CÁI LẼ CHẮC

Bữa nay sẵn dịp nói lẽ, nên xin cô bác anh chị cho Thông Reo nói chữ cái chơi! Tiên nho ta có câu: "Thiên ngôn vạn ngữ bất quá hồ thiệt" nghĩa là: "Ngàn lời muôn tiếng chẳng qua cái thiệt". Mà cái thiệt là cái gì cà?

Thì đây: Ai có chịu nước Pháp là một nước khôn hơn ta không? Họ khôn hơn ta về cả mọi phương diện, nhứt là về các khoa triết lý, tu từ, ngụy thuyết... mà họ cũng còn sòng sòng ưa "cái thiệt" mới kỳ.

Không dám nói ngoa, Thông Reo vẫn thường nghe những câu thành ngữ Pháp, như "le bon sens" (cái lẽ chắc), "le gros bon sens" (cái lẽ chắc đại), "le sens commun" (cái lẽ thông thường), nên bụng tưởng: nếu họ mà biết đặng cái câu tục ngữ của mình: "Nói gần nói xa chẳng qua nói thiệt", thì âu là họ phải chịu ngay: ấy chính là lẽ thẳng (c'est la droite raison).

Hổm nay nhân việc bộ biên tập Trung lập từ chức vì bài đính chánh của ông Trần Thiện Quý: cho cái cách kêu trời bằng thằng là "xấp nhập", "trái tai", nghe không được, mà các bạn đồng nghiệp ở đây đã để ý và bàn bạc cũng nhiều.

Nay tới phiên chị Phụ nữ của Thông Reo chỉ vui miệng hỏi:  "Kêu trời bằng "thằng" xét ra có lý hay không?", rồi chỉ lại xin ai nấy chớ cho chỉ hỏi vậy là phù phiếm.

Không phù phiếm đâu, thưa chị. Một lời nói hữu duyên phụ nữ đã là thâm trầm rồi. Phương chi cái vấn đề "nên hay không nên kêu trời bằng thằng", đối với dân ta, nó vẫn nặng trình trịch như trái đất.

Chị vẫn biết người mình, cũng như dân nước khác, hay có tánh tiếu ngạo khôi hài, nên mới thốt ra câu: "Nhứt vợ nhì Trời" mà chị đã trưng dẫn đó. Tục ngữ Pháp cũng có nói "Ce femme veut, Dieu le veut" – "Cái gì đàn bà muốn là Trời muốn". Hai câu tục ngữ ấy, câu nào cũng có "cái lẽ chắc" của nó, nên nghe ra không đến nỗi trái tai. Đàn ông mà gặp người đàn bà có tánh sát nài, dám siết họng anh chồng, thì chồng phải sợ nó hơn Trời, vì nếu lấp lửng nó siết cho mà kêu Trời không thấu!

Sẵn nói chuyện "cái lẽ chắc" của những câu tục ngữ tiếu ngạo, tôi trực nhớ cái lý thuyết của thằng Dần.

Năm ngoái, trúng chầu tết cận ngày cận tháng, thằng Dần một buổi sáng đi xăng xái ngang nhà bác nó. Bác nó kêu giựt ngược, hỏi:

– Dần! Dần! Người ta đưa ông Táo hôm rày mà sao mầy chưa chịu đi giẫy mả cha mầy hử?

– Dạ thưa bác, vợ tôi mới nằm chỗ bên nhà bảo sanh, để tôi lo cho nó ít ngày, rồi tôi cũng đi giẫy mả cha tôi chớ.

– Đồ con bất hiếu! Hèn chi lời người xưa chẳng ví: "Nóc nhà xa hơn chợ,... đồ vợ gần hơn mả cha!"

Thằng Dần không dám trả treo, bỏ đi tuốt qua nhà bảo sanh mà lầm bầm lẩm bẩm: "Nghe, bắt chước, không hiểu gì hết. người ta nói nóc nhà tuy gần, ở ngay trên đầu mình, ngước lên thì thấy, mà mình ít hay lên; còn chợ tuy xa mà ngày nào mình cũng thả ra ngoải đặng kiếm ăn mà! Người ta muốn tỉ mả cha như nóc nhà, còn... ấy vợ thì như đường đi chợ". Được! cứ giữ "cái lẽ chắc", thằng Dần mầy nói nghe thông.

Còn chị Phụ nữ nhà tôi chỉ trưng uyên thuyên câu chữ nho, có tánh chất về chánh trị, mà kết luận: Dân tức là Trời, mà hễ kêu thằng dân được thì thằng Trời sao lại kêu không được?

Trời ơi! "Cái lẽ chắc" của chị ở đâu? Chớ lẽ sự thế này thì ai mà nghe đặng?

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6894 (13. 12. 1932)

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân