CHÓ ĂN NEM, BÒ UỐNG RƯỢU

– Anh Tư, anh kỳ quá. Hễ tôi mở miệng muốn nói chuyện với anh, thì anh cười. Bộ tôi diễu với anh sao?

– Chú Thông Reo mầy hay nói cà rỡn. Chuyện gì cũng đem ra nói giỡn giỡn chơi chơi. Biểu tôi làm mặt nghiêm mà nghe chú mầy sao cho được.

– Nầy anh Tư, anh biết Sạc-lô chớ hè?

–Thằng hề hát bóng đó, ai lại không biết.

– Anh thấy hát anh cười hay khóc?

– Lo ôm bụng cho cười khỏi bể, làm sao khóc cho được.

– Anh vậy, chớ tôi thì tôi coi Sạc-lô hát tôi buồn. Về nhà nằm đêm nghĩ lại, lắm khi tôi muốn khóc lận đa. Nhiều anh hề diễu trong rạp hát xiếc ưa vẽ mặt bội, dưới mắt có hai phết đen như hai hột nước mắt chảy, làm cho mặt các anh như mếu máo mà mấy anh lại làm cho thiên hạ cười. Cái nghề làm hề (làm hề giỏi), bất lựa là ở trong hoàn cảnh nào, thường có hột nước mắt nằm trong. Sạc-lô nghèo. Không thi được anh-giê-nhơ hay là đốc-tơ,(*) vô nghiệp nghệ, nay ôm nghề nầy, mai bị đuổi qua ôm nghề khác. Sạc-lô lại là xác thịt phàm, cũng ham sung sướng ham se sua, cũng cà-ra-uách, măng-sết(*) như ai. Lâu lâu kiếm được ít đồng xu, đi xe tram-uây(*) hứng mát thì cũng ba-ton, xì-gà làn đựng trong hộp cá mòi. Sạc-lô cũng hảo ngọt(*) như ai. Nhưng mà khổ quá, Sạc-lô giàu tình chớ không giàu tiền, cho nên trong đời của Sạc-lô, kiếm tiền với kiếm tình là hai điều khó khăn lớn, làm cho anh ta bị không biết bao nhiêu hoạn nạn, mắc không biết bao nhiêu nhục nhã. Anh thấy cái cách của Sạc-lô thương con nít không? Anh nhớ lại coi, Sạc-lô trong tuồng hát bóng đó, có phải là một vai tuồng bày đặt ra đâu, mỗi ngày anh mỗi gặp Sạc-lô ngoài đường, ngoài chợ. Chuyện của Sạc-lô là chuyện thật, là chuyện hằng ngày mà lắm khi làm cho anh buồn. Sao đem ra hát, anh thấy lại cười?

– Mà chuyện "chó ăn nem, bò uống rượu" của Thông Reo đây là chuyện bày đặt để diễu chơi, chớ phải chuyện có thiệt sao?

– Anh Tư, tại nhà tôi bây giờ đây có một cặp bò, bò biết uống rượu. Số là chủ chúng nó cưng chúng nó lắm, mỗi khi đi đâu, ghé lại tiệm uống nước, thường mua bánh bàng cho nó ăn. Nhiều khi, ba ngù, anh ta ép chúng nó uống chút rượu chơi, tập lần lần, sau chúng nó quen, có ai cho rượu chúng nó cũng uống chơi vậy. Chủ chúng nó vì nghèo bán lại cho tôi. Mà trâu bò thì để cày cấy, chớ ai dư tiền mà nuôi theo cách anh chủ đó. Tôi cũng không có hi vọng đem chúng nó ra hát xiếc. Tôi cho ăn cỏ không mà thôi, sợ lâu đây nó quên cả rượu, cả bánh. Còn chuyện chó ăn nem, có phải là chuyện lạ sao? Anh về nhà thử với chó nhà thì biết.

– Thôi, cho chuyện "chó ăn nem, bò uống rượu" đó là chuyện thiệt đi. Thông Reo sao nói chuyện đó với tôi làm gì?

– Tôi có một ông bạn học nho, cứ nói tôi điên không biết như ông, ăn bánh in Bổn lập uống trà Trung Quốc kỳ chưởng. Tôi lại có một ông bạn học Tây cũng cho tôi là khùng, không biết như ông ăn nem Thủ Đức, uống rượu la-ve. Tôi tức quá. Thú vật kia còn biết ăn bánh in, uống rượu hãng thay. Ngặt vì tôi không tiền mua bánh Bổn lập với trà Trung Quốc, nem Thủ Đức với rượu la-ve đó thôi.

– Không... Hay là người ta muốn nói Thông Reo bôn chôn, không biết ngồi mà hưởng nhàn. Mặt trời, trái đất ngày nào cũng xây, Thông Reo tội gì ngày nào cũng lo cũng chạy.

– Phải. Ngày nào mặt trời trái đất cũng xây. Nhưng mà ngày nào cũng chỉ có hai mươi bốn giờ thôi. Mắc chạy cơm cho mình, cho con, cho vợ, mắc ngủ, mắc tình, mắc đau; hai mươi bốn giờ xài không đủ... Anh giỏi làm sao cho tôi dư mỗi ngày vài ba giờ đi, rồi coi thử tôi có biết uống trà, nhắm la-ve như ai không.

– Xin lỗi nghe anh Tư. Tôi mắc chạy kiếm một căn phố lá chừng bốn năm đồng một tháng. Nhà tôi ở Chợ Đũi đã được lịnh phải giỡ đi.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6801 (10. 8. 1932)


 

(*)anh-giê-nhơ (chữ Pháp ingénieur): kỹ sư; đốc tơ (chữ Pháp docteur): tiến sĩ; se sua: "khoe trẻ, cho kẻ khác ngó thấy" (H.T.Paulus Của, sđd.); cà-ra-uách (chữ Pháp cravate): cà vạt; măng-sết (chữ Pháp manchette) cửa tay áo lật ngược (áo sơ-mi); xe tram-uây (chữ Pháp tramway): xe điện; hảo ngọt (hoặc ưa của ngọt, thèm của ngọt): ham thích đàn bà.

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân