CÁI ĐẶC SẮC CỦA AN NAM, NGÀY NAY

TRUYỀN QUA TỚI TÂY RỒI

An Nam mà lại có cái gì là cái đặc sắc? Nước mắm chăng? Mắm chăng? Rau luộc chấm mắm chăng? Chỉ có mấy cái ấy thì mới là cái đặc sắc của An Nam. Nhưng mà đặc sắc thì đặc sắc chớ tầm thường quá. Người ta không có cái ấy, họ lại có cái khác, như phó-mách của họ cũng quá cha ngữ mắm của mình rồi, ta còn đem khoe với họ mà làm chi?

Muốn cho An Nam có một cái gì là cái đặc sắc để đem truyền qua các nước phương Tây, cho họ hóa theo mình chơi, nghĩ cũng khó thay!

Vậy mà, đừng lo, bây giờ có rồi.

Cái gì à? Cái "nằm vạ".

An Nam mình có cái nằm vạ, thiệt chẳng có dân tộc nào có hết, dầu dân tộc ấy là văn minh hay dã man cũng mặc. Cái nằm vạ thiệt phải kể là cái đặc sắc của giống người Hồng Lạc (con Rồng cháu Tiên).

Gần kề bên nách mình đây là người Tàu, mà họ cũng không có cái kiểu nằm vạ ấy. Phải có thì họ đã có chữ để chỉ về sự ấy rồi. Cái nầy, họ không có sự nằm vạ, trong xã hội họ từ xưa đến nay không biết cái nằm vạ là cái gì, cho nên cũng không có chữ gì để chỉ nghĩa, thành thử người An Nam khi dùng chữ Tàu mà chỉ nghĩa sự nằm vạ, phải nói là "ngọa họa" vậy là nói theo điệu An Nam (nói xuôi).

Thật vậy, bây giờ đem hai chữ "ngoạ họa" bằng chữ Tàu mà hỏi các ông học giả hạng nhứt hạng nhì bên Trung Quốc họ cũng bí, vì nó rặt kiểu An Nam, họ đâu có biết?

Hẳn thật sự nằm vạ là cái đặc sắc của An Nam chúng tôi, thưa các ngài từ phương Đông chí liễn phương Tây.

Thường thường cái người nằm vạ là đàn bà, mà được đàn bà có chửa cái bụng thè lè lại càng hay.

Anh Mít với anh Xoài đánh lộn nhau, anh Xoài đảo đi nơi khác, biểu vợ níu anh Mít nằm vạ.

Ông Kèo với ông Cột giành một đám ruộng. Ông Cột đánh trâu ra cày. Ông Kèo biểu vợ ra nằm vạ giữa đám ruộng, ông Cột phải thôi. Vì nếu cày nữa thì sẽ đạp chưn trâu lên trên bụng bà Kèo. Nếu bà Kèo có chửa nữa thì lại càng nguy lắm.

Nghĩ lại rồi thấy cái nằm vạ của An Nam mình rất là vô duyên! Đánh nhau mấy thì đánh, làm gì nhau thì làm, việc gì lại đem cái thân mà liều mạng? Liều mạng mà hơn ai?

Vậy mà có nghĩa lắm đó! Có nghĩa là như chuyện bà Kèo nằm cản ruộng không cho trâu cày đó. Một cái mạng con người ta mà nằm chình ình ra giữa đó, bất kỳ chỗ nào bất kỳ ai muốn làm việc gì, cũng phải thôi. Thôi, chớ làm nữa sao được? Làm nỗi gì mà họ nằm thình thình ra đó, đụng đến họ dễ chịu lắm hay sao mà hòng làm với lụng?

Hay! Lu lơ vậy mà hay!

Chẳng biết ai đem truyền cái điệu nằm vạ qua bên Tây hồi nào mà ở bển bây giờ người ta cũng đã toan hóa theo mình.

Trung lập ra bữa thứ hai, 19 Février có đăng cái tin cô Ăng-lê nào đó, xin độc giả giở ra coi lại. Cô ấy gởi thơ cho Vạn quốc hội, muốn lập một đạo binh tay không qua bên Thượng Hải mà cản cuộc Trung - Nhựt chiến tranh. Đạo binh gì?  Đó là một tốp giỏi nghề nằm vạ chớ đạo binh gì?

Tay không mà muốn ngăn cho hai bên đừng đánh nhau, ấy là học theo cái kiểu bà Kèo nằm ình giữa ruộng mà không cho trâu cày, chớ không có gì lạ.

Không ai mà nhắn nói với cô ấy: Cái đạo binh đó phải có lựa ròng đàn bà, mà nhứt là ròng đàn bà có chửa hết, càng diệu lắm!

Chưa biết chừng, làm vông vông như cô ấy khi may mà cản cuộc chiến tranh được biết chừng đâu! Vì tôi từng thấy nhiều lần họ nằm vạ mà làm cho cái quan tài để đó không được chôn, đám hát không được hát hay là đám tế không được tế cũng có.

Thiệt không ai ngờ cái văn hóa của nước Đại Nam mình mà tràn ra mau đến thế!

THÔNG REO

    Trung lập, Sài Gòn, s. 6671 (3. 3. 1932)

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân