CÁCH CHO TRIỂN NỢ LÀ ĐỠ CẢ CHO HAI BÊN, BÊN NGƯỜI MẮC NỢ CŨNG NHƯ BÊN SỔ DỰ TOÁN

Hôm 9 Avril mới rồi ở tòa Tạp tụng Sài Gòn có đòi hỏi nhiều vụ kiện nợ, trong đó có một vụ số hiệu 600, chúng tôi biết đầu đuôi, tường thuật lại là có ích, và thuật lại một vụ nầy tức có thể suy biết các vụ khác, cho nên chúng tôi thuật lại.

Một người đàn ông trạc chừng 50 tuổi, làm ăn chắc thiệt lắm, mở một cửa hàng cơm tây nhỏ ở tại đường Paul Blanchy gần chợ Tân Định đã chín năm nay. Mướn của chủ phố hai căn phố, trả một tháng bao nhiêu không biết, song 9 năm nay trả tiền phố cho chủ tổng cọng là 3670 đồng vẻn vẹn. Hiện nay vì bán lỗ quá trả bớt hết một căn, chỉ còn mướn có một căn.

Trước khi chưa trả một căn, nghĩa là còn mướn luôn hai căn thì có đọng lại của chủ phố ba tháng tiền nhà. Tính ra thì biết một số tiền thiếu chẳng có bao nhiêu đó. Đối với một người buôn bán mực thiệt, mướn nhà mình 9 năm nay, nay lỡ thiếu ngần ấy cũng chẳng hại gì cho lắm, theo người biết nghĩ thì hẳn là phải nghĩ như vậy. Song chủ phố này bỏn sẻn một chút, nhè kêu trưởng tòa tới biên đồ đạc trong nhà hàng cơm tây ấy và bảo cùng người chủ nọ rằng sẽ thi hành trong nay mai nếu không đem món tiền thiếu mà trả tức thì.

Người chủ hàng cơm tức là người đàn ông trạc 50 tuổi ấy đi hầu tòa, nhìn nhận mình có thiếu ba tháng tiền phố thật; song hiện vì buôn bán lỗ lã, không thể trả được, xin tòa có tịch biên thì cứ việc tịch biên đi.

Xin độc giả chớ tưởng ông già ấy nói vậy là nói lẫy hoặc có ý thách đố quan tòa chi; không, ông ấy nói thật đó, vì ngoài đồ đạc nhà hàng ra, gia tài ông ta chỉ có một cái giường nằm, một cái tủ áo, một bộ ngựa với ít cái bàn ghế chi đó mà thôi. Ông ấy về tính thâu xếp chờ ngày phát mãi. Không ngờ đến bữa nay, hơn tuần lễ rồi mà vẫn bặt tin, không thấy trưởng tòa đến dán giấy. Ông ấy đi tìm hỏi thì mới biết ra ấy là nhờ cái tờ thông tư của quan Chánh  tòa phúc án Sài Gòn và quan Chánh Chưởng lý nói về việc cho triển nợ mà báo Trung lập chúng tôi đã có dịch đăng ở số 6702 ra ngày 12 Avril mới rồi.

Quả thật như vậy. Theo dạo trước, khi chưa có tờ thông tư nầy thì hễ ai mắc nợ không trả được, cũng đều phải phát mãi theo luật hết, chớ chẳng trừ một ai. Tức như có nhiều nhà phú hộ thiếu nợ chưa quá gia tài mà cũng đã bị tịch biên thẳng cánh, chẳng thèm nể nang một chút nào hết!

Như vậy thật là có hại cho những tay làm ăn chắc thiệt quá lắm, mà trong dạo kinh tế khủng hoảng nầy những người như vầy bị xảy đến sự rủi ro như vậy chẳng biết bao nhiêu. Nếu hễ hở ra đâu, pháp luật cứ làm thẳng đó, đều tịch biên hết, thì trong ít năm nữa đây sợ rồi nhiều người chẳng có nhà mà ở! Trên kia chúng tôi mới nói vụ kiện nợ ấy số hiệu 600, thế thì đủ biết những vụ đồng loại với nó nhiều là dường nào!

Trong tờ thông tư của hai quan lớn trên đó đại ý là cho người mắc nợ được triển nợ nhiều kỳ, có một đoạn như vầy:

"Tòa án muốn rộng rãi với những người mắc nợ, một là vì cái nạn kinh tế còn đương dây dưa chưa hết, hai là vì nay mai nhà nước sắp lập ra sở cho vay dài hạn hoặc trung hạn để giúp cho người mắc nợ có tiền mà trả nợ. Có cho phép họ triển thì họ mới chịu đựng được cho đến ngày vay được tiền của nhà nước".

Thật hai quan lớn ra tờ thông tư nầy đỡ cho những người buôn bán chắc thiệt mà rủi bị lỗ lã không biết bao nhiêu. Tức như cái ông già nói trên kia nếu không có tờ thông tư ấy thì hôm nay ổng cũng bị tịch biên rồi và ông cũng đem ba-tăng(*) mà trả cho sở sanh ý rồi nữa vậy.

Nói đến ba-tăng, chúng tôi lại nhớ đến sổ dự toán. Gẫm lại cho kỹ rồi tờ thông tư ấy chẳng những đỡ cho người mắc nợ mà thôi, song cũng đỡ cho sổ dự toán nữa, bất kỳ sổ dự toán nào.

Như cái tiệm cơm tây đó, ba-tăng mỗi năm có 40p00 chớ không mấy. Song nếu bị tịch biên thì cái ba-tăng ấy cũng đi đời nhà ma. Cái ba-tăng ấy nộp về thành phố Sài Gòn, vậy thì nếu rút mất nó đi, mất 40p00 đi, thì sổ dự toán của thành phố sẽ bị thiệt hại. Còn 599 vụ kiện nợ trên kia nếu cũng bị tịch biên cả, người ta cũng sẽ trả ba-tăng hết, cứ kể mỗi cái 40p00 chớ đừng nói nhiều hơn làm chi, cũng đủ thấy sổ dự toán của thành phố Sài Gòn mất không biết bao nhiêu bạc rồi.

Một cái chánh sách khoan đại có lợi cho bên nầy, lại có lợi cho bên kia, như việc triển nợ mà hai ngài đã thông tư đó tiếc chớ phải thi hành sớm từ năm ngoái thì biết bao nhiêu nhà giàu đã nhờ ơn mà khỏi bị tịch ký! Song muộn còn hơn không có, năm nay ngày nầy mới phát tờ thông tư ấy ra, chẳng phải vì muộn mà không có ích đâu!

T. L.

Trung lập, Sài Gòn, s. 6705 (15. 4. 1932)


 

(*) ba-tăng (chữ Pháp patente): môn bài.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân