Cắt nghĩa  nhựt thực

Đời xưa, trước đức Jésus giáng sanh, có một lần, người Athènes kéo binh đi xâm lược đất Peloponnesus, khi quân lính xuống thuyền trẩy đi, có nhà triết học là ông Pericles cũng đi tùng quân và cũng ở trong thuyền đó.

Khi sửa soạn kéo neo, thình lình ngó thấy mặt trời bị ăn xâm, cả đất đều tối mò, ngửa bàn tay không thấy. Cả một đạo binh Athènes trong thuyền xem thấy cái hiện tượng ấy đều có ý lo sợ.

Lạ gì thứ quân lính là người ít học, chỉ biết mê tín mà thôi, thấy nhựt thực thì họ cho là thiên biến, là điềm không tốt. Cho đến viên chúa tàu cũng ra bộ sợ hãi, bỏ lái không cầm.

Ông Pericles thấy mà lấy làm lo, nếu cứ để vậy thì quân tình giải đãi mà đến lầm cả việc lớn, ông bèn kiếm cách cắt nghĩa cho viên chúa tàu hiểu rõ sự nhựt thực là thường, không phải tai biến chi.

Ông Pericles lấy cái áo ngoài khoác trên vai mình ra mà che trước mặt viên chúa tàu, rồi hỏi "có thấy hay không?" Viên chúa tàu nói rằng vì bởi cái áo ngoài che đi nên không thấy gì cả. Khi ấy ông Péricles bèn giải rõ cái lẽ nhựt thực cũng đồng như vậy, ấy là: chúng ta ở trên đất, đất nhờ mặt trời mà sáng; song khi giữa mặt trời và đất bị mặt trăng án đi, cũng như cái áo ngoài che đi, thì làm cho ta không thấy được mặt trời. Nhựt thực chẳng qua là vậy đó, chớ không có chi lạ.

Cả quân lính trong tàu xúm lại nghe, ai nấy đều hiểu cớ sở dĩ và an tâm không lo sợ nữa, rồi kéo neo giương buồm cho thuyền lướt dặm một cách hăng hái và hăm hở. Nếu không có nhà triết học cắt nghĩa cho, lần xuất binh nầy chưa biết sẽ có xảy ra việc gì.

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân