CÁI ĐẦU CHẶT RỒI MÀ

Ai nói truyện Tàu, nhắc đến cái lòng "quân tử" của Quan Vân Trường mà chẳng khâm phục. Cho đến những tay anh chị, họ chém lẫn nhau mà khi có một người té xuống đất rồi họ cũng không thèm nhảy theo chém nữa. Họ làm vậy là vì họ nhớ tới Quan Vân Trường xưa kia chẳng hề hạ mình chém người té xuống ngựa bao giờ.

Như thế thật là đáng khâm phục.

Mình có giỏi thì đấu tài đấu sức với những người có thể đối phó với mình. Chớ làm oai mà chi với những người nào họ hoặc vì tình thế bắt buộc, hoặc phải sa vào một cái cảnh khốn khổ nào đó, không thể chống trả lại. Làm oai như thế chẳng khác nào mấy anh tướng giặc la ó, cho người đi xem hát tưởng mình là giỏi, chớ có đâm chém gì ai được đâu. Không những thế mà thôi, mà lại còn tỏ cho người ta thấy cái thái độ khiếp nhược của mình nữa.

Thông Reo tôi không muốn nói nhiều về cái thái độ khiếp nhược đó, chỉ nói cái chỗ lên mặt làm oai của nhiều người mà thôi.

Một hôm kia người bạn của Hai Le gặp chàng ta đi lơn tơn ngoài Chợ Mới Sài Gòn mới đón lại chào mừng, hỏi thăm hỏi lom(*) không ngớt miệng.

– Anh Hai, anh đi đâu mấy tháng nay mà tôi kiếm hoài không gặp vậy.

– Thì tôi đi lên Lèo chớ đi đâu.

– Cha, anh lên Lèo. Mà anh có cái gì hay dở thuật lại nghe chơi.

– Có chớ! Một bữa kia tôi vô rừng gặp Cọp.

– Mèn ơi! ý ghê quá, rồi sao nữa.

– Thì tôi nhảy tới...

– Anh chặt đầu nó, phải không?

– Không. Tôi chặt đuôi.

– Sao vậy?

– Thì cái đầu đã bị chặt mất đi hồi nào rồi mà.

– Thôi đi anh, anh nói cho oai, chớ thật tình anh có gan dạ gì, anh chỉ nói dóc đó thôi.

Thông Reo tôi đọc bài của anh Tân Việt, chế nhạo mấy người biểu tình bị tòa đại hình xét án bữa trước, bắt tức cười.

Làm oai chi vậy anh Tân Việt, họ đương bị ngồi cu ru trong khám, chớ phải họ ở ngoài đâu mà anh công kích. Dầu họ ở ngoài họ cũng không thể dùng tờ báo mà nói chuyện với anh mà. Thông Reo tôi không phải là bà con cật ruột gì mà binh họ. Nhưng thấy anh Tân Việt ảnh vác mai chặt đuôi cọp nên tôi phải ra miệng ấy thôi.

Cái đầu ...... chặt rồi mà. Anh không biết hay sao anh Tân Việt hay là Diệp Văn Kỳ gì đó(*).

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6793 (31. 7 và 1. 8. 1932)

 


 

(*) H.T. Paulus Của (sđd.) ghi nhận "thăm lom" là một từ có nghĩa như "thăm viếng", "viếng thăm".

(*) Phan Khôi (Thông Reo) biết chắc người viết hài đàm ký Tân Việt trên báo Công luận lúc này là Diệp Văn Kỳ.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân