CÁI THIÊN CHỨC CỦA CÂY BÚA

Như tôi đã chỉ rõ trong bài Cây búa và hòn đe ra ngày thứ bảy vừa rồi, thì cây búa là một khối sắt có tra cán để dùng mà đập đồ cứng. Theo nghĩa bóng của nó, thì cây búa cũng là vật để dùng mà đánh đập, mà đe phạt, mà trị trừng.

Thông Reo tôi dám đâu xứng cái vai "Nam Thiên Lôi" như ông bạn đồng nghiệp ở báo Nông Công Thương ngoài Hà Nội, nay mang lưỡi tầm sét đánh những loài gian phu dâm phụ ở chỗ nầy, mai xách lưỡi tầm sét đả những bọn lừa đời gạt chúng ở chỗ kia... Cái lưỡi tầm sét nó oai vang linh diệu làm sao! Nó lẹ làng chín chắn thôi hết cỡ! Hễ xoang tới nó, chạy đường trời không thoát khỏi, bị nó rồi thì chết ngắc nhăn răng! Chẳng hay cái bọn gian hùng đem mà bắn cũng không sợ như Bành sợ lập(*) kia, họ có ghê ghê cho cái lưỡi tầm sét hay chăng chớ?

Tôi chắc chúng không sợ, vì chúng đã thấy mới rồi ở miệt Tân Định có nhà bị Thiên lôi đả mà chết ai đâu có!

Ý hạ! Thông Reo tôi sợ lắm! Biết chừng đâu mấy người ở Tân Định bị trời đánh doạ là vì đời nầy họ chắc thiệt mần ăn, duy có mang tội lỗi của ai đâu, hay làm tội tự đời nào mà đền bồi chưa đủ đó.

Anh em cô bác biết tại sao mà Thông Reo tôi sợ cây búa nhà trời dữ vậy không? Sợ!... Sợ... run... vì hai lẽ: một là tại cây búa ấy nó không hình không ảnh, là "bửu bối" của Hoàng Thiên, mình mắt thịt mà thấy được ở đâu hòng liệu phương ẩn ánh, hai là tại nó linh thiêng quá quắt, hễ xoang phải(**) nó thì dầu cho có đào lỗ mà chun xuống đất, cũng còn e bị nó xáng(**) nát mồ!

Bửu bối thiệt! Búa như vậy mới thiệt là bửu bối! Chớ bửu bối gì mà thứ búa của Thông Reo! Búa của Thông Reo là thứ búa thợ rèn, thấy bọn mang mặt nạ "từ thiện" nó lên rước khinh đời, thì mình cũng thịnh nộ vì đời vác búa ra đập cho bể mặt nạ cho lì xuống bớt, chớ bửu bối gì đâu mà bửu bối?

Hay là chúng muốn nói hoác xước theo kiểu chàng Thúc Sanh, để tỏ ra rằng mình đã ngậm lỡ rồi, bây giờ dẫu cho trời đánh bảy búa cũng không thể buông tha nhả nhớm:

Rằng: con biết tội đã nhiều,

Dẫu cho sấm sét búa rìu cũng cam.

Trót vì tay đã nhúng chàm,

Dại rồi còn biết khôn làm sao đây?

Hi! Hi! Hi!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6752 (13. 6. 1932)


 

(*) Bành sợ lập: có lẽ là một tên riêng (người hoặc vật) chăng?

(**) xoang phải: đụng phải, trúng phải; xáng: đánh đập.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân