BƯỚC QUA 1932(*)

Tâm lý người ta ai cũng có sự chán nản về dĩ vãng mà ao ước về tương lai. Sau khi xếp cuốn lịch lại ngồi ngẫm việc đời chẳng có ai là chẳng mong mỏi cái thời đợi hoàng kim ở trước mặt mình. Thế nhưng đó chỉ là cái tâm lý phổ thông của người ta đó thôi chớ về thiệt sự thì nhiều khi không phù hiệp hoặc có khi nó trở ngược lại nữa.

Một người làm ruộng hoặc đi buôn cứ phàn nàn cho cái năm mình đương ở đó là bị thất lỗ, trông cho mau tối mau sáng, qua năm khác thử ra sao, mà rồi năm nào nó cũng vẫn như năm ấy, hình như thì giờ nó phỉnh người ta cho mất mọng mà chơi.

Ra đến một nước, một xã hội, một thế giới, cái tâm lý của người đời cũng chỉ có vậy đó, cũng chỉ mong có ngày mai sung sướng hơn ngày nay. Nhưng than ôi, giữa thế kỷ nầy, bởi sự tấn bộ mau lắm thạnh lắm mà cả thế giới trình bày ra cái trạng thái bất an, làm cho chúng ta khó mà đến được cái cảnh thái bình.

Thế nào rồi cũng phải có ngày thái bình. Song ngặt cho chúng ta ở vào cái thời đợi trước ngày ấy, cái thời đợi đương tấn bộ, đương tranh đấu, làm cho chúng ta thấy như là hỗn loạn bất an mà ai nấy sanh lòng chán nản. Riêng về xứ ta, trải qua hai năm 1930 và 1931 day ra đâu cũng thấy là gian nan tân khổ hết nên mọi người đều chong mòng chóc mỏi, trông cho đến năm 1932.

Trong ý người ta  tưởng đâu cái vận đỏ của nước nhà, của dân tộc, của xã hội ở trong năm 1932(*) nầy. Qua năm 1932 nầy thì cái nạn kinh tế khủng hoảng sẽ hết, sự rối loạn sẽ yên, sự chém giết sẽ không thấy nữa, ai nấy đều mong như vậy. Bao nhiêu những thiên tai nhân hoạ ở hai năm 1930 và 1931 đã đủ rồi, thì năm 1932 nầy không thái bình còn đợi đến ngày nào?

Năm 1932 mau mau đến đi! Mau mau đến đi năm 1932!

Đầu năm ta nên chúc phước cho nhau "Thiên tăng tuế nguyệt nhân tăng thọ; Xuân mãn càn khôn phước mãn đường!" Từ câu đối ấy cho đến những lời vạn phúc, những chữ kết tường, thiếu mấy cái là có thể đem ra cùng nhau tụng đảo! Nhưng sau khi chúc phước rồi, ta chớ quên sự lo lắng, sự dự bị, vì ta đương còn ở trong thời đại tranh đấu, an bất vong nguy.

Giá lúa rồi đây sẽ từ 5 cắc một giạ mà cao lên đến một đồng chăng? Việc nông tang và thương mãi trong năm nay sẽ thạnh lợi chăng? Cả năm 1932 nầy trong xứ ta sẽ không còn sự rối loạn gì xảy ra nữa chăng? Những điều ấy chúng tôi không phải là tiên tri thì có thế nào mà đoán trước được? Nếu những điều ấy mà được như lời ước nguyện của chúng tôi đó thì năm 1932 nầy ở xứ ta thiệt may lắm rồi! Chỉ e rằng được bề nầy lại mất bề khác. Ở trong ngạch cửa chúng ta vẫn vô sự, mà ở ngoài ngạch cửa hữu sự thì cũng chẳng yên gì!

Năm 1932 nầy nều có lo thì là lo việc ấy, mà việc ấy là việc của năm 1931 để lại.

Chúng tôi muốn nói vụ xung đột Huê Nhựt ở Mãn Châu. Sợ cho vụ nầy một ngày kia không êm mà xảy ra cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương, làm khiêu động đến xứ ta, thì trong 1932 nầy chúng ta cũng khó cao gối mà nằm khoe rằng mình vô sự.

Vả chăng, người Tàu sở dĩ nhượng bộ người Nhật trong vụ xung đột nầy là họ cậy ở Vạn Quốc Hội điều đình cho. Họ tin ở công lý, tin ở lời minh ước của Liệt cường. Nay cái ngày 10 Novembre, ngày Vạn Quốc Hội bắt Nhựt rút binh, đã qua lâu rồi mà tình hình ở Đông tam tỉnh mỗi ngày lại thêm nghiêm trọng. Như vậy có lẽ nào nước Tàu ngồi mà ngó hay sao? Dầu bọn đương đạo họ có khủng khiếp đi nữa là cả quốc dân Tàu có lẽ đâu hết thảy bó tay như chàng Thúc? Sợ sang năm 1932 nầy không khéo sẽ có cuộc chiến tranh vỡ lở.

Hễ Tàu Nhựt đánh nhau thì tức là cái hoạ chung cho các nước ở bờ biển Thái Bình. Đừng nói cái tai nạn binh cách ở đàng xa, chỉ một cái hoạ về kinh tế cũng làm cho ta chịu ảnh hưởng một cách nguy hiểm lắm chẳng vừa. Coi như lúc Âu chiến, xứ ta ở cách mấy muôn dặm mà còn phải liên lụy thay; ngay nay nếu có giặc một bên hè thì sự liên lụy chắc còn nhiều hơn nữa. Nếu quả vậy, cái tiếng kêu khủng hoảng kinh tế trong năm 1931, không khéo còn kéo dài ra đến năm 1932 và còn gắt gớm hơn.

Phước ở đâu thì chưa thấy mà cái họa trong năm 1932, nếu trời không ngó lại thì nó đến dễ như chơi. Ai là người ra tay mà cản cái họa ấy đi cho chúng ta, cho hết thảy các dân tộc ở Thái Bình Dương nầy?

Ngày trước ai ai cũng còn trông cậy ở Vạn Quốc Hội. Đến ngày nay thì lòng trông cậy ấy mất đi quá nửa hoặc mất hết trơn rồi. Chúng ta chỉ có ngồi mà xem thời cuộc cho nó chuyển vần tới đâu thì tới!

Thà cứ ở trong năm 1931 mà trông mong còn hơn là bước qua năm 1932 mà thất vọng! Tuy vậy cũng còn hy vọng một chút nữa, là mong sao cho sự chúng tôi nói đây sẽ không xảy ra!

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s. 6629 (4. 1. 1932)

 

 

 


 


(*) Có một loạt bài báo, tuy ký tên toà soạn Trung lập, song tôi dự đoán do Phan Khôi viết, căn cứ vào đề tài, vào văn phong, v.v…Tất nhiên dù sao cũng chỉ có thể xem đây như những tư liệu tồn nghi.

(*) báo gốc là "trong năm 1931", có thể in lầm, ở đây tạm sửa là "trong năm 1932".

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân