CÂU CHUYỆN CŨ VỀ NGUYỆT THỰC

Tối bữa 22 Mars vừa rồi, từ 6 giờ cho đến 8 giờ, mặt trăng bị "ăn xâm". Ấy là vào ngày 16 tháng hai âm lịch.

Muốn viết một bài về nguyệt thực chơi, mà chẳng biết nói chuyện chi. Không lẽ đi đem chuyện "gấu ăn" ra mà nói. Cũng không lẽ chưng ra những cái thuyết "ông Trời lại bà Trời" rồi dùng cái khoa học không đầy lá mít của mình mà bác bẻ. Còn như đem thứ đồ thiên văn tiểu học ra mà cắt nghĩa, nói những là mặt trăng bị trái đất án khuất đi, không chịu được ánh sáng mặt trời, thành ra nguyệt thực, – thì thiên hạ người ta biết thừa rồi, còn ai thèm đọc của mình mà chi.

Chẳng đặng đừng, tôi phải đem một câu chuyện cũ có dính dấp với nguyệt thực ra mà kể.

Nhớ chừng đâu mười năm về trước, ở Hà Nội đã sanh ra câu chuyện nầy. Số là, vào tháng nào đó quên đi, Khâm thiên giám trong Huế cũng đã suy tính được mà tâu cùng vua – bấy giờ là đức Khải Định – rằng đến rằm tháng ấy sẽ có nguyệt thực.

Dưới trào Khải Định thì Bắc kỳ chẳng là đã có hơi liên lạc với Trung kỳ rồi. Khi ấy trong bộ bèn tư ra cho tòa Thống sứ, rồi chuyển tư cho tòa đốc lý Hà Nội cùng các tỉnh hết cả, nói đến ngày rằm sẽ có nguyệt thực. Coi đại ý thì trong việc người ta làm đó chẳng có chi là hệ trọng cần cấp, chỉ để tỏ ra rằng ngày nay Khâm thiên giám cũng biết suy bộ thiên văn như các ông bác sĩ(*), chớ không phải ngồi đó ăn lương vua mà không làm việc gì hết đâu.

Cả Hà Nội đều ngóng trông cho đến ngày rằm coi thử có thiệt không. Chẳng may, đêm rằm ấy, thình lình phải gió to mưa dữ, chẳng thấy bóng trăng lấp ló, thế thì dầu cho nó có bị ăn xâm đi nữa, cũng không làm thế nào thấy đặng.

Bấy giờ ở Hà Nội có ba tờ báo hằng ngày. Cái tờ tư của Khâm thiên giám hôm trước thì báo nào cũng có đăng rồi; và báo nào cũng chực coi ngày rằm có nguyệt thực không để viết bài "kiếm câu" chơi, không ngờ bị trận gió mưa ấy làm ông ký giả nào cũng cụt hứng.

Thế nhưng có việc nầy thật là cái tài liệu tốt. Thuở ấy hội Khai trí Tiến đức mới thành lập được một vài năm, đương thời kỳ cổ động và tấn hành nhiều việc. Họ cũng định bắt đầu từ tháng ấy mỗi tháng gặp ngày có trăng thì hội viên nhóm nhau tại hội quán ở bờ hồ Hoàn Kiếm mà ăn tiệc. Cái tờ thông báo về việc ấy làm bằng chữ Pháp, đặt tên cái tiệc hằng tháng ấy là "Repas mensuel".

Tôi nói tài liệu tốt là tốt vì hai tiếng Pháp ấy.

Chửng mới có một anh háo sự viết một bài báo, nếu in ra thì không đầy một cột, đặng nói về sự nguyệt thực đêm rằm ấy.

Bài báo thì tôi làm sao nhớ được, tôi chỉ nhớ đại khái như vầy:

Khâm thiên giám trong Huế suy tính rằm tháng nầy có nguyệt thực mà tư trước cho các nơi hay, ấy là một việc nên lắm; mà hôm nay nghiệm ra thì cũng lại là một việc đúng lắm nữa. Người ta nói tối hôm rằm ấy mưa gió, không có trăng, dầu có nguyệt thực cũng không thấy được, cho nên sự dự liệu của Khâm thiên giám rốt lại không biết có trúng cùng chăng. Ai nói vậy là còn chưa thạo thiên văn đó. Bữa đó có nguyệt thực mà; có điều đứng nơi bờ hồ Hoàn Kiếm ngõ Hàng Trống (chỗ hội quán Khai trí Tiến đức) thì mới ngó thấy được!

Người viết bài ấy cốt lấy chữ "Repas mensuel" mà cắt nghĩa pha trò ra nguyệt thực. Bởi vì "repas" là "thực" mà "nguyệt" thì cũng nói được là "mensuel".(*)

Sau khi anh ta viết rồi, coi đi coi lại, cái bài thành ra ngộ bất kinh. Anh ta muốn đăng báo chơi, nhưng ba tờ hằng ngày mà chẳng tờ nào chịu đăng hết, dầu họ đọc mà trầm trồ khen là hay lắm! hay lắm!

Vì sao mà họ không đăng, tôi đố độc giả biết? Là vì họ sợ hội Khai trí Tiến đức thiệt tình. Mà dầu có không sợ thì cũng nể. Bấy giờ thật chẳng có mặt nào dám ló màu phản đối hội Khai trí Tiến đức kia.

Phải chi bây giờ mà gặp như vậy, họ đã chụp lấy hai tay mà đăng rồi! Coi một chút đó thì thấy phong tục mỗi ngày càng thêm bạc (?). Mới mươi năm nay mà đã thấy "nhân tâm bất cổ" rồi (!) Phải chi đức Khổng Tử ngài hay được việc nầy thì ngài ắt có thở dài mà "than rằng" một vài câu vậy!

THÔNG REO

         Trung lập, Sài Gòn, s. 6689 (25. 3. 1932)


 

(*) bác sĩ: nói ỏ chỗ này, được hiểu như "tiến sĩ" hoặc "bác học".

(*) repas (chữ Pháp): bữa ăn; mensuel (chữ Pháp): hàng tháng; nguyệt (chữ Hán): 1/ mặt trăng; 2/ tháng; do đây mà có tương đương: revue mensue (chữ Pháp) = tạp chí ra hằng tháng (Việt) = nguyệt san (Hán Việt).

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân