CHƠI KHÔNG THIỆT THÀ, MIN CHẲNG THÈM CHƠI

Trong cái đầu đề đó, có một chữ lạ, phải cắt nghĩa cái đã, rồi nói chi sẽ nói. Ấy là chữ "min", dùng để xưng mình, cũng như xưng ta, xưng tôi vậy.

– Thế thì sao không xưng ta xưng tôi đi cho rồi, lại xưng min làm chi?

– Hỏi mới lạ cho chớ! Nếu có ai hỏi Thông Reo như vậy thì Thông Reo cũng xin hỏi lại rằng: Ai nấy đều xưng ta xưng tôi hết, chỉ có mình ông vua xưng trẫm, ai đó hỏi Thông Reo, thế thì sao không hỏi ông vua đi?

Sự xưng min, không phải là một sự cần. Nhưng dầu cho ai cũng vậy, hễ đã đặt ngòi bút mà viết trong cột báo nầy thì cũng muốn làm cho mới chơi, làm cho lạ chơi, vậy thôi.

Nói vậy chớ chữ min vốn cũng chẳng lạ gì. Người Việt Nam thuở xưa thường xưng min; cứ mở tự vị ra thì thấy. Nhưng về sau bị cái sức chuyên chế đè lên, lần lần hóa thành cái tánh nô lệ, bấy giờ ai nấy mới xưng tôi, – tôi, là "thần bộc" mà, là "tôi tớ" mà.

Thông Reo mấy năm trên, ở dưới "trào báo" khác, nó có tên khác, chớ không phải Thông Reo. Khi ấy nó tự xưng là "Thằng mình" luôn luôn.[*]

Tiếng "Thằng mình" hồi đó như là tự nó phát minh ra, cho nên nó có ý choán lấy làm của riêng mình. Không ngờ có một vài người khác không quen cách lịch sự trong làng báo, nhè xưng "thằng mình" như nó. Bởi vậy nó làm bộ lẫy, từ đó về sau, nó không xưng bằng thằng mình nữa.

Ngày nay đây, Thông Reo bắt đầu tự xưng là "min". Nhưng nếu rồi đây có ai chơi miếng không thiệt thà, lại xưng "min" như nó nữa, thì bề nào nó cũng bỏ đi mà kiếm thứ khác.

Thông Reo, nó chỉ ưa chơi với người thiệt thà. Ai chơi không thiệt thà, thì nó đối với người ấy mà nói rằng: "Min chẳng thèm chơi!"

Ý cha chả! Cái chuyện dưới đây mới càng thấy không thiệt thà hơn nữa chớ!

Số là Trung lập – tờ báo của min viết đây – ra ngày 12 Janvier 1932 vừa rồi, nơi trương đầu, cột 1 – 2 có bài đề là : "Tại sao Trương Học Lương không kháng cự Nhựt? Bởi sợ mất 30 triệu đồng", Sau cùng của bài ấy, ký tên là T.R. – T.R. đó có phải là Thông Reo viết tắt không? Nếu ai hỏi vậy thì kỳ lắm! Người ta đã viết tắt là muốn giấu không để ai biết tên sao còn hỏi?

Của ai cũng mặc, không hỏi làm chi; duy có một điều đáng để ý, là nó đã được đăng trong Trung lập, thì nó là của Trung lập.

Nếu có tờ báo khác trích bài ấy đăng lên báo của họ thì Trung lập có bằng lòng không? Cái đó thì nên hỏi.

Thông Reo xin trả lời thế cho Trung lập rằng bằng lòng lắm chớ. Bất kỳ tờ báo nào, cũng đều muốn cho cái ý kiến tư tưởng của mình được lan khắp ra cả. Vậy nếu có ai trích đăng bài của Trung lập thì Trung lập không nói ra chớ ưng lắm, sao lại không bằng lòng?

Nhưng mà, có điều nầy nên nhớ nhập tâm, là khi nào trích bài của Trung lập, phải găm ngay ở dưới là "Rút của Trung lập", như T.L. vẫn không quên khai rõ, mỗi khi rút bài của kẻ khác, vậy mới nhằm phép lịch sự, mới đúng luật làng báo.

Ấy thế mà tờ Ngọ báo ngoài Hà Nội, hôm 22 Janvier, nghĩa là sau số Trung lập ra đúng 10 ngày chẵn, nơi chương đầu, cột thứ 7, cũng có một bài đề như vầy: "Vì 30 triệu đồng mà Trương Học Lương không đề kháng Nhựt". Chuyện thì giống mà cái đề thì khác. Mới đọc tới tưởng là khác thật. Có dè đâu hết cả bài đều là "bợ" của Trung lập, rồi chỉ xóc lên đảo xuống một chỗ đôi ba chữ thế thôi. Nếu đem hai bài ra mà đối hạch nhau, ai cũng có thể nói quyết rằng ông Ngọ báo ăn cắp của Trung lập mà sửa đổi một ít.

Nực cười thay, cuối cùng bài ấy không để những chữ "Rút của Trung lập" theo lệ thường của làng báo mà lại để tắt là T.L.

T.L. là cái gì vậy? Độc giả của Ngọ báo thấy vậy, phải tưởng đó là ông Tiêu Liêu, ôn Tùm Lum, ông Tòa Loa, tổng chi cũng là một ông ký giả của Ngọ báo đã viết bài ấy vậy!...

Nhưng nếu Trung lập hỏi ngặt ông Ngọ báo chớ sao trích bài của người ta mà không chỉ ra nguồn nó ở đâu, thì ông Ngọ báo sẽ lại trợn con mắt lên, nói rằng: "Chớ đui không thấy hai chữ T.L. tức là Trung lập đó sao?"

Ấy là không thiệt thà quá lắm, nói thật, min chẳng thèm chơi đâu.

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6652 (30. 1. 1932)


 

[*] Chỗ này tác giả có ý lỡm sự “tự xưng” với “bút danh”. Có lẽ P.K. chưa khi nào ký bút danh “Thằng Mình”, nhưng ông từng tự xưng bằng chữ ấy khi viết hài đàm, ví dụ: “Thằng mình học cũng khá chớ phải chơi sao?” (Tân Việt: Theo luật bài xạo // ĐPTB 8/9/1928). Song chủ ý bỡn cợt ở đây là nhắm vào việc, lúc này, đầu năm 1932, Võ Khắc Thiệu về làm chủ bút báo Công luận, viết bình luận bằng họ tên thật và viết mục hài đàm “Trò đời” dưới bút danh “Thằng Mình”, thường chĩa mũi dùi tranh biện hoặc công kích Phan Khôi, Bùi Thế Mỹ và báo Trung lập. Cuối tháng 4/1932, Võ Khắc Thiệu thôi việc ở Công luận khi báo này về tay Diệp Văn Kỳ, Nguyễn Văn Bá.

 

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân