BÀI TRỪ CÁI NẠN PHAN KHÔI Ở NAM KỲ

Muốn bài trừ cái nạn Phan Khôi ở trong Nam, cần phải giết(1) bỏ ông Phan Khôi ở trên đàn ngôn luận. Trước khi muốn giết ông Khôi ở trên đàn ngôn luận, lòng tôi cảm tưởng bồi hồi, lại nhớ đến khi xưa trong hồi xem tập văn Ẩm Băng, thấy truyện Viên Sùng Hoán giết Mao Văn Long(2) vậy.

Nghĩ như ông Phan Khôi là người có tài học trong buổi Hán học đã tàn này (xem lại bài nói về ông Phan Khôi trong An Nam tạp chí số 26), nếu trên đàn ngôn luận giết bỏ hẳn ông đi, thực rất đáng là thương tiếc. Lại biết đâu rằng không vì một chỗ đó mà sau này thành ra tôi có mang phần tội lỗi với quốc dân. Cho nên nghĩ đến truyện Viên Sùng Hoán giết Mao Văn Long mà càng thêm cảm tưởng bồi hồi vậy. – Tôi đã nghĩ biết đến như thế, lại nghĩ trái lại rằng: như ông Khôi thật là người có tài, mà rộng xem trong xã hội ta hiện nay, ai là người có đủ sức (chữ sức đây gồm cả hai tính chất văn học và tư bản) để dùng được cái tài của ông Khôi, thực là khó có. Nếu tài không đắc dụng mà chuyển làm tai nạn, thời chẳng giết để chi? Đó là nghĩ về phần công chúng.

Tôi lại riêng tự nghĩ: phàm người ta muốn làm một việc gì, chỉ cần nên biết rõ việc ấy có quả là nên làm hay không; còn như an nguy lợi hại về phần riêng một mình, sau rồi có xảy ra như sao, nhất thiết không cần nên tính đến. Theo các sự nghĩ như trên đó, xin xét về tội án ông Phan Khôi.

Cứ trong tội án ông Khôi viết bài ở Phụ nữ tân văn, phần nhiều ở về phương diện làm hại phụ nữ lưu; nhưng nay cẵng(*) nói về một khoản can trọng hơn, là bài "Cái cười của con Rồng cháu Tiên", đăng trong Phụ nữ tân văn số 84, ra ngày 28 Mars 1931. Nay xin hãy cứ một bài ấy, tra xét, nghĩ xử.

Trong Phụ nữ tân văn đăng bài ấy của ông Khôi, dưới cái đầu đề in chữ to là "Cái cười của con Rồng cháu Tiên", lại có một giòng cũng là đầu đề mà in bằng thứ chữ nhỏ hơn, là: "Một cái cảm tưởng trong khi đọc "Cay đắng mùi đời". Cứ như hai dòng chữ đầu đề ấy nhận ra, cái gian tình của ông Khôi đã phơi trắng ra ở mặt giấy. Đó là ông muốn cổ động cho cuốn tiểu thuyết "Cay đắng mùi đời" ấy, mà ông mượn bốn chữ "con Rồng cháu Tiên", đặt làm đại đề mục, khiến cho các độc giả phải để mắt để ý mà xem tới trong bài, mà đọc tới những lời cổ động của ông phục tàng khôn khéo ở trong văn. Một sự lợi dụng đó đã hiển nhiên ở hai giòng chữ đầu đề, bốn chữ "cay đắng mùi đời" đi theo với bốn chữ "con Rồng cháu Tiên", ông Khôi dẫu muốn cãi thế nào, cũng không thể cãi gỡ được.

Nguyên một sự viết bài trong báo mà lẩn lời quảng cáo ở trong, cái lỗi chỉ là lạm dụng công quyền của báo quán mà mưu đồ sự tiện lợi về phần riêng. Cái lỗi ấy, chỉ trong đối với chủ nhân báo quán, ngoài đối với các bạn độc giả mua năm, mua lẻ của tờ báo ấy, mà có lỗi về sự man trá theo tính cách tiểu nhân. Nếu về phần người viết thật khôn ngoan, về phần người xem không xét tới, thời chỉ như một sự ăn cắp rất chơn chu, không thành câu chuyện. Nếu về phần người viết kém khôn ngoan, về phần người xem có xét tới mà bỏ qua làm một sự buồn cười, không cần chê trách, thời cũng không thành câu chuyện. Hoặc về phần người viết không khôn ngoan, về phần người xem xét ra tới, ông chủ nhân trong báo quán quở trách người viết bài qua loa, độc giả của tờ báo viết bài để chỉ trích, như thế thời dù có có câu chuyện, mà câu chuyện cũng rất là nhỏ nhen. Những câu chuyện như đó, ai muốn biết thời biết, ai muốn nghe thời nghe, không quan hệ đến sự cần biết cần nghe của công chúng. Vậy thời một cái lỗi nhỏ nhen ấy, tuy rằng tôi có xét ra, song xin giao giả về cho Phụ nữ tân văn. Một bên, phần người được xét xử, là hai vợ chồng ông Nguyễn Đức Nhuận và các bạn độc giả của Phụ nữ tân văn; phần người ấy rộng lượng hay hẹp lượng thế nào, tùy ý. Một bên, phần người bị xét xử, là M. Phan Khôi, có phục tình hay không phục tình thế nào, mặc ý. Tóm lại, một cái trường hợp đó không cần đem ra trước tòa án công luận của quốc dân trong ba kỳ. – Cần đem ra trước tòa án công luận của quốc dân trong ba kỳ, là: cái tội ông Phan Khôi dám lạm dụng bốn chữ "con Rồng cháu Tiên" làm quảng cáo cho cuốn tiểu thuyết kia, mà lại đem những giọng mỉa mai, lời cợt riễu, để đối với bốn chữ ấy. – Nay tôi xin, trước mặt quốc dân, đỡ lời công chúng, quyền làm sự thẩm án thuộc về tòa Sơ cấp, mong ai nấy cùng nghe:

Nguyên bốn chữ "con Rồng cháu Tiên" trong quốc văn thường dùng ngày nay, là gốc ở chữ Hán trong Quốc sử. Lời vua Lạc Long bảo bà vợ là bà Ẩu Cơ rằng: 我 是 龍 類, 爾 是 仙 類.                         "Ngã thị long loại, nhĩ thị tiên loại = Ta là loài rồng, mình là loài tiên". Đó là chữ chính trong Quốc sử. Về sau, gần đây, những người làm sử, làm sách, làm văn bài bằng chữ Hán, mới thuật ở hai chữ  龍 仙 đó mà có như câu:    父 仙 母 之 子 孫. Long phụ tiên mẫu chi tử tôn". Ấy bốn chữ "con Rồng cháu Tiên" lại là do ở câu chữ Hán ấy dịch ra, mà nói lọn như vậy. Nay cứ bốn chữ Quốc văn ấy mà làm sự giảng giải, thời có hai nghĩa:

Một là nói về nghĩa hiện tại, thời bốn chữ đó trỏ khắp vào mấy mươi triệu đồng bào giai gái, cùng là con cháu nhà Lạc Long.

Hai là nhận về nghĩa gốc tích, thời một chữ "con" đó, tức là các cụ tổ chúng ta ngày xưa, cùng hàng anh em với vua Hùng Vương mà chính vua Hùng Vương cũng là một vị người trong chữ "con" đó. Vì rằng ở sử cũ, vua Lạc Long cùng bà Ẩu Cơ chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo bố ở Nam; tôn người con trưởng lên làm Hùng Vương để nối ngôi trị vì.

Cứ nhận kỹ như đó, thời biết bốn chữ "con Rồng cháu Tiên" của dân tộc Việt Nam, thực là tôn quý, không có vật gì ở trên nữa. Nay hãy xem như có một hoàng phái nào, đặt ra bốn chữ  金 枝 玉 葉  "kim chi ngọc diệp" để tự tôn cái giòng giống nhà mình; thời bốn chữ ấy đối với giòng giống nhà kia, hẳn cũng rất là tôn quý. Huống chi chữ gốc ở Quốc sử mà chùm cả dân tộc, thời tôn quý biết là nhường bao! Cho nên như bốn chữ "con Rồng cháu Tiên", người An Nam ai có muốn nói đến, hoặc viết ra câu văn, câu thơ, chỉ nên dùng về bên nghĩa tốt, như tự tôn, tự ái, tự quý, tự trọng, ngợi khen, chúc tụng, âu yếm, yêu đang, như thế mới là hợp dụng. Nếu có kẻ nào trong Quốc dân dám đem bốn chữ đó dùng làm  cái bia để mỉa mai, để chế riễu, tức là kẻ đó có can tội với toàn thể Quốc dân, với Thủy tổ của nước vậy. Như kẻ đó, kết vào tội "đại bất kính" 大 不 敬 thực rất là không oan!

Cứ việc cũ ở Á Đông, ở trong sử Trung Quốc, về đời vua Văn đế nhà Hán, quan Thừa tướng là Thân Đồ Gia 申 屠 嘉  quở mắng Đặng Thông 鄧 通 (một kẻ bầy tôi yêu riêng của vua Văn đế) rằng: 通 小 臣 戲 殿 上, 大 不敬, 當 斬. Thông, tiểu thần, hý điện thượng. Đại bất kính! Đương trảm. − Nghĩa rằng: "Thông, mày là một kẻ bầy tôi nhỏ mọn, dám đùa bỡn ở trên chỗ cạnh vua. Cả là bất kính! tội nên chém!"

Ấy chữ "đại bất kính", nghĩa như thế, tội đáng là như thế.

Đoạn gần cuối ở trong bài của ông Phan Khôi có nói rằng:

"Có một phần đông người Pháp ở đây, ta hằng ngày cũng có thể chiêm nghiệm được cả một dân tộc Pháp. Ví dụ như gặp khi giời mưa đường trơn, có người nào đó, bất kỳ đi vô ý mà trợt té, bấy giờ có năm ba người Pháp đứng đó, họ có cười hay không? Tôi và có nhiều người như tôi nữa, dám chắc rằng họ chẳng những không cười, mà lại còn chạy lại để đỡ người bị té ấy lên nữa. Còn như con Rồng cháu Tiên ta, ai không biết, chớ tôi cầm chắc rằng trước khi chạy lại đỡ, họ phải cười một chặp cho no  nê đã".

Như lời trong đoạn đó, ông Khôi khen người Pháp, sao chẳng rất là phải. Còn như ông mai mỉa con Rồng cháu Tiên về cái tội cười đó, thời tôi dẫu không bênh được hết, cũng có thể nói lại được ít nhiều. Quốc dân ta trình độ chửa văn minh, thời hạng người hạ lưu, cái thói xấu biết kể sao cho xiết. Sự cười đó chưa lấy gì làm quá lắm, nhất là như một sự "đi tiểu" của một phần người đàn bà Hà Nội, những người đầu đội thúng, vai mang gánh, hoặc đi chân tay không, bất cứ ở tại đường phố nào, nếu không thấy ông Phú-lít(*) ở bên, thời là vén quần đi tiểu luôn, coi như chỗ bờ dậu của nhà mình vậy. Một phần người như thế thực không ít; song cũng có phần nhiều người khác như các hạng nữ giáo viên, nữ học sinh sa-dờ-phăm (sage femme), bà Tham, bà Phán, các con gái các nhà buôn bán ở thành phố, thời cái sự đi tiểu ở đường phố như thế, thực là ít thay! Suy một sự "đi tiểu" mà nhận sang sự "cười", thời những người có cái thói cười xấu như ông Khôi đã nói, chẳng qua là một hạng người hạ lưu, tư cách cũng chính như những người đàn bà đầu đội vai mang mà đi ở đường phố Hà Nội vậy. Nếu do một sự cười đó có thể đem bốn chữ "con Rồng cháu Tiên" mà diếc móc, thời một sự đi tiểu của một phần người đàn bà Hà Nội, ông Khôi khó gì không mỉa mai đến cả nòi giống được ru? – Đến như sự đi tiểu của đàn bà nước Pháp thời thật tôi chưa từng được trông thấy một người đàn bà Pháp đi tiểu ở đâu bao giờ. Ông Khôi đã biết khen người Pháp về sự không cười sằng, thì như sự không đi tiểu sằng của các bà đầm kia, ông tú Khôi lại càng nên hương hoa mà đính chúc lắm vậy!

Một câu thật cuối ở trong bài của ông Khôi, tức là đoạn tiếp luôn với đoạn trên, có nói rằng:

"Nội một cái biểu hiệu để tỏ ra người ta khác với vật mà mình cũng đã không biết dùng bằng họ rồi".

Ngẫm kỹ cái ý nói của câu ấy, tức là ông Khôi vói lên chữ "con Rồng cháu Tiên" ở đoạn trên, mà cho là không khác giống vật vậy.

Dân tộc Việt Nam ta, kể từ sau đời Hùng Vương, cũng đã có nhiều phen lừng lẫy, như những hồi Lý Thường Kiệt đánh Tống, Trần Hưng Đạo phá Nguyên, Lê Thái Tổ bình Ngô, Nguyễn Quang Trung trừ Thanh. Đương những lúc như ấy thời trong quốc dân ta, "con Rồng cháu Tiên", chắc không có ai kể xấu nhau về tiếng nói câu cười. Bụt nhà đến lúc không thiêng, thời bệ lở tòa nghiêng, thằng nhỏ chăn trâu mới dám lấy gai mà chọc mắt. Hai nhăm triệu lòng người chưa chết cả, nghe giọng lưỡi của Phan Khôi như vậy; vui, buồn, cười, khóc nên nhường sao?

Cứ cái tội án Phan Khôi do ở bài "Cái cười của con Rồng cháu Tiên", về phần tôi sơ thẩm như thế, nghĩ nên kết theo lời Thân Đồ Gia bảo Đặng Thông: "Đại bất kính! Đương trảm!" Duy trong Luật lại có điều "trảm, giam, hậu". 斬 監 候 nghĩa là: kết tội chém, nhưng còn giam đó, để đời quyết. Vậy cái tội Phan Khôi, xin nghĩ kết Trảm, giam, hậu. Một là: để đợi quyết. Hai là: để trong quốc dân ta, ai có vì Phan Khôi thương tiếc, xin cứ vì Phan Khôi thân oan. Phan Khôi có tự lấy mình làm oan, xin cứ hết lời thân oan.

Le Directeur de la Revue d' Annam

NGUYỄN KHẮC HIẾU

An Nam tạp chí, Hà Nội, s. 29 (20. 2. 1932)


 

(1)  Chữ "giết" đây chuyên đối với cái mình tinh thần của ông Khôi mà nói, cho nên bảo là "giết bỏ ông Phan Khôi ở trên đàn ngôn luận". Nếu nói về cái mình hình xác    của ông Khôi, thời tôi không có quyền được nói giết. Vả chăng cái mình hình xác thời ông Phan Khôi cùng với người vô học, vô tội khác, cũng không lấy gì làm khác nhau, thời cũng không can gì mà cần giết. Trong bài đây, phàm đối với ông Khôi mà nói đến chữ giết hoặc những chữ thuộc về sự giết, đều ý nghĩa như thế. Xin độc giả cẩn thận để ý. (nguyên chú của Tản Đà).

(2) Viên Sùng Hoán  袁 崇 煥 giết Mao Văn Long  毛 文 龍  là sự tích ở trong sử Trung Quốc về cuối đời nhà Minh. Nếu vị độc giả nào muốn biết tường, đợi có thì giờ, xin sẽ tường thuật ở kỳ khác. Đây chỉ nói qua để chư vị biết rằng: Hai người này cùng là tướng thần của Minh. Mao Văn Long cũng là người có tướng tài, chức Bình Liêu Tổng binh quan, coi quân trấn ở Song Đảo. Viên Sùng Hoán phụng mạnh sung chức Đốc sư ở Kế, Liêu. Đó một mặt chống nhau với quân Mãn Thanh trong khi hai nước đương tranh địch. Viên Sùng Hoán lấy chức vị Đốc sư, ra Song Đảo, triệu Mao Văn Long tới nơi, chém chết ở dưới trướng. Tới sau Sùng Hoán đắc tội, tuy vì một nhẽ khác mà vua Minh đem lòng ngờ, song lấy sự giết Mao Văn Long làm cớ. − Song Đảo là một cái cù lao giữa bể, ở về mạn tây nam phủ Phụng Thiên. (nguyên chú của Tản Đà).

(*)  cẵng : hẵng, hãy.

(*) phú-lít (phỏng âm từ police): cảnh sát.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân