CHỮ DANH Ở ĐỜI

Tục ngữ ta có câu rằng: "Càng cao danh vọng, càng dày gian nan", nghĩa là ở đời hễ thân càng ở vào những cái ngôi cao, tay càng nắm giữ những cái quyền cả, tiếng tăm lừng lẫy, bổng lộc càng lớn lao chừng nào, thì những sự gian nguy có thể xảy đến cho mình cũng càng nhiều chừng nấy.

Chuyện tổng thống nước Pháp là ông Paul Doumer bị giết bữa trước, và chuyện thủ tướng nước Nhựt là ông Khuyển Dưỡng Nghị bị giết bữa nay, đều là những tang chứng rằng hễ "danh vọng càng cao thì gian nan càng dày" vậy.

Lại như thằng nhỏ con quan năm Lindbergh, tuy nói là bị giết bởi tay quân cướp vô đạo, nhưng xét ra cho kỹ, thì thật là thằng nhỏ ấy đã bị giết bởi cái danh tiếng lẫy lừng của tía nó. Thật vậy, nếu thằng nhỏ ấy đã chẳng vô phước mà sanh vào cửa nhà phi tướng anh hùng đã vượt qua biển Đại Tây lần thứ nhứt, mà lại sanh vào cửa một đôi vợ chồng vô danh tiểu tốt, chẳng có tên tuổi gì ở giữa xã hội nhơn quần – (ví dụ như cặp vợ chồng Vô Danh chúng tôi đây) – thì tôi dám chắc rằng dầu cho có đem mà bỏ bù lăn bù lóc ở ngoài đường, là quân gian nó cũng chẳng thèm ngó đến, chớ đừng nói "bắt cóc" làm chi. Thằng nhỏ vô phước kia đã bị bắt cóc và giết chết đi, chẳng qua cũng bởi nó là con trai của quan năm Lindbergh!

Mới biết chữ danh là chữ lụy,

Không thì ai dám bảo "danh cương"?

Đúng thay hai câu thơ ấy của một nhà thi sĩ nào gần đây mà tiếc rằng tôi không nhớ tên.

Ở đời cái "danh" là cái "lụy" có báu xót chi mà hì hục tranh nhau những là "tốt danh hơn lành áo"?

Cái "danh" nó chẳng báu gì, cho nên trong sách nho đã có chỗ lấy cái quan niệm về danh mà chia người đời ra mấy hạng: "hạng người tầm thường thì ham danh; hạng người trung trung thì chịu danh; hạng người cao thượng thì chẳng đoái danh; sau lại, hạng người trên nữa thì trốn danh đi mà chẳng thèm".

Than ôi! đối với cái danh thiệt kia, mà kẻ ham danh còn bị liệt vào hạng người tầm thường, vào bực chót thay! Huống chi đời nay thường thấy có lắm kẻ khánh gia khuynh sản đi để mà mua chác lấy cái "hư danh", thì chẳng biết ta nên liệt họ vào cái hạng nào mới xứng đáng?...

VÔ DANH(*)

Trung lập, Sài Gòn, s. 6730 (18. 5. 1932)


 

(*) Bút danh lạ này cho thấy: bài này có thể không phải của Phan Khôi.

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân