CÁI TRIẾT LÝ CỦA SỰ CHƯỞI

Thuở giờ ai cũng biết tiếng An Nam ta có những cách nói: chưởi như gõ thoi, chưởi như tách nứa, chưởi lặt nô, nghĩa là chưởi hay, chưởi giỏi, chưởi giòn; chớ đến cái triết lý của sự chưởi thì chưa từng thấy nói.

Thế mà anh Phong Trần(*) ở bên Đuốc nhà Nam (ra ngày 6-7 Novembre vừa qua) ảnh có nói: "Cái triết lý của sự chưởi nó thâm thúy cao thượng lắm".

Nói thâm thúy cao thượng mà ảnh không cắt nghĩa. Thôi tiện đây Thông Reo mình cắc cớ bàn chơi. Cái chưởi, như trên đã nói, có nhiều cách, nhưng có một cách chưởi nầy là độc nhứt: chưởi không cần nói nặng, chưởi chẳng động tới tên, mà kẻ bị chưởi biết chưởi mình, tức ấm ách cũng làm thinh mà chịu.

Chưởi cách nầy hơi lạ (lạ chớ cũng không thâm thúy cao thượng gì), nên Thông Reo xin tỉ dụ cho bà con suy.

Tại làng kia, có một thầy lực học khá lắm, đâu thất nghiệp. Thầy về làng dạy trường Communale đâu vài ba chục học trò, mà trò giỏi, thầy hay, tiếng tăm cũng bộn. Lớp nhứt của thầy dạy được chừng mười mấy trò, mà có trò Thiên, trò Tiên với trò Kiên là học hay hơn hết. Thiên có tánh rắn, Tiên có tật ngọng lại hay khoe, còn Kiên thì dè dặt ít oi, thiệt thà như đếm.

Bữa nào như bữa nấy, hễ ra giờ chơi thì thấy: Tiên láu táu chưng sơ tiếng tây chả biết đầy lá mít hay không mà cũng bật đại bật càn, lầy đây trâm trết.(*) Thiên rắn xỏ thổi cho Tiên nói lố, còn Kiên làm tai khúc khích cười hoài.

Ngày kia, đang buổi học, có một người bạn xa đến thăm, thầy cai trường bèn bãi học, cho học trò chơi sớm hơn mọi ba.

Thầy với ông bạn đi bách bộ ngoài hành lang, rót tiếng tây nghe giòn khớu. Trò Tiên ta ngứa miệng, tuy ba xí ba tú, mà cũng đía(*) om sòm.

Bộ hơi nhột, thầy cai trường kêu Tiên lại mà "sửa ngang sửa ngái", hỏi gằn trò: "Nè Tiên, vừa vừa vậy! Mầy có biết: mầy nó tiếng tây mửng(*) đó, cũng bằng mầy chưởi tao không?"

Ông khách ổng lại can: "Thây nó anh, để trẻ nó tập nói cho quen. Bộ anh sợ người ta gia cái tiếng "giáo bất nghiêm sư chi đọa" cho anh hay sao chớ?"

Cách ít lâu, trò Thiên ta rắn mắt bị thầy đánh. Ra giờ chơi, trò Tiên cứ y theo mửng cũ, bật tiếng tây ọ ẹ um sùm.

Để cho trỏ đía một hồi, Thiên giẹo họng la mù hô hoán: "Ê, ta! Trò Tiên chưởi! Thưa thầy, trò Tiên chưởi...".

Thầy giáo biết: cái thằng quái nầy nó khéo mượn cách chưởi của mình hôm nọ mà chưởi xéo mình đây. Nhưng mà thầy cứ việc ngoáy tai nghe, nghe rồi ngẫm, ngậm mà nghe không đánh tiếng.

Đối với ông Nguyễn Phan Long, công chúng miệt Chợ Lớn – Sài Gòn ta cũng vậy. Hồi khóa trước mình từng thấy: cậu chạy vát cuộc mết-tinh Xóm Lác, cậu liệu lòn hùn Thương khẩu Sài Gòn, cậu thọ xe hơi của lão Fontaine, cậu ăn công ký với thầy Sáu Ngọ...

Kịp đến kỳ rồi tuyển cử (7 Décembre 1930), mình đem các việc ấy ra mà vấn tội cậu: "Anh Nguyễn Phan Long nè! Anh làm mửng đó cũng bằng anh chưởi chúng tôi đa!"

Cậu quẹt mũi két, bỏ giọng trầm, làm trò cúm núm: "Đồng bào ta ôi! Con người không phải thánh, thì ai khỏi lỡ lầm. Tôi từ đây dốc lòng lìa hẳn hội đồng Bền, lánh xa bè Lập Hiến".

Công chúng nghe dỗ ngọt rủ nhau tin râm rấp. Cử nữa. Rập! Mắc kẹt rồi.

Chuyến nầy mặc sức cho người ta thuận với họ La, hòa cùng... đảng cũ. Mặc sức xin trị chúng bằng ống bom hơi ngạt [.....](*) Người ta nói người ta thân với chánh phủ, binh con buôn ăn cắp của công, lại còn kê nhựt trình xin giết bớt.

Đó! Hằng ngày thấy người ta xưng "bổn báo chủ nhiệm" dài thậm thượt, mà viết gà viết vịt, nói thúi nói hôi, coi quan lại tợ cừu thù, thị độc giả như thảo giái.(*)

– Ủa! Làm mửng đó thì bằng chưởi mình rồi!

Chưởi chẳng chưởi! Tục có nói: "Chưởi cha khổng bằng pha giọng". Cậu hộ tôi thì vậy đó, nên ai là người binh cẩu, thì hãy ngậm mà nghe...

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6870 (15. 11. 1932)


 

(*) Phong Trần (thực chất là Nguyễn Phan Long) là cây bút viết thay Nam Chúc cho mục "Chuyện thị phi" của Đuốc nhà Nam sau khi Đào Trinh Nhất tạm ngừng viết cho báo này do có việc can án, chờ Tòa xét xử. Phong Trần có lúc nhắn Thông Reo nhớ việc "thêu dệt nói xấu" Nguyễn Phan Long là "bổn báo chủ nhiệm" của mình rằng nhờ vụ thương khẩu mà lấy tiền mua cái xe hơi 4 số 9. Phong Trần dọa nếu Thông Reo tiếp tục châm biếm Nguyễn Phan Long thì Phong Trần sẽ lôi ra ánh sáng việc Trần Thiện Quý, chủ của Thông Reo, đã "gạt người giựt đất ở Bạc Liêu" hồi trước (xem Đuốc nhà Nam, Sài Gòn, s.756 ngày 11 Nov.1932). Tất nhiên Thông Reo không sợ gì lời cảnh cáo ấy.

(*) bật: nói; lầy đây trâm trết: cù nhầy; lây nhây.

(*) đía: phét lác, lém; mửng: trò, kiểu, lối... (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.).

(*) Chỗ này ở báo gốc để chấm lửng liền 1,5 dòng.

(*) thảo giái: cây cỏ.

 

© Copyright Lại Nguyên Ân