CHÚNG NỮ ĐĂNG ĐÀN, NHỨT NAM LẠM DỰ

Xin độc giả chớ trách tôi đặt cái đầu đề trên đó bằng chữ Nho, bởi nó đối đáp với nhau ngon lành quá, nếu tôi bỏ đi mà không xài rất uổng.

Mà lại thứ chữ Nho của tôi đó nó cũng không mắc mỏ gì lắm, nói vậy cũng chẳng qua như nói nôm là "các bà các cô lên sân khấu, một anh đàn ông chăm chút vào", thế thôi. Lại xin lỗi với cái anh đàn ông đó là ông Diệp Văn Kỳ. Chữ "lạm dự" đây nguyên của bạn đồng nghiệp Đuốc nhà Nam dùng mà nói về ông trong dạo trước, hôm nay chẳng qua tôi nhắc lại mà chơi cho vui một chút.

Chuyện thiệt mới! Đáng cho là chuyện "phá thiên hoang"! Các bà các cô toàn là trang khuê các, sắp sửa bước lên sân khấu diễn tuồng!

Không phải tôi đặt chuyện nói chơi đâu. Tối thứ năm, 14 Janvier tới đây tại nơi nhà chung của thành phố, tức là dinh xã tây, họ sẽ hát thiệt mà. Nói chơi làm sao mà việc người ta làm hẳn hòi lắm, đàng hoàng lắm, chớ nào cho mình dám đặt miệng vào mà nói chơi!

Trước khi hát, nghĩa là đã mấy đêm nay, người ta nhóm nhau tập dượt tại nhà bà Amiel ở đầu đường Massiges, có các cô con ông bác vật Lưu Văn Lang, con ông huyện Của, con ông Trương Vĩnh Tống, con ông Nguyễn Đình Trị, con ông Nguyễn Khắc Nương..., lại nghe có mấy cô đầm cũng dự vào nữa, họ tập dượt in thể bạn hát giáp tuồng vậy.

Trong tấn tuồng sẽ hát đó, bất kỳ vai đầu vai kép chi cũng các bà các cô giành đóng hết, không cho một mống đực nào thấp thoáng vào, thế mới ngộ bất kinh! Nghe nói tấn tuồng sẽ đem diễn, lấy ở một sự tích về trào Gia Long. Có lẽ là có những "chúa tàu Long, chúa tàu Phụng" cho nên phải dùng đến các cô cao mũi.

Việc là việc rặt cả đàn bà hết, thế mà ông Diệp Văn Kỳ được xen lo vào, cho nên nện cho ông hai chữ "lạm dự" cũng không oan. Mà lạm dự cái gì kia chớ lạm dự cái nầy sướng hòng chết; ai sao chẳng biết, chớ Thông Reo, nếu nó được dự vào như ông Diệp thì họ có la "lạm" mấy cũng thây kệ mà.

Tuồng của ông Diệp Văn Kỳ đặt. Rồi hát cũng ông Diệp Văn Kỳ giúp. Thật, trong đám nầy, ông Diệp không làm được bầu gánh, chớ cũng đã có duyên lắm mới làm được chú nhưng!(*)

Có biết hát để giúp vào việc gì không? Nghe đâu như là hát để cổ động cho "Hội trừ bịnh lao", luôn thể để bán ngữ "bùa trừ lao", thứ bùa mà tôi đem sánh với bằng bữa trước.

Thế nào rồi bữa đó, trước khi hát hoặc sau khi hát, ông Diệp Văn Kỳ cũng sẽ diễn thuyết cho chúng ta nghe. Ông ta thánh về hai cái nghề đặt tuồng và diễn thuyết; mà đã chụp được cái nọ, lẽ ông cũng vớ luôn cái kia. Tiền vô cửa đêm hát đó không mấy, chỉ có ba đồng bạc, mà còn được ăn uống nữa!

THÔNG REO

Trung lập, Sài Gòn, s. 6633 (8. 1. 1932)


 

(*) nhưng: người dàn dựng vở diễn, gần như vai trò đạo diễn (metteur en scène) ngày nay; song chính Diệp Văn Kỳ (Tại sao trong điệu cải lương lại có nhiều khuyết điểm như thế? // Phụ nữ tân văn, s. 259, ngày 20/9/1934) lại cho rằng vai trò người "nhưng" đó chỉ là rédacteur, tức là người biên tập, chỉ tập hợp, gắn nối các sáng tạo riêng thành vở diễn chung; chưa có vai trò quyết định đến phong cách vở diễn như vai trò người đạo diễn sau này.

                                                           

 

 

 

© Copyright Lại Nguyên Ân