CÁI CẢNH GIÀ

Cái cảnh già mà được như những lúc trời quang mây tạnh, già mà không si không lẫn, không hám không sầu, cứ thảnh mảnh ung dung, xem thế sự bằng cặp mắt trải đời, đã bao dung mà châu chí: già như thể ấy ai mà không muốn, nhưng muốn dễ đặng đâu.

Tây nho có câu: "La vieillesse est le temps de la moisson". – Tuổi già là chầu gặt hái. – Phải, những bông trái mà buổi trẻ ta ương, gieo, trồng, trỉa, thì trở về già ta thâu, góp, hưởng, nhờ.

Song cái luật nhân quả nó gắt làm sao! Hễ trước ta ương giống nào, thì sau ta phải ăn giống ấy, dầu ngọt hay chua, dầu bùi hay chát cũng phải nuốt chớ không vứt bỏ được.

Quan cựu đốc phủ sứ Lê Quang Liêm dit Bảy(*), đương kim hội đồng quản hạt đảng "Lập hiến", có viết một bài dài hàng   mấy cột báo trong ruột Đuốc nhà Nam ra ngày 18 - 19 Octobre mà trả lời cho Trung lập về sự báo Trung lập gánh bàn độc mướn đứng ra mà công kích ông trong việc ông xin chánh phủ bớt lương quan lại.

Ông đốc Bảy giận nhứt là cái câu Trung lập nói ông "giựt miếng cơm của gia quyến những người nghèo". Đương cơn phấn hứng ông hua tay thảo một giòng ngon ngọt như vầy:

"Nói vậy không biết Trung lập có rõ tình hình trong xứ, trong lúc khuẩn bách nầy, ai là người nghèo, ai là người giàu chăng?

Trong hai hạng, hạng thì từ đầu tháng chí cuối tháng, làm lụng chạy xuôi chạy ngược, không đủ tiền xây xài, đau không dám uống thuốc, quần áo rách không dám sắm mà mặc, chạy không ra tiền mà đóng thuế, vợ con bị đói rách phải ôm lòng mà chịu. Còn hạng người kia thì không có một mảy chi nhọc lòng, dẫu ai nghèo ai khổ mặc ai, mình vẫn cứ sẵn lương bổng, cao hạ tùy theo chức phận, mà xây xài nuôi vợ nuôi con, đóng sưu thuế khỏi bị quan làng dằn thúc, mình đau hoặc vợ con đau, có thầy thuốc, có nhà thương nhà nước nằm dưỡng bịnh, không tốn tiền vân vân...

Xin Trung lập chỉ giùm coi: trong hai hạng người ấy, hạng nào nghèo? hạng nào giàu?"

Lạ kỳ! Cái giọng kể lể đây lý ưng là giọng của nhà nước mới phải. Mà thôi, ông đốc Bảy ngài kể lỡ, ta cũng cho là kể được đi. Trong đoạn kể trên đây, ngài còn nêu hai chữ vân vân.. nghĩa là khoản ân huệ ấy còn dài, nhưng kể đây là kể nhón. Bởi kể nhón nên ngài mới sót: ngài đem quên lửng một cái sướng nhứt của hàng quan lại, là khi lưng mỏi gối dùn rồi, còn thêm được ở không mà hưởng tiền hưu trí nữa. Tiền hưu trí nầy Thông Reo không rõ chính mình ngài có hưởng hay không? Song nếu có, thì ngài sẽ hỏi vặn lại tôi: Vậy chớ tiền công của người ta truất để giành mà tội gì không hưởng hử? Thì lương hướng của quan lại, theo ông, không phải là tiền công sao?

Mà quên! ông đã thoát khỏi vòng, ông đã mang hết binh nhu mà xoay qua bên địch, ông khổng còn xài cái bình xúp cũ nữa, thì đem mà đái vô trỏng có ngại gì.

Ông hỏi: trong lúc khuẩn bách nầy, không biết Trung lập có rõ tình hình trong xứ chăng? Cái là ông muốn hỏi nghiệt Trung lập chơi, chớ đứa trẻ ba nhe ở chợ Bến Thành nó cũng biết năm nay nghèo lớn. Lúc nghèo lớn, tỉ như cơn đau nặng, ta lại càng thấy rõ các bộ phận ở trong một thân thể thảy đều có tương liên quan hệ với nhau là dường nào! Phần nào đau ta lo chạy chữa đã đành, còn phần nào mạnh ta phải giữ gìn cho đỡ với chớ. Ông có biết những người còn đổi được giọt mồ hôi nước mắt với nhà nước mà lấy ba đồng bạc tháng kia họ có ích cho thân tộc, bà con, anh em thất nghiệp là thể nào chăng?

Nhưng ta hãy tạm dẹp cái lợi ích thiển cận ấy lại mà ngó mông cho xa và cao hơn thí nữa coi. Ta thử tưởng các ty các sở của nhà nước như một cái máy để vận động cho toàn thể quốc gia đặng sống (chẳng khác nào bộ máy tiêu thực ở trong thân thể ta kia), mà quan lại là những thợ thuyền làm cho cái máy ấy đặng chạy. Vậy thì hỏi: trong cơn nguy khốn, ta có nên làm cho giảm sức mấy anh thợ máy đó hay chăng?

Huống chi ai cũng biết hồi nầy là hồi đền tội (c'est le temps de la pénitence),

(Kiểm duyệt bỏ)

Ông hỏi đố Trung lập sao chẳng để cho quan lại đứng ra trách cứ ông, lại rước lấy về mình chi? Ông đã có làm quan, ổng vẫn biết cái phạm vi quan lại. Ông đã ra làm báo (Điễn xa tạp chí) ông lạ gì công ích ấy việc mình.

Thông Reo nầy còn trẻ hơn ông, nên nó hay tụng niệm cái câu: "Làm chi tội báo oan gia, thiệt người dầu đặng ích ta hay gì!" Còn ông đã già rồi thì Thông Reo tôi xin kính tặng:

Trẻ dại giếng sâu lòng há nỡ...

Đường xa ngày tối tuổi khôn chờ.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6856 (23 và 24. 10. 1932)


 

(*) Lưu ý cách viết nửa Pháp nửa Việt trong cách xưng tên khá phổ biến đương thời: "Lê Quang Liêm dit Bảy" = Lê Quang Liêm tức Bảy (ở đây duy nhất từ "dit" chữ Pháp = gọi là, tức là).

 

© Copyright Lại Nguyên Ân