CÂY BÚA VỚI HÒN ĐE

Hòn đe là một khúc gỗ to, trên có tra một khối sắt để chịu búa. Cây búa là một khối sắt có tra cán để dùng mà đập đồ cứng. Hòn đe và cây búa là đồ nghề của thợ rèn dùng đập sắt cho rắn rỏi, cho nên hình.

Cây búa với hòn đe, nghĩa bóng của nó là một đàng đánh (cây búa) với một đàng chịu (hòn đe). Tục ngữ Pháp có câu: "Il faut être marteau ou enclume". Nghĩa là: "Phải làm búa hay làm đe", hoặc nói cách khác: muốn búa hay chịu búa, muốn đánh hay chịu đòn, trong hai đường đó muốn đường nào cho dứt khoát, chớ không thể ở cửa giữa, nói phân hai(1) được. Một câu tục ngữ khác của Pháp cũng lại khuyên: "Il vaut mieux être marteau qu'enclume". Nghĩa là: "Làm búa khá hơn làm đe". Phải mà, đặt ra con người ta ở đời, ai lại chịu làm lì cho chúng đập.

Thế mà một đồng nghiệp hữu của Thông Reo là ông quản lý Đuốc nhà Nam, ổng lại khéo hớ hinh đem cái tay mềm mại của ổng mà để vào ở giữa cái búa và viên đe!

Ông bạn đồng nghiệp tôi ổng hớ làm sao! Hay hoặc ổng có gồng…(*) Ông có muốn thử búa hay đỡ đe thì nói chớ.

Không, không có gì hết, ông bạn đồng nghiệp tôi ổng sợ cái câu "đóng khuôn" của báo Phụ nữ tân văn ra ngày 3 Juin rêu rao hăm doạ rằng: "trong một số báo tới sẽ hài tên vạch mặt cái ông chủ báo nào đòi ăn nhiều tiền mà chủ thầu hội chợ không cho rồi trở ra nói xấu".

Ông Sâm khéo sợ thì thôi. Có lý nào ông không biết, hễ ba mươi đời "gian" thì phải "dối" hay sao? Thì đó! hắn đã dám nói láo việc triệt hết các cuộc cứu tế, bị ông hội trưởng hội Nam kỳ cứu tế nạn dân cải chánh đó. Kế hắn lại nói láo rằng: ông Bái cho phép hắn giữ độc quyền bán bông giấy trong hội chợ Phụ nữ để hắn làm của riêng, cũng mới bị ông trưởng ban trị sự hội chợ ấy đính chánh nữa. Hắn đã dối trá sàng sàng như thế, thì cái ông chủ báo đòi ăn kia, âu là phải nằm vùi trong cái óc tưởng tượng của hắn mà thôi!

Đa trá là thói "con buôn", ông Sâm ông có biết chăng? À, nhắc tới chỗ đa trá, Thông Reo tôi có lời nhắn nhủ với ông Sâm: nghe đâu như hội đồng cứu tế tính giao 3.000 đồng chẩn cấp cho ông, để cậy ông mua gạo giúp dân bị nạn ở miền nam Trung kỳ. Cái thì hay lắm, vì ở Chợ Lớn giá lúa gạo ai mà giỏi thạo bằng ông! Ông cũng nên rán liệu mua rẻ rẻ đi đỡ cho đồng bào bị nạn được chút nào hay chút nấy. Nầy ông Sâm, tôi xin nói nhỏ với ông: Thời nay khủng hoảng về kinh tế,

Chuốt ngót con buôn lóng ngọn ngành!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6751 (11. 6. 1932)


 

(1) Tục ngữ có câu: "làm trai nói phân hai dễ chối" (nguyên chú).

(*) có gồng: "Có phép làm cho người ta đâm chém không nao núng" (H.T. Paulus Của, sđd.)

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân