học. Sau lầm về cái chước "bế quan", đến khi tiếp thấy văn hóa nước Mỹ thì xô nhau mà theo học Âu hóa như điên cuồng, Âu hoá đã đạt rồi thì lại quay ngay về mà bảo tồn quốc túy, bảo tồn Á túy. Cho nên Nhật Bản tự cổ đến nay chưa từng có sáng thiết được một khoa học gì góp vào thế giới công học, thế mà vẫn là một nơi văn hóa của hoàn cầu tụy tụ.

3. Về Việt Nam - Hai cái bằng tốt nghiệp trường Đông phương học của hai ông sinh viên đồng môn là Trung Quốc, Nhật Bản đã thuật đại yếu như trên ấy, nay xin xét đến của ông sinh viên Việt Nam. Nói đến ông này thì không thể không viện lấy một câu chuyện để phủ đầu mà thoái thác được. Ngày nọ có một bà già trông thấy các cô thiếu nữ đi chơi hội, cô nào cũng mớ ba mớ bảy cào cào sặc sỡ. Bà già vui vẻ chào rồi nói: "Ngày xưa già cũng đã có một mớ áo cũng đẹp như của các cô thế này này". Các cô hỏi: "Thế đâu?" Bà già nói: "Ấy có cái thì già mới xỏ tay, có cái thì chửa, mà gặp loạn bị mất cả rồi". Các cô mỉm cười, bà già bẽn lẽn. Ấy thế gọi là câu chuyện "mớ áo thì loạn". Tuy nhiên cái mớ áo thì loạn về câu chuyện học thuật Việt Nam ta, tôi sẽ kể ra sau đây, thì nó còn có chứng cớ, còn sót cái tràng cái vạt, hoặc còn sót cả một cái áo mà bỏ dấp diếm ở đâu, chứ không phải là ghen với bạn má hồng mà bịa ra để nói khoác. Vả dù mà có còn chăng nữa thì cũng là những "mốt quá thời" như ai rồi, chẳng qua nói ra chỉ để làm chứng rằng mình cũng đã có tư cách có hồi làm nên phong vận biết may áo đẹp rồi, thì rồi đây ta cũng cố công kiếm tiền mà may mớ khác cho đúng "mốt tân thời", chứ ta không phải là vẫn "quích" từ xưa đâu.

Trong một thời đại Hán học hơn hai nghìn năm, nước ta dù bị nhiều trở lực hơn bạn đồng môn, cũng khoa cử, cũng có lúc Nho độc tôn, cũng ngụy học tà thuật, cũng tạm yên không ganh đua với ai, lại nước bé binh ít loạn nhiều, thế mà các học giả lúc đó cũng vẫn hết sức tìm kiếm về học vấn để đóng góp với bạn, chứ không chịu toàn phóng chép của bạn cả đâu. Còn như thành hay bại, được truyền hay không được truyền, thì phải xét là sự bởi vì đâu, chứ không lấy đó mà luận là không có được.

Kể ra thì cả Nho học và Phật học, ta đều có công hợp sáng ra chi phái với Trung Quốc ngay từ đầu đời trung cổ, sau vì loạn lạc bại vong mà mất hết đi, đến sau nữa lại phải học lại tất cả của Trung Quốc. Song từ đời độc lập trở đi, lúc nào cũng có danh nho cao tăng lo biệt lập lại môn phái riêng, mà đều như dã tràng xe cát bể cả. Thành thử con cháu cứ phải lẽo đẽo theo sau ông voi Tàu mà nhai lại cái bã mía không xong.

Nay muốn biết cho tường tận những cái nhân quả về học thuật của Việt Nam trong cái thời đại đình trệ hơn hai nghìn năm, lúc thịnh lúc suy, lúc tiến lúc thoái nó quan hệ với thời thế mà biến thiên tiếp tục nhau thế nào, thì phải viết hẳn ra một sách về lối sử có thế thứ thì mới bao quát hết được. Nhưng bài này còn là tư cách khảo cứu, còn phải đem chất chính với các ngài xem những chỗ tôi đề yết lên sau đây có thể gọi là những học phái được không. Nên cách xếp đặt dưới này còn lổng chổng, lời lẽ còn mộc mạc, xin các ngài thứ cho.

Tóm lại học thuật Việt Nam trong một thời đại, cả Nho học Phật học đều có ba cái tính chất khác nhau là hợp sáng, biệt sáng và toàn mô phỏng. Ba tính chất ấy có những học phái này:

Về Nho học, tính chất hợp sáng có Hán nho đích Việt nhân học phái; tính chất biệt sáng có Chu An thực hành học phái, Hoa-Việt nho học phái, Quế Đường học phái hay là Lê Nguyễn nho học phái; tính chất toàn mô phỏng có Tống nho học phái.

Còn về Phật học thì sẽ lần lượt giải theo sau Nho học.

a) Tính chất hợp sáng

Hợp sáng là ta hợp lực với Trung Quốc mà gây dựng lên. Trước nói về Nho học có những phái là:

Hán nho đích Việt nhân học phái. − Chữ Nho sách Tàu thì ta đã thâu thái từ đời Triệu Vũ đế rồi. Còn lập được chi phái về Nho học thì mới từ Sĩ Nhiếp. Ông ở đời Bắc thuộc nhà Hán, người Việt mà tiên tổ sáu đời trước ở nước Lỗ, thủa nhỏ du học Bắc phương hấp được cái giáo hóa sông Tứ Thủy. Sau được làm Thái thú bản châu rồi giữ lấy đất nước mà tự trị, đóng đô ở Luy Lũ, nay còn lăng ở xã Tam Á phủ Thuận Thành, Bắc Ninh, đời gọi là Sĩ Vương. Vương thực hành đem Nho học dạy phổ cập cho dân gian, còn tự mình thì chú giải các kinh sách Nho. Cứ tờ thư của Viên Vi nhà Hán và sách của Thái sử nhà Thanh thì đều nói vương chú giải cả ba truyện Tả thị, Công dươngCốc lương của kinh Xuân thu, lại giải tường những nghĩa lớn về cổ văn kim văn kinh Thư và nhiều sách nữa. Sách của vương bấy giờ không những dân ta được học mà người Tàu cũng học nữa. Người Việt Nam gọi vương là "Nam giao học tổ" tức là tổ của học phái nước Nam, chứ không phải là tổ mới bắt đầu dạy chữ Tàu sách Nho đâu.

Đời sau người Tàu cho sách của vương là thiển lược mà giải lại, nhưng nghĩa của vương đã thành một nghĩa riêng, tức là một phái ở đời Hán rồi. Vả cứ như lối học của Vật Mậu Khanh Nhật Bản lấy lối học của Hán nho ước giản hơn Tống nho lối học phiền vu, thì cái học của vương cũng chửa nên dứt. Vậy gọi là Hán nho đích Việt nhân học phái. Nghĩa là học phái Hán nho mà đích là người Việt.

Phật học thì đáng lẽ sơ tổ ở Đông phương là từ nước ta, song vì mất đi nên đây phải gọi là hợp sáng. Cũng bắt đầu và thịnh ở đời họ Sĩ và ở kinh đô Luy Lũ. Sách  Phật tổ lịch đại chép: "Nhà sư Thiên Trúc là Kỳ Vực đến sứ Giao Quảng từ đời Hán Vĩnh Bình". Lại nói: "Nhà sư Thiên Trúc là Phật-đà-bạt-đà đến Giao Chỉ rồi sang Tàu gặp Cưu-ma-la-thập". Sách Đàm thiên pháp sư truyện của Tàu nói: "Cõi Giao Châu tiện đường sang Thiên Trúc, lúc Phật pháp truyền vào Tàu chưa đủ mà ở Luy Lũ đã sáng lập hơn 20 cái bảo sát, độ được hơn 500 vị sư, dịch được 15 bộ kinh, mở tràng giảng học đến hơn 300 người". Thế là Phật học về phái Đại thừa truyền ở ta trước và thịnh trước hơn bên Tàu, mà kinh đô ta bấy giờ hai văn hóa Nho Phật đã đang đua nhau đem tinh túy ra để cống hiến cho dân tộc ta rồi.

Lại sách Đại Đường cầu pháp cao tăng truyện  大 唐 求 法 高 僧 傳   nói: "Nhà sư Vận Tái là người Giao Châu giỏi tiếng Côn Lôn, tiếng Phạn, sang nước Thất Lỵ Phật Thệ rồi về truyền đạo Phật cho Trung Quốc". Lại nói: "Khuy Sung pháp sư người Giao Châu tên Phạn gọi là Chất-chớ-la-đề-bà cùng nhà sư Minh Viễn đi thuyền sang nước Ấn Độ rồi chết ở đó, tuổi 30". Thế thì sư Việt Nam đã sang tận nước Phật rồi, có phải chỉ một Huyền Trang là Đường tăng về sau mà thôi đâu.

Đời Đường còn có nhiều danh tăng truyền Phật giáo sang Tàu và vào Tàu dịch kinh, còn có những thơ của các thi hào nhà Đường kính tặng còn chép ở sách Tàu như:

Dương Cự Nguyên  楊 巨 源  tiễn sư cụ Phụng Diệp pháp sư về An Nam có câu: "  論 徒   . −  Người vào luận kinh Phật ở thiên triều về".

Cổ Đảo  賈 島  tiễn sư cụ Duy Giám về An Nam có câu: " 講 經 春 殿 裏, 花 繞 御 床 南. Ngài giảng kinh Phật ở trong đền xuân nhà vua, hoa quấn mé nam đường ngự".

Trương Tịch    tặng sư cụ Nhật Nam có câu: "  翻 經 上 僬 葉. Dịch kinh ra trên tầu lá chuối".

Coi đó thì há không phải gốc Phật giáo Phật học là ở ta dư? Những kinh Phật đã dịch ở đời họ Sĩ, không biết rồi mất đi hay là đưa sang Tàu mà thành ra của Tàu, cũng như những sách giải kinh Nho của họ Sĩ vậy.

Sư cụ Thông Biện cũng nói với Lý Thái hậu rằng tông phái đạo Phật có ở ta đã lâu. Giáo tông tức Tàu gọi là Thiên Thai tông thì một bởi tăng hội là Mâu Bác Khang  牟 博 康  truyền sang. Thiền tông tức Tàu gọi là Tào Khê tông thì bởi Côn-ni-đa-lưu-chi người Ấn Độ truyền sang. Nhưng sau đều mất cả, lại phải học lại của Tàu, mà chỉ có hai phái về một tông là Tào Khê với Lâm Tế. Cứ cái biểu Phật tổ kế thế của chùa Đỗ Xá ở Hải Dương thì Tào Khê mới có từ đời Đinh, Lâm Tế mới có từ đời Lê. Thế thì trước Đinh Lê đạo Phật ở ta thuộc về tông phái nào? Xem thế thì gốc tích Phật phái của ta về trước Đinh Lê đều thất lạc cả.

Hai phái này bây giờ sinh ra nhiều họ, ở Hải Dương thấy có hai họ là họ Vô về môn đồ chùa Muống, họ Thanh về môn đồ chùa Yên Ninh.

b) Tính chất biệt sáng

1. Chu An    thực hành học phái. − Từ đầu đời độc lập, Nho Phật vẫn đồng tôn, đến giữa đời Trần có Chu An nổi lên, Nho mới thắng Phật mà chiếm độc quyền từ đó. Ông có viết sách Tứ thư thuyết ước, cứ hai chữ "tứ thư" thì biết ông đã tiếp được sách của Tống nho rồi, vì cái tên "tứ thư" đến Tống nho mới có. Còn nghĩa hai chữ "thuyết ước" thì không biết ông nói gì, vì sách bị giặc Minh thu mất. Song có một điều đáng chắc rằng chủ nghĩa của ông là thực hành chứ không chỉ nói suông như Tống nho. Bấy giờ thi cử chưa thịnh, triều đình vẫn đặc cách dụng nhân, ông chỉ là một người đạo học trứ danh được trưng triệu ra làm thầy giáo trường Quốc tử. Lịch sử sư đạo, lịch sử vĩ nhân kiên nhẫn cương nghị của ông giống như Vương Dương Minh Trung Quốc đời sau. Giáo hóa của ông cảm hóa được khắp công khanh sĩ thứ lúc đó sâu xa lắm. Vì thế sau người ta truy tôn ông vào Khổng miếu. Sách Việt sử tổng vịnh nói: "Cái học của ông là "cùng lý chính tâm, trừ thuyết tà, cự nết bậy". Học trò như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát đều giữ được thuyết của thầy. Cho nên Lê Quát viết bài văn bia cho chùa Thiệu Phúc có những câu rằng: " 余 志 明 聖 人 之 道 以 化 斯 民, 而 卒 未 能 信 於 一 鄉, 吾 所 以 深 有 愧 於 佛 氏 之 徒 也. Tôi vốn có chí hiểu cho biết đạo thánh nhân để giáo hóa cho dân ta, mà vẫn chưa được một làng người ta tin theo. Tôi sở dĩ lấy làm xấu hổ với môn đồ nhà Phật lắm". Xem thuyết của học trò thì biết của thầy, lấy "minh đạo hóa dân" làm chủ nghĩa, lấy "xấu hổ không bằng người" làm tinh thần. Thế chả phải thực hành là gì? Thực hành thì một câu thế là đủ, còn cần gì phải nói nhiều. Vả xem thuyết này cũng ôn hòa, biết tự sỉ mà thôi, chứ cũng không hiển nhiên bài xích một cách hẹp hòi gì cho lắm. Cái tinh thần của thuyết "tri hành hợp nhất" cũng đến thế thôi, chớ còn gì nữa.

Sau đó cái chủ nghĩa quốc gia hăng hái của phụ tử Nguyễn Trãi về buổi Hồ - Minh, há không phải ảnh hưởng ở Côn Sơn, Phượng Hoàng dư? Vậy nên gọi cái học họ Chu là Chu An thực hành học phái hay là Chu học.

2. Hoa Việt Nho học phái. − Phàm lúc nào học thuật của đời đã thịnh thì tất sinh ra cái tư tưởng tự giác và tự tín. Nghĩa là tự giác tự tín rằng mình có tư cách. Học thuật nước ta đến Lý Trần là cực thịnh, nào hai cái học Nho Phật, nào chữ quốc âm cùng văn nôm và các nghệ thuật đều đã theo cái tư tưởng "thiên thư định phận" mà biệt lập ra ngoài khuyên sáo của Chi-na cả rồi. Lúc ấy Hồ Quý Ly lại thực hành chủ nghĩa Hoa Việt Nho học thì biết cái tư tưởng tự giác tự tín của người  Việt Nam bấy giờ đã đạt tới cao độ vậy. Tội vạ họ Hồ thế nào đã có nhà lịch sử, ta bàn học vấn ta không nên vì người mà bỏ mất cái tư tưởng hay. Bấy giờ ông làm Tể tướng nhà Trần, dịch thiên Vô dật trong kinh Thư ra quốc âm để dạy thái tử. Tiếng ta dùng để dịch sách triết học như sách Vô dật là một sách rất khó nghĩa từ đó. Mà học sách của nước ngoài có dịch được như thế mới là có sở đắc. Ông lại lấy ý mình giải nghĩa kinh Thi bằng chữ quốc âm để cho nữ giáo sư dạy cung nhân, hậu phi; và tự làm bài tựa nói bác cả nghĩa của Chu tử. Lại làm sách Minh đạo mười bốn thiên dâng vua Trần, trong có nói ngờ về sách Luận ngữ. Lại cho Châu tử, Trình tử và Chu tử là học rộng mà tài sơ. Những điều mà họ Hồ ngờ về sách Luận ngữ phải hay là quấy thế nào mặc lòng, song cái ngờ vẫn là cái quý trong đạo học vấn. Ở Á Đông mấy nghìn năm, trừ Mặc tử là ngoại đạo ra, mới có họ Hồ dám ngờ Khổng Tử mà nói đã trước Nhật Bản lâu rồi. Bấy giờ phản đối lại họ Hồ thì có quan Trợ giáo là Đoàn Xuân Lôi, dâng thư cho vua Trần mà bác thuyết họ Hồ đi, bị họ Hồ bắt đi đầy? Đời sau lại có Ngô Sĩ Liên bênh Chu tử là hiểu được bụng thánh  得 聖  人 之 心  mà bác họ Hồ. Thế chả là học phái cạnh tranh kịch liệt là gì đấy. Vả họ Hồ có nhiều chính sách cải cách cũng hay, ta chưa dễ mà bảo không phải là thực học được. Nay sách Minh đạo mất rồi, không biết ông nói gì. Song cứ một cái chủ nghĩa lấy quốc âm dịch sách Tàu để học là đủ. Vậy nên gọi cái học của Hồ là Hoa Việt Nho học phái. Hoặc gọi là Hồ học.

Phái Hoa Việt nho học này cũng còn nhiều người theo đuổi, như đời Lê có Đặng Thái Phương là nhà sư ở Nghệ An soạn hai quyển Châu dịch quốc âm giải nghĩa. Lại còn có người dịch Kinh Thi nữa.

3. Quế Đường học phái hay là Lê Nguyễn học phái. − Đời Hậu Lê có Quế Đường Lê Quý Đôn bác học đa tài, lịch duyệt bắc nam triều dã, trước thuật nhiều, học vấn lừng lẫy cả cõi Á Đông là Việt Nam, Trung Quốc và Triều Tiên. Kể những sách về Nho học mà ông làm thì có Dịch kinh phu thuyết  易 經  , giải nghĩa kinh Dịch; Thư kinh diễn nghĩa  書 經 衍 義 , diễn nghĩa kinh Thư; Xuân thu lược luận 春 秋 略 論 , luận nghĩa kinh Xuân thu; Thi thuyết  , thuyết mới về kinh Thi; Lễ thuyết , thuyết mới về kinh Lễ; Liên sơn Quy tàng nhị Dịch thuyết  連 山  歸 藏 二 易 , thuyết mới về hai kinh Dịch cổ là Liên Sơn với Quý Tàng. Còn hai quyển nữa là Quần thư khảo biện  群 書 考 辦 luận về sử, Thánh mô hiền phạm lục   聖 模 賢 範   luận về đạo, lúc ông đi sứ có mang hai sách này sang Tàu đưa cho sứ giả Cao Ly là Hồng Khải Hy  洪 凱 禧 xem, Hồng có viết hai bài tựa. Trở về đến Quảng Tây, ông lại đưa cho quan Đốc học tỉnh ấy là Chu Bội Liên 朱 佩 蓮  xem. Chu phục lắm, phê rằng:  " 史 辨 一 書, 根經 據 傳, 自 標 卓 識. 聖 模 賢    大 儒 明 體 之 學 也. 史 辨 大 儒 致 用 之 學 也. 顧 炎 武 日 知       近 之. Sách biện luận về sử này căn cứ ở nghĩa kinh truyện để tiêu biểu điều biệt kiến của mình. Sách Thánh mô hiền phạm này là cái học minh thể của nhà đại nho; sách Sử biện này là cái học trí dụng của nhà đại nho. Trung Quốc có sách Nhật tri lục của Cố Viêm Vũ ngõ hầu sánh bằng được". Chu lại viết hai bài tựa.

Trên ấy tám bộ sách về Nho học, ông lại còn làm hai mươi tám bộ về các cái học khác nữa, như Lão học thì có Đạo đức kinh diễn nghĩa, Phật học thì có Kim cương kinh chú giải, Binh học thì có Vũ kinh chú giải, Sư luật toản yếu, Vũ bị tâm lược. Quốc sử thì có Đại Việt thông sử, Quốc sử tục biên, Kiến văn lục. Còn các sách nữa về chính trị, văn tuyển, thi tuyển của lịch đại mà ông mới sưu tầm ra, v.v…

Song đây chỉ kể về những sách học Nho thì ông giải đủ ngũ kinh. Đến như sách luận đạo thì được thế giới Á Đông khen là biệt kiến, thế tức là thuyết riêng một nhà rồi. Ông lại dạy học đông, như thế mà không phải là một học phái dư? Vậy nên gọi cái học của ông là Quế Đường học phái.

Đời Hậu Lê lại còn Nguyễn Huy Oánh soạn bộ Kinh truyện tập yếu mười lăm quyển dung hội thuyết của các nhà. Ngô Thời Sĩ làm bộ Xuân thu quản kiến mười lăm quyển, dung hội cả nghĩa năm truyện. Song hai nhà này không có thuyết riêng, nên không gọi là cái học riêng được.

Đời Nguyễn triều gần đây có Nguyễn Bá Nghi 阮 伯 儀 , khi ông làm Tổng đốc Sơn Tây có chú giải lại cả Tứ thư mà bỏ hết nghĩa của Tống Nho đi. Sách đệ vào kinh trình duyệt thì bị bác bỏ đi. Lúc ông làm sách, thường bàn nghĩa với quan Đốc học đồng thành là Ngạc Đình Nguyễn Hữu Tạo  阮 有 造, ông này cũng có thuyết Nhữ phần về kinh Thi và thuyết chữ "quyền" về Luận ngữ phản với nghĩa Chu tử. Nay người Sơn Tây bọn tôn sinh còn gọi là Ngạc học. Thế thì về phái Nguyễn Bá Nghi bấy giờ cũng nhiều người, song đây chỉ kể có ông là đại biểu mà thôi. Vậy có thể đem sách chú giải Tứ thư của Nguyễn công Bá Nghi với các sách giải luận kinh truyện của Lê công Quế Đường trên ấy, mà gọi là Lê Nguyễn nho học phái.

Về Phật học. − Phật giáo đến Lý Trần là thịnh nhất Á Đông, mà Phật học lại càng đắc lực cho hiện thế, ai đọc quốc sử đời ấy thì đã biết cả. Về học vấn những cao tăng đồng thời với nhau nhan nhản như Ngộ Ấn thiền sư có thuyết "tam ban  三 般" lấy thân khẩu tâm 身 口 心 làm gốc của đạo; lại thông cả hai thứ chữ Đường với Phạn. Thông Biện thiền sư thì thông cả ba nguyên lưu Phật phái là Ấn Độ, Chi-na, Nam Việt mà ông đã bạch với Lý Nhân hoàng Thái hậu. Cứu Chỉ thiền sư có thuyết "tâm pháp nhất như"  心 法 一 如. Mà đặc sắc nhất thì có hai nhà này là một ông bụt sống Viên Chiếu thiền sư và một ông vua bồ tát là Trần Thái tôn.

Ông bụt Viên Chiếu tu và giảng học ở chùa Cát Tường (?) về Hà Nội bây giờ, có soạn sách Dược sư thập nhị nguyện văn  藥 師 十 二 願 文 ; sách Tán viên giác kinh  贊 圓 覺 經 ; sách Thập nhị Bồ tát hạnh tu chứng đạo tràng  十 二 菩 薩 荇 修 証 道 場 ;                   sách Tham đồ hiển quyết  徒 顯 決 ; bấy giờ đều có ấn hành. Sách Dược sư thập nhị nguyện văn thì Lý Nhân tôn đưa bản cảo sang dâng cho Tống Triết tôn, Triết tôn với các pháp sư thượng tọa chùa Tướng Quốc vào xem. Các sư Tàu xem rồi chắp tay bạch Phật nói: 方 有 肉 身 大士 出 世 善  說 經 . − "Đây là Phật sống hiện ra ở Nam phương mới có thể nói ra thành lời kinh được thế này, bần đạo chúng tôi có đâu dám thêm bớt chữ nào vào được nữa". Rồi bèn sao lấy một bản mà gi bản chính về trả ta. Ấy cái hiệu bụt sống là thế. Vua Trần Thái tôn tu tại gia mà ngộ đạo có làm quyển Thiền tông chỉ nam   宗 指 南  và viết bài tự tự. An Tử quốc sư khen rằng:  諸 佛 之 心 盡 在 於 此.  "Bụng chư Phật ở cả đây". Sách ấy bây giờ có xuất bản tôi không được đọc, nhưng được đọc quyển Khóa hư  là những bài luận khác của nhà vua làm, mà sau người ta tập lại in ra, có bài tự tự sách "Thiền tông chỉ nam" cũng in vào đó. Nay xem các bài kệ bài luận của Viên Chiếu với Trần Thái tôn thì biết Phật học bấy giờ vẫn giữ được cái tinh thần điều hòa tư tưởng siêu việt với tư tưởng hiện thế. Bài này có hạn, tiếc không dẫn được nhiều những nghĩa hay nữa, đây tôi chỉ trích lục vài câu thiển cận rõ ràng làm chứng mà thôi. Sách của Viên Chiếu thiền sư mục vấn đáp nói về Phật với Thánh: "Khổng Tử có câu rằng: 書 則 金 烏 照, 夜 來 王 兔  , "ngày thì mặt trời soi, đêm thì mặt trăng chiếu". Đó là nói phật với thánh mỗi bên có một chức vụ đó. Sách Khóa hư thì chỗ nào cũng dẫn ba lời nói của Khổng Tử, Lão Tử và Phật mà đối chiếu. Như nói :" 我 佛 之 教 又 假 先 聖 以 傳 於世 也 . − Đạo của đức Phật ta lại nhờ đức Tiên thánh mà truyền cho đời". Ấy Phật học bấy giờ giữ được cái tinh thần điều hòa như thế, cũng là do ở cái tinh thần của chính thể Tam giáo đồng tôn tịnh dụng mà ảnh hưởng nên. Lại Trúc Lâm tam tổ, là Trần Nhân tôn, Pháp Loa, Huyền Quang, đời cho là Thích Ca, Ca Diệp và Át Nam phục sinh. Như thế mà không đủ đặt ra làm được một tông phái rồi ư? Mà nào ai đặt.

Phật học đến Hậu Lê thì có Hương Hải thiền sư, đỗ cử nhân làm Tri phủ ở trong Quảng Nam, 25 tuổi bỏ quan đi tu, tinh thâm Phật học, chúa Nguyễn kính tin lắm, sau bị gièm, Thiền sư bèn đưa đồ đệ vượt bể về cố quốc Đại Việt, vua Lê chúa Trịnh rất tôn sùng. Thiền sư trụ trì và giảng học ở chùa Nguyệt Đường, tự chú giải kinh Phật bằng chữ quốc âm đến 30 thiên, đều có ấn hành cả. Học đồ đông lắm đến hơn 70 vị thượng tọa, chùa Nguyệt Đường bèn nên một sơn môn to lớn và tráng lệ có tiếng. Hương Hải thiền sư cũng vẫn giữ được cái chân truyền là điều hòa siêu việt với hiện thế, có câu kệ rằng: " 原 來 三 教 同 一 體. Nguyên lai Tam giáo đồng một thể". Còn có nhiều kệ để dạy học hay lắm, như là nói về những nghĩa hảo với xứ, chân với vọng, về tùy duyên, về thiện với ác, đều có cái ý vị triết học hiện thế. Như nói: " 善 惡 是 我 , 於 心 寔 不 有. Thiện ác bởi ta làm, bản tâm thực không có". Thế là phản với cả hai cổ thuyết tính thiệntính ác đó.

Về Binh học thì nhà Lý đổi lại binh chế, quan nhà Tống là Sái Đình Khánh sang bắt chước và làm sách đem về dâng vua Thần Tôn nhà Tống; còn những binh thư của Hưng Đạo vương và của Quế Đường soạn thuật chưa kể.

Về Y học thì Tuệ Tĩnh thiền sư phát minh môn thuốc nam, làm sách Nam dược thần hiệu để đối địch với thuốc bắc, nổi tiếng đến Tàu. Cái chủ nghĩa của phái Nam dược này là ở bốn câu đầu bài phú Nam dược tính rằng:  欲 惠 生 民, 須尋 聖 藥, 天 書 已 定 南 邦, 土 產 何 殊 北 國. Muốn cứu sinh dân, phải tìm thánh dược. Sách trời đã định Nam Bang, thổ sản khác gì Bắc quốc". Thế là cái tư tưởng tự tín, truyền đến cả những vị thuốc thổ sản vậy. Còn bộ Tâm lĩnh 66 quyển của Lãn Ông soạn thuật chưa kể.

Về kỹ xảo thì có "tứ khí  四 器 " của nhà chùa về đời Lý Trần. Vua Lý Thái tôn lại sai người nước dệt gấm vóc rồi thải những gấm vóc trong nội phủ ra để tỏ không dùng gấm vóc của Tống quốc nữa. Đặng Lộ đời Trần chế ra cái máy "linh lung nghi" để xem nghiệm thiên văn không sai tí nào, vua Hiến tôn bèn cho cải phép làm lịch. Đồ gốm về thế kỷ 14 của ta nó khác với khuôn mẫu của Tàu, này người Tây lấy làm quý lắm.

c) Tính chất mô phỏng

Nho thì theo về Tống nho học phái. Phật thì theo về Bắc        tăng môn đồ. − Từ người nhà Minh thu lấy cả sách về Nho học Phật học cùng điển cố của ta, rồi ban các sách Ngũ kinh Tứ thư thể chú cho trường công, ban các sách Bắc tăng truyện cho các sư, ý muốn làm cho ta đồng hòa với Tàu, thì từ đó học thuật của Nho Phật, văn minh của Lý Trần là những cái đặc tính mất hết, mười lăm năm loạn Minh thực là dài hơn một nghìn năm Bắc thuộc trước.

Nhà Lê quang phục lại, một là tìm lại dấu cũ thì không còn gì, hai là bị huyễn hoặc về cái văn minh Tống Minh. Bèn mô phỏng hết thảy chế độ, mô phỏng học chế thí pháp của Minh triều, cũng lấy sách Tống Nho làm chính thức cho bài kinh nghĩa, cũng lấy khoa cử làm cái định hạn dụng nhân như Trung Quốc. Vì vậy mà cái học phong thực hành của phái Chu An, cái tư tưởng tự tín tự giác của phái Hoa Việt, không thể nào phục hưng lại được nữa. Quế Đường luận sĩ phong đời Tiền Lê chia ra làm ba cuộc biến. Đại lược nói: Quốc gia khôi phục tha sau khi nhiễu nhương thì nhà Nho vắng vẻ, đến đời Hồng Đức mở rộng khoa mục thì kẻ sĩ xô về hư văn. Đời Đoan Khánh trở đi thì sĩ tập suy bại quá lắm. Đó là ông luận sĩ phong bởi học phong mà ra đó. Ông lại hết sức nói cái tệ của Tống Nho với bài kinh nghĩa rằng:  經 義 舊 套, 誠 拙 撲 無 文 釆, 其 要 皆 程 朱 旨 意 也. Bài kinh nghĩa viết theo sáo cũ, chỉ cốt đúng ý nghĩa của Trình Chu đó thôi, chứ chẳng có vẻ văn chương gì".

Ấy cái liều thuốc văn minh Tống Minh ta mới thực nghiện từ đó. Mới nghiện vào thấy nó cũng hưng phát tinh thần một chút, trên dưới đều có lợi. Nên trên càng tín nhiệm, dưới càng ham chuộng, mô phỏng lại mô phỏng, không khó nhọc mà được công hiệu to. Hai ngọn đèn trong hai cái bàn đèn ở vùng trời nam đất bắc từ bấy giờ tuy có to nhỏ khác nhau, mà mờ tỏ cũng theo nhau, cho đến ngày tận số. Thế cho nên trong hai cõi, bốn năm thế kỷ có phải không có người biết hối đâu. Như ở Tàu đã nhiều mà ở ta cũng không ít. Nào là Bùi Sĩ Tiêm đời Hậu Lê xin đổi lại phép thi. Quế Đường giải luận lại kinh truyện cũng là muốn dâng một vài liều thuốc cai đó mà nào có ai nghe. Triều Tây Sơn thì đổi phép thi, đầu bài lấy chữ nho mà bài viết bằng chữ nôm, công văn công điệp cũng dùng chữ nôm. Song mới thí nghiệm được một việc dùng quốc âm thì triều Tây Sơn lại đoản mệnh.

Tóm lại Nho học từ Mạc-Trịnh đến nay, kết quả bất ngoại hai câu này: Nhận là học đồ của Khổng Tử mà thực là nô lệ của Trình Chu. Mượn sách Tống nho làm nghề cử nghiệp.

Ngoài cái học Tống Nho với cử nghiệp ra thì nhà Nho lúc ấy lại còn có hai tạp phái nữa. Một là tạp với phái âm dương thuật số, hai là lưu về tư tưởng chán đời của Lão thị.

Tạp với phái âm dương thuật số thì cự phách là Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông này cũng là một nhà sư nho đạo đức, song đối với Nho học không làm được việc giải kinh hoặc luận đạo gì đặc sắc, thì ông cũng chỉ là đệ tử trung tín của Tống nho mà thôi. Còn ông sở dĩ được hiển danh là ở cái học thuật số, học sách Thái ất của phái Dương Hùng, làm ra những lời sấm để phỏng đoán việc tương lai của thời thế. Thế mà Châu Sán nhà Thanh luận những nhà lý học An Nam có kể đến ông, thì biết cũng là cái học lầm chung của cả cõi Đông Á lúc ấy.

Lưu về tư tưởng chán đời của Lão thị thì đầu nêu là Cống Quỳnh. Mỗi khi cuộc đời nhiều nỗi tang thương biến cố, mà người tầm thường tự nghĩ không sao khiển nổi, thì cái tư tưởng "vạn vật là đồ bỏ" − 萬 物 芻 狗  của Lão thị lại thừa cơ xuất hiện ra mà sinh ra chủ nghĩa yếm thế. Tức là Cống Quỳnh, ông này học tài mà khinh bỏ cả thế sự. Trước còn giả vờ để ngạo mạn cả chủ thần chúa Trịnh, sau đến làm văn tế giễu cợt cả bố đẻ và bố vợ.

Ấy cái hiệu quả về học thuật sai lầm của Tống nho với cử nghiệp ở hai phương Nam Bắc lúc lên lúc xuống, lúc thịnh lúc suy, bên này có ứng với bên kia như mực nước ở cái ống chì với ở cái bể chứa nước của nhà máy nước vậy, còn ai lươn ngắn mà ai trạch dài! Kết cục cuộc Nho học trung cổ bên này cũng như bên ấy, cũng có hai lưu phái là phái ngoan cố thủ cựu với phái duy tân.

1) Phái thủ cựu của nước ta có Vũ Phạm Khải là đại biểu, ông trông thấy và nghe nói những cơ khí Tây Dương tài khéo, bèn làm bài Biện hoặc luận   辨 惑 論   tự xưng mình là Trung Quốc và nói: "Khéo thì khéo chứ cũng chả khéo bằng Hà Đồ với Lạc Thư" − 巧 菓  巧 於 河 圖 洛書. Ý ông này định đem Hà Đồ Lạc Thư ra để chống với cơ khí Tây Dương bấy giờ chăng? Rõ thật là mình mê lại còn bảo ai hoặc!

2. Phái duy tân có Nguyễn Tràng Tộ là đại biểu. Ông là một nhà giáo sĩ đạo Thiên Chúa, tinh thâm Nho học, sang du học Âu châu, lĩnh hội được cả các khoa học, lại du lịch Hương Cảng rồi về làm bài điều trần đại thế thiên hạ và học thuật mới của Thái Tây, xin biến pháp, xin đổi lại phép học phép thi. Có những thuyết Lục lợi từ   利 詞 , Tế cấp  濟 急 , Nông học thập lợi 農 學 十 利  và nhiều thuyết khác. Văn của ông điều hòa cả hai cái tư tưởng Đông Tây, nhiệt thành mà uyển chuyển. Ông là thầy tu mà như thế, thật là không trái với cái quốc túy điều hòa siêu việt với hiện tại. Văn tập còn cả, nay đọc lại cũng còn giá trị lắm. Như thế há ông không phải là người bắt đầu điều hòa hai cái học cổ kim Đông Tây làm một ở nước ta dư? Tuy không phát minh gì, nhưng cũng gọi là cái học Đông tây điều hòa của Nguyễn Tràng Tộ được. Cái học của ông thực không kém gì của Phúc Trạch Dụ Cát ở Nhật Bản, Khang Lương ở Trung Quốc bấy giờ. Thế mà cái học của ông Dụ Cát thì còn thịnh hành đến nay, mà của ông với của hai ông Tàu kia thì đều bị phái thủ cựu đánh đổ.

Trở lên các học phái Nho Phật trong ba tính chất là hợp sáng, biệt sáng và mô phỏng của ta trong một thời đại đình trệ, đại lược như thế. Hợp sáng thì đã mai một mất rồi, mô phỏng thì còn có gì mà kể. Duy có biệt sáng thì chứng cớ còn đó. Ví dù những cái tên sách ấy mà không tìm ra cho đủ được nữa, cũng không có thể gọi là không có được. Nay tôi đặt mấy câu thiết vấn như sau này:

Tôi hỏi:  Truyện Phù Đổng thiên vương có ít nhiều không?

Tất có người trả lời rằng:  Cái đó chưa chắc.

− Vâng, cái đó chưa chắc thật. Vậy như thành trì cung điện của các vua Lý, Trần, Lê ở Hà Nội không luận to nhỏ tốt xấu ra sao, nhưng có không?

Tất người ấy lại nói: Sao lại không có.

Tôi lại hỏi: Vậy thế bây giờ ở đâu?

Hỏi đến đấy tất người ấy không trả lời được nữa. Ấy cái tình trạng của học phái ta xưa cũng đại loại như thế. Nay xét lại xem sở dĩ làm sao mà phải như thế thì có hai cớ như sau này: Một là bị nhà Minh làm đứt mối đi, hai là tự mình mới sinh ra bệnh cẩu thả mà nhãng bỏ đi.

Tuy nhiên nhà Minh lấy mất sách làm đứt cái mối văn minh học thuật của Lý Trần đi, song lấy mất sách chớ có lấy mất tinh thần chủ nghĩa đâu. Chủ nghĩa Chu học, tinh thần ở thực hành; chủ nghĩa Phật học, tinh thần ở điều hòa; chủ nghĩa Hoa Việt, tinh thần ở quốc âm; vậy sao mà không phục hưng lại được. Thế thì cớ thứ nhất tuy hại, nhưng cũng không tệ lắm. Tệ lắm là ở cớ thứ hai. C thứ hai từ Lê Hồng Đức bắt đầu gieo cái mầm cẩu thả, rồi Mạc và Trịnh là hai triều tiếm ngụy lại càng lợi dụng mà tài bồi cho thành cái rừng cẩu thả. Cẩu thả nên toàn mô phỏng, toàn mô phỏng thì không còn biết biến hóa nữa. Như người học vẽ tranh mà làm cách lồng phóng hay là "can kê" thì thế nào cũng không đúng. Kỳ cục mãi càng không đúng, bấy giờ khoanh tay lại, lắc đầu lè lưỡi mà rằng: "Bức vẽ mẫu là thiên tài trời đã định, mà mình là bất tài trời đã định". Chớ nào có biết đâu rằng cách học muốn cho bằng người thì phải biến hóa khác đi. Nay cứ toàn mô phỏng, thấy không có thể theo cho bằng được, bèn sinh lòng tự tiện 自 賤 , là mình tự khinh cái tài mình. Tự tiện quá rồi tự  khí  , là mình tự bỏ cái tài mình, cho mình là đồ bỏ. Mà đồ bỏ thật, vì học không có cái gì đúng được như mẫu của người. Bấy giờ dẫu có ai hoán tỉnh cho cũng không tin, có ai biệt sáng biệt lập cái gì cũng không thèm ngó tới. Có ngó tới thì lại đem bức vẽ mẫu trước ra so, chỗ nào khác thì cho là lập dị; chỗ nào đúng thì cho là không bằng. Vả đã yên trí rằng cùng là giống bất tài trời định, sao còn có kẻ kia. Rồi lại sinh đố kỵ nữa, dân gian thì vùi dập của nhau đi, triều đại thì phá hoại của nhau đi. Gần đây mà không nhờ được trường Bác cổ Hà Nội vì khảo cổ mà bảo tồn lại, thì một ít sách nát với mấy cái cổ khí xù xì kia còn đâu đến giờ cho ta được xem nữa.

Cũng vì thế mà bao nhiêu cái hay không còn gì nữa. Cũng vì thế mà anh thợ vẽ cầm đến cái bút là vẽ ngay phong cảnh "Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự", thầy đồ cầm đến cái bút là tả ngay lịch sử "Hán Cao tổ, Trương Lương, Hàn Tín; anh phường tuồng ra trò là diễn ngay tấn Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi. Cũng vì thế đã quen đi rồi, nên chính thổ sản thổ hóa mà hễ cái gì tồi thì cho một tiếng "nam" vào để giễu; như cái áo tơi lá họ gọi là "áo cừu nam xột xạt"; anh chàng dở người mà hay bàn thời thế họ gọi là "Gia Cát nam". Cái gì tốt thì cho một tiếng "tàu" vào để khen, như măng khô gọi là "măng tàu". Ấy cũng vì cái tư tưởng đã thiên đi như thế mà những nhà chế tạo nội hóa rất khốn khổ, đồ tốt không bán được phải thất nghiệp, mà những đồ thô bỉ tầm thường thì may còn ngoi ngóp sống để kiếm ăn với những người quê mùa nghèo khó vậy. Như thế thì hèn nào mà kỹ nghệ không đồi bại  hủ liệt.

Vật chất như thế mà đạo học cũng như thế, mà như thế đã lâu rồi, song cũng là bệnh mới về sau, chứ không phải là bản lai.

*

Nay kết luận: quốc học với thế giới công học của Việt Nam về thời đại đình trệ như trên ấy, tôi đã so sánh với xa gần, đã chứng giải biện luận như thế là đủ rồi. Ngày nay thế giới giao thông, học thuật nhất trí. Học thuật tân sáng của Thái Tây là cái nhà trường quy thức cao đẳng mới và chung của cả các dân tộc trong thế giới về thời đại này, đâu biết sớm và nhanh chân thì được học trước. Song đến cái chỗ chân thực giác ngộ, chân thực tâm đắc thì phải nhờ vào cái khiếu biết học của bản chất, trông vào cái trình độ học cũ mới được. Bởi vậy tôi đã ví quốc học là bản chất, ví những cái học cũ ở Á Đông là nhà trường Đông phương học; mà những cái sở đắc cũ là những cái bằng tốt nghiệp trước vậy. Bây giờ bạn học cũ đã đều lên trường cao đẳng mới, ta dù chậm chạp cũng đã tìm tới cổng trường, nhưng trước khi thụ giáo, ta phải tự sát hạch lại cái bằng tốt nghiệp cũ của ta là phải lắm. Cái bằng tốt nghiệp cũ của ta, về món quốc học, những tài liệu về bản chất, so với bạn học cũ dẫu chẳng được toàn ưu điểm gì, nhưng cũng ưu liệt tương bán. Về món công học dù bị nội giới ngoại giới cùng số nhiều ham mê về cử nghiệp, khiến cho có sở đắc mà không được lưu hành, có lưu hành mà được một số ít người hoặc được một thời kỳ ngắn ngủi; song những tinh thần chủ nghĩa như là điều hòa siêu việt với thực tế, thực hành minh đạo hóa dân, tự tín tự giác về quốc âm thổ sản như trên ấy, thực đã biết đem cái học công hữu của thế giới biến hóa ra làm cái học độc hữu của một nước rồi đó. Cái khiếu biết học, cái trình độ học cũ như thế, nào có kém gì bạn đồng môn xưa. Nay chúng ta sinh vào buổi học thuật giao thời của nước nhà. Ngửa lên thiên cổ, cúi xuống thiên cổ, cái lâu đài học thuật sau đây, cố nhiên là toàn hi vọng ở người tân tiến ở Tây học. Song cái nền móng thì phải cắm vào chỗ tinh thần đã có sẵn, đã sở đắc rồi mà xây dựng lên. Tuy nhiên cái đã qua đã qua rồi, cái chửa đến còn cha đến. Đương lúc gián đoạn này, cái trách nhiệm cắt vạch cỏ tìm cho ra cái đất nền móng cũ mà giới thiệu cho người sau, há không phải là những người ngày nay dư? Vậy cái gì là quốc học cần phải tài bồi? Cái gì là công học đã sở đắc cần phải quý báu mà giữ lấy? Lại cái gì là trở lực bởi đâu, cái gì là cố tật mê muội phải tránh? Nhất thiết phải bình tình mà xét, chịu khó mà tìm, được đến đâu thì được, còn đâu để lại, thế mới không phụ.

Cái chủng loại của một dân tộc lại cần hơn là của một cá nhân. Cái gì cũng có di truyền, không những tóc da tính tình có di truyền, mà trí khôn về học vấn cũng có di truyền, ấy gọi là chủng trí hun thành. Xưa nay có chủng trí mà làm mất đi cũng có, chớ không có chủng trí thì không làm nên gì bao giờ. Bởi vậy trước khi tôi khảo bài này, về quốc học dù hay dở cũng phải có sẵn tài liệu đã cố nhiên rồi, còn về thế giới công học thực tôi lấy làm lo lắm. Lo rằng không có giống chăng. Đến khi tìm được mấy cái tên sách trên kia thì tôi lấy làm tiếc. Tiếc vì không có sách nào được lưu hành đến nay. Song nghĩ kỹ lại thì tôi không tiếc nữa mà chỉ khấp khởi lấy làm mừng thầm. Mừng rằng người Việt Nam xưa cũng đã có khiếu biết học, tức là có cái giống biết học rồi. Cứ mấy cái tinh thần chủ nghĩa, là điều hòa siêu việt với thực tế, thực hành minh đạo hóa dân, tự tín tự giác về quốc âm thổ sản của các cụ đã để lại trên kia là đủ rồi. Đủ làm gương sáng, làm đèn chiếu, làm địa khoán, làm quốc túy, làm chủng trí cho người sau rồi. Tuy một hồi bị cái bệnh nghiện khoa cử, cẩu thả tự tiện  tự khí mà quên đi, khiến cho mấy cái tinh thần chủ nghĩa trước không nảy nở ra được; nay nhờ luồng quang tuyến của tân học nước Pháp đã chiếu cho ta biết cái căn bệnh xưa, thì ta phải biết mà phục hưng lấy cái hay lại.

Còn mấy bộ sách trên kia mà cho có còn lưu hành đến nay đi nữa, thì cũng là quá khứ cả rồi. Có gạn lọc lại cũng chẳng còn được là bao nhiêu. Chẳng những của các cụ, chẳng những của các nước về thời đại đình trệ, về thời đại phát đoan, mà đến cả của đời tân học thực nghiệm đây cũng vậy. Mỗi một nhà thực nghiệm sau nổi lên thì học thuyết của nhà thực nghiệm trước lại bị quá khứ đi một phần hoặc hầu hết. Đó là cái công lệ tiến hóa phải như thế.

Đứng xa xa trông thấy cái lâu đài học thuật của người ta mặt nào cũng nguy nga hùng tráng mà thèm. Song có ngờ đâu rằng trước kia người ta chịu tích lũy quý báu từ từng hòn gạch một mà xây nên. Mà mình từ trước kia thì khinh bỉ vất đi từ từng hòn gạch một, nên chẳng xây được cái gì.

Nay ta đã biết cái bệnh căn của cõi học ta xưa, một là vì xã hội cẩu thả mà toàn mô phỏng, một là vì kẻ học giả ham cái cận lợi khoa cử. Vậy bây giờ là lúc học thuật đại đồng, và ganh đua, chính là cái cơ hội rất may mắn cho cõi học Việt Nam ta. Thâu thái điều hòa ở lúc này, phục sinh ở lúc này, mà biệt sáng cũng do ở lúc này. Cuộc tranh luận về học thuyết học phái của tiền nhân này chính là cái trưng triệu khát vọng về tân học thuật của một nước đó. Song trước khi vì học thuật nước nhà mà hy vọng,  ta phải hết sức mà trừ bỏ cái căn bệnh cẩu thả đi, trừ bỏ cái tính tự tiện tự khí đi. Không thì về xã hội lại cứ lười biếng a dua không suy xét lựa chọn, không có cái tinh thần tự giác tự tín. Về kẻ học giả lại cứ tham cận lợi, nhai văn nuốt chữ, lấy học đường của nước văn minh làm con đường tắt hiển vinh; bộ "lều chiếu chõng lọ" tuy phá đập ở trường thi rồi, mà con ma nghiện cử nghiệp lại bò vào nơi mễ đỏ bảng đen mà ám ảnh, thì học đến bao giờ cũng chung vô sở đắc. Mà dù có sở đắc được tí gì cũng chẳng để ý đến.

NGUYỄN TRỌNG THUẬT

Nam phong, Hà Nội, s. 167 (tháng 11 & 12. 1931) [*]

Thực nghiệp dân báo, Hà Nội, s. 3327 (16. 1. 1932); s. 3329 (18 & 19. 1. 1932); s. 3330 (20. 1. 1932); s. 3331 (21. 1. 1932); s. 3332 (27. 1. 1932); s. 3333 (23. 1. 1932); s. 3335 (25 & 26. 1. 1932); s. 3337 (28. 1. 1932); s. 3338 (29. 1. 1932); s. 3344 (10 & 11. 2. 1932); s. 3346 (13. 2. 1932);s. 3348 (16. 2. 1932); s. 3349 (17. 2. 1932); s. 3351 (19. 2. 1932); s. 3352 (20.2. 1932); s. 3356 (24. 2. 1932).


 

(*)  Gia giáo nói ở đây hẳn là Gia-tô giáo (cũng gọi là Chiristianism, Ki-tô giáo, Cơ Đốc giáo).

[*] Trong hai bản đăng báo kể trên, bản đăng Thực nghiệp dân báo không in các đoạn chữ Hán. Bản đăng Nam phong là do nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cung cấp; nhân đây xin tỏ lời cảm ơn. L.N.Â.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân