CHIẾC TÀU NOÊ CỦA CHÁNH PHỦ

Ôi! mong mỏi đến chừng nào, nào ai dám biết, chỉ biết rằng trong năm tới đây, ngân sách của Đông Dương thiếu hụt hết thảy là 16.300.000 đồng. Hồi tưởng lại hai năm về trước, ta mới thấy ngân sách 1933 khác nhau gần đến 30 triệu đồng, nghĩa là các công việc mở mang trong xứ đình đốn lại không phải là ít vậy. Song ăn theo thuở ở theo thì, gặp lúc nghèo ngặt chung nầy đây, Đông Dương không lẽ lên mặt khoe giàu như trước nữa.

Chính vì chỗ nầy nên quan Toàn quyền mới nhứt định đến tháng Juillet 1933 tới đây sẽ thi hành một chánh sách tiết kiệm gắt gao, để kiếm cho đủ số tiền 16.300.000 trên kia hầu bù đắp cho đầy cái lỗ trống.

Nói đến tiết kiệm, tất nhiên phải động đến quyền lợi riêng của cá nhân. Quyền lợi của quan lại trước nhứt. Quan thủ hiến vẫn biết rằng mình cương nghị như vậy không khỏi làm cho một mớ người đem lòng giận ghét, nhưng ở trong cái hoàn cảnh khó khăn ngày nay, theo nguyên lý, người cầm quyền phải cứng cỏi mới được, phải quả quyết vì lợi chung mà hy sanh các lợi riêng.

Nếu có một ít người không ưa cũng mặc, miễn cho ai nấy đều buộc lòng kính nể, dầu không kính ở buổi hiện tại chớ cũng phải kính trong buổi tương lai, bao nhiêu đó là đủ rồi, vì thời gian là quan tòa minh chánh vậy.

Cái thái độ cương quyết ấy, quan thủ hiến quyết giữ tới kỳ cùng, để chấn hưng cho được nền tài chánh đương lâm cơn lay chuyển.

Tính ra trên giấy, theo bài diễn văn nầy, ta sẽ thấy chánh phủ tiết kiệm được trong 3 khoản:

1- Bớt lương bổng, phụ cấp của các quan lại được 4.220.000$.

2- Sửa đổi một vài sở, bớt tiền chi tiêu của ít sở khác được 5.466.000$.

3- Tăng thuế các vật dụng không cần thiết như rượu tây, như bài cào, và sửa đổi tà-líp thuế buôn bán, nhà cửa, ruộng nương lại được 3.200.000$.

Thế thì đủ số tiền cần dùng 12.900.000$ để bù đắp chỗ thiếu hụt của sổ công nho vậy.

Trên kia chúng tôi đã nói là 16.300.000$. Song Chánh phủ năm tới tính không làm các việc công tác mới nên mới có lợi ra số tiền 3.400.000 đồng, nhẹ ra cho số tiền 16.300.000 ấy và Chánh phủ chỉ còn thiếu có 12.900.000$ thôi.

Coi đó thì biết, Chánh phủ không có tăng sắc thuế nào hết, đây là một điều tưởng mà chúng ta nên để ý. Trở lên là phận sự của chánh phủ, còn bổn phận ta phải sao? Nếu chúng tôi hiểu không lầm, thì đối với cái tình cảnh nguy nan, chánh phủ có ý khuyên ta hãy đem hết nghị lực vững vàng ra mà chống chỏi.

Đừng thối chí, cứ cần cù lam lũ, phải dành dụm và tiết kiệm đó là những tánh ta cần phải có để đi trên con thuyền bị sóng dập gió dồi nầy. Chúng tôi không có ý gì dẫn giải cho dông dài những lời khuyên bảo rất hiệp thời ấy làm chi, nhưng chúng tôi thiết tưởng nói đến sự cần cù lam lũ, tự nhiên ai ai cũng tưởng tới sự làm ăn ở ruộng nương là đầu hết. Vẫn biết Chánh phủ đã ghe phen(*) phụ giúp cho nông gia điền chủ, song sự làm ăn theo thú ruộng rẫy bây giờ không đủ nuôi người, thì khổ quá!

Quanh đi quẩn lại, muốn vượt cho khỏi cái vòng kia mà không khỏi được; vì bề nào chúng ta cũng phải nhớ nằm lòng cái vấn đề lúa gạo. Chính quan Toàn quyền cũng nhận rằng giá lúa gạo bán ra bây giờ gần xấp xỉ với giá làm ra lúa gạo. Chín phần mười dân ở xứ nầy không muốn làm ăn, chớ muốn làm cái chi nè? Nhưng làm ăn mà không đủ nuôi sống, thì nói đến tiết kiệm mà chi!

Tiết kiệm! Dân xứ nầy vì hằng năm thường trải qua lắm cái ách nước tai trời, nên bao giờ cũng hay lo hậu giữ cho dư nồi gạo là điều cần nhứt. Cái nồi gạo dư nầy tự họ làm ra, phải chúc, song ai cũng biết không phải một mình họ mà làm ra cho đặng, vì người lao động cần phải liên lạc với các đảng cấp nhân dân khác mà sống.

Liên lạc với các nhà nông, thì các nhà nông đều rêm mình liều yếu.(**) Liên lạc với các nhà kỹ nghệ thì các nhà kỹ nghệ như chết đuối vịn bờ. Liên lạc với các quan lại thì các quan lại còn lương hướng bao nhiêu? Nghĩ đến đây, ta sẽ thấy vấn đề tiết kiệm chỉ là trong phạm vi của vấn đề sanh hoạt của dân chúng. Giữa trình độ sanh hoạt nầy, hiện nay chưa thấy triệu chứng nào bảo cho chúng tôi biết chắc nó sẽ giảm xuống mực hai mươi ba năm về trước, là lúc phố mắc lắm 5p một căn mỗi tháng, tiền chợ sang nhứt là ba cắc một ngày. Giờ đây có được như thế nữa không?

Đọc xong bài diễn văn của quan Toàn quyền không biết sao chúng tôi vẫn lúng túng trong hai vấn đề nầy mãi. Như trước kia chúng tôi đã nói, chúng tôi không muốn làm kẻ bi quan nhưng gặp hồi cả xứ nghiêng nghèo chúng tôi không khỏi học nằm lòng câu sau nầy của nhà văn sĩ H.G. Wells nước Anh để an ủi lấy mình đôi chút. Vả câu ấy chính quan Toàn quyền đã dẫn chứng để kết luận bài diễn văn của người: "Chúng ta đương ở vào một cái văn minh rời rã quá mau. Do theo sự chúng ta hiểu biết, cái thế giới văn minh ấy đổ rõ ràng. Mỗi  tuần đều có một vật gì ngã lăn hay là bể nát, vì vậy mà không thể nói được sự hư sập sẽ đi đến bực nào. Cũng như hồi đời ông Noê, ta phải đóng một chiếc tàu mới được". Chiếc tàu ấy của chánh phủ là một cái ngân sách thâu xuất được cân phân kia.

Nhưng của dân chúng, chiếc tàu ấy là cái gì?

TRUNG LẬP

Trung lập, Sài Gòn, s. 6889 (7. 12. 1932)


 

(*) ghe phen: nhiều lần (H.T. Paulus Của, sđd)..

(**)  têm mình: đau nhức, ê ẩm; liều yếu: la liệt (Từ điển phương ngữ Nam Bộ, sđd.); vậy câu "các nhà nông đều rêm mình liều yếu"  phải chăng nghĩa là: hầu hết nhà nông đều kêu đau yếu?

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân