BÀI TRỪ CÁI NẠN PHAN KHÔI Ở NAM KỲ

 

Cùng bài  "Tống Nho với phụ nữ" 

Xem ở cột thứ bẩy trong bài ấy, tức là về đoạn đã gần cuối, ông Khôi nói:

"Tôi lấy làm lạ, cái kêu bằng cái "tiết" đó, không phải là tính trời sanh, thời sao lại đem nó để càn lên trên cái do tánh trời sanh? Tôi thì cứ giữ mực quê quê thiệt thiệt, căn cứ ở câu "thực sắc thiên tánh" của Mạnh Tử mà nói rằng: Hễ đàn ông chết vợ thì lấy vợ khác; đàn bà chết chồng thì lấy chồng khác".

Mấy lời trích dẫn ra trên đây, tức là chủ ý trong toàn bài của ông Khôi. Mấy câu nói về tánh trời sanh, còn vẫn là lời luận lý; đến hai câu sau từ dưới chữ  "nói rằng", mới là ông Khôi tỏ rõ đến thực ý của tự mình. Nay xin lại cứ theo một đoạn trích dẫn trong bài ấy như đó, đối với chư vị Độc giả thuyết minh.

 

 

Cùng mấy lời luận lý của ông Khôi.

Ngay từ cột thứ nhất của bài ấy, ông Khôi mới bắt đầu vào luận lý, nói đến hai việc ẩm thực và nam nữ là tánh trời sanh, ông dẫn câu " 食 色 性 也 thực sắc tính giã" ở trong sách Mạnh Tử, chú ở chân trang, để làm chứng cứ. Cứ cái kiến giải và sự dẫn chứng của ông Khôi, theo như ý ông, sao không là phải. Song tiếc rằng: ông Khôi chỉ biết có hai việc ẩm thực và nam nữ là tánh trời sanh; mà ông không biết tính giời sinh của người ta không những chỉ là hai việc ẩm thực, nam nữ đó. Ông mang một cái cảm tưởng chú trọng ở "kiếm hột cơm, bỏ vô miệng"(1), phát ra làm những lời ngôn luận cố ôm nâng quyền lợi của đàn bà con gái, mà coi xem cái đạo làm người rất là dẻ dúng, không còn giá trị một chút chi. Chữ "tiết  " thuộc về đạo đàn bà con gái, nếu chỉ đáng đem mà quăng đi, thời                                 hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ của đàn ông con trai, cũng đều chỉ là những chữ dư thừa, còn cần chi giáo dục làm chi vậy. Trong Luận ngữ có câu  駟 不 及 舌  tứ bất cập thiệt: "ngựa tứ chạy theo không kịp lưỡi".(2) Tiếc cho lời nói ông Phan Khôi!

Nhân ông Khôi đã dẫn lời trong sách Mạnh Tử mà nói về chữ tính, tôi cũng xin do chữ tính ở Mạnh Tử, theo cùng ông thuyết minh.

Cứ đức Khổng ít nói đến tính. Sách Trung dung, câu mở đầu rằng: " 天 命 之謂 性 − Thiên mạnh chi vị tính". Nghĩa là: "Giời phú cho người ấy là tính". Ông Tử Tư(3) thuật cái ý của người trước truyền lại mà nói ra, cũng chỉ mới nói có như thế. Đến ông Mạnh thời hay nói về tính ; trong một bộ Mạnh Tử, biện luận về chữ tính rất nhiều. Nay trích mấy đoạn có thiết nghĩa với việc thuyết minh trong bài đây, dẫn dịch như dưới: 口 之 於 味 也, 目 之 於 色 也, 耳 之 於 聲 也, 鼻 之 於 臭 也, 四 肢 之 於 安 佚 也, 性 也, 有 命 焉, 君 子 不 謂 性也. Khẩu chi ư vị dã, mục chi ư sắc dã, nhĩ chi ư thanh dã, tỵ chi ư xú dã, tứ chi chi ư an dật dã, tính dã; hữu mạnh yên. Quân tử bất vị tính dã".

Nghĩa rằng: "Miệng người ta với cái vị ngon, mắt với cái sắc đẹp, tai với cái tiếng hay, mũi với cái mùi thơm, bốn chân tay với sự yên thư nhàn rỗi, đó là tính; vậy mà có mạnh (4). Người quân tử không bảo nó là tính".

君 子 所 性, 仁 義 禮 智 根 於 心, 其 生 色 也, 誰 然 莧 於 面, 盎 於 背, 施 於四 體. Quân tử sở tính, nhân nghĩa lễ trí căn ư tâm. Kỳ sinh sắc dã, thùy nhiên hiện ư diện, áng ư bối, thi ư tứ thể…"

Nghĩa rằng: "Người quân tử mà kể là tính, thời như: điều nhân, điều nghĩa, điều lễ, điều trí, gốc rễ ở trong lòng. Mà những cái đó phát hiện ra bên ngoài, lào lạo trông thấy ở trước mặt, nây núc ở sau lưng, rung rinh cả ở bốn chân tay…"

Hai đoạn dẫn và dịch đây, cũng đều là những lời ông Mạnh Tử ở trong sách Mạnh Tử. Các lời biện luận về chữ "tính" ở chỗ khác trong Mạnh Tử chưa kể, hãy cứ xem như hai đoạn này, đủ thấy cái "tính giời sinh" của người ta, rộng lớn cao quý là như sao! Cái kiến giải  của ông Mạnh Tử đối với cái tính giời sinh của người ta, rộng lớn cao quý là như sao! Càng đủ thấy hai việc ẩm thực và nam nữ của người đời, tuy cũng là do cái tính giời sinh, mà địa vị giá trị của nó thật là hèn thấp nhỏ bé vậy.

Nay ông Phan Khôi chỉ cần đem bốn chữ "thực sắc tính dã" trong Mạnh Tử dẫn làm căn cứ cho bài luận lý của mình, để đối với những đàn bà con gái không đọc sách Mạnh Tử. Như thế, có thể làm cho ai nấy nhận hiểu sai lầm rằng: "Ở đời chỉ có hai việc ẩm thực và nam nữ là do cái tính giời sinh của người ta, mà không còn có sự vật gì đáng ở trên nó nữa; dẫu ông Mạnh Tử ngày xưa, cái kiến giải cũng chỉ có như thế". Ấy chủ ý của ông Khôi, trong mấy lời luận lý của ông như đã trích dẫn trên kia, thực ông muốn khiến được cho ai nấy nhận hiểu như thế. Vậy thời ra : ông đã mượn lời ông Mạnh Tử để làm lầm độc giả, ông lại khiến cho độc giả nhận lầm ông Mạnh Tử cũng là hạng người cùng một kiến giải như ông. Như thế thời về phần ông làm hại cho độc giả đã đành, mà thực ông lại làm oan cho ông Mạnh vậy. Gian thay! ông Phan Khôi. Ác thay! ông Phan Khôi. Tiểu nhiên thay! ông Phan Khôi.

Cứ mấy lời luận lý của ông Khôi, nếu không hết sức bài trừ, mà để cho ông được hành những cái gian, cái ác, cái tiểu nhân, thời nay ông đã viết ra bài này, mai ông chắc viết ra bài khác, ngấm ngầm truyền bá vào trong tâm lý một số người trong xã hội, xui khiến cho gái bỏ trinh tiết, giai bỏ trung hiếu; phàm những cái tốt đẹp của trong đạo làm người như nhân, từ, tín, hậu, lễ, nghĩa, liêm, sỉ, đều bị những lời luận lý vô đạo ấy làm cho đến mất hết giá trị. Nếu lo cho quá, thời một phần nhân đạo chẳng sẽ do đó mà dần dần lấn lún đến trở ra cầm thú cẩu trệ sao? Nguy thật thay!

*

Cùng hai câu thực ý của ông Khôi

Ông Khôi nói:

"Hễ đàn ông chết vợ thì lấy vợ khác; đàn bà chết chồng thì lấy chồng khác".

Xưa nay, đàn ông chết vợ mà lấy vợ khác, đàn bà chết chồng mà lấy chồng khác, vẫn là sự thường trong thế tục; có cần chi đến những nhà học vấn phải ra công luận lý mà khuyên bảo cho chúng ru?

Đàn ông hóa vợ mà ở yên không lấy vợ khác nữa, hạng người ấy gọi là "nghĩa phu  義夫 ", từ xưa đến nay, thật ít thấy trong sử sách. Đàn bà hóa chồng mà ở yên không đi lấy chồng khác nữa(1), hạng người ấy gọi là "tiết phụ  節 婦 ", so với nghĩa phu thực có số nhiều hơn; song tóm tự nghìn xưa, nếu có thể cộng được toàn số đàn bà hóa chồng còn trẻ tuổi mà tính xem, chưa dễ nghìn ai mong có một! Vậy thời những người tiết phụ kia sinh ở nhân gian thế, dẫu chưa hẳn như phụng hoàng kỳ lân trong phi cầm tẩu thú, thời cũng là hòn ngọc ở núi đá, hạt châu nơi bể trai. Đời đời vua chúa, ơn ban " 節 行 可    tiết hạnh khả phong", cũng vì là vật quý của đời, đời nên biết quý vậy.

Tục thuần hậu mỗi ngày càng kém xưa, gái trinh tiết mỗi ngày càng hiếm có; vật quý của đời lại đến lúc đời không biết quý, phong dao lý ngữ, nhiều câu nghe thấy đã thương tâm:

1. Lẳng lơ chết cũng ra ma;

Chính chuyên chết cũng khiêng ra đầy đồng.

2. Ông chết thì thiệt thân ông!

Bà tôi sắp sửa lấy chồng nay mai.

3. Bà chết thì thiệt thân bà!

Ông tôi sắp sửa lấy ba nàng hầu.

Ba câu ca dao đó, ngẫm như một câu dẫn ở trước nhất, thực là do phong hóa suy đồi, tự ở mồm những kẻ hạ lưu xướng ra. Hai câu dẫn thứ hai, thứ ba ở sau, hoặc giả còn là có ai đó, vì cái bụng thương cho đời, ghét cho đời, mà phát ra những lời chua xót. Tôi tuy chưa dám nhận định nghĩa; song tóm lại chỉ đều là những câu ca dao mà không phải là lời luân lý. Lập thành thế, luận thành lý, thời mới thấy như  hai câu của ông Phan Khôi là thứ tư:

4. Đàn ông chết vợ, thì lấy vợ khác.

Đàn bà chết chồng, thì lấy chồng khác.

Hai chữ "thì" đó, ngẫm  ra cho kỹ không còn tình nghĩa chút tơ vương; chính cũng như trong xóm bình khang thường có câu "cuốn chiếu nhân tình sạch" vậy! Hai câu đó, trước lúc chưa đem đăng báo, ông Khôi hoặc có cùng ngồi đàm luận với hai vị chủ nhân và chủ nhiệm tờ Phụ nữ tân văn mà đem ra cùng đọc, thời không biết cái cảm tưởng của những người nghe kia như sao?

Nghĩ cho phong hóa đến lúc đã suy đồi, chẳng ai có sức nào giữ lại được. Song thuộc phần hành vi riêng của cá nhân, ai có muốn sao cứ tự ý, thực cũng chưa mấy ai nhẫn tâm dụng lực mong tồi hoại cho cái nền hủ cựu đó chóng đổ đi làm chi. Có chăng, thời là ông tú Phan Khôi vậy.

 

鐫 功 奇 石 張 宏 範, 不 是 胡 兒 是 漢 兒. Thuyên công kỳ thạch Trương Hoành Phạm. Bất thị Hán nhi! " (2) . − Ông Phan Khôi cũng là người trong Hán học ra, đó nhỉ?

Cứ trong lời đã thuyết minh về một đoạn trích dẫn trong bài luận lý ấy như trên, Phan Khôi là một người bại hoại phong hóa  敗 壞 風 化  vậy.

*

Hợp hai bài bài trừ, An Nam tạp chí số 34 và 37 đây, thời Phan Khôi viết bài "Tống nho với phụ nữ" đăng trong Phụ nữ tân văn số 95 ra ngày 13 Août 1931, tức là kẻ có tội với danh giáo.

1. Vu hãm tiên hiền;

2. Loạn ngôn hoặc chúng;

3. Bại hoại phong hóa.

Nay, chiểu theo hình luật ở Á Đông từ đời vua Thuấn mới đặt, có minh văn trong kinh Thư rằng: " 扑 作 教  刑 − phốc tác giáo hình". Nghĩa là: "Cái roi, dùng làm hình phạt thuộc về sự giáo huấn". C Phan Khôi phạm về tội danh giáo, vậy nên dùng roi để trừng.

Chiểu theo các trường dạy học chữ nho của ta khi xưa, phàm học trò học dốt, đọc không thuộc, hoặc có tội vô lễ, thời bắt phải nằm sấp xuống đất, đánh ba roi. Cứ Phan Khôi can phạm ba điều như đã yết trên đây, so với những tội học dốt, đọc không thuộcvô lễ thực lớn hơn gấp trăm. Vậy, nên đánh đòn ba trăm roi.

Chiểu theo pháp ý ở Á Đông, làm tội người đem ra ở chợ, để cùng có công chúng dự biết".(1) Cứ Phan Khôi phạm về tội danh giáo, nên đánh đòn ở trước sau Văn Miếu, để trên có các vị Tiên thánh, Tiên hiền cùng giám lãm, dưới có các sĩ phu trong phái Hán học cũng được dự biết.

Cứ các nhẽ đã sơ thẩm như trên, xin nghĩ kết Phan Khôi phải chịu ba trăm roi đòn, chia đánh ở ba nơi:

1. Đánh ở trước sân Văn Miếu Thăng Long, là nơi gốc văn vật của sự học nho của nước ta từ triều nhà Lý.

2. Đánh ở Huế, là nơi thủ phủ xứ Trung kỳ.

3. Ở Quảng Nam, là nơi chốn của tội nhân sinh trưởng học tập.

Ngoài cái tội án Phan Khôi đã nghĩ kết, chiểu theo thường luật có bắt tội oa chủ: vậy những tiền phí giải Phan Khôi từ Nam ra Bắc, cho lại về đến Huế, về đến Quảng Nam, do ban Trị sự của Phụ nữ tân văn phải trích tiền quỹ của báo quán ấy cung nạp.

Giở lên các điều án nghĩ,(*) theo như lệ nghĩ kết về bài Phan Khôi viết "Cái cười của con rồng cháu tiên"; riêng bản án này, trên có tòa án Thượng thẩm riêng xét về danh giáo là toàn thể sĩ phu phái Hán học trong nước sẽ cùng phúc thẩm, dưới có tội nhân và oa chủ, ai có muốn thân oan, cứ được hết lời thân oan.

*

Sau hết, phần riêng tôi xin có mấy câu gửi vào trong báo quán Phụ nữ tân văn rằng:

Có ai ở Bắc vào Nam

Để cho ta nhủ chị em biết mà:

"Phấn son tô điểm sơn hà,"

Chữ "trinh" giữ đạo đàn bà nước Nam.

Chủ bút phần Hán học trong An nam Tạp chí

TẢN ĐÀ NGUYỄN KHẮC HIẾU

                                                         An Nam tạp chí, Hà Nội, s. 37 (16. 4. 1932)


 

(1)  Lời ông Khôi ở đầu cột thứ hai trong bài ấy. (nguyên chú của Tản Đà)

(2) Tứ là thứ ngựa tốt, chạy nhanh. (nguyên chú của Tản Đà).

(3)  Ông Tử Tư  子 思 , tên là Cấp , là cháu đích tôn của đức Khổng mà là học trò ông Tăng Sâm (ông Sâm là học trò đức Khổng). Ông Tử Tư làm sách Trung dung, một thiên ở đầu cũng là thuật sự học được của đức Khổng, thầy Tăng vậy. Ông Mạnh Tử lại là học trò ông Tử Tư. (nguyên chú của Tản Đà).

(4) Mạnh (*), nghĩa là phận định (nguyên chú của Tản Đà). (*) Chú ý: chữ “mệnh”  được Tản Đà phiên âm là “mạnh”, trong khi Phan Khôi phiên âm là “mạng”. (NST)

(1)  Đây cũng là nói những người còn trẻ tuổi. (nguyên chú của Tản Đà).

(2) Trương Hoành Phạm là quan của nước Tống, sau hàng theo về Nguyên, để quân Nguyên sang đánh Tống, đuổi vua Tống đến một nơi đèo bể là Nhai Sơn. Lục Tô Phu là ông quan theo hầu vua, cõng vua nhảy xuống bể, mất tích. Trương Hoành Phạm bèn ghi công vào đá rằng: 張 宏 範 滅 宋 於 此.  “Trương Hoành Phạm diệt Tống ư thử” ; nghĩa là: “Tên Trương Hoành Phạm đánh mất được nhà Tống ở đây”. Chỗ đó, người đời sau qua lại, có hoài cảm nhiều thơ. Trong có một bài thơ có hai câu kết rằng: “Thuyên công kỳ thạch Trương Hoành Phạm; bất thị Hồ nhi, thị Hán nhi…” Nghĩa rằng: “Cái tên Trương Hoành Phạm mà khắc bia kể công vào hòn đá ở đó, có phải là thằng bé giống Hồ Nguyên đâu, chính là thằng bé con nhà giống Hán vậy”. (nguyên chú của Tản Đà). 

(1) 刑 人 于 巿,與 眾 共 之. Hình nhân vu thị, dữ chúng cộng chi. (nguyên chú của Tản Đà).

(*) Từ “nghĩ” Tản Đà dùng (án nghĩ, nghĩ kết,…) có lẽ nay nên hiển như “nghị” (NST)

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân