CHA MẸ CŨNG PHẢI THEO CON MÀ DU HỌC

Cái nầy chẳng những là câu chuyện nói miệng mà thật dần lân thì cũng lại thấy đăng lên báo nữa. Ấy là chuyện cha mẹ có con cho đi học, nhứt là đi học bên Tây, đến chừng con về, mọi sự ở ăn đều trái với tánh ý cha mẹ hết; người thì co đầu cứng cổ, cha mẹ nói không nghe, người thì lầm lầm lũi lũi làm theo ý mình, không chịu đồng ý với cha mẹ. Bởi vậy cha mẹ mới than van hoài, nhiều lúc sinh lòng hối hận, nói phải chi hồi trước đừng cho nó đi học còn hơn!

Có một đôi ông cha đã đăng báo mà từ con rồi. Việc trong nhà trong cửa mà không nhẫn nhau được, đến mức ấy là quá lắm đó, không phải chơi đâu. Còn có ông cha hay bà mẹ không đến nỗi từ con chớ cũng không chịu ở cùng, không muốn thấy nó nữa. Thôi vợ chồng tao thủ phận ở miệt vườn còn vợ chồng bay sang trọng thì lên Sài Gòn mà ở! Câu ấy là câu nghiêm huấn rành rành mà nhiều ông bố đã dùng mà nói cùng con mình lâu nay. Chửng rồi thiên hạ mới lo bảo nhau có con phải coi chừng, đừng có ham chi chi ở đâu mà cho chúng nó đi học Tây học Tàu, đã tốn tiền mình, sau lại còn sanh giặc trong gia đình nữa.

Tuy vậy mà còn vì sao nữa chẳng biết, cũng cứ có người du học hoài. Vài năm nay, nhà nước có buộc thêm điều kiện cho người xuất dương phải có những giấy má gì, phải có những món tiền gửi sẵn nhà băng, cách như thế nào cũng mặc, thiên hạ cũng còn có kẻ nối gót nhau xuống tàu qua Tây hoài không thôi. Như vậy đó rồi ít năm nữa lớp ấy lại về, lại ăn ở trái tánh ý cha mẹ nữa, cha mẹ lại cằn rằn nữa, lại đăng báo từ bỏ nữa, chẳng cũng mệt cho các ông các bà lắm sao hè?

Làm thế nào? Làm thế nào bây giờ?

Tôi nghĩ ra cái sự trái ý nhau đó là phải lắm. Theo tôi thì tôi chẳng có lấy làm lạ chi hết ráo.

Tội gì không trái ý! đời nay là đời tấn hóa mau chóng lạ lùng. Đừng nói bên nầy với bên Tây khác nhau như trời với vực làm chi. Nội ở Lục tỉnh lên tới Sài Gòn đây cũng đã thấy khác nhau xa lắm rồi. Ai ở miệt Lục tỉnh mà cho con lưu học tại Sài Gòn, năm bảy tháng, một năm, nó về một lần, nó đã thấy trong nhà nó có nhiều điều trái con mắt nó, trái cái óc nó, huống chi ở bên Tây năm bảy năm mà biểu sao còn giữ được cốt cách An Nam?

Coi đó thì biết những cậu học sanh ở Tây về mà cứng đầu cứng cổ trong gia đình, có lạ gì đâu? Ấy là sự thế tất nhiên mà! Thằng con, cái óc nó mới rồi, còn ông cha, cái óc vẫn cũ, thì làm sao dung nhau được, làm sao đồng tình đồng ý cùng nhau được?

Thấy nói có ông Tú hay Cử gì đó ở Tây về làm việc nhà nước, nhà nước cho đi làm huyện. Lệ thường quan huyện thì mang "ruban". Ông thân quan huyện một hôm biểu quan huyện đi tới tiệm chụp hình chung với mình. Mà hình thì bắt phải chụp như vầy: Ông thân quan huyện thì ngồi mà quan huyện thì đứng; đứng mà phải có mang "ruban" kia, ông già mới chịu.

Muốn mà muốn cái chướng vậy, ấy là có sự không êm giữa cha con rồi đó. Ông huyện nói: "Cha ngồi con đứng, cái đó tôi chịu được; nhưng đứng mà mang ruban, tôi lạy cha, đánh mấy roi thì đánh, chớ tôi không chịu đâu!"

– Mầy cãi tao? Chà! Nó hôm nay là ông huyện mà! "Phụ mẫu chi dân" mà! Kể gì cha nó!

Sanh giặc rồi. Cha con giận nhau rồi. Có chết không?

Như vậy đó rồi đổ thừa cho bao nhiêu đứa đi học bên Tây đều hư hết, đều ngang đầu ngẳng cổ hết, đều cãi lời cha mẹ hết, rồi rủ nhau đăng báo từ chúng nó.

Cái ông cụ là cha quan huyện đó, thật đã phơi cái tâm lý mình ra cho thiên hạn thấy. Bắt con mang "ruban" là ra điều chỉ cho họ biết rằng con mình làm huyện mà mình là cha nó đây chớ gì?

Nhưng mà quan huyện cãi đi là phải. Cái "ruban" là cái huy chương để dùng ra chốn công đường, chớ có phải là đồ đem mà chưng sơ trong nhà đâu? Vậy mà cãi lịnh cha một chút, thành ra bất hiếu rồi, tội nghiệp!

Tôi nói, chỉ có khi nào cho con sang Tây du học thì cha mẹ cũng phải đi theo mà du học như nó, đặng hai đàng tri thức ngang nhau thì đến lúc về nhà, mới sẽ hiệp ý nhau, khỏi cãi nhau mà thôi.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6694 (1. 4. 1932)

 

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân