CHẾT VÌ NỢ

Những người đọc Trung lập bữa qua, chắc ai nấy cũng phải động lòng về một cái thời sự kể chuyện một bà già tự vẫn ở ngoài Bắc. Muốn cho dễ hiểu, tôi xin tóm tắt câu chuyện trở ra sau đây:

Bà Lê Thị Nhỡ, năm nay đã 65 tuổi đầu, và ở đường Hàng Bạc Hà Nội, tuy không giàu có cho lung, nhưng mấy năm trên trong nhà làm ăn buôn bán cũng có vẻ thạnh vượng. Vả lại nhà bà Lê con cái đông đảo, con gái thì người làm bà Tham, người làm bà Đốc, con trai thì người ở Hải Cảng người ở Sài Gòn, kể cũng là một cảnh gia đình rân rất(*) vui vầy ở giữa đất ngàn năm văn vật. Nhưng trời xui đất khiến cho xứ ta từ năm ngoái đến nay bỗng dưng lại bị hết nhơn họa đến thiên tai, rồi mà một cái nạn khủng hoảng về kinh tế, có lẽ chưa từng thấy từ thuở Hồng Bàng lập quốc đến giờ, ở đâu lại thình lình đến mà làm cho dân tộc Việt Nam ta phải khốc hại chẳng qua vì tiền. Bà Lê Thị Nhỡ là một người trong trăm người ngàn người muôn người đã bị cái nạn khủng hoảng ấy. Tuy mấy mẹ con bà đã hết sức cầm cự, nhưng mà bán ế buôn thua như mấy lúc nầy, thì trừ ra những kẻ trong nhà có vốn liếng cho thật vững vàng, còn thì những nhà thương mại bực trung thiết tưởng không mấy người là tránh khỏi đồng công đồng nợ. Bà Lê Thị Nhỡ xưa nay vốn là người có tánh sợ nợ lắm, bởi không dám vay cối vay chày, nên bà chỉ mắc chỗ năm đồng, chỗ một chục là nhiều, chớ không có mối nào đến bạc trăm. Nhưng cầu đời ai có qua mới biết, cái nghề thiếu nợ mà thiếu nợ vặt lại càng khó chịu hơn là thiếu một mối cho thật to. Ngày hẹn mau đến, tiền chạy khó ra, chủ nợ tới nhà, tiếng chì tiếng bấc. Tiền tài phá nhơn nghĩa tuyệt, có nhiều người không đáng tuổi cháu tuổi con, mà đến cơn bây giờ cũng buông lời nhiếc mắng bà Lê Thị Nhỡ. Vốn không quen chịu những sự sỉ nhục như thế, bà Lê trước còn buồn rầu, sau đến thất vọng. Bụng dạ đàn bà hễ nghĩ đi thì được, chớ nghĩ lại nào có mấy khi, bởi vậy mà một buổi mai kia, thình lình người ta đã trông thấy cái bà già tóc bạc 65 tuổi đầu đương trôi nổi lình bình trên mặt nước xanh của hồ Trúc Bạch. Người ta bèn làm ăng-kết tới na, thì lại hay rằng bốn cô con gái nhỏ của bà Lê và vẫn ở chung với bà thuở giờ mới đây cũng thình lình rủ nhau bỏ nhà đi đâu mất!...

Ấy đó, sau khi nghe rõ đầu đuôi câu chuyện rồi, nên ta chẳng bảo rằng nợ đã giết chết bà già Lê Thị Nhỡ thì ai vô đó mà giết? Than ôi! thế mới biết nợ là cái rất đáng ghê đáng sợ nhứt ở đời, cho nên tục ngữ ta vẫn có câu "nhứt là vợ dại trong nhà, thứ nhì nhà dột, thứ ba nợ đòi!", mà một nhà thi sĩ kia, trong bài thơ than nghèo cũng đã có câu thảm thiết rằng: "Van nợ lắm khi tràn nước mắt; Chạy ăn từng bữa toát bồ hôi!" thiệt là cực tả cái khổ cảnh, khổ tâm của người mắc nợ.

Nhơn đó mà tôi lại nghĩ lan man ra rằng thứ đồ nợ tiền nợ bạc, nợ có khế tờ, nợ về vật chất không báu xót gì, mà lắm khi còn có thể làm cho người ta phải vì nó mà "tràn nước mắt", lại lắm khi có thể làm cho người ta phải vì nó mà gieo mình xuống nước như bà Lê Thị Nhỡ thay, huống chi là những nợ tình nợ nghĩa nợ ái nợ ân, tóm lại bao nhiêu những món nợ thuộc về tinh thần, thuộc về tình cảm, tuy không tờ không khế, nhưng người có học hễ khi đã lỡ mang lấy nợ rồi, thì bên lòng canh cánh không lúc nào quên; huống chi những món nợ ấy thì lại có thể làm cho người ta phải vì nợ mà ưu tư khổ sở đến bực nào? Cho nên phàm người có học ở đời, hễ làm con thì phải lo trả nợ dưỡng dục cù lao cho cha mẹ, làm dân thì phải lo trả nợ ngọn rau tấc đất....; làm bạn thì phải lo trả nợ cho người tri kỷ, làm trai thì phải lo trả nợ cho người tình chung. Còn rủi như vì cái cảnh ngộ nào hay cái thế lực nào ngăn trở bó buộc, khiến cho mình không thể trả nổi "món nợ đời", thì tôi tưởng không nên tiếc gì mà chẳng [....]!

                                               X.X.(*)

Trung lập, Sài Gòn, s. 6640 (16. 1. 1932)


 

(*) rân rất: đông đảo, mạnh mẽ, ví dụ "bà con rân rất" tức là bà con đông và mạnh thế (H.T. Paulus Của, sđd.).

(*) Bút danh X.X. ký cuối bài và giọng văn trong bài khiến ta nghĩ rằng bài này không phải của Phan Khôi.

Trên Trung lập số 6641 (18/1/1932) bài trong mục “Những điều nghe thấy” bị kiểm duyệt bỏ toàn bài.

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân